Chú ý phòng trừ bệnh hại lúa vụ Hè Thu

Hiện nay lúa vụ Hè Thu 2014 của tỉnh Bến Tre  đang giai đoạn làm đòng,  trổ, đây là giai đoạn lúa rất mẫn cảm với các loài dịch hại. Hiện trên đồng ở trà lúa đòng, trổ đang  nhiễm bệnh cháy bìa lá và bệnh vàng lá chín sớm, song đa số  bà con nông dân không nhận diện được triệu chứng bệnh nên lúng túng trong phòng trừ. Vì thế, để bảo vệ năng suất lúa Hè Thu, bà con nông dân cần chú ý xác định đúng bệnh và phát hiện bệnh sớm ngay từ giai đoạn đầu thì việc phòng trừ mới đạt hiệu quả cao.

image

Bệnh cháy bìa lá do vi khuẩn Xanthomonas oryzae gây ra. Bệnh thường xuất hiện ở giai đoạn đứng cái, làm đòng đến trổ, sau những cơn mưa kéo dài kèm theo gió mạnh. Vết bệnh phát triển từ chót lá vào, tạo thành một vết cháy ở đỉnh lá, màu vàng xám nhạt, giữa vết cháy và phần xanh còn lại của lá có ranh giới rất rõ bởi một đường viền nâu sẫm. Vài ngày sau vùng bệnh chuyển sang màu vàng, bìa gợn sóng. Vết bệnh có thể lan rộng khắp phiến lá làm lá khô đi hay bạc trắng. Trên các giống nhiễm, vết bệnh lan nhanh xuống phía dưới làm phiến lá cuốn dọc lại. Vết bệnh cũng có thể lan xuống cả bẹ lá, làm toàn bộ lá héo khô. Lúc sáng sớm, ra thăm đồng sẽ thấy trên chót lá bệnh có những giọt nước nhỏ màu nước trà đó chính là những gịot dịch vi khuẩn.  Từ những giọt vi khuẩn này, chúng sẽ lây lan từ cây này qua cây khác.
Các vùng lúa trũng hay ngập và có nhiều cỏ dại thường dễ bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, trên những ruộng gieo sạ giống nhiễm; bón thừa đạm; mật độ sạ dày  tạo điều kiện bệnh phát triển mạnh. Đặc biệt trong mùa mưa bão bệnh lây lan và phát triển nhanh.

image

* Biện pháp quản lý bệnh cháy bìa lá
- Dùng giống kháng bệnh, xử lý hạt giống trước khi trồng.
- Không bón quá nhiều phân đạm và không bón thúc muộn
- Vệ sinh đồng ruộng để hạn chế nguồn bệnh lây lan từ rơm rạ, cỏ dại, lúa chét, ...
- Khi xuất hiện bệnh, nên giảm bớt lượng phân đạm, tăng cường phân kali, thay nước ruộng và phun một trong các loại thuốc sau: Map Lotus 125WP, Agri-Life 100SL, Visen 20SC … phun vào giai đọan làm đòng và trước trổ nhất là sau những đợt mưa bão. Phun thuốc nên phun thật kỹ để thuốc bám đều trên lá lúa.
Đáng quan tâm kế tiếp là bệnh vàng lá ( nông dân còn gọi là vàng lá chín sớm). Bệnh do nấm Gonatophragmium sp. Bệnh thường xuất hiện từ các lá già bên dưới rồi lan dần lên các lá phía trên. Vết bệnh bắt đầu từ một điểm màu vàng nhạt, sau đó vết bệnh lớn dần có hình bầu dục, tạo thành vệt có màu vàng cam, hơi ngả sang đỏ. Vết bệnh phát triển theo chiều hướng kéo dài ra chóp lá, màu vàng cam, không có viền xung quanh. Nếu bệnh xuất hiện sớm và gây hại nặng có thể làm cháy khô cả lá trước khi thu hoạch đưa đến bông lúa bị lép và lững nhiều.
Điều kiện bệnh phát sinh và phát triển: Ẩm độ cao; bón thừa đạm; sạ dày.

* Biện pháp quản lý bệnh vàng lá
- Vệ sinh đồng ruộng.
- Gieo sạ với mật độ vừa phải (120-150kg/ha).
- Bón phân cân đối, tránh bón thừa phân đạm.
- Thăm đồng thường xuyên, đặc biệt là giai đoạn lúa trổ về sau để phát hiện bệnh thật sớm và  phòng trị bệnh kịp thời bằng một trong các lọai thuốc đặc trị sau: Plant 50WP, Tilt super 300EC; Bemyl 50WP,...
Để bảo vệ năng suất lúa đòi hỏi phải có sự chăm sóc, thăm đồng thường xuyên, phát hiện sâu bệnh và có biện pháp quản lý kịp thời bằng biện pháp tổng hợp nhằm giảm thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời bảo vệ môi trường./.

Nguyễn Thị Nguyệt
Chi cục Bảo vệ thực vật

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi