Cảnh báo bệnh chổi rồng phát triển và gây hại trên cây chôm chôm

Mặc dù không phải là đối tượng dịch hại mới, bệnh chổi rồng đã gây hại trên cây nhãn đã hơn 7 năm, song đến nay công tác nghiên cứu về bệnh chổi rồng vẫn còn đang tiếp tục.


Trong thời gian qua, Nhà nước đã tốn không ít nhân lực, lẫn tài lực cho công tác phòng chống dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn. Các cơ quan chuyên ngành đã phối hợp từ Trung ương đến địa phương thực hiện công tác phòng chống bệnh chổi rồng hại nhãn bằng nhiều hình thức như xây dựng mô hình điểm, tập huấn, tài liệu bướm, tuyên truyền qua Báo, Đài,... Qua thời gian tích cực thực hiện, đến nay tình hình nhiễm bệnh chổi rồng gây hại trên cây nhãn ở một số tỉnh tạm thời lắng dịu nhưng một số vùng vẫn chưa đạt hiệu quả cao do cắt tỉa không đồng loạt so với yêu cầu vì thiếu lao động; một số diện tích nhỏ lẻ, manh mún không được chủ vườn quan tâm phòng trừ; ngoài ra một số nông dân không cắt tỉa, không chăm sóc, bón phân mà chỉ chú trọng phun thuốc hoặc chưa áp dụng đúng quy trình phòng trừ bệnh chổi rồng mà ngành bảo vệ thực vật đã khuyến cáo. Do đó, bệnh chổi rồng đã bắt đầu tái nhiễm trở lại và điều đáng lo ngại là hiện nay bệnh chổi rồng đang có khuynh hướng phát triển trên cây chôm chôm (Vĩnh Long , Bến Tre,…). 

 

image


Trước kia, đã phát hiện bệnh chổi rồng gây hại trên chôm chôm ở giai đoạn bông nhưng thời gian gần đây xuất hiện triệu chứng bệnh thể hiện trên đọt non và trên cả cây con làm gốc ghép (mặc dù mức độ bệnh không cao, chỉ mới vài chùm nhiễm bệnh/ cây và rải rác vài cây/ vườn). Đây là mối nguy cơ báo trước bệnh chổi rồng hoàn toàn có khả năng phát tán và gây hại cây chôm chôm trên diện rộng nếu không có biện pháp tích cực ngăn chặn.


Triệu chứng nhiễm bệnh chổi rồng trên cây chôm chôm gần giống như trên cây nhãn. Bệnh gây hại trên đọt non làm đọt bị chùn lại, không phát triển được. Lá, chồi non không phát triển được và mọc thành chùm, các lá này không lớn lên được và cụm lại. Trên hoa, bệnh làm cho chùm hoa co cụm lại, không bung ra được, kém phát triển và khả năng đậu trái rất ít, trái nhỏ.


  Mặc dù nhện lông nhung xâm nhập, gây hại ngay từ khi đọt non mới nhú ở các đầu cành, nhưng dấu vết bị hại chỉ lộ rõ để mắt thường có thể nhận biết lúc lá non hình thành. Khi lông nhung khô cứng dần, thì lúc này nhện cũng bắt đầu di chuyển đi nơi khác. Những vườn chôm chôm gần vườn nhãn bị nhiễm chổi rồng nặng thì có số cây chôm chôm bị bệnh chổi rồng nhiều.


Một trong những nguyên nhân phát tán bệnh là do các bộ phận bệnh sau khi chặt bỏ không được gom tiêu huỷ và vệ sinh vườn. Ký chủ phụ của nhện lông nhung là cây Bồ ngót và cây Bóng nẻ có nhện lông nhung xuất hiện thường xuyên. Trên các cây này, nhện hiện diện chủ yếu trên lá non và lá lụa và triệu chứng thể hiện có khác so với trên nhãn. Tác nhân lan truyền và mầm bệnh thường tập trung ở đọt non và chùm bông, nên để quản lý tốt bệnh này cần phòng trị tốt các loại côn trùng và nhện gây hại vào giai đoạn đọt non và mang bông bằng các biện pháp tổng hợp, trong đó quan trọng nhất là biện pháp vệ sinh vườn. Có thể áp dụng quy trình phòng trừ bệnh chổi rồng trên cây nhãn cho cây chôm chôm:


+ Phải xử lý dụng cụ nhân giống, dụng cụ cắt tỉa sau khi thu hoạch, khi chuyển từ cây này sang cây khác để tránh hiện tượng lây lan;


+ Nông dân theo dõi thăm vườn thường xuyên, phát hiện những chùm hoa hoặc đọt non bị nhiễm chổi rồng thì nên cắt tỉa bỏ gom lại và tiêu huỷ (đốt bỏ hoặc chất thành đống phun thuốc trừ nhện rồi phủ ni lông). Sau khi cắt phải phun thuốc trừ nhện lên tán lá ngay. Đây là biện pháp rất quan trọng để hạn chế mầm bệnh lây lan;
- Quản lý bệnh chổi rồng trên cây nhãn theo quy trình một cách chặt chẽ là một biện pháp hiệu quả hạn chế bệnh phát triển và lây lan sang cây chôm chôm;


-  Nên sử dụng phân chuồng hoai mục để bón bổ sung cho cây hàng năm vào giai đoạn sau khi cắt tỉa cành. Bón đầy đủ dinh dưỡng, cân đối để cây phát triển khoẻ cũng hạn chế bệnh phát triển;


- Việc sử dụng thuốc hóa học để phun trừ nhện cũng rất cần thiết. Sau khi cắt tỉa bỏ các phần bệnh, cây vừa nhú đọt non, phun thuốc trừ nhện và phun lại lần 2 nếu chôm chôm ra đọt không đều. Giai đoạn chôm chôm ra hoa, phun thuốc trừ nhện khi phát hoa mới nhú. Có thể sử dụng một số loại phân bón lá để chồi non hay phát hoa phát triển nhanh và mạnh tạo sức chống chịu tốt đối với bệnh. Khi quản lý được nhện càng triệt để thì biện pháp phòng trừ càng có hiệu quả. Chú ý phải sử dụng thuốc luân phiên, vì nhện có tính kháng thuốc rất cao.


Các biện pháp trên cần được thực hiện theo phương châm “cộng đồng và đồng loạt” thì việc phòng trừ bệnh chổi rồng mới đạt hiệu quả cao./.


Nguyễn Thị Nguyệt
Chi cục Bảo vệ Thực vật

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao hiệu quả xử lý chôm chôm ra hoa rãi vụ trong điều kiện biến đổi khí hậu
• Quy trình chăm sóc cây giống chôm chôm trong điều kiện hạn hán xâm nhập mặn
• Một số giải pháp canh tác chôm chôm, sầu riêng trong điều kiện hạn mặn
• Phòng trừ bệnh hại chôm chôm trong mùa mưa
• Chôm chôm khó ra hoa và giải pháp khắc phục
• Phòng trừ bệnh phấn trắng gây hại chôm chôm trong mùa mưa
• Ruồi đục trái-dịch hại đang phát triển và gây hại trên chôm chôm
• Thu nhập cao từ vườn chôm chôm Thái Lan
• Thu lợi nhuận cao bằng cách xử lý chôm chôm ra trái nghịch vụ
• Phòng trừ bệnh thối trái chôm chôm
• Bệnh bồ hóng
• Bệnh đốm rong
• Bệnh thối trái
• Bệnh phấn trắng trên chôm chôm
• Bệnh phấn trắng trên chôm chôm