Những doanh nghiệp điển hình trong phong trào ứng dụng khoa học và công nghệ

Ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất để đạt năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu đối với các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp. Trong 2 năm 2008-2010, có 13 cơ sở, doanh nghiệp đăng ký tuyên dương điển hình trong việc áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất. Qua xét duyệt, có 9 đơn vị được hội đồng công nhận.

 
image                                         Máy gõ tròn gáy sách bìa cứng của Công ty Cổ phần In Bến Tre.

Hợp tác xã Thủy sản Rạng Đông, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại là đơn vị điển hình với mô hình “Áp dụng quy trình đồng quản lý” nguồn lợi nghêu, sò… Hợp tác xã hiện quản lý 1.200 ha đất bãi biển, trong đó, diện tích có nghêu, sò, hến chiếm khoảng 864 ha. Với phương châm hoạt động: “Khai thác gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên thủy sản hiện có”, trong suốt 13 năm qua, hoạt động của HTX ngày càng phát triển, doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong nhiệm kỳ 2005-2009, doanh thu đạt trên 200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt trên 133 tỷ đồng. HTX đã thực hiện nghĩa vụ thuế và nộp ngân sách nhà nước gần 25 tỷ đồng. Hộ xã viên được hưởng từ phân phối lợi nhuận ăn chia thu nhập bình quân 10 triệu đồng/hộ/năm, bình quân, mỗi nhân khẩu có thu nhập 2 triệu 400 ngàn đồng/năm. Để đạt được những kết quả này, HTX luôn quan tâm đến vấn đề quản lý và khai thác hiệu quả, xem mô hình đồng quản lý là một trong những yếu tố quan trọng nhất.

Trong 5 năm từ 2005-2009, HTX thủy sản Rạng Đông đã hỗ trợ chính sách xã hội với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng; Xây dựng các công trình phúc lợi công cộng trên 6 tỷ đồng. Với những thành quả trên, HTX Thủy sản Rạng Đông đã được Thủ tướng chính phủ tặng 02 cờ thi đua, nhiều bằng khen của Tổng cục thuế, Bộ Tài chính, Liên minh HTX Việt Nam, UBND tỉnh Bến Tre, Liên minh HTX Bến Tre…

Một doanh nghiệp khác cũng hoạt động trên lĩnh vực thủy sản là Công ty TNHH đầu tư thủy sản Huy Thuận.

Để góp phần đưa nghề nuôi tôm biển hướng tới mục tiêu ổn định, an toàn và bền vững, công ty đã mạnh dạn đầu tư trại sản xuất tôm sú giống có qui mô lớn tại Bến Tre, với tổng kinh phí lên đến 7 tỷ đồng. Bằng việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn và quyết tâm tìm tòi học hỏi, Công ty Huy Thuận đã sản xuất hàng loạt mẻ tôm giống có tỷ lệ chuyển Post cao. Đó là một minh chứng đầy thuyết phục về khả năng sản xuất thành công tôm sú giống trên vùng đất Bến Tre. Năm 2008, công ty đã nghiên cứu và ứng dụng thành công qui trình sản xuất tôm sú giống bằng công nghệ mới. Qui trình này chỉ sử dụng tôm mẹ đã giao vĩ ngoài môi trường tự nhiên, không sử dụng tôm đực và chỉ cho đẻ tối đa được 3 lần. Mỗi con tôm mẹ nuôi riêng và đẻ riêng ở một bể nhằm tránh lây lan mầm bệnh và sự lẫn lộn giữa các đàn tôm. Quá trình nuôi vỗ tôm mẹ, cho đẻ và ương dưỡng từ Nau lên Post đều thực hiện theo qui trình vi sinh khép kín.

          Hiệu quả từ việc ứng dụng công nghệ mới đã tạo ra đàn tôm giống khỏe mạnh, chất lượng cao, giúp người nuôi an tâm sản xuất. Bên cạnh đó, công ty còn đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm để xét nghiệm bệnh MBV toàn bộ các mẻ tôm trước khi xuất bán cho người nuôi. Kết quả kiểm tra, xét nghiệm của ngành chức năng cho thấy, tất cả các bể tôm giống trong các năm qua đều âm tính đối với bệnh đốm trắng và bệnh MBV. Năm 2010, Công ty TNHH đầu tư thủy sản Huy Thuận tiếp tục đầu tư phát triển khu B Trung tâm sản xuất tôm giống tại xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, nâng qui mô Trung tâm sản xuất tôm giống của Huy Thuận lên 15 trại ươm giống và 1 trại tôm bố mẹ với tổng công suất hơn 1 tỷ Post/năm. Bằng sự nỗ lực không ngừng, Công ty TNHH đầu tư thủy sản Huy Thuận đã góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội ở Bến Tre. Đặc biệt, là hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển heo hướng ổn định, hiệu quả, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm.

          Trên lĩnh vực công nghiệp, Công ty trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Tiến là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác “tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn”. Công ty chuyên sản xuất kẹo dừa xuất khẩu. Hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của công ty ngày càng phát triển với sản lượng hàng năm đạt 1.500 tấn, sản phẩm được xuất sang thị trường các nước Trung Quốc, Đài Loan, Hồng kông, Nhật Bản, và Mỹ…

Năm 2010, công ty TNHH Vĩnh Tiến đã tham gia dự án sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng. Công ty đã thực hiện 18 giải pháp nhỏ, làm lợi và tiết kiệm nhiên liệu chất đốt 50 triệu đồng/năm. Thực hiện 4 giải pháp lớn về thay đổi thiết bị công nghệ ép dừa, công nghệ rửa cơm dừa, hệ thống cô đặc và hệ thống phối trộn cấp nhiệt bằng hơi, đồng thời trang bị hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ mới, giúp tiết kiệm cho công ty hơn 100 triệu đồng/năm.

Từ những nỗ lực cải tiến công nghệ, đổi mới thiết bị trong sản xuất, liên tục trong 3 năm từ 2008-2010, công ty TNHH Vĩnh Tiến đã được hội đồng an toàn thực phẩm Việt Nam tặng giải vàng chất lượng an toàn thực phẩm; Giấy chứng nhận thương hiệu vàng; Chứng nhận sản phẩm chất lượng vì sức khỏe cộng đồng do Cục vệ sinh an toàn thực phẩm, thuộc Bộ Y tế cấp năm 2008; Cúp vàng sản phẩm và dịch vụ xuất sắc năm 2009 và cúp Thánh Gióng cho 100 doanh nghiệp tiêu biểu nhất Việt Nam năm 2010.

Là doanh nghiệp có bề dày truyền thống trong ngành in với hơn 35 năm hoạt động, Công ty Cổ phần in Bến Tre đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Công nghệ và máy móc thiết bị liên tục được đổi mới và hiện đại. Trên 90% công đoạn sản xuất được đều được cơ giới hóa, công suất đạt 2,5 tỉ trang in/năm, sản lượng đầu sách in gia công từ 6.000 đến 10.000 cuốn/ngày, bình quân đạt 250.000 quyển sách/tháng. Cơ cấu mặt hàng đa dạng và nhiều chủng loại. Tốc độ sản xuất theo quy trình công nghệ mới đạt năng suất cao và chất lượng kỹ thuật hoàn hảo có thể cạnh tranh với các sản phẩm in ở khu vực ĐBSCL và TP.HCM. Trong 2 năm từ 2008 đến 2009, Công ty có doanh thu bình quân 28 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận khoảng 4 tỷ đồng/năm. Nộp ngân sách 1 tỷ 530 triệu đồng/năm.

          Trong các sản phẩm in của Cty thì mặt hàng sách có số lượng và doanh số cao chiếm tỷ lệ 60%. Khi hợp đồng in sách bìa cứng có độ dày trên 300 trang, khách hàng thường yêu cầu gáy sách phải bo tròn để tăng tính thẩm mỹ. Với loại hình này, các công nhân phải dùng tay cầm một thanh sắt gỏ liên tục vào gáy sách cho đến khi sách gáy tròn nên mất rất nhiều công sức và thời gian năng suất thấp, ảnh hưởng tiến độ giao hàng bị chậm. Thấy được điều đó, anh Trần Trung Danh, quản đốc phân xưởng số 1 đã nghiên cứu và đề xuất sáng kiến chế tạo máy gỏ tròn gáy sách bìa cứng và ứng dụng thành công. Thiết kế máy chủ yếu dựa trên ý tưởng sử dụng lực đẩy tay dên trong động cơ máy nỗ kết hợp phương pháp rung đầm của máy đầm nền trong xây dựng và kết cấu lấy cở chiều dầy của sách theo máy cấn bìa. Máy được chế tạo bằng khung sắt, động cơ vận hành công suất: ½ mã lực, trọng lượng toàn bộ máy 300 kg. Thao tác vận hành máy nhanh gọn, phù hợp với công nhân có trình độ trung bình. Năng suất cao gấp 7-10 lần so với làm bằng tay. Máy sử dụng được nhiều loại sách có độ dày khác nhau từ 300 – 2000 trang. Chất lượng sản phẩm đạt tốt, giá thành không cao, tăng tính thẩm mỹ cho sách làm hài lòng khách hàng.

          Thời gian qua, một số nhà in ở khu vực phía Nam đã đến tham quan và đánh giá cao thiết kế chết tạo máy gỏ tròn gáy sách của Cty CP In Bến Tre.
 
Cũng trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Thanh Bình với ngành nghề sản xuất và kinh doanh, xuất khẩu chủ yếu là hàng thủ công mỹ nghệ từ chỉ xơ dừa và lục bình. Với phương châm hoạt động: “ Uy tín và chất lượng”, sản phẩm của công ty làm ra luôn được khách hàng tin tưởng, đặc biệt là khách hàng của các quốc gia Châu á như Hàn Quốc, Nhật Bản và một số quốc gia Châu Âu. Từ đó, doanh thu và lợi nhuận của công ty hàng năm đều đạt cao. Trong quá trình sản xuất và phát triển, công ty luôn đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Năm 2008, công ty đã nghiên cứu thành công và đưa vào sản xuất Máy sản xuất chỉ xơ dừa suôn.

          Máy sản xuất chỉ xơ dừa suôn được chế tạo dựa trên kinh nghiệm từ việc sản xuất chỉ dài ở quy mô hộ gia đình và được áp dụng dựa trên nguyên lý của thiết bị ở một số nước có ngành chế biến dừa, kết hợp với cải tiến và nội địa hóa của ngành cơ khí địa phương. Quy trình vận hành của máy không quá phức tạp. Vỏ dừa sau khi qua công đoạn ngâm nước được đưa vào hệ thống máy cán để sản xuất ra chỉ suôn. Tại đây, máy sản xuất ra một lượng chỉ suôn, số còn lại là chỉ ngắn. Chỉ suôn được phơi và trở thành thành phẩm. Riêng số chỉ ngắn được tiếp tục sàng và cho ra 2 sản phẩm chỉ rối và mụn xơ dừa. Chỉ xơ dừa suôn là sản phẩm với sợi chỉ dài, tương đối đồng đều, bền và chắc hơn so với sợi chỉ thường. Chỉ xơ dừa suôn có thể dùng để sản xuất ra những mặt hàng chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, được các nước ưa chuộng. Với công nghệ mới này, Công ty TNHH Thanh Bình từng bước cơ khí hóa việc sản xuất chỉ dài, thay thế lao động thủ công, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

          Trên lĩnh vực công nghệ thông tin, Viễn thông Bến Tre được đánh giá cao từ công tác ứng dụng công nghệ thông tin VNPT School. Hệ thống được Viễn thông Bến Tre tiếp nhận từ Tập đoàn bưu chính Viễn thông Việt Nam và triển khai vào năm 2009. Tính đến tháng 12 năm 2010, Hệ thống thông tin quản lý giáo dục VNPT School đã triển khai đến 337 trường trên phạm vi toàn tỉnh ở cả 3 cấp Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Trong đó, có hơn 12.840 giáo viên sử dụng chương trình VNPT School và quản lý hơn 184.000 học sinh. Từ khi triển khai thực hiện đến nay, VNPT School đã phát huy được hiệu quả như giúp giáo viên tiết kiệm được thời gian và tăng độ chính xác trong quá trình quản lý kết quả học tập, chuyên cần của học sinh. Giáo viên có thể dễ dàng thực hiện các công việc liên quan tại nhà, hay nhà trường do không bị giới hạn về vị trí kết nối. Khi sử dụng VNPT School, phụ huynh có nhiều tiện ích như dễ dàng quản lý và kiểm soát tình hình học tập của con em bất cứ lúc nào mà không cần liên lạc với nhà trường. Ngược lại, với học sinh, VNPT School cũng mang lại nhiều lợi ích trong học tập.

Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, VNPT School đã nhận được sự quan tâm và hoan nghênh của của các bậc phụ huynh, nhà trường. Tuy không có chỉ tiêu, tiêu chuẩn cụ thể đánh giá cho Hệ thống, nhưng với những gì thể hiện trong gần 3 năm qua đã nói lên được phần nào chất lượng của Hệ thống thông tin quản lý giáo dục VNPT School trên đại bàn tỉnh Bến Tre.

Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, thuộc sở KH&CN Bến Tre được thành lập năm 2004 là đơn vị sự nghiệp khoa học có thu. Trung tâm hoạt động với chức năng lựa chọn, tổ chức ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống. Với phương châm: “ Tự lưc-sáng tạo; Năng động-tiến công; Hợp tác-liên kết; Trọng tâm-trọng điểm”, trong những năm qua, đặc biệt từ năm 2008 đến nay, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN đã hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng hiệu quả. Doanh thu luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Một trong những hoạt động nổi bật của Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN trong 2 năm 2008 – 2010 là công tác ứng dụng KH&CN với sản phẩm “ứng dụng và phát triển quy trình kiểm soát chất lượng ca cao lên men”. Công nghệ này được tổ chức ACDIVOCA (Ăc-đi-vô-ka) tài trợ theo dự án ca cao Sussess Alliance vào năm 2005.

Điểm nhấn của quy trình này là đánh giá bột nhão ca cao bằng cảm quan.  Hạt ca cao trở thành bột nhão sau các công đoạn rang ở nhiệt độ 145 độ C, xay, tách vỏ, hạt và nghiền. Từ bột nhão này, Hội đồng đánh giá bằng cảm quan sẽ tiến hành nếm và đánh giá chất lượng hạt ca cao. Quy trình này tưởng chừng đơn giản, nhưng rất quan trọng. Đội ngũ cán bộ, kỹ sư tham gia đánh giá cảm quan đã được tập huấn và đào tạo tại trường Đại học Nông Lâm TP HCM và có nhiều kinh nghiệm trong đánh giá.

Hiện nay, tỉnh ta có trên 89 cơ sở sản xuất hạt ca cao lên men, phương tiện kiểm soát chất lượng của cơ sở chủ yếu bằng kinh nghiệm. Đối với các công ty thu mua hạt ca cao, phương pháp đánh giá chủ yếu bằng việc cắt hạt để quan sát màu sắc và cấu trúc bên trong. Các phương pháp này đều đánh giá không chính xác, bởi vì mùi vị ca cao là rất quan trọng, quyết định chất lượng của ca cao lên men. Trong những năm qua, Trung tâm đã kiểm soát 77 cơ sở ở Bến Tre và 29 cơ sở lên men hạt ca cao ở Tiền Giang. Trong đó, chọn ra 30 cơ sở lớn ở Bến Tre và 10 cơ sở ở Tiền giang mỗi tháng lấy mẫu đánh giá 1 lần. Các cơ sở còn lại lấy mẫu 2 tháng/ lần. Từ công tác đánh giá cảm quan sẽ là tiêu chuẩn cho các cơ sở sơ chế lên men hạt ca cao.

Nguyễn Cao

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Hội nghị triển khai, quán triệt và tuyên truyền Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024
• Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức họp mặt ngày 8/3 năm 2024
• Sở Khoa học và Công nghệ thăm và tặng quà bà mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Mẫn
• Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức vui Tết Trung thu cho các em thiếu nhi năm 2023
• Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre tích cực tham gia hội thi hát quốc ca, công đoàn ca
• Thăm hỏi các gia đình chính sách nhân Ngày Thương binh-Liệt sỹ 27/7 năm 2023
• Họp mặt kỷ niệm tháng hành động vì trẻ em, ngày quốc tế thiếu nhi 1/6 và ngày gia đình Việt Nam 28/6
• Đại hội công đoàn cơ sở Sở Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2023-2028
• Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2020-2025
• Hội nghị triển khai, quán triệt và tuyên truyền Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023
• Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức họp mặt ngày 8/3
• Hội nghị tổng kết Đảng bộ năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 Sở Khoa học và Công nghệ
• Đại hội Đảng viên nhiệm kỳ 2022-2025 chi bộ Tổng hợp
• Đại hội chi bộ Chuyên ngành nhiệm kỳ 2022-2025
• Đại hội chi bộ Trung tâm Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2022-2025