Nhà khoa học cần tự bảo vệ sản phẩm nghiên cứu

imageMột trong những điều kiện tiên quyết để bảo vệ thành quả nghiên cứu KH&CN, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tạo sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chính là bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến một số kết quả nghiên cứu không được đăng ký bảo hộ. Đó cũng là nguyên nhân của những vụ tranh chấp không đáng có.

Thống kê của Cục SHTT cho thấy, năm 2006 Cục nhận được 52.325 đơn các loại, tăng gần 25% so với năm 2005, trong đó có 2.402 đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích, tăng 11%. Tuy nhiên, số lượng đơn của người Việt Nam nộp tại Cục chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Năm 2000, trong số 1.286 đơn đăng ký sáng chế, chỉ có 34 đơn của người Việt Nam (chiếm 2,8%). Năm 2006, con số này là 196 đơn, chiếm khoảng 9%. Tương tự như vậy, số Bằng độc quyền sáng chế được cấp cho người Việt Nam cũng khá "khiêm tốn" so với số Bằng độc quyền sáng chế do Cục SHTT cấp ra. Trong số 783 Bằng  cấp năm 2000, chỉ có 10 Bằng độc quyền sáng chế được cấp cho người Việt Nam (chiếm 1,2%). Năm 2006, trong số 669 Bằng được cấp, cũng chỉ có 44 Bằng của người Việt Nam (chiếm 6,5%). Không những vượt trội chúng ta về số Bằng sáng chế được cấp, mà số lượng đơn đăng ký sáng chế của người nước ngoài cũng lớn hơn gấp nhiều lần. Bên cạnh đó, tỷ lệ số Bằng được cấp so với số đơn đăng ký của người nước ngoài cũng cao hơn hẳn. Trong những năm gần đây, tỷ lệ này vào khoảng 50%, thậm chí đạt 70% (năm 2003). Trong khi đó tỷ lệ này đối với người Việt Nam chỉ đạt 21,36%.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, số lượng đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích của người Việt Nam quá ít chưa phản ánh đúng thực trạng hoạt động sáng tạo, cải tiến kỹ thuật của các đơn vị nghiên cứu và sản xuất trong nước. Ts. Tạ Ngọc Đôn - Phó trưởng khoa Công nghệ hóa học Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tác giả của 4 sáng chế, giải pháp hữu ích - chia sẻ: có rất nhiều công trình nghiên cứu của người Việt Nam đáp ứng yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ, nhiều cán bộ giảng dạy trong các trường đại học có những công trình nghiên cứu có tính sáng tạo so với trình độ kỹ thuật trên thế giới nhưng lại ngại đăng ký vì nhiều lý do. Điều này không những làm cho giải pháp của họ không được bảo hộ mà nguy cơ bị ăn cắp bản quyền rất dễ xảy ra, đặc biệt là đối với những giải pháp khó giữ được "bí quyết". Điển hình như công trình Lò gạch liên tục kiểu đứng, Thùng đựng rác bằng composite… của Trường Đại học Bách khoa đã mất bản quyền chỉ sau một hợp đồng chuyển giao công nghệ. Vì vậy, theo Ts. Tạ Ngọc Đôn, ngay khi phát hiện công trình nghiên cứu của mình có khả năng được bảo hộ, các tác giả nên chủ động tìm đến cơ quan chuyên môn để tiến hành các thủ tục đăng ký xác lập quyền SHTT. Điều này sẽ giúp cho các công trình nghiên cứu tránh được nguy cơ bị mất bản quyền. Mặt khác, những công trình được bảo hộ sẽ gặp nhiều thuận lợi vì các đối tác sẽ tin tưởng hơn trong quá trình đàm phán chuyển giao công nghệ.

Từ thực tế đó cho thấy, một kết quả nghiên cứu khoa học sẽ dễ dàng bị sao chép, sử dụng, khai thác một cách rộng rãi. Vì vậy, khi quyết định nộp đơn, các tác giả cần kiên trì theo đuổi đến cùng để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng cần kiên quyết bảo vệ tài sản trí tuệ của mình khi bị sao chép, vi phạm. Đáng tiếc là điều này chưa được các nhà khoa học Việt Nam chú trọng. Nhiều nhà khoa học Việt Nam có những nghiên cứu rất giá trị, nhưng lại ít khi đăng ký bảo hộ, hoặc ngay cả khi đã đăng ký nhưng phát hiện có sự sao chép thì ngại đấu tranh, đành cho qua. Thậm chí, có những trường hợp nghịch lý là một số nhà khoa học quan niệm: "bị người khác sao chép hoặc sử dụng bất hợp pháp công trình của mình thì lại lấy làm mừng vì thấy công trình của mình có giá trị…".

Luật Sở hữu trí tuệ đã có hiệu lực thi hành. Hơn ai hết, chính những nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp cần xác lập và bảo vệ tài sản của mình. Bảo vệ tài sản trí tuệ sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho các nhà sáng tạo, bù đắp lại công sức, trí tuệ cũng như tài chính họ bỏ ra, từ đó sẽ khuyến khích họ không ngừng đầu tư sáng tạo để tìm ra cái mới.

 Theo Báo KHOA HỌC & PHÁT TRIỂN

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc