Kaizen lợi ích và yếu tố quyết định sự thành công của hoạt động Kaizen

1. Khái niệm Kaizen

Kaizen là một thuật ngữ của người Nhật, nghĩa là liên tục (“kai”) cải tiến (“zen”). Trong tiếng Trung Quốc, Kaizen được phát âm là Gansai, được hiểu là hành động liên tục cải tiến (“gan”) và là hành động mang lại lợi ích cho xã hội hơn là cho lợi ích cá nhân (“sai”). Chiến lược Kaizen kêu gọi nỗ lực cải tiến liên tục không ngừng đối với mọi cá nhân trong tổ chức, không phân biệt là nhà quản lý hay công nhân trong tổ chức đó.

Vậy kaizen là hoạt động cải tiến liên tục với sự tham gia của mọi người nhằm cải thiện không ngừng môi trường làm việc, cuộc sống mỗi cá nhân, mỗi gia đình.

Khi áp dụng ở nơi làm việc, Kaizen nghĩa là cải tiến liên tục và nó đòi hỏi sự cam kết và nỗ lực liên tục của mọi người, các cán bộ quản lý cũng như mỗi cán bộ công nhân viên.

Kaizen là những cải tiến nhỏ thực hiện từng bước trong một thời gian dài. Thực tế, các công ty Nhật thường chú trọng thực hiện Kaizen hoặc chương trình có sự tham gia của nhân viên vì các chương  trình này nằm trong tầm kiểm soát của các cán bộ quản lý. Kaizen ít tốn kém hơn là đầu tư  mới, nó nâng cao chất lượng công việc, nó ghi nhận sự tham gia của nhà quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và giảm chi phí hoạt động. 

Các khái niệm Kaizen cơ bản

Để thực hiện Kaizen, ban lãnh đạo cần nắm bắt và vận dụng các khái niệm cơ bản như Kaizen và quản lý; quá trình và kết quả quá trình; chu trình PDCA; chất lượng là hàng đầu, quyết định dựa trên sự kiện; quá trình tiếp theo là khách hàng.

2. Các bước thực hiện Kaizen tại nơi làm việc: Các bước thực hiện Kaizen được tiêu chuẩn hoá như sau:

Bước 1: Lựa chọn chủ đề

Bước 2: Tìm hiểu tình trạng hiện tại và xác định mục tiêu

Bước 3: Phân tích dữ kiệu đã thu thập để xác định nguyên nhân gốc rễ.

Bước 4: Xác định biện pháp thực hiện dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu.

Bước 5: Thực hiện biện pháp

Bước 6: Xác nhận kết quả thực hiện biện pháp

Bước 7: Xây dựng hoặc sửa đổi các tiêu chuẩn để phòng ngừa tái diễn.

Bước 8: Xem xét các quá trình trên và xác định dự án tiếp theo.

Các bước thực hiện Kaizen tuân thủ theo vòng PDCA, từ bước 1 đến bước 4 là P (kế hoạch), bước 5 là D (thực hiện), bước 6 là C (kiểm tra) và bước 7, 8 là A (hành động khắc phục hoặc cải tiến). Các bước thực hiện Kaizen giúp chúng ta giải quyết vấn đề dựa trên việc phân tích dữ liệu.

Đặc điểm của Kaizen là quá trình cải tiến liên tục nơi làm việc; tập trung nâng cao năng suất và thoả mãn yêu cầu khách hàng thông qua giảm lãng phí; triển khai dựa trên sự tham gia nhiệt tình của mọi thành viên với sự cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo; đặc biệt nhấn mạnh hoạt động nhóm; thu thập và phân tích dữ liệu là công cụ hữu hiệu.

3. Các yếu tố quyết định sự thành công của hoạt động KAIZEN:

- Cam kết của lãnh đạo cao nhất

- Vai trò của cán bộ quản lý và lãnh đạo nhóm

- Nỗ lực tham gia của mọi người

Những nguyên tắc quản lý hiện đại của Kaizen hiện nay đang được ứng dụng rộng rãi ở phương Tây. Kaizen đặc biệt coi trọng vai trò của nhà lãnh đạo phải tập trung hướng tới những khuynh hướng mới trong một công ty như: xu hướng làm việc theo nhóm, tập thể coi trọng hơn là cá nhân; xu hướng quản lý theo mạng lưới, hơn là cơ cấu quản lý theo mệnh lệnh, cấp bậc; xu hướng đầu tư vào chất xám và đào tạo nhân viên, được coi trọng hơn là vốn; xu hướng khuyến khích sự linh hoạt và liên tục cải tiến.

Quản lý có hai thành phần chính là duy trì và cải tiến. Cụ thể, nhà quản lý cần duy trì các chuẩn mực hiện tại về công nghệ, điều hành sản xuất và các hoạt động quản lý khác; và cần liên tục cải tiến các chuẩn mực hiện tại đó để đạt năng suất lao động cao hơn, hiệu quả kinh doanh lớn hơn.
Để đạt được chức năng duy trì , nhà quản lý trước hết phải thiết lập được các chính sách, quy định, định hướng và các quy trình quản lý chuẩn mực. Sau đó nhà quản lý phải có nhiệm vụ đảm bảo tất cả mọi người tuân thủ các quy trình chuẩn mực đó thông qua các biện pháp đo lường thường xuyên việc thực hiện các quy định và đo lường các chỉ số phát triển nguồn nhân lực.

Để đạt được chức năng cải tiến, nhà quản lý phải nỗ lực liên tục đánh giá lại các chuẩn mực hiện tại, nếu các quy định mà có vấn đề thì thiết lập các chuẩn mực cao hơn. Cải tiến được chia thành đổi mới và Kaizen. Đổi mới đòi hỏi nhà quản lý phải cải tiến mạnh mẽ và kiên quyết quá trình sản xuất kinh doanh hiện tại và cần phải có những khoản đầu tư lớn để thực hiện đổi mới, trong khi đó Kaizen chỉ cần những hành động cải tiến nhỏ tất cả nhân viên nỗ lực phối hợp thực hiện.

Các công cụ của Kaizen bao gồm các hệ thống chỉ dẫn (Suggestion Systems); các chu kỳ kiểm soát chất lượng (Quality Control Circles); quản lý định hướng quá trình (Proccess Oriented Management); quản lý hữu hình (Visible Management); quản lý chéo các chức năng (Cross-functional Management); quản lý JIT (Just-in-time Management); chu kỳ PDCA (The PDCA Circle);…

Hệ thống chỉ dẫn là một bộ phận cấu thành trong hệ thống quản lý được thiết lập nhằm hướng dẫn tất cả mọi nhân viên thực hiện trong nguyên tắc Kaizen. Số lượng các chỉ dẫn cho nhân viên (worker) được xem như là một tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng công việc của người giám sát (supervisor) và cấp quản lý các giám sát viên (manager).

Các chu kỳ kiểm soát chất lượng (Quality Control Circles) được xem như một hệ thống chỉ dẫn định hướng theo nhóm để thực hiện cải tiến. Một chu kỳ kiểm soát chất lượng là một nhóm chức năng hay một bộ phận trong công ty tự nguyện thực hiện các hoạt động kiểm soát chất lượng tại nơi làm việc. Chương trình kiểm soát chất lượng toàn diện (Total Qquality Control) liên quan đến tất cả mọi người và để kiểm soát chất lượng ở tất cả các cấp quản lý trong công ty.

JIT: Đúng thời hạn là một kỹ thuật kiểm soát hàng tồn kho và sản xuất. Đó chính là một phần trong hệ thống sản xuất của TOYOTA. Hệ thống được Taiichi Ohno thiết kế và hoàn thiện tại công ty TOYOTA chủ yếu nhằm giảm thiểu lãng phí khi sản xuất.

4. Lợi ích của việc áp dụng KAIZEN

Tích luỹ các cải tiến nhỏ trở thành kết quả lớn (góp gió thành bão); giảm các lãng phí, tăng năng suất; tạo động lực thúc đẩy cá nhân có các ý tưởng cải tiến; tạo tinh htần làm việc tập thể, đoàn kết; tạo ý thức luôn hướng tới giảm thiểu các lãng phí; xây dựng nền văn hoá công ty.

Khi nhận thức được tầm quan trọng của Kaizen, không phân biệt nhà quản lý hay nhân viên đều có thể bắt đầu từ việc thiết lập hệ thống tư duy mới và xây dựng một môi trường kinh doanh đúng hướng. Mỗi một cá nhân đều luôn tâm niệm những điều dưới đây để xây dựng văn hoá công ty theo chiến lược Kaizen:

- Không để một ngày trôi qua không có một số cải tiến được thực hiện ở đâu đó trong công ty.

- Kaizen áp dụng trong chiến lược định hướng khách hàng, cùng đảm bảo mọi hoạt động quản lý là dẫn tới tăng sự hài lòng cho khách hàng.

- Chất lượng là hàng đầu, chứ không phải là lợi nhuận; một doanh nghiệp sẽ trở nên thịnh vượng khi và chỉ khi khách hàng mua sản phẩm và dịch vụ mà họ hài lòng.

- Thừa nhận rằng mọi công ty đều có điểm sai sót vì vậy cần thiết lập văn hoá công ty để mọi nhân viên tự nhận thức một cách thoải mái những sai sót, sau đó sẵn sàng đưa ra ý kiến cải tiến.

- Giải quyết công việc theo hướng phối hợp và theo hệ thống chức năng chéo.

- Nhấn mạnh vào quá trình và thiết lập phương pháp tư duy định hướng vào cải tiến các quá trình, và thiết lập một hệ thống quản lý ủng hộ và cám ơn nỗ lực đóng góp cải tiến của mọi người.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Ý nghĩa 74 năm ngày đo lường việt nam (20/01/1950-20/01/2024)
• Sự thay đổi khái niệm kilogram và ý nghĩa đối với sự phát triển của khoa học và công nghệ
• Bến Tre đồng hành cùng doanh nghiệp tăng năng suất chất lượng
• Một số qui định về ghi nhãn hàng hóa
• Đề xuất trao tặng “Giải vàng GTCLQG năm 2019” cho Công ty Cổ phần Chế biến Dừa Á Châu
• Kiểm tra, phát hiện 05 cơ sở nước uống đóng chai vi phạm mã số mã vạch
• Hai doanh nghiệp Bến Tre đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2013
• Kiểm tra nhãn và chất lượng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014
• Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sau hơn 1 năm thành lập và đi vào hoạt động
• Công tác kiểm tra hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 trong cơ quan hành chính nhà nước ở Bến Tre
• Thông tin cảnh báo về “Mũ bảo hiểm bơm hơi” chưa được chứng nhận hợp quy, không sử dụng cho người tham gia giao thông trên mô tô xe máy
• Công nghệ mã số mã vạch
• Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre đạt chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 chu kỳ 2
• Tình hình thực hiện áp dụng hệ thống QLCL theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 tại UBND phường 2 - Thị xã Bến Tre
• Vai trò của Đại diện lãnh đạo trong việc điều hành, áp dụng và cải tiến HTQLCL ISO 9001:2000 tại Sở Kế họach và Đầu tư