Ba tổ chức tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu

imageBa tổ chức tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu bao gồm:

Tổ chức Tiêu chuẩn hoá quốc tế (International Organization for Standardization - ISO)

ISO là liên đoàn quốc tế của các cơ quan tiêu chuẩn hoá quốc gia và là tổ chức tiêu chuẩn hoá lớn nhất thế giới hiện nay. Mục tiêu của ISO là thúc đẩy sự phát triển của công tác tiêu chuẩn hoá và các hoạt động có liên quan nhằm tạo thuận lợi cho việc trao đổi hàng hoá và dịch vụ trên phạm vi toàn thế giới cũng như góp phần vào việc phát triển sự hợp tác trong lĩnh vực trí tuệ, khoa học, công nghệ và kinh tế. Kết quả của các hoạt động kỹ thuật của ISO là các tiêu chuẩn quốc tế ISO. Phạm vi hoạt động của ISO bao trùm tất cả các lĩnh vực, trừ điện và điện tử (thuộc phạm vi trách nhiệm của Uỷ ban Kỹ thuật điện quốc tế - IEC).

ISO được thành lập năm 1946 tại Luân Đôn nhưng chính thức bắt đầu hoạt động từ ngày 23.2.1947. ISO có ba loại thành viên: Thành viên đầy đủ, thành viên thông tấn và thành viên đăng ký. Thành viên của ISO phải là cơ quan tiêu chuẩn hoá quốc gia và mỗi quốc gia chỉ có duy nhất một cơ quan/tổ chức đại diện để tham gia ISO. ISO hiện có 156 thành viên, trong đó có 100 thành viên đầy đủ, 46 thành viên thông tấn và 10 thành viên đăng ký. Các hoạt động kỹ thuật của ISO được triển khai bởi 2.959 đơn vị kỹ thuật, trong đó có 192 Ban kỹ thuật (TCs), 541 Tiểu ban kỹ thuật (SCs), 2.188 Nhóm công tác (WGs) và 38 Nhóm nghiên cứu đặc biệt (Ad-hoc Study groups). Hiện có trên 590 tổ chức quốc tế có quan hệ với các cơ quan kỹ thuật của ISO. Tính đến hết năm 2005, ISO đã xây dựng được 15.649 tiêu chuẩn quốc tế và các tài liệu dạng tiêu chuẩn.

Việt Nam (đại diện là Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) tham gia ISO từ năm 1977 và đã có những đóng góp nhất định cho tổ chức này. Việt Nam đã tham gia Hội đồng ISO trong 2 nhiệm kỳ: 1997-1998 và 2001-2002, được bầu vào Hội đồng ISO nhiệm kỳ 2004-2005; hiện tham gia với tư cách thành viên P (thành viên chính thức) trong 5 ISO/TCs và ISO/SCs, tham gia với tư cách thành viên O (thành viên quan sát) trong hơn 50 ISO/TCs và ISO/SCs và là thành viên P của 3 ban chức năng của ISO: DEVCO, COPOLCO và CASCO. Cho đến nay, có khoảng 1.380 tiêu chuẩn ISO được chấp nhận thành Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN).

Uỷ ban Kỹ thuật điện quốc tế (International Electrotechnical Commission - IEC)

IEC là tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hoá được thành lập năm 1906. Mục tiêu của IEC là thúc đẩy sự hợp tác quốc tế về tiêu chuẩn hoá trong lĩnh vực điện và điện tử và các vấn đề có liên quan như: Chứng nhận sự phù hợp tiêu chuẩn điện và hỗ trợ cho thông hiểu quốc tế. IEC có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhiều tổ chức tiêu chuẩn hoá và chuyên môn quốc tế như: ISO, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU); Ban Tiêu chuẩn hoá kỹ thuật điện châu Âu (CENELEC). Đặc biệt, giữa IEC và ISO đã thiết lập một thoả thuận về phạm vi hoạt động của mỗi tổ chức. Theo thoả thuận này, phạm vi hoạt động của IEC bao gồm tiêu chuẩn hoá trong lĩnh vực điện và điện tử. ISO và IEC đã phối hợp thành lập một Ban kỹ thuật hỗn hợp về công nghệ thông tin được đặt trong cơ cấu các cơ quan kỹ thuật của ISO (ISO/IEC/JTC1). Tính đến tháng 9.2006, IEC có 68 nước thành viên là đại diện của ngành công nghiệp điện và điện tử của các nước này.

Có hai hình thức tham gia IEC: Thành viên đầy đủ và thành viên liên kết. Thành viên đầy đủ có quyền tham gia vào tất cả các hoạt động của IEC với quyền biểu quyết bằng lá phiếu có trọng lượng ngang nhau, trong khi đó thành viên liên kết chỉ được tham gia một cách hạn chế vào các hoạt động của IEC và không có quyền biểu quyết. Sự khác nhau giữa hai loại thành viên này còn được thể hiện ở kinh phí đóng góp. Ngoài ra, còn có quy chế "Thành viên tiền liên kết" với mục đích khuyến khích và thúc đẩy các nước thành viên thuộc loại này trở thành thành viên liên kết trong vòng 5 năm.

Hoạt động chính của IEC là xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn quốc tế IEC và các báo cáo kỹ thuật. Các tiêu chuẩn IEC hiện được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới, được các nước chấp nhận thành tiêu chuẩn quốc gia, được viện dẫn khi soạn thảo các hồ sơ dự thầu và hợp đồng thương mại.

Ngoài việc xây dựng và ban hành tiêu chuẩn quốc tế IEC, IEC còn duy trì các hệ thống đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn IEC, đó là: IECQ - Đánh giá chất lượng của các linh kiện điện tử và các vật liệu liên quan; IECEE-CB - Thừa nhận các kết quả thử nghiệm theo tiêu chuẩn về an toàn; IECEE-FCS - Thừa nhận các kết quả chứng nhận an toàn đối với thiết bị điện; IECEx - Chứng nhận các thiết bị điện trong môi trường nổ. Tổng số tiêu chuẩn IEC hiện hành là 5.454.

Tháng 4.2002, Việt Nam đã tham gia IEC với tư cách thành viên liên kết. Tính đến nay, đã có khoảng 188 tiêu chuẩn IEC được chấp nhận thành TCVN.

Liên minh Viễn thông quốc tế (International Telecommunication Union - ITU)

Ngày 17.5.1865, 20 nước đã ký Công ước điện báo quốc tế lần thứ I và Hiệp ước thành lập Liên minh điện báo quốc tế - tổ chức tiền thân của Liên minh Viễn thông quốc tế hiện nay. Liên minh được thành lập với mục tiêu ban đầu là: Tạo điều kiện thuận lợi cho việc bổ sung, sửa đổi thường xuyên những điều khoản của Công ước và những hiệp định quốc tế được ký kết trong lĩnh vực điện báo.

Các hoạt động chính hiện nay của ITU bao trùm tất cả các vấn đề thuộc lĩnh vực viễn thông. ITU có ba khu vực hoạt động chính: ITU-R liên quan đến hệ thống và thiết bị phát thanh; ITU-T: Biên soạn các quy định kỹ thuật về hệ thống, mạng và dịch vụ bưu chính - viễn thông; ITU-D: Soạn thảo những khuyến nghị, nghị quyết, hướng dẫn, sổ tay, báo cáo... ITU hiện có 191 quốc gia thành viên, 652 thành viên khu vực, trong đó thành viên của ITU-D là 336, của ITU-R là 300, ITU-T là 354.

Việt Nam tham gia vào hoạt động của ITU từ năm 1976. Hiện nay, Bộ Bưu chính - Viễn thông đang là đại diện của Việt Nam tại tổ chức này. Trong các hoạt động tiêu chuẩn hoá của ITU-T, chúng ta chỉ mới tập trung chủ yếu vào việc tham gia ở những lĩnh vực nhạy cảm và có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi quốc gia như vấn đề tính cước, thanh toán cước quốc tế (do nhóm nghiên cứu số 3 - SG3 - đảm nhiệm). Bên cạnh SG3, chúng ta đã bắt đầu tham gia các hoạt động của SG4 về tương thích điện từ (EMC). Từ năm 1996, Bưu chính - Viễn thông Việt Nam đã tham gia các khoá họp hội nghị về Tiêu chuẩn viễn thông thế giới (tổ chức 4 năm 1 lần) và từ năm 2002, tham gia nhóm Tư vấn về Tiêu chuẩn hoá viễn thông (TSAG).

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Ý nghĩa 74 năm ngày đo lường việt nam (20/01/1950-20/01/2024)
• Sự thay đổi khái niệm kilogram và ý nghĩa đối với sự phát triển của khoa học và công nghệ
• Bến Tre đồng hành cùng doanh nghiệp tăng năng suất chất lượng
• Một số qui định về ghi nhãn hàng hóa
• Đề xuất trao tặng “Giải vàng GTCLQG năm 2019” cho Công ty Cổ phần Chế biến Dừa Á Châu
• Kiểm tra, phát hiện 05 cơ sở nước uống đóng chai vi phạm mã số mã vạch
• Hai doanh nghiệp Bến Tre đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2013
• Kiểm tra nhãn và chất lượng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014
• Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sau hơn 1 năm thành lập và đi vào hoạt động
• Công tác kiểm tra hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 trong cơ quan hành chính nhà nước ở Bến Tre
• Thông tin cảnh báo về “Mũ bảo hiểm bơm hơi” chưa được chứng nhận hợp quy, không sử dụng cho người tham gia giao thông trên mô tô xe máy
• Công nghệ mã số mã vạch
• Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre đạt chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 chu kỳ 2
• Tình hình thực hiện áp dụng hệ thống QLCL theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 tại UBND phường 2 - Thị xã Bến Tre
• Vai trò của Đại diện lãnh đạo trong việc điều hành, áp dụng và cải tiến HTQLCL ISO 9001:2000 tại Sở Kế họach và Đầu tư