Hãy cảnh giác một loài sâu đục thân mới gây hại trên mía

Theo thông tin mới nhất của Cục Bảo vệ Thực vật Phía Nam cho biết hiện xuất hiện một loài sâu đục thân mía 4 vạch hoàn toàn mới mà từ trước tới nay chưa từng có tài liệu nào công bố có mặt ở Việt Nam, chúng đang gây thiệt hại nặng cho hàng trăm ha mía sắp thu hoạch ở huyện Châu Thành tỉnh Tây Ninh


Do là loài sâu hại mía hoàn toàn mới ở Việt Nam nên hầu như chưa có kết quả nghiên cứu nào trong nước đề cập đến nó. Tuy nhiên, đây lại là loài sâu đục thân mía khá phổ biến, đã có mặt từ lâu ở các nước trồng mía xung quanh nước ta như Thái lan, Myanmar, Ấn Độ, Bangladesh,… nên các kết quả nghiên cứu về nó ở ngoài nước cũng đã có.  Ngày 05/09/2014, Viện Nghiên cứu Mía đường đã chính thức định danh được tên khoa học của loài sâu đục thân mía 4 vạch đầu nâu mới này là Chilo tumidicostalis Hampson, thuộc Họ Ngài sáng (Pyralidae), Bộ Cánh vảy (Lepidoptera). Tạm đặt tên gọi như vậy để phân biệt với loài sâu đục thân 4 vạch đầu vàng cũ có tên khoa học là Chilo sacchariphaugus Bojer đã có ở Việt Nam từ lâu.


Mặc dù diện tích mía ở tỉnh Bến Tre khá khiêm tốn chỉ 4.468 ha nhưng không thể vì thế mà thiếu cảnh giác đối với loài sâu hại mới này vì đây là loài dịch hại tiềm ẩn nguy cơ phát triển và gây hại nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất mía. Chúng xuất hiện ít phổ biến hơn các loài sâu đục thân mía khác, nhưng một khi nó xuất hiện và gây hại thì thiệt hại do nó gây ra thường rất lớn, có khi lên tới 100%.


- Đặc điểm của loài sâu đục thân mía 4 vạch đầu nâu Chilo tumidicostalis

image
Sâu đục thân mía 4 vạch đầu nâu
Chilo tumidicostalis Hampson


Theo các kết quả nghiên cứu này thì sâu đục thân mía 4 vạch đầu nâu có vòng đời trung bình từ 44 - 54 ngày. Trong đó giai đoạn trứng khoảng 09 ngày, giai đoạn sâu non có từ 05 - 07 tuổi với thời gian từ 25 - 30 ngày, giai đoạn nhộng từ 07 - 10 ngày, còn giai đoạn trưởng thành là từ 03 - 05 ngày.


Trứng thường được đẻ vào ban đêm, thành từng ổ có từ 04 - 05 hàng trứng, có màu trắng trên cả 2 mặt của phiến lá mía, mỗi ổ trứng có từ 270 - 370 quả trứng. Sâu non có đầu màu nâu vàng đến sẫm (còn loài 4 vạch cũ có đầu màu vàng nhạt), các chấm trên cơ thể to, màu xám mờ (còn loài 4 vạch cũ nhỏ, màu tím đen, lộ rõ), mảnh lưng ngực trước có màu nâu đậm (còn loài 4 vạch cũ có màu trắng, viền nâu đen), sâu non tuổi cuối có kích thước rộng từ 3,25 - 3,92mm và dài từ 19,12 – 23,22mm. Sâu non sau khi nở từ trứng thường theo nhau bò xuống bẹ lá và tập trung đục vào trong lóng mía của chính lá đó để gây hại (khác với loài 4 vạch cũ thường đục ăn nhu mô lá non, để lại triệu chứng lá lốm đốm trắng rất điển hình). Sâu non có tính gây hại tập thể, nhiều con cùng gây hại trên 1 cây (khác với loài 4 vạch cũ thường chỉ gây hại 1 – 2 con/cây), sâu có thể đục ăn xuyên qua 3 – 5 lóng mía và ăn hết phần thịt lóng, chỉ chừa lại phần vỏ thân chỉ trong vòng 2 – 3 tuần, làm cho cây bị chết khô rất nhanh, sau đó bị gãy, đổ và chết rụi.


Sâu non thường hóa nhộng ngay trong lỗ đục ở trong thân cây mía. Nhộng sâu màu nâu đỏ, có kích thước rộng từ 2,87 – 4,89mm, dài từ 10,98  – 14,93 mm. Ngài trưởng thành có màu nâu đến nâu nhạt, ngài cái lớn hơn ngài đực, sải cánh rộng từ 26,21 – 28,24mm, thân dài từ 14,53 – 18,24mm, chủ yếu hoạt động vào ban đêm nhưng có xu tính ánh sáng yếu (ít vào đèn).


Điều kiện thích hợp để cho loài sâu đục thân mía 4 vạch mới này bay tới đẻ trứng và phát sinh gây hại là ở giai đoạn mía được 05 – 06 tháng tuổi, trong mùa mưa ẩm ướt hoặc trên ruộng mía thoát nước kém, ngập úng kéo dài.


Các loài thiên địch chính của loài sâu đục thân mía mới này gồm có ong kén trắng kí sinh sâu non Cotesia flavipes, ong Tetrastichus sp. kí sinh nhộng, ong đen Telenomus sp. và ong mắt đỏ Trichogramma chilotraeae kí sinh trứng.


- Biện pháp phòng trừ


    Việc phòng trừ sâu đục thân mía nói chung, loài sâu đục thân mía 4 vạch đầu nâu mới này nói riêng là rất khó khăn do cây mía có sinh khối lớn, cây cao, to, thời gian sinh trưởng kéo dài, lại thường được thâm canh, trồng dày, lưu gốc nhiều năm,…


    Trong khi chờ đợi các nhà khoa học nghiên cứu, tốt nhất là nên áp dụng biện pháp tổng hợp ngay từ đầu vụ mía như: vệ sinh ruộng mía cho thông thoáng; sử dụng các giống mía ít nhiễm sâu đục thân; bón phân cân đối, tránh bón thừa đạm làm cây mía non yếu; làm cỏ, vun gốc, xới xáo, đánh lá mía thường xuyên,…tạo điều kiện cho cây khỏe. Đây là những biện pháp phòng có hiệu quả tốt đối với sâu đục thân.


    Để ngăn chặn ngay từ đầu việc xâm nhiễm và phát tán loài sâu đục thân mới này, bà con nông dân nên thăm ruộng mía thường xuyên, nhận dạng được thành trùng , ấu trùng và triệu chứng gây hại của chúng, phát hiện sớm. Khi thấy có loài sâu đục thân mới này xuất hiện trên ruộng mía, bà con cần báo ngay với cán bộ kỹ thuật các Trạm Bảo vệ thực vật gần nhất hoặc Chi cục Bảo vệ Thực vật để khoanh vùng bị nhiễm và có hướng xử lý kịp thời ./.

Nguyễn Thị Nguyệt
Chi cục Bảo vệ Thực vật

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi