Chỉ dẫn địa lý: Công cụ thúc đẩy thương mại

imageChỉ dẫn địa lý là một quyền sở hữu trí tuệ cụ thể, đặc biệt và được thừa nhận ở 150 quốc gia tham gia Hiệp định TRIPS bởi những lợi ích thương mại mà nó đem lại. Tuy nhiên, tại Việt Nam, quản lý và bảo hộ chỉ dẫn địa lý vẫn chưa được nhiều người quan tâm chú ý và khai thác đúng mức nhằm gia tăng giá trị thương mại.

Một công cụ gia tăng giá trị hàng hóa hiệu quả

Khác với chỉ dẫn xuất xứ, Chỉ dẫn địa lý (geographical  Indication-GI) trên sản phẩm sẽ chỉ rõ một sản phẩm có nguồn gốc ở một vùng hoặc một địa danh cụ thể và gắn liền với những phương thức sản xuất truyền thống có danh tiếng. Do đó, theo ông Stéphane Passeri, Giám đốc Chương trình hợp tác quyền sở hữu trí tuệ EC-ASEAN, với thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay và người tiêu dùng ngày càng khó tính hơn, GI sẽ giúp gia tăng giá bán lẻ các sản phẩm, phân bổ giá trị tốt hơn, từ đó thúc đẩy sản xuất phát triển.

Thực tế tại các nước thuộc EU cho thấy, các sản phẩm thực phẩm có chỉ dẫn địa lý có giá bán lẻ cao hơn rất nhiều so với các sản phẩm thông thường. Tại Pháp, giá bán lẻ phomát có thể được chấp nhận với giá bán lẻ cao hơn 30% so với các sản phẩm cùng loại không có chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, sản phẩm rượu vang có đăng ký chỉ dẫn địa lý sẽ có giá cao gấp 3 lần (230%) so với các loại rượu vang khác. Điều quan trọng là, ông Stéphane Passeri cho biết, những người sản xuất các sản phẩm có GI hay thương hiệu của sản phẩm, đặc biệt là nông dân, lại được hưởng lợi trực tiếp từ giá bán lẻ cao hơn. Cùng với việc tạo niềm tin cho người tiêu dùng, GI gia tăng giá trị sản phẩm cũng làm người sản xuất yên tâm mở rộng đầu tư. Chỉ riêng sản phẩm phomát thuộc vùng Morbier, Pháp đã gia tăng gấp đôi sản lượng lên 5000 tấn từ năm 1998 đến 2004 khi sản phẩm có đăng ký chỉ dẫn địa lý Morbier.

Stéphane Passeri cho rằng, chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam có vai trò rất quan trọng bởi Việt Nam có rất nhiều các sản phẩm cần được bảo vệ quyền sở hữu không chỉ tại thị trường trong nước mà còn cả thị trường quốc tế với các mặt hàng xuất khẩu, các hàng thực phẩm, nông sản cũng như là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, dệt may và y học cổ truyền. Do đó, chỉ dẫn địa lý là cơ hội có một không hai để gắn tên địa danh trực tiếp lên sản phẩm mà nhờ đó mang lại sự bảo hộ hợp pháp cho sản phẩm không chỉ trong nước mà còn ở các nước khác trên thế giới trong đó có EU. Với khả năng mang lại sự bảo vệ tốt hơn, thúc đẩy thương mại tốt hơn, chỉ dẫn địa lý là một công cụ làm gia tăng giá trị các hàng hóa của Việt Nam. Nếu như có chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ thì sản phẩm đó có thể bán được với giá cao hơn, được người tiêu dùng chú ý hơn và từ đó sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn không chỉ cho nhà kinh doanh, cho công ty, người sản xuất mà cho chính Việt Nam.

 Cần có hướng tiếp cận khoa học khi xây dựng chính sách

Đối với các quốc gia ở châu Âu, việc xây dựng chính sách về bảo hộ chỉ dẫn địa lý được dựa trên những kinh nghiệm, những nghiên cứu khoa học đã được chứng minh. Tuy nhiên, theo bà Lê Hà - Giảng viên trường Đại học Thương mại Hà Nội, việc xây dựng chính sách phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam dường như đi ngược với xu hướng quốc tế, "nghĩa là chúng ta chưa có những nghiên cứu cơ bản trước khi đưa ra các quy định về chỉ dẫn địa lý. Ngay như chỉ dẫn địa lý của nước mắm Phú quốc hay chè Shan tuyết Mộc châu, cho tới bây giờ quy chế quản lý chất lượng hay quy chế kiểm soát nội bộ và kiểm soát bên ngoài đã được thực hiện hiệu quả hay chưa thì vẫn đang còn bị bỏ ngỏ. Do đó, việc áp dụng triển khai các quy định, các mô hình quản lý chỉ dẫn địa lý trong thực tế gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều quy định dường như không áp dụng được trong thực tế".

Bởi vậy, theo bà Lê Hà, trước khi đăng ký bảo hộ và trước khi xây dựng quy chế kiểm soát chất lượng hay kiểm soát nội bộ của một chỉ dẫn địa lý thì trước hết cần nghiên cứu các quy trình một cách khoa học. Như vậy mới có thể áp dụng được trong thực tế. Ngoài ra, bà Hà cũng cho rằng "chúng ta cần biết kết hợp tổng hợp sức mạnh của các nhà nghiên cứu, những người làm công tác thực tế, những người sản xuất  và doanh nghiệp tham gia vào việc phát triển chỉ dẫn địa lý".

Theo Cục SHTT

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc