Khai thác thông tin sáng chế phục vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ

imageNgày nay, công việc nghiên cứu, phân tích và đánh giá thông tin sáng chế (TTSC) nhằm tìm ra các mối quan hệ và xu hướng phát triển công nghệ trên thế giới phục vụ cho các mục đích quản lý, dự báo và định hướng nghiên cứu, phát triển công nghệ mới đã đem lại những giá trị to lớn, không thể có được từ các nguồn thông tin khác.

Như đã biết, hệ thống sở hữu trí tuệ (SHTT) có hai chức năng chính, đó là "chức năng cấp và bảo hộ độc quyền" và "chức năng thông tin" trong các hoạt động liên quan đến quyền SHTT. Với chức năng thông tin, hệ thống SHTT có nghĩa vụ phổ biến thông tin rộng rãi cho công chúng trong phạm vi quốc gia và quốc tế nhằm khuyến khích hoạt động sáng tạo và thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ mới. TTSC mô tả chi tiết các giải pháp công nghệ mới là thành quả của các hoạt động sáng tạo, và được các cơ quan sở hữu công nghiệp quốc gia và quốc tế công bố rộng rãi. Bản mô tả sáng chế chứa đựng TTSC do người nộp đơn đăng ký sáng chế lập ra và được các cơ quan sở hữu công nghiệp xem xét, chỉnh sửa lại theo các quy định bắt buộc, trong đó yêu cầu phải trình bày rõ ràng tình trạng kỹ thuật hiện tại và chỉ ra những điểm mới khác biệt so với tình trạng kỹ thuật đã biết trước đó và phải nêu rõ yêu cầu bảo hộ.

Theo thống kê của Tổ chức SHTT thế giới (WIPO), số đơn sáng chế nộp hàng năm của thế giới vào khoảng một triệu rưỡi đơn đăng ký sáng chế. Cho đến nay, ước tính có khoảng hơn 50 triệu sáng chế đã được công bố trên toàn thế giới. Tại Trung tâm Thông tin (Cục SHTT Việt Nam) hiện đang lưu trữ khoảng 30 triệu bản mô tả sáng chế. Hệ thống bảo hộ quyền SHTT, trong đó có bảo hộ sáng chế đã làm cho các nhà sáng tạo chấp nhận nghĩa vụ bộc lộ thông tin công nghệ mới để đổi lại việc họ có được một số độc quyền khai thác thương mại thành quả đã được sáng tạo ra. Nhờ đó, công chúng được phép tiếp cận tới các nguồn TTSC này trong phạm vi quốc gia và quốc tế thông qua hệ thống công bố rộng rãi bằng các phương tiện internet, CD-ROM và Công báo sáng chế. Các cơ quan sáng chế quốc gia và quốc tế có nghĩa vụ xây dựng cơ sở dữ liệu sáng chế và cung cấp phương tiện truy cập miễn phí phục vụ các nhu cầu tra cứu TTSC.

Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, các nhà nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, các công ty hàng đầu trên thế giới đã khai thác tích cực và  sử dụng hiệu quả nguồn TTSC như một công cụ hoạch định chiến lược nghiên cứu, kinh doanh và xác định tiềm năng của đối tác trên thương trường. Hiệu quả kinh tế lớn nhất từ hệ thống bảo hộ quyền SHTT là việc công bố TTSC của các đối thủ cạnh tranh chứ không chỉ đơn thuần là các khoản thu có được từ việc khai thác, sử dụng công nghệ được cấp Văn bằng bảo hộ. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ, kéo theo một khối lượng lớn các sáng chế luôn được cập nhật vào nguồn TTSC đã nảy sinh một vấn đề: không thể dừng lại ở việc phân tích TTSC một cách riêng rẽ và tách biệt nhau. Xuất phát từ các nhu cầu này, ứng dụng công nghệ thông tin để phát huy tối đa lợi thế về khả năng xử lý, phân tích và kết xuất các nguồn thông tin số.

Trong hoàn cảnh và điều kiện của Việt Nam, việc hiểu rõ giá trị của TTSC còn hạn chế. Nhiều cá nhân và tổ chức nghiên cứu chưa có thói quen và nhu cầu sử dụng TTSC trước khi thực hiện đề tài, dẫn đến tình trạng tính mới và tính sáng tạo trong các kết quả nghiên cứu còn thấp hoặc thực hiện nghiên cứu trùng lặp với những giải pháp công nghệ đã được bộc lộ trong dữ liệu TTSC. Hơn nữa, công việc tra cứu TTSC và xử lý kết quả tìm được đòi hỏi trình độ chuyên nghiệp cao. Do vậy, cần thiết hình thành các bộ phận hoặc nhóm chuyên trách về tra cứu TTSC trong các cơ quan thông tin khoa học công nghệ có trình độ cao, nắm bắt được nhu cầu thông tin và hướng dẫn hoặc thực hiện, ứng dụng tin học trong khai thác TTSC ở những mức độ phức tạp khác nhau, nhằm tạo ra được các sản phẩm thông tin chọn lọc đáp ứng yêu cầu cụ thể của từng đối tượng sử dụng thông tin.

Theo Trung tâm Thông tin - Cục Sở hữu trí tuệ

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc