Giải thưởng hàng đầu về chất lượng cho doanh nghiệp

imageChất lượng là điều kiện sống còn của doanh nghiệp (DN), là mục tiêu phấn đấu để DN hội nhập kinh tế thế giới và không ngừng phát triển. Để khuyến khích các DN nước ta không ngừng phấn đấu cho chất lượng, từ năm 1995, giải thưởng nhà nước về chất lượng đã ra đời và ngày càng phát triển. Giải thưởng Chất lượng Việt Nam (GTCLVN) không chỉ nhằm tôn vinh, khen thưởng các DN có những thành tích xuất sắc về chất lượng, mà còn cung cấp những chuẩn mực cho các DN làm căn cứ để phấn đấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, vươn tới sự hoàn hảo trong sản xuất - kinh doanh.

Sự ra đời và ý nghĩa

Tháng 8.1995, tại Hội nghị Chất lượng Việt Nam lần thứ I được tổ chức ở Hà Nội, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã khởi xướng Phong trào Năng suất - Chất lượng với Thập niên Chất lượng lần thứ I (1995-2005). Tại Hội nghị này, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ - KH&CN) đã thông báo Quyết định số 1352/QĐ-TĐC ngày 8.5.1995 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc thành lập một giải thưởng trong lĩnh vực chất lượng với tên gọi GTCLVN. Giải thưởng được trao tặng hàng năm do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (thuộc Bộ KH&CN) tổ chức và triển khai thực hiện, với mục đích khuyến khích các DN sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hoá có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

GTCLVN được thiết lập và triển khai trên cơ sở chấp nhận mô hình và 7 tiêu chí của GTCL quốc gia của Hoa Kỳ (Malcolm Baldrige Award - MBA), mô hình đã được hơn 90 nước trên thế giới nghiên cứu, học tập khi xây dựng GTCL quốc gia của nước mình. MBA là mô hình hướng tới sự hoàn hảo, được Tổng thống Ronald Reagan ký sắc lệnh thông qua tại Luật số 100-107 ngày 20.8.1987. Sự ra đời của MBA là tuyên bố của nước này trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng về chất lượng, nhằm bảo vệ các DN Hoa Kỳ chống lại áp lực của các đối thủ cạnh tranh, từ đó vượt ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế diễn ra trong thập niên 70, 80 của thế kỷ XX. Đây là GTCL cao quý nhất tại Hoa Kỳ do Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Hoa Kỳ (NIST) tổ chức hàng năm và thường do Tổng thống trao tặng. Các tiêu chí của Giải thưởng là những chuẩn mực về chất lượng cho các DN làm căn cứ để phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, vươn tới những đỉnh cao trong sản xuất - kinh doanh. Tham gia Giải thưởng là cơ hội để các DN nhìn lại mình thông qua con mắt của người tiêu dùng và thị trường. Với tính ưu việt như vậy, Giải thưởng đã trở thành mô hình chung của thế giới. Điều này được khẳng định qua sự hình thành ngày càng tăng các chương trình GTCL quốc gia tương tự trên phạm vi toàn thế giới.

ở Việt Nam, GTCLVN đầu tiên được triển khai thực hiện năm 1996. Từ đó đến nay, Giải thưởng được tổ chức thường niên với sự tham gia tích cực của hàng nghìn DN thuộc hầu hết các ngành và các tỉnh/thành phố trên phạm vi cả nước.

Cách tiếp cận của GTCLVN

GTCLVN được thiết lập dựa trên 7 tiêu chí sau: Vai trò của lãnh đạo DN; hoạch định chiến lược phát triển; định hướng khách hàng và thị trường; thông tin và phân tích hoạt động; phát triển nguồn nhân lực; quản lý các quá trình hoạt động; kết quả hoạt động, kinh doanh. 7 tiêu chí nêu trên được chia thành 2 nhóm:

- Nhóm 1 (Quá trình): Gồm 6 tiêu chí (từ 1 đến 6) với 13 hạng mục nội dung, đưa ra các yêu cầu liên quan đến các mặt hoạt động khác nhau của DN, trong đó đề cập đến cả hai mặt của vấn đề, bắt đầu từ chiến lược, mục tiêu và biện pháp được xác định, cam kết cho đến việc triển khai thực hiện.

- Nhóm 2 (Kết quả): Gồm 6 hạng mục nội dung quy định trong tiêu chí 7, đưa ra các yêu cầu về các kết quả hoạt động cụ thể, trong đó đặc biệt chú trọng đến những kết quả do hoạt động cải tiến và đổi mới mang lại và sự so sánh với các đối thủ cạnh tranh chính.

Theo cách tiếp cận của GTCLVN, các DN muốn vươn tới sự hoàn hảo cần:

 Thiết lập tầm nhìn (định hướng) và nhiệm vụ lâu dài: Lãnh đạo cao nhất của DN phải xác định được tầm nhìn và nhiệm vụ lâu dài một cách rõ ràng, vững chắc để thể hiện được vị thế cần đạt được trong tương lai và trách nhiệm phải thực hiện, từ đó xác định các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn nhất định. Lãnh đạo cao nhất của DN phải thông báo rộng rãi để mọi thành viên biết, đồng thời tạo điều kiện và khích lệ họ cam kết thực hiện.

 Xây dựng các chính sách và chiến lược phù hợp: Thiết lập các mục tiêu chiến lược và kế hoạch hành động sao cho đáp ứng được nhu cầu luôn thay đổi và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường.

Cam kết phấn đấu vươn tới sự tuyệt hảo: Sự cam kết này phải được bắt đầu từ lãnh đạo cao nhất. Sự tuyệt hảo trong hoạt động sản xuất - kinh doanh sẽ đảm bảo cho DN có được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực: Để tạo ra lợi thế cạnh tranh cao nhất, DN cần đầu tư thời gian và kinh phí cho việc giáo dục, đào tạo, phát triển kỹ năng của người lao động.

Phát huy sự chủ động của người lao động trong việc cải tiến và sáng tạo, đồng thời đảm bảo phúc lợi cho họ: Lãnh đạo DN cần coi trọng yếu tố con người. Nếu khai thác, sử dụng tốt nguồn nhân lực sẽ giảm chi phí và nâng cao năng suất lao động; ngoài ra, còn góp phần quan trọng trong việc thiết lập và phát huy văn hoá DN.

Động viên và khích lệ người lao động: Sự thành công của bất kỳ DN nào cũng phụ thuộc vào sự cam kết, tham gia và hưởng ứng của người lao động trong việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Nếu được động viên và khích lệ kịp thời, người lao động sẽ phấn khởi và thực hiện tốt các công việc được giao. Các hình thức khen thưởng, đề bạt là những biện pháp động viên, khích lệ thiết thực và có tác dụng trực tiếp.

Chăm lo khách hàng, dịch vụ khách hàng: Việc đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt đối với khách hàng sẽ góp phần quan trọng trong việc thoả mãn khách hàng, từ đó giữ được khách hàng. Thu thập và xử lý ý kiến phản hồi của khách hàng, thiết lập mối quan hệ tốt với khách hàng, lắng nghe, thậm chí học hỏi khách hàng để đáp ứng nhu cầu của họ một cách tốt hơn, đó là những vấn đề mà DN cần đặc biệt quan tâm.

Quản lý bằng dữ kiện: Đo lường và phân tích hoạt động có ý nghĩa quan trọng đối với việc đánh giá, ra quyết định và xác định các cơ hội cải tiến của DN. Phân tích thông tin, dữ liệu sẽ giúp cho việc quản lý, điều hành đạt hiệu quả cao, đặc biệt trong các lĩnh vực hoạch định, xem xét, đánh giá, cải tiến, thay đổi, cũng như so sánh với các đối thủ cạnh tranh và các chuẩn đối sánh về thực hành tốt nhất.

Chú trọng kết quả hoạt động và tạo giá trị: Kết quả hoạt động của DN phải được sử dụng một cách cân đối và hài hoà giữa các bên liên quan như: Khách hàng, người lao động, người góp vốn, nhà cung ứng, các bên đối tác, cộng đồng xung quanh, xã hội. DN không thể chỉ phát triển tự thân mà còn phải đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.

Thực hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững: Thực hành phát triển bền vững phải là một nội dung trong chính sách phát triển của DN. Chính sách của DN phải được thiết lập sao cho những tác động xấu do hoạt động của DN gây ra đối với cộng đồng xung quanh phải được kiểm soát, giảm thiểu, tiến tới triệt tiêu.

Thay lời kết

Trong thời gian từ 1996 đến 2006, đã có 851 DN Việt Nam được nhận GTCLVN, trong đó có 162 DN được nhận Giải Vàng và 28 DN được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Đặc biệt, từ năm 2000 đến nay, có 15 DN Việt Nam được tặng GTCL quốc tế châu á - Thái Bình Dương - GTCL cao quý do Tổ chức Chất lượng châu á - Thái Bình Dương thiết lập. Qua đó, cho thấy, GTCLVN thực sự là Giải thưởng hàng đầu về chất lượng, là mục tiêu để các DN Việt Nam phấn đấu và hoàn thiện mình, vươn tới sự hoàn hảo trong sản xuất - kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Tạp chí hoạt động khoa học

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Ý nghĩa 74 năm ngày đo lường việt nam (20/01/1950-20/01/2024)
• Sự thay đổi khái niệm kilogram và ý nghĩa đối với sự phát triển của khoa học và công nghệ
• Bến Tre đồng hành cùng doanh nghiệp tăng năng suất chất lượng
• Một số qui định về ghi nhãn hàng hóa
• Đề xuất trao tặng “Giải vàng GTCLQG năm 2019” cho Công ty Cổ phần Chế biến Dừa Á Châu
• Kiểm tra, phát hiện 05 cơ sở nước uống đóng chai vi phạm mã số mã vạch
• Hai doanh nghiệp Bến Tre đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2013
• Kiểm tra nhãn và chất lượng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014
• Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sau hơn 1 năm thành lập và đi vào hoạt động
• Công tác kiểm tra hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 trong cơ quan hành chính nhà nước ở Bến Tre
• Thông tin cảnh báo về “Mũ bảo hiểm bơm hơi” chưa được chứng nhận hợp quy, không sử dụng cho người tham gia giao thông trên mô tô xe máy
• Công nghệ mã số mã vạch
• Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre đạt chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 chu kỳ 2
• Tình hình thực hiện áp dụng hệ thống QLCL theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 tại UBND phường 2 - Thị xã Bến Tre
• Vai trò của Đại diện lãnh đạo trong việc điều hành, áp dụng và cải tiến HTQLCL ISO 9001:2000 tại Sở Kế họach và Đầu tư