Hàng rào kỹ thuật: tại sao không?

imageVề việc phân công nhiệm vụ, các hoạt động 06 tháng cuối năm của Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ. Nhiều người nghĩ rằng, khi trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chúng ta sẽ phải dỡ bỏ tất cả các hàng rào kỹ thuật. Điều đó sẽ được trả lời và lý giải rõ hơn qua bài viết dưới đây.

Có phải khi gia nhập WTO là chúng ta phải xoá bỏ tất cả các hàng rào kỹ thuật? Câu trả lời là không. Bởi vì đơn giản là nếu không có hàng rào kỹ thuật thì nhiều thứ sẽ không được bảo vệ. Ví dụ, chúng ta đã cấm nhập khẩu thịt bò từ những nước xuất hiện bệnh bò điên; các cơ quan kiểm dịch động vật đã tăng cường đến mức tối đa việc kiểm soát gia cầm và trứng gia cầm nhập khẩu để ngăn chặn sự tái bùng phát bệnh cúm gia cầm. Không chỉ ở phạm vi biên giới mà cả trong nội địa, giữa các tỉnh, các khu vực phát hiện các ổ dịch H5N1 hay lở mồm long móng, việc khoanh vùng ngăn chặn sự lây lan là mối quan tâm hàng đầu của các nhà quản lý thú y ở Trung ương và địa phương. Những biện pháp kỹ thuật hay hàng rào kỹ thuật kiểu như vậy WTO không cấm mà còn đưa ra các điều khoản để duy trì. Những điều khoản này được trình bày trong hiệp định của WTO với tên gọi là Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh động vật và vệ sinh thực vật (The Agreement on the Application of Sanitary and Phytosanitary Measures - Hiệp định SPS). Hiệp định SPS điều chỉnh đối với một lĩnh vực mang tính sống còn của mỗi quốc gia, đó là an toàn, sức khoẻ của con người cũng như của vật nuôi, cây trồng - nguồn thực phẩm hàng ngày của con người.

Không chỉ trong lĩnh vực thực phẩm nói trên chúng ta được phép xây dựng các hàng rào kỹ thuật cần thiết để bảo vệ sức khoẻ của con người, bảo vệ môi trường xung quanh, mà trong nhiều lĩnh vực khác chúng ta cũng có quyền xây dựng các hàng rào để đảm bảo an toàn, sức khoẻ của người tiêu dùng, chống gian lận thương mại (hàng giả, hàng nhái...), an ninh quốc gia cũng như bảo vệ môi trường sinh thái. Hiệp định của WTO điều chỉnh đối với các vấn đề đó là Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (The Agreement on Technical Barriers to Trade - Hiệp định TBT). Như vậy, với Hiệp định TBT và Hiệp định SPS, WTO điều chỉnh vấn đề liên quan đến kỹ thuật đối với gần như tất cả các loại hàng hoá.

Những vấn đề kỹ thuật thực sự là mối quan tâm của các nước thành viên WTO trong bối cảnh các hàng rào thuế quan giảm dần và các hàng rào phi thuế quan khác cũng dần bị loại bỏ. Đối với Việt Nam, điều này càng trở nên bức xúc. Không phải chúng ta cần môi trường an toàn chỉ để thu hút đầu tư và khách du lịch mà vì chính bản thân chúng ta. Tại sao chúng ta cứ phải chấp nhận dùng các loại thực phẩm không an toàn, có chứa các chất độc hại như: Hoóc môn sinh trưởng cấm sử dụng, dư lượng thuốc trừ sâu quá mức cho phép, rồi cả các loại thuốc chữa bệnh mà phương Tây không còn dùng từ lâu. Tất nhiên, không thể ngừng ngay được việc sử dụng thực phẩm và thuốc chữa bệnh, mặc dù chúng ta biết nhiều loại trong số đó không an toàn. Nhưng cần phải có biện pháp ráo riết để từng bước loại trừ chúng ra khỏi cuộc sống của chúng ta. Câu hỏi đặt ra là thế nào là ráo riết? Ai cũng biết là Việt Nam xuất khẩu tôm vào thị trường EU, Nhật Bản với số lượng lớn và hai thị trường này kiểm soát rất chặt chẽ dư lượng kháng sinh trong tôm (chẳng hạn mức cho phép kháng sinh cloramphenicol trong tôm là dưới 0,3 phần tỷ, hay trong 10.000 tấn tôm chỉ được phép chứa không quá 3 gam kháng sinh loại này). Vậy mà, có thể tìm thấy kháng sinh này đang lưu hành một cách bình thường trong các hiệu thuốc và nếu một người sử dụng 4 viên 250 mg/ngày, điều đó tương đương với ăn 1.000 tấn tôm/ngày. Mọi sự so sánh có thể khập khiễng. Song, nếu không so sánh một cách định lượng thì chúng ta không biết mình đang ở đâu trong thế giới phức tạp này. Có lẽ người chơi chứng khoán hiểu rõ vai trò của các con số hơn ai hết. Và hàng rào kỹ thuật cũng là cuộc chơi của những con số. Dưới, trên hoặc bằng đó là các ngưỡng mà người ta đặt ra để chỉ các khái niệm như cho phép, cấm hay hạn chế, mất an toàn hay an toàn, vệ sinh hay mất vệ sinh.

Một câu hỏi có thể được đặt ra là, vậy WTO yêu cầu loại bỏ những hàng rào kỹ thuật nào? Câu trả lời là những hàng rào đưa ra những yêu cầu quá mức cần thiết để bảo vệ sức khoẻ con người, bảo vệ vật nuôi, cây trồng, môi trường... mà không có căn cứ khoa học, chỉ mang tính cảm tính thì không được áp dụng, vì chúng không chỉ cản trở thương mại đối với các nước thành viên khác mà còn đối với chính thương mại trong nước. Theo quy chế đối xử quốc gia của nguyên tắc không phân biệt đối xử của WTO, những yêu cầu cao không cần thiết, không có căn cứ khoa học đó đương nhiên cũng được áp dụng cho các doanh nghiệp trong nước. Các hàng rào như vậy có thể gọi là rào cản thương mại để phân biệt với các hàng rào kỹ thuật cần thiết. Bên cạnh nguyên tắc không phân biệt đối xử, Hiệp định TBT và Hiệp định SPS còn đưa ra một loạt nguyên tắc khác nhằm loại bỏ các rào cản thương mại. Ví dụ, đối với Hiệp định SPS, các nguyên tắc khác bao gồm: Hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế; chấp nhận các quy định, yêu cầu của các thành viên khác là tương đương với quy định, yêu cầu của mình nếu chúng đáp ứng mục tiêu của nước mình; sử dụng phương pháp xác định nguy cơ rủi ro khi muốn đưa ra quy định, yêu cầu về SPS; hình thành các khu vực không có hoặc ít có bệnh và sâu hại; kiểm tra, kiểm dịch tại cửa khẩu; công khai, minh bạch đối với các quy định, yêu cầu SPS...

Như vậy, giữa việc xây dựng, duy trì các hàng rào kỹ thuật cần thiết và loại bỏ những rào cản kỹ thuật không cần thiết trong thương mại nhiều khi rất khó xác định ranh giới. Đó cũng là bài toán khó khăn và phức tạp đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước trong bối cảnh chúng ta bắt đầu thực thi cam kết gia nhập WTO. Để phát triển thương mại với các nước thành viên WTO, đồng thời bảo vệ lợi ích người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng, chúng ta phải cân nhắc giữa một bên là nghĩa vụ và một bên là quyền lợi trong cam kết gia nhập WTO. Giải bài toán này không phải chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn là của các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, người tiêu dùng, nói rộng ra là của toàn xã hội. Tuy nhiên, vai trò tổ chức phải là các cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải của ai khác.

Để triển khai Hiệp định TBT và Hiệp định SPS, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các quyết định và đề án thực hiện. Hiện nay, các Bộ và các địa phương cũng đã có chương trình, đề án của mình để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. Các Bộ có liên quan và các địa phương đã hình thành các bộ phận đầu mối cũng như phối hợp để xử lý các vấn đề TBT, SPS trong phạm vi chức năng quản lý được giao. Việc xây dựng, duy trì hàng rào kỹ thuật cần thiết cũng được một số Bộ, địa phương quan tâm. Ví dụ, Bộ Công nghiệp đang lấy ý kiến của các doanh nghiệp trong việc đưa ra tiêu chuẩn đối với sản phẩm thép sao cho hạn chế được các sản phẩm thép chất lượng kém sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu; Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Thuỷ sản xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia đối với nông sản thực phẩm theo hướng hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế và xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế đối với một số sản phẩm nông sản là thế mạnh của Việt Nam (ví dụ, tiêu chuẩn CODEX đối với nước mắm đang được Việt Nam phối hợp với một số nước ASEAN xây dựng).

Để thực thi Hiệp định TBT và Hiệp định SPS, điều quan trọng là chúng ta phải học hỏi kinh nghiệm của chính các thành viên WTO là các đối tác thương mại của chúng ta, xem họ áp dụng các hàng rào kỹ thuật nào, loại bỏ những rào cản kỹ thuật gì để có thể từng bước nghiên cứu áp dụng ở Việt Nam. Với cách tiếp cận như vậy, Việt Nam sẽ thực thi đầy đủ các cam kết gia nhập WTO đối với vấn đề này, đồng thời bảo vệ được lợi ích chính đáng với chính sách hội nhập để phát triển.

Theo Tạp chí Hoạt động Khoa học

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Ý nghĩa 74 năm ngày đo lường việt nam (20/01/1950-20/01/2024)
• Sự thay đổi khái niệm kilogram và ý nghĩa đối với sự phát triển của khoa học và công nghệ
• Bến Tre đồng hành cùng doanh nghiệp tăng năng suất chất lượng
• Một số qui định về ghi nhãn hàng hóa
• Đề xuất trao tặng “Giải vàng GTCLQG năm 2019” cho Công ty Cổ phần Chế biến Dừa Á Châu
• Kiểm tra, phát hiện 05 cơ sở nước uống đóng chai vi phạm mã số mã vạch
• Hai doanh nghiệp Bến Tre đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2013
• Kiểm tra nhãn và chất lượng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014
• Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sau hơn 1 năm thành lập và đi vào hoạt động
• Công tác kiểm tra hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 trong cơ quan hành chính nhà nước ở Bến Tre
• Thông tin cảnh báo về “Mũ bảo hiểm bơm hơi” chưa được chứng nhận hợp quy, không sử dụng cho người tham gia giao thông trên mô tô xe máy
• Công nghệ mã số mã vạch
• Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre đạt chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 chu kỳ 2
• Tình hình thực hiện áp dụng hệ thống QLCL theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 tại UBND phường 2 - Thị xã Bến Tre
• Vai trò của Đại diện lãnh đạo trong việc điều hành, áp dụng và cải tiến HTQLCL ISO 9001:2000 tại Sở Kế họach và Đầu tư