Giới thiệu hệ thống đánh giá trình độ công nghệ

GIỚI THIỆU HỆ THỐNG ĐÁNH GIÁ TRÌNH ĐỘ CÔNG NGHỆ

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, tại Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển nói chung, công nghệ đang trở thành một động lực của phát triển kinh tế trong nước, cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường, tham gia vào mậu dịch quốc tế và nâng cao mức sống. Mặc dù công nghệ nằm trong tay các doanh nghiệp, quản lý công nghệ không chỉ là vấn đề của doanh nghiệp. Chính các chính sách của nhà nước sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao trình độ công nghệ thông qua chuyển giao công nghệ hoặc tự mình phát triển để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tình hình chung hiện nay ở Việt Nam là các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ tập trung vào mua sắm cải tiến máy móc thiết bị phần cứng (nhập khẩu hoặc mua thiết bị trong nước) hơn là đầu tư cho phần mềm công nghệ (nghiên cứu cải tiến qui trình sản xuất, sản phẩm hiện có hoặc thiết kế sản phẩm mới) (*). Bên cạnh các nguyên nhân như môi trường pháp lý chưa thuận lợi (bảo hộ sở hữu trí tuệ), thiếu vốn (đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân), những lợi ích không minh bạch (thường là của doanh nghiệp quốc doanh khi nhập khẩu thiết bị mà không tính đến các yếu tố nhân lực, tổ chức…), vịệc doanh nghiệp chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của các thành phần khác của công nghệ như nhân lực, thông tin và tổ chức và vì vậy chưa quản lý được công nghệ một cách hiệu quả cũng là một trong những lý do quan trọng dẫn đến tình trạng trên.

Cơ sở để quản lý công nghệ chính là đánh giá đúng trình độ công nghệ. Tuy nhiên, do các yếu tố hình thành công nghệ có mối liên quan cực kỳ phức tạp và trên thế giới hiện nay, công nghệ đang phát triển theo hàm số mũ nên vẫn chưa có một phương pháp chuẩn cùng với các công cụ tiêu chuẩn để đánh giá trình độ công nghệ. Tại Việt Nam, Bộ Khoa học Công nghệ đã chỉ thị cho một số địa phương tiến hành đánh giá trình độ công nghệ.

Nhu cầu cấp thiết của việc đánh giá trình độ các ngành công nghiệp tại các địa phương, nhằm đề ra những chính sách phát triển phù hợp với lợi thế công nghệ, cũng như tìm kiếm những giải pháp khắc phục những điểm còn hạn chế. Nhu cầu thiết lập một website đánh giá trình độ công nghệ tại một tỉnh nhằm mục đích:

    Đối với các doanh nghiệp trong tỉnh: thông qua website có thể tự đánh giá trình độ công nghệ của bản thân doanh nghiệp, từ đó có những chiến lược phát triển hợp lý.

    Đối với Sở Khoa học và công nghệ tỉnh: tổng hợp số liệu về trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, từ đó có một báo cáo tổng hợp về trình độ công nghệ chung của tỉnh để có thể đề ra các chính sách kinh tế hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển công nghệ.

    Đối với các tổ chức, doanh nghiệp ngoài tỉnh khác: tìm kiếm những thông tin về công nghệ và các cơ hội đầu tư từ website.

PHƯƠNG PHÁP LUẬN ĐÁNH GIÁ TĐCN

1. TỔNG QUAN VỀ CÔNG NGHỆ

1.1 Vai trò của công nghệ đối với sự phát triển kinh tế

Tác động của công nghệ đối với nền kinh tế quốc gia

Công nghệ đóng một vai trò rất quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của một quốc gia. Sự thay đổi công nghệ tạo ra một sự thay đổi trong chức năng sản xuất. Nếu chức năng sản xuất không khó quan sát, so sánh việc sản xuất tại hai thời điểm khác nhau của nền kinh tế sẽ cho ta thấy tác động của sự thay đổi công nghệ trong thời đoạn đó như thế nào. Theo tài liệu “Quản lý công nghệ” của GV. Nguyễn Thị Thu Hằng, sự thay đổi công nghệ đã có những tác động chính vào nền kinh tế như sau:

• Tác động của thay đổi công nghệ vào sự tăng trưởng kinh tế, với giả định tốc độ tăng trưởng kinh tế là một hàm của nhiều yếu tố vốn, lao động, nguyên vật liệu, và công nghệ là một trong các yếu tố đó.

• Tác động của thay đổi công nghệ vào năng suất: công nghệ phát triển làm tăng tỷ lệ giữa tổng lượng đầu ra và tổng lượng đầu vào đã sử dụng, tức là tăng sản lượng đầu ra với cùng một lượng đầu vào.

• Việc giới thiệu công nghệ thành công có thể làm chi phí và giá cả thấp hơn, nhưng nếu thất bại, nó có thể dẫn đến lạm phát.

• Tác động của thay đổi công nghệ vào lực lượng lao động có mặt tích cực và tiêu cực. Một mặt, nó giúp tăng sự quan tâm đối với những công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng, giúp rút ngắn thời gian sản xuất; nhưng mặt khác, nó làm cho một số công việc trở nên đơn điệu, nhàm chán.

• Những quốc gia tập trung sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao có khuynh hướng thuận lợi, khả năng duy trì và phát triển cán cân thương mại cao hơn khi so sánh với các quốc gia sản xuất và xuất khẩu công nghệ thấp.

Tác động của công nghệ vào lợi ích và sự tăng trưởng của công ty

Những mục tiêu chính dẫn tới thay đổi công nghệ trong một công ty thường là:

• Hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh hiện tại.

• Tạo ra những hoạt động kinh doanh mới.

• Thăm dò những công nghệ mới.

Những mục tiêu đó không nằm ngoài mục đích giúp công ty tồn tại, đứng vững và phát triển. Tuy hiện nay vẫn còn nhiều thảo luận về những lợi ích mà công nghệ mang lại so với những thảm hoạ khi sử dụng chúng, chúng ta không thể không thừa nhận vai trò quan trọng của công nghệ trong việc tăng cường sức mạnh cạnh tranh của một quốc gia nói chung, cũng như của một công ty cụ thể. Việc tìm ra một định nghĩa công nghệ thích hợp sẽ giúp đánh giá chính xác hơn trình độ công nghệ, trên cơ sở đó các đơn vị liên quan có thể đề ra các chiến lược phát triển phù hợp, cải thiện vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp, của ngành, và của cả quốc gia.

1.2 Các khái niệm về công nghệ

Theo tiến sĩ Ngô Văn Quế, trong thời kỳ đầu công nghiệp hoá tư bản chủ nghĩa, người ta quen dùng khái niệm công nghệ với nghĩa nó là phương tiện vật chất như: công cụ, năng lượng, vật liệu được con người sáng tạo và sử dụng trong sản xuất và dịch vụ. Từ những năm 60 trở lại đây, do mua bán công nghệ ngày càng sôi động trong kinh doanh quốc tế nên công nghệ đã được hiểu theo nghĩa rộng hơn. Hiện nay đang tồn tại những quan niệm khác nhau về công nghệ. Song, chưa có sách vở nào đưa ra một định nghĩa chuẩn xác về công nghệ.

Theo tác giả K.Ramanathan, tồn tại một số quan niệm phổ biến về công nghệ như sau: “Công nghệ là máy biến đổi”. Với quan niệm này, công nghệ được thể hiện ở hai khía cạnh. Thứ nhất, nó thể hiện xu hướng cho rằng khoa học và công nghệ là một và phải được áp dụng đồng thời, và các nhà khoa học ứng dụng cần tìm ra cách áp dụng vào thực tế các lý thuyết thuần tuý. Thứ hai, thuật ngữ “công nghệ” liên quan đến khả năng làm một cái gì đó, ngụ ý rằng nó là những gì làm biến đổi yếu tố đầu vào thành sản phẩm đầu ra sau cùng.

Quan niệm như vậy đã nhấn mạnh không chỉ tầm quan trọng của công nghệ trong việc giải quyết các vấn đề thực tế, mà còn nhấn mạnh sự phù hợp của mục đích kinh tế trong việc áp dụng công nghệ. Tuy nhiên, những định nghĩa này còn rất chung chung, không đủ cụ thể để mở ra chiếc “hộp đen công nghệ”.

“Công nghệ là công cụ”. Với quan niệm này, công nghệ dựa trên nền tảng là các máy móc thiết bị. Cách nhìn này vẫn còn phổ biến đến ngày nay, mặc dù một vài định nghĩa có nói đến sự tác động quan lại giữa máy móc – con người.

Những định nghĩa dựa trên quan niệm “Công nghệ là công cụ” đã mở ra phần nào chiếc hộp đen công nghệ, tuy nhiên nó vẫn còn thiếu sót. Tác giả Simon đã nói trong cuốn sách “Technology Policy Formulation and Planning: A Reference Manual” rằng: “Nhìn công nghệ ở khía cạnh máy móc và những vật chất rõ ràng sai lầm giống như chỉ nhìn thấy cái vỏ của con ốc sên, hay cái mạng của con nhện vậy.”

“Công nghệ là kiến thức” cho rằng kiến thức là bản chất của tất cả các phương tiện chuyển đổi. Những người ủng hộ quan niệm này cho rằng kiến thức là khía cạnh quan trọng hàng đầu.

Những định nghĩa đi theo quan niệm này ngụ ý rằng kiến thức có thể được phân loại thành “know-why” và “know-how”. “Know-why” là những kiến thức khoa học thuần tuý như các nguyên tắc liên quan đến vật lý và hiện tượng xã hội. “Know-how” dựa trên kinh nghiệm và kinh nghiệm tăng lên thông qua việc áp dụng “know-why” vào thực tế (phương pháp thử - sai, kinh nghiệm, học hỏi từ chuyên gia).

Một trong những đóng góp chính của quan niệm này là giúp mở ra chi tiết hơn “hộp đen công nghệ” bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của kiến thức và phác hoạ các dạng kiến thức cần thiết cho các hoạt động chuyển đổi.

“Công nghệ là các hình thái biểu hiện” cố gắng làm sáng tỏ những vấn đề mà ba quan niệm trên gặp phải và cố mở ra hoàn toàn chiếc hộp đen công nghệ. Quan niệm này nhìn công nghệ theo những hình thái biểu hiện khác nhau theo cách tiếp cận chiết trung, dựa trên những ý tưởng phát ra từ ba quan niệm phía trên.

Một số định nghĩa theo quan niệm này vẫn còn chung chung theo các khía cạnh “phần cứng” và “phần mềm”, nhưng cũng có những định nghĩa cụ thể hơn và có ý nghĩa đáng kể trong việc mở ra hộp đen công nghệ (chia công nghệ theo các thành phần Kỹ thuật, Con người, Thông tin và Tổ chức).

1.3 Định nghĩa công nghệ theo bốn thành phần

Như trên ta đã thấy, việc xem xét công nghệ theo các hình thái biểu hiện đã khắc phục những thiếu sót của các quan niệm khác và mở ra chiếc hộp đen công nghệ một cách đầy đủ. Trong việc đánh giá trình độ công nghệ, cần thiết phải có một cái nhìn đầy đủ và chi tiết về công nghệ và các thành tố của nó để có thể khảo sát một cách đầy đủ và sát với thực tế nhất trình độ công nghệ của các ngành công nghiệp. Trong các định nghĩa về công nghệ dựa trên quan điểm này, định nghĩa công nghệ của K.Ramanathan với bốn thành phần Thiết bị, Con người, Thông tin và Tổ chức đã được lựa chọn để xem xét bởi sự toàn diện và cụ thể so với các định nghĩa khác.

Thành phần Thiết bị (Technoware): bao gồm các công cụ và các phương tiện sản xuất thực hiện các hoạt động sản xuất để tạo ra các sản phẩm mong muốn. Technoware bao gồm hệ thống biến đổi nguyên vật liệu và hệ thống xử lý thông tin.

• Hệ thống biến đổi nguyên vật liệu thực hiện các hoạt động cơ học theo thiết kế của máy móc thiết bị.

• Hệ thống xử lý thông tin thực hiện một chuỗi kiểm soát, có thể được xây dựng một cách cục bộ hoặc hoàn toàn trong thành phần Thiết bị. Trong một vài trường hợp, nó có thể không có trong thành phần này. Hệ thống gồm ba giai đoạn: nhận biết – phân tích – xử lý.

Thành phần Con người (Humanware): là kỹ năng và kinh nghiệm sản xuất biểu hiện về mặt con người của công nghệ. Tầm quan trọng của kỹ năng dựa trên ba điều cơ bản:

• Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình sản xuất và là nguồn gốc giá trị thị trường của các loại hàng hoá.

• Con người có trí thông minh (không như máy móc). Do đó, họ có khả năng suy nghĩ, phân tích, sáng tạo và phát triển thông tin cần thiết để tạo ra sự sung túc, giàu có.

• Năng suất lao động của con người có thể tăng hoặc giảm do môi trường làm việc.

Thành phần Tổ chức (Orgaware): đề cập tới sự hỗ trợ về nguyên lý, thực tiễn, và bố trí để vận hành hiệu quả việc sử dụng Technoware bởi Humanware. Nó có thể được thể hiện thông qua các thuật ngữ như nội quy công việc, tổ chức công việc, sự thuận tiện trong công việc, đánh giá công việc và giảm nhẹ công việc.

Thành phần Thông tin (Inforware): biểu thị việc tích luỹ kiến thức bởi con người. Dù có tổ chức tốt, “Con người” cũng không thể sử dụng “Máy móc” hiệu quả nếu không có cơ sở “Thông tin, tài liệu”. Inforware được chia làm ba loại:

• Thông tin chuyên về thiết bị: thông tin cần cho việc vận hành, bảo trì và cải tiến.

• Thông tin chuyên về con người: thông tin về những hiểu biết và đánh giá về quy trình sản xuất và thiết bị được sử dụng.

• Thông tin chuyên về tổ chức: thông tin cần thiết để bảo đảm việc sử dụng hiệu quả, sự tác động qua lại theo thời gian, và sự có sẵn của Technoware và Humanware.

Bốn yếu tố này bổ sung cho nhau và tác động lẫn nhau. Chúng đòi hỏi phải có mặt đồng thời trong hoạt động sản xuất và không có hoạt động chuyển đổi nào có thể hoàn thành nếu thiếu một trong bốn yếu tố.

2. TỔNG QUAN VỀ ĐÁNH GIÁ TRÌNH ĐỘ CÔNG NGHỆ

2.1 Khái niệm đánh giá trình độ công nghệ

Mội vài công nghệ có rất ít nét đặc thù riêng biệt, có thể áp dụng rộng rãi và rất thuận lợi ở nhiều nước phát triển. Tuy nhiên, hầu hết công nghệ đều có ít nhiều đặc thù quốc gia, đặc thù môi trường, nguồn lực, và đặc thù về văn hoá nên việc áp dụng chúng vào các nước khác gặp hạn chế.

Để lựa chọn, cũng như phát triển công nghệ, ta cần phải hiểu rõ như thế nào là một công nghệ phù hợp. Một cơ cấu đánh giá hợp lý có thể giúp chúng ta định hướng triển vọng của công nghệ, xác định hiện trạng công nghệ của một công ty hoặc một quốc gia, từ đó có thể cải tiến và phát triển nó.

2.2 Phương pháp đánh giá trình độ công nghệ - Phương pháp luận Atlas công nghệ

Phương pháp luận Atlas công nghệ dựa trên chín bước thực hiện đánh giá trình độ công nghệ của K.Ramanathan. Phương pháp này tập trung đánh giá sự thay đổi giá trị trong sản lượng khi có một sự thay đổi về trình độ công nghệ. Để thực hiện phương pháp này đầy đủ cần có một hệ thống thu thập dữ liệu rất mạnh và ổn định lâu dài. Sau đây là tóm tắt quy trình chín bước thực hiện, theo tài liệu Atlas hướng dẫn đánh giá trình độ công nghệ và theo tác giả Ngô Văn Quế:

Bước 1: Khái quát toàn bộ ngành công nghiệp.

Công việc này nhằm chỉ ra vị trí của nước có ngành công nghệip đó trên thế giới. Những mặt cần tập trung xem xét là các khuynh hướng xuất khẩu, những thay đổi công nghệ, các loại hình đầu tư, các đặc điểm về nguồn nhân lực, các nỗ lực R&D, sự chuyển giao công nghệ mới… Nếu cần thiết, cũng cần phải xem xét lại các đặc trưng công nghệ của các công ty thuộc ngành công nghiệp đó về triển vọng kỹ thuật.

Bước 2: Đánh giá định tính các đặc trưng công nghệ

Đây là bước đánh giá các đặc điểm công nghệ ở cấp ngành dựa trên bốn thành phần công nghệ và môi trường công nghệ. Để đánh giá định tính bốn thành phần công nghệ, người ta sử dụng khái niệm cấp tinh xảo của từng thành phần đó. Việc đánh giá toàn bộ ngành công nghiệp được thực hiện nếu chỉ ra được ý nghĩa của từng thành phần công nghệ trong nước. Thay vì liệt kê toàn bộ các cấp tinh xảo hiện nay, người ta xác định những thành phần trội nhất của một ngành công nghiệp ở từng nước.

• Trước hết, thực hiện kiểm tra chất lượng bốn thành phần công nghệ và thu thập tất cả các thông tin phù hợp.

• Các loại chính của phần con người có thể bao gồm công nhân, đốc công, cán bộ quản lý, cán bộ R&D. Nhưng trong phần Thông tin và phần Tổ chức, việc đánh giá chỉ được thực hiện ở cấp toàn công ty.

• Trong thực tiễn việc lựa chọn mức độ tinh xảo cho các phương tiện chuyển đổi phụ thuộc vào đặc tính nguyên liệu đầu vào, các thuộc tính cần có của sản phẩm đầu ra, các yếu tố kinh tế có liên quan và những cân nhắc về chính trị - xã hội và pháp lý khác.

Sau khi có giới hạn tinh xảo trên và dưới của bốn thành phần công nghệ, vị trí của mỗi thành phần nằm trong khoảng các giới hạn này phụ thuộc vào trình độ hiện đại của nó. Trình độ hiện đại của công nghệ cũng được đánh giá dựa trên bốn thành phần công nghệ T – H – I – O.

Bước 3: Đánh giá hàm lượng công nghệ gia tăng (TCA)

Hàm lượng công nghệ gia tăng được dùng để đo trình độ phát triển kinh tế của một doanh nghiệp, một ngành hay một quốc gia. Nó chứa đựng sự đóng góp công nghệ và sự phát triển kinh tế, nếu những giá trị TCA của tất cả các công ty nằm trong ngành xác định được thì ta sẽ nhận được giá trị TCA cấp ngành bằng cách tính tổng những giá trị đó.

Bước 4: Đánh giá hàm lượng nhập khẩu đầu vào

Việc xác định hàm lượng nhập khẩu đầu vào giúp ta nắm được mức độ phụ thuộc của nền công nghiệp một nước vào các nước khác. Bằng cách ước lượng dưới dạng đại lượng vật lý hoặc giá trị tiền tệ, các hàm lượng nhập khẩu (HLNK) đầu vào được tính như sau:

• HLNK phần Tự nhiên = Lượng nhập khẩu/ Tổng số sử dụng

• HLNK phần Bán thành phẩm = Lượng nhập khẩu/ Tổng số sử dụng

• HLNK phần Tiêu dùng = Lượng nhập khẩu/ Tổng số sử dụng

• HLNK phần Kỹ thuật = Lượng nhập khẩu/ Tổng số sử dụng

• HLNK phần Con người = Số công nhân nước ngoài/ Tổng số công nhân

• HLNK phần Thông tin = Chi phí bản quyền/ Chi phí R&D và bản quyền phải trả

• HLNK phần Tổ chức = Giá trị gia tăng do các công ty nước ngoài/ Tổng giá trị gia tăng của ngành công nghiệp

Bước 5: Đánh giá hàm lượng xuất khẩu (HLXK) đầu ra

Đây là cách giúp ta nắm được tính cạnh tranh của các sản phẩm đầu ra của một ngành công nghiệp, phương thức tính toán như sau:

• HLXK phần Tự nhiên = Lượng xuất khẩu/ Tổng sản phẩm

• HLXK phần Bán thành phẩm = Lượng xuất khẩu/ Tổng sản phẩm

• HLXK phần Tiêu dùng = Lượng xuất khẩu/ Tổng sản phẩm

• HLXK phần Kỹ thuật = Lượng xuất khẩu/ Tổng sản phẩm

• HLXK phần Con người = Số công nhân làm việc ở nước ngoài/ Tổng số công nhân (trong và ngoài nước)

• HLXK phần Thông tin = Tiền bản quyền và các loại phí thông tin thu được từ nước ngoài/ Tổng số phí và tiền bản quyền thu được

• HLXK phần Tổ chức = Giá trị gia tăng nhờ đầu tư của chủ thể trong nước ra nước ngoài/ Tổng giá trị gia tăng của ngành công nghiệp

Bước 6: Đánh giá giai đoạn triển khai công nghệ

Bằng cách quan sát khối lượng các yếu tố đầu vào nhập khẩu và các yếu tố đầu ra xuất khẩu, người ta có thể xác định vị trí phát triển công nghệ mà quốc gia đó đang đứng. Bước này đánh giá hiệu quả của những tác động phát triển công nghệ.

Bước 7: Đánh giá định tính mức độ đổi mới

Công việc này được thực hiện bằng cách kiểm tra sản phẩm, quá trình công nghệ, và các ứng dụng mới trong một ngành công nghiệp. Trước tiên, những đổi mới công nghiệp được xem xét riêng rẽ ở từng phạm trù sản phẩm, quá trình công nghệ và các ứng dụng công nghệ. Sau đó, ta tiến hành việc phân tích để xem xét mỗi đổi mới đó ở pha nào của vòng đời công nghệ. Việc đánh giá định tính sẽ cho phép ta hình dung được phần nào trình độ công nghệ của ngành công nghiệp đó và hướng phát triển tương lai của nó.

Bước 8: Đánh giá định lượng mức độ đổi mới

Đánh giá định lượng mức độ đổi mới của một ngành công nghiệp bằng cách xác định tỷ lệ tương đối của đầu ra/ đầu người ở các pha khác nhau của vòng đời công nghệ. Người ta không tính đến pha triển khai, vì khó tính được số sản phẩm đầu ra ở pha này, cũng như rất khó nắm được các thông tin cá nhân.

Bước 9: Lập báo cáo tổng thể trình độ công nghệ

Tất cả những chỉ số thu được từ việc áp dụng các bước trên có thể tổ hợp lại trong một bảng tổng kết giúp ta thấy được trình độ tổng thể của một ngành công nghiệp. Đó là sự tổ hợp của các thông số đã thu được ở các bước trên:

• Khái quát chung về ngành công nghiệp.

• Đánh giá định tính các đặc trưng công nghệ.

• Hàm lượng công nghệ gia tăng.

• Hàm lượng nhập khẩu đầu vào.

• Hàm lượng xuất khẩu đầu ra.

• Tính đổi mới của các đầu ra.

Phương pháp đánh giá trình độ công nghệ theo K.Ramanathan là một phương pháp đánh giá toàn diện ảnh hưởng của trình độ công nghệ lên giá trị gia tăng sản lượng.

Theo Trung tâm BR&T

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022