Làm sao để đất nước có nhân tài

imageNhân tài là tinh hoa của đất nước. Xã hội nào cũng cần đến nhân tài, càng nhiều nhân tài xã hội càng có nhiều cơ hội để phát triển. Tìm kiếm, thu hút người tài là một trong những mối quan tâm to lớn của Nhà nước ta hiện nay. Vậy tìm đâu ra nhân tài, hay nói cách khác, làm sao để xã hội có nhiều nhân tài là câu hỏi lớn đặt ra cho chúng ta.

Gần đây người ta hay nói đến đào tạo nhân tài, thậm chí đã có chủ trương, chương trình và kế hoạch đào tạo nhân tài. Đó là ý đồ rất tốt. Vấn đề đặt ra là liệu chúng ta có đào tạo được nhân tài như ý muốn của chủ trương, chương trình và kế hoạch đó không? Nếu làm được như vậy thì nhân tài chắc chắn sẽ xuất hiện theo ý muốn của chúng ta và đem lại phồn vinh cho đất nước. Nhưng trong thực tế, nhân tài không phải muốn là có. Vậy, nhân tài có đào tạo được không? Nếu câu trả lời là không được thì cũng không đúng. Bởi không có nhân tài nào tự nhiên xuất hiện mà không qua một quá trình học tập nhất định: Học ở trường, học trong cuộc sống, học với thầy và tự học. Newton, Einstein hay Karl Marx, Lênin và những thiên tài khác của nhân loại đều phải trải qua một quá trình học tập nào đó chứ! Nhưng chắc đó không phải là những quá trình đào tạo nhân tài tại các cơ sở đào tạo, các lớp học để trở thành nhân tài. Thầy của Newton và Einstein đều không giỏi hơn họ, ít nhất là đánh giá về mặt đóng góp cho nền khoa học của nhân loại. Bill Gates cũng là nhân tài, nhưng có phải được đào tạo qua trường chuyên lớp chọn gì đâu. Nguyễn Du cũng không từng qua trường lớp đào tạo nhân tài về thơ ca...

Vậy làm sao xã hội có được nhân tài? Có câu: Thời thế tạo anh hùng. Thời thế ở đây là môi trường xã hội, môi trường sống, học tập và rèn luyện, là những điều kiện sống và làm việc, trong đó có trường học và trường đời. Cũng như anh hùng, nhân tài chỉ xuất hiện khi xã hội có yêu cầu. Nhưng nhân tài chỉ có thể xuất hiện được trên cơ sở mặt bằng trí tuệ của toàn xã hội phát triển ở một mức độ nhất định. Mặt bằng đó càng cao thì cơ hội để nhân tài xuất hiện càng lớn, số lượng nhân tài càng nhiều. Không phải ngẫu nhiên mà các thiên tài khoa học trước đây thường chỉ xuất hiện ở phương Tây - những nước đã sớm trải qua các cuộc cách mạng công nghiệp, khoa học và công nghệ (KH&CN) và chỉ gần đây mới xuất hiện ở phương Đông. Nếu lấy số lượng các nhà khoa học đạt giải Nobel làm thước đo sẽ thấy nhận định như vậy là hoàn toàn phù hợp với suy nghĩ: Xã hội phát triển là một trong những điều kiện tiên quyết làm nảy sinh nhân tài. Nước Mỹ đang chiếm giữ hàng năm một tỷ lệ khá cao các giải Nobel, thứ đến là các nước phương Tây và gần đây một vài nước châu á mới có, nhưng là những người đã được đào tạo, làm nghiên cứu và trở thành nhân tài ở Mỹ, sau khi đạt giải Nobel mới trở về quê hương.

Chúng ta rất mong muốn có nhân tài, càng nhiều nhân tài thì tốc độ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội càng cao, nhanh chóng đạt được các mục tiêu của sự nghiệp xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh. Xã hội đang có nhu cầu sử dụng nhân tài rất lớn, chưa bao giờ nhu cầu nhân tài lớn như hiện nay và nhu cầu đó ngày càng lớn. Trong thực tế, cũng đã có những nhân tài, dù chưa nhiều, xuất hiện trong các lĩnh vực hoạt động xã hội khác nhau. Họ làm việc và cống hiến một cách âm thầm, lặng lẽ, không ồn ào, khoa trương. Đó là những nhà quản lý, doanh nhân, những nhà nghiên cứu KH&CN, những nhà giáo giỏi và tâm huyết với nghề... Họ cũng được đào tạo, đã trải qua các trường, lớp, các khóa huấn luyện..., nhưng cùng với họ còn có hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người cũng qua những quá trình đào tạo như vậy mà vẫn không trở thành được nhân tài như họ. Nguyên nhân ở đâu?

Trước hết, họ là những người có đủ tư chất để trở thành nhân tài. Tư chất đó chính là phẩm chất lương thiện, là đạo đức và ý chí, trong đó, lương thiện là phẩm chất quan trọng hàng đầu. Nhân tài là người giỏi, nhưng nhân tài không thể là những cá nhân đơn lẻ, nhất là trong điều kiện hiện nay. Vì vậy, nhân tài phải có các phẩm hạnh tốt, quan trọng nhất là hoà hợp với mọi người, tập hợp được mọi người, lao động và chia sẻ cùng mọi người. Còn ý chí là nguồn năng lực vô tận, có sức mạnh dẫn dắt con người vượt qua được thử thách, cam go để đi đến những mục tiêu cao đẹp. Nhân tài, dù là doanh nhân, nhà khoa học hay nhà lãnh đạo, quản lý xã hội đều phải như vậy.

Nhưng trong số những con người có được tư chất như vậy, không phải ai cũng có thể trở thành nhân tài, mặc dù họ đều là những người rất có ích cho xã hội, nhưng đóng góp của họ không lớn. Tài năng sẽ là yếu tố quyết định những người lương thiện có khả năng trở thành nhân tài. Tài năng có được là do học tập, rèn luyện, trau dồi. Nghĩa là, quá trình học trong nhà trường và trong cuộc sống đóng vai trò hết sức quan trọng đối với những người có tư chất, đạo đức. Nhưng sự học suốt đời cũng chỉ là điều kiện cần, không phải là điều kiện đủ để người học trở thành nhân tài. Không thể phủ nhận vai trò của khả năng thiên bẩm là cái mà không ai dạy được, người ta chỉ dạy để phát triển nó mà thôi. Đôi khi rèn luyện và học tập có vai trò lớn hơn khả năng bẩm sinh, đó là điều có thể còn phải tranh luận, tuy nhiên không ai có thể đánh giá thấp khả năng thiên bẩm của người tài. Vì vậy, đặt vấn đề đào tạo nhân tài theo cách hiểu thông thường là tìm những người học giỏi để dạy trong những trường lớp riêng (kiểu như trường chuyên, lớp chọn, hay ý định hình thành chương trình đào tạo nhân tài), mặc dù có thể không vô ích, nhưng không phải là hướng đi đúng. Giáo dục, đào tạo có sứ mệnh rất quan trọng là tạo mặt bằng tri thức và kỹ năng để trên cơ sở đó những người có tài năng vươn lên được những đỉnh cao bằng sự thông minh và ý chí của mình. Nhiệm vụ của Nhà nước là phải tạo ra nền tảng giáo dục vững chắc, tạo cơ hội để nhân tài xuất hiện. Nghĩa là, chỉ khi chúng ta có một nền giáo dục tiên tiến thì nhân tài mới xuất hiện ngày càng nhiều.

Một nhà nghiên cứu xã hội học có viết, đại ý rằng: Phát triển là sự gặp gỡ một cách thuận lợi giữa các tiềm năng bên trong của con người với các điều kiện khách quan. Nghĩa là, nếu không có điều kiện khách quan bên ngoài thuận lợi cho sự phát triển tiềm năng bên trong các cá thể thì nhân tài không thể xuất hiện hoặc xuất hiện rất ít. Điều đó lý giải phần nào, tại sao hiện nay chúng ta chưa có nhiều nhân tài. Vậy điều kiện khách quan đó là gì? Ví dụ trong lĩnh vực KH&CN (cũng như trong các lĩnh vực hoạt động trí tuệ khác), tự do sáng tạo là một trong những điều kiện tiên quyết. Khi có tự do và biết sử dụng trí tuệ của mình một cách tự do, con người sẽ hình thành một khả năng quan trọng, đó là tìm ra những phương sách giải quyết tốt các vấn đề xã hội đặt ra mà chưa ai giải quyết được hoặc giải quyết chưa trọn vẹn. Lúc đó, những tri thức tích lũy trong nhà trường và trong cuộc sống được trí tuệ thông minh vượt trội của nhân tài xử lý để tìm ra lời giải.

Xã hội không nên “sốt ruột” về việc thiếu nhân tài rồi đưa ra những giải pháp vội vã, không khả thi. Phải suy nghĩ để tìm cho được những nguyên nhân khách quan, chủ quan của hiện trạng và điều có ý nghĩa quyết định nhất là phải tạo điều kiện khách quan để nhân tài có cơ hội xuất hiện. Chẳng hạn, để có được những nhân tài KH&CN cần có những chính sách, biện pháp cụ thể liên quan đến môi trường làm việc, điều kiện vật chất của các phòng thí nghiệm, điều kiện tiếp cận thông tin, giao lưu khoa học... cũng như chính sách về lương thoả đáng đối với người làm công tác nghiên cứu. Nhà nước phải tạo điều kiện để những người có khả năng trở thành nhân tài có được nhiều cơ hội nhất để thi thố tài năng, điều kiện làm việc thuận lợi và môi trường sáng tạo tốt nhất để các nhà khoa học tạo nên những đỉnh cao trên một nền phát triển của số đông. Do đó, chất lượng của công tác đào tạo nhân lực KH&CN đóng vai trò hết sức quan trọng. Để có nhiều nhân tài, đội ngũ cán bộ KH&CN phải đông đảo, có chất lượng tốt - một đòi hỏi mà để đáp ứng được thì hiện còn nhiều vấn đề nan giải.

Một trong những vấn đề rất phức tạp và tế nhị là chuyện tôn vinh nhân tài. Xã hộiM, nói đúng hơn là những tổ chức và cá nhân có trách nhiệm trong xã hội, cần  tỉnh táo suy xét về vấn đề này. Điều đang xảy ra và đục ruỗng xã hội hiện nay là bệnh thành tích. Không phải chỉ trong thi cử và học hành, mà trong nhiều mặt của cuộc sống của xã hội. Những giá trị ảo, những thành tích dối trá vẫn được tôn vinh và chân giá trị của những bằng cấp, những danh hiệu, những phẩm hàm trong xã hội không được nhận dạng và đánh giá đúng, tất yếu sẽ dẫn đến những hệ quả tiêu cực. Những sự tôn vinh lệch lạc (như kiểu đưa một học sinh có tài phá hoại lên hàng tài năng), tôn vinh những người có tài hoặc có tiềm năng trở thành nhân tài nhưng không đúng lúc và đúng mức (ví dụ tôn vinh quá sớm, quá đáng những học sinh thủ khoa hay được giải quốc gia và quốc tế cao) đều có thể làm thui chột nhân tài, hướng xã hội chạy theo những hư danh vô bổ. Xã hội cần phải hết sức tỉnh táo với những hình thức vinh danh có xu thế thương mại hóa trong nhiều lĩnh vực, nếu không hậu quả sẽ rất nặng nề cho nhiều thế hệ tiếp theo của chúng ta.

Theo tạp chí hoạt động khoa học

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022