Đánh giá tính thích nghi, năng suất, phẩm chất hạt và tình hình sâu bệnh hại trên các giống/dòng ca cao trên địa bàn tỉnh Bến Tre

• Tổ chức chủ trì nhiệm vụ:

- Trường Đại học Cần Thơ.

- Địa chỉ: Đường 3/2, quận Ninh kiều, TP Cần Thơ.

- Điện thoại: 07103850837.

 
• Kinh phí thực hiện:
 
• Họ tên chủ nhiệm nhiệm vụ và người tham gia chính:
Chủ nhiệm nhiệm vụ

- Ông Trần Văn Hâu.

- Học hàm, học vị: Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ.

- Chức vụ: Giảng viên chính.

- Chức danh khoa học: Phó Giáo sư.

- Điện thoại: 0918240259

- Email: tvhau@ctu.edu.vn

Người tham gia

- PGS.TS. Trần Văn Hâu - Khoa NN và SHƯD, Đại học Cần Thơ - Chủ nhiệm đề tài.
- KS. Nguyễn Thành Luân - Khoa NN và SHƯD, Đại học Cần Thơ.
- KS. Nguyễn Đức Mạnh - Khoa NN và SHƯD, Đại học Cần Thơ.
- ThS. Lê Thị Thanh Thủy - Khoa NN và SHƯD, Đại học Cần Thơ.
- KS. Phan Văn Khổng - Trung tâm KN tỉnh Bến Tre.
- KS. Nguyễn Văn Lưu - Trạm KN huyện Châu Thành, Bến Tre.
- KS. Trần Thị Vân - Trạm KN huyện Giồng Trôm, Bến Tre.
- KS Mai Hữu Chi

 
• Mục tiêu nội dung chính và kết quả của nhiệm vụ:

Mục tiêu của nhiệm vụ:
- Tuyển chọn được 3-5 giống/dòng ca cao có tính thích nghi tốt, năng suất cao, phẩm chất hạt tốt, đáp ứng nhu cầu sản xuất ca cao trong tỉnh;
- Nắm được tình hình sâu bệnh hại chủ yếu trên cây ca cao của tỉnh và từ đó nghiên cứu tìm giải pháp kỹ thuật phòng trị, bảo vệ sức khỏe cây ca cao theo hướng an toàn và bền vững;
- Xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác cho các giống/dòng ca cao chủ lực đang trồng đại trà trong tỉnh và tập huấn chuyển giao cho cán bộ và nông dân. Đề tài được thực hiện từ tháng 5/2013 đến 4/2015. Phỏng vấn cán bộ kỹ thuật (CBKT) và điều tra các mô hình trồng ca cao ở tất cả các huyện trong tỉnh. Các mô hình (MH) ca cao được xây dựng ở các vùng lợ ở huyện Giồng Trôm và Mỏ Cày Nam, vùng ngọt tại huyện Châu Thành. Các chỉ tiêu về trái, và phẩm chất trái nhưpH, ẩm độ, hàm lượng chất béo của hạt phân tích tại phòng thí nghiệm của Bộ môn Khoa học cây trồng, Khoa Nông nghiệp & Sinh học ứng dụng, Trường đại học Cần Thơ; đánh giá cảm quan hạt ca cao thực hiện tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Bến Tre.

Nội dung chính của nhiệm vụ:
- Thu thập thông tin thứ cấp và điều tra tình hình sản xuất và kỹ thuật trồng ca cao ở Bến Tre;
- Khảo sát, theo dõi và đánh giá tính thích nghi, năng suất, phẩm chất và tình hình sâu bệnh của các giống/dòng ca cao trên địa bàn tỉnh Bến Tre;
- Xây dựng mô hình trồng ca cao đạt năng suất cao và chất lượng tốt, quản lý sâu bệnh theo hướng an toàn, bền vững. Tổng cộng có bốn mô hình ca cao trồng xen trong vườn dừa ở các huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam và Châu Thành (2 MH) và 2 MH trồng xen trong vườn cây ăn trái ở huyện Châu Thành.
- Tập huấn kỹ thuật trồng ca cao cho CBKT, nông dân (ND) và cán bộ quản lý các câu lạc bộ (CLB) trồng ca cao; hội thảo mô hình sản xuất và hội thảo khoa học về quy trình canh tác ca cao trồng xen trong vườn dừa và cây ăn trái. Số liệu điều tra được tính các giá trị trung bình, độ lệch chuẩn. Phân tích phương sai (ANOVA) để phát hiện sự khác biệt giữa các giống, so sánh các giá trị trung bình bằng phép kiểm định LSD ở mức ý nghĩa 5%. Tính thích nghi và sự ổn định của các giống được phân tích bằng mô hình AMMI.

• Kết quả thực hiện:
- Có 92,7% cán bộ ở các huyện cho rằng mô hình ca cao trồng xen trong vườn dừa là mô hình canh tác thích hợp nhất để tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. Nhà vườn trồng ca cao ở tỉnh Bến Tre chủ yếu sử dụng các giống ca cao của trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh đã được công nhận, tổng cộng 11 giống, trong đó giống TD3, TD5 có tỷ lệ cao nhất vì cho năng suất cao và thích nghi hầu hết các địa phương. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của giống ca cao TD5 là bị nhiễm bệnh thối trái rất nặng. Các giống TD3, TD8, TD10 và TD11 là những giống tốt có năng suất cao, phẩm chất hạt tốt, ít nghiễm sâu bệnh và thích nghi các vùng sinh thái khác nhau, đồng thời được nhiều người dân lựa chọn. Cây ca cao được phát triển mạnh ở huyện Châu Thành, Giồng Trôm lâu nhất là 11 năm, trong khi huyện Thạnh Phú ca cao mới phát triển trong 5 năm gần đây. Mô hình trồng ca cao ở Bến Tre chủ yếu là ca cao xen trong vườn dừa, chỉ có 23,3% nông dân ở huyện Châu thành trồng xen trong vườn cây ăn trái. Đa số người dân trồng ca cao bằng cách đào hố (72,4%) so với trồng mô (25,7%). Người dân thường bồi liếp 1-2 năm/lần với độ dày lớp bùn trung bình là 3,8±1,6 cm. Có 70,5% hộ nông dân thường xuyên tỉa cành quanh năm, 29,5% hộ chỉ tỉa cành vào đầu mùa mưa. Lượng phân bón cho cây ca cao của người dân ở tất cả các huyện còn thấp so với các khuyến cáo kể cả giai đoạn cây chưa mang trái và cây đang mang trái. Năng suất ca cao còn rất thấp, trung bình là 4,1±3,1 (tấn trái/ha/năm). Sâu bệnh hại trên ca cao ở tất cả các huyện chủ yếu là Bọ xít muỗi từ 16,7% (Mỏ Cày Nam) đến 34,7% (Châu Thành) và bệnh thối trái 6,4% (Bình Đại) đến 17,1% (Châu Thành). Có 37,5% hộ phòng trừ bọ xít muỗi bằng cách nuôi kiến vàng. Có 51,4% số hộ không phòng trị bọ xít muỗi và 73,5% không phòng trị bệnh thối trái.
- Khảo sát các giống TD3, TD8, TD10 và TD11 ở ba vùng sinh thái khác nhau ở huyện Châu Thành, Giồng Trôm và Mỏ Cày Nam tỉnh Bến Tre cho thấy giống TD8 là giống có triển vọng nhất vì hạt có kích thước và trọng lượng rất lớn (100 hạt ~ 150 g), hàm lượng chất béo cao (>50%), số hạt trên trái nhiều (>35 hạt/trái), năng suất hạt/cây cao (>5 kg/cây/năm). Giống TD11 có trọng lượng trái lớn nhất (465,9 g), số hạt trên trái cao nhất (40,8 hạt/trái), tỷ lệ hạt lép trên trái thấp nhất (2,14%), số trái trên cây cao (253 trái/ cây), trọng lượng hạt khô cao nhất (11,7 kg). Cây sinh trưởng mạnh, ít bị bọ xít muỗi và thối trái. Giống TD3 tuy có một số chỉ tiêu không tốt như giống TD8 và TD11 như trọng 100 hạt hơi nhỏ hơn nhưng đây là giống có nhiều tiềm năng vì giống có khả năng thích nghi tốt và năng suất ổn định ở các vùng sinh thái khác nhau, tỷ lệ hạt lép thấp (2,36%), hạt có độ dày cao nhất (9,9 mm), ít bị nhiễm sâu, bệnh hại nhất, có khả năng thích nghi rộng. Cây sinh trưởng tốt. Giống TD10 có đặc tính sinh trưởng mạnh, trọng lượng 100 hạt lớn, số trái/cây khá cao, ít nhiễm bọ xít muỗi và bệnh thối trái nhưng các chỉ tiêu đánh giá về năng suất thì thấp hơn so với các giống còn lại trong cùng điều kiện khảo sát.
- Áp dụng một số kỹ thuật như tỉa cành, bón phân quản lý tổng hợp dịch hại trong mô hình dự án trồng ca cao TD3, TD10 và TD11 trồng xen trong vườn dừa ở các huyện Châu Thành, Giồng Trôm và Mỏ Cày Nam đều có hiệu quả làm tăng năng suất trái/cây dẫn đến tăng năng suất trái/ha từ 1,2-1,4 lần, hiệu quả đồng vốn cũng tăng tương tự. Mô hình ca cao trồng xen trong vườn cây ăn trái ở huyện Châu Thành có năng suất cao hơn mô hình trồng xen trong vườn dừa. Mô hình áp dụng kỹ thuật làm tăng năng suất trung bình 1,2 lần nhưng hiệu quả đồng vốn tăng 2,4 lần.
- Đã tổ chức được một lớp tập huấn kỹ thuật trồng ca cao trong hai ngày với sự tham dự của 40 CBKT, khuyến nông (KN) và CB quản lý các câu lạc bộ. Tổ chức ba hội thảo đầu bờ mô hình trồng ca cao xen canh trong vườn dừa ở Châu Thành, Giồng Trôm và Mỏ Cày Nam với sự tham dự của 300 CBKT, KN và nông dân ở địa phương. Tổ chức hội nghị khoa học về quy trình canh tác ca cao với sự tham dự của 95 đại biểu là cán bộ KN của tỉnh, huyện, chi cục bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, trạm BVTV các huyện, các nông dân tiên tiến, nhà sản xuất cây giống và các hộ tham gia xây dựng mô hình. Đã xây dựng quy trình canh tác ca cao cho vùng ngọt và lợ ở tỉnh Bến Tre. Có thể phát triển các giống TD3, TD8, TD11 và TD10 ở các vùng sinh thái của tỉnh Bến Tre. Áp dụng một số kỹ thuật tỉa cành, bón phân cân đối theo các giai đoạn phát triển trái để cải thiện năng suất, áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp để quản lý dịch hại trên ca cao, chủ yếu là bọ xít muỗi và bệnh thối trái. Cần chú ý hệ thống tưới nước và ngăn mặn trong mùa khô để giảm ảnh hưởng đến năng suất dừa và ca cao. Có thể áp dụng quy trình canh tác ca cao như đề xuất.

 
• Thời gian thực hiện:
 
• Mã số kho: