Giải pháp hạn chế thiệt hại trong nuôi tôm biển

Tôm chân trắng nuôi thâm canh từ 20 đến 30 ngày tuổi là giai đoạn dễ sinh dịch bệnh và hao hụt nhất. Nên việc ương giống trước khi thả nuôi là một giải pháp tối ưu, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho nghề nuôi thủy sản của tỉnh.


image 
Qua thống kê, diện tích nuôi tôm xảy ra dịch bệnh ngày càng tăng, cụ thể năm 2011, dịch bệnh gây thiệt hại chiếm 21% diện tích thả nuôi; năm 2012, chiếm 28%; 2013, tình hình dịch bệnh có giảm do áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh trên tôm nhưng nguy cơ rủi ro vẫn diễn biến phức tạp. Mặc dù việc thả tôm giống xuống ao nuôi trực tiếp được thực hiện đúng kỹ thuật như cân bằng nhiệt độ, độ mặn… nhưng tỷ lệ hao hụt là không thể tránh khỏi. Nhiều ao nuôi khi thả giống trực tiếp từ 15-20 ngày thì tôm chết hoặc do dịch bệnh gây ra.


Ông Nguyễn Văn Buội-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, từ thực tế trên, ông đã nghiên cứu giải pháp: “Ương giống tôm chân trắng trước khi thả nuôi nhằm hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra (Nuôi 2 giai đoạn)”. Đây là giải pháp cải tiến kỹ thuật đối với hình thức nuôi trước đây, từng bước giúp cho các cơ sở nuôi tôm biển tiếp cận được khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ tay nghề trong công tác quản lý, chăm sóc.


Cách thực hiện khá đơn giản. Trước hết, người nuôi thiết kế ao ương diện tích trung bình khoảng 1.000m2/ao. Ao ương được lót bạc đáy chống rò rỉ, phía trên có che kín lưới lan để chống sự xâm nhập của các loài động vật hay côn trùng, đồng thời giữ nhiệt độ trong ao ổn định. Xung quanh rào kín bằng lưới hoặc bạc. Khu nuôi được bải vệ nghiêm ngặt, chống sự xâm nhập của vật nuôi hay địch hại như chuột, chim… Mật độ thả khoảng 600 con/m2. Trong thời gian này, tôm được quản lý, chăm sóc kỹ lưỡng, như pH đo ngày 2 lần, độ kiềm 7 ngày/lần, ngoài ra hàm lượng oxy được đảm bảo >4mg/lít, duy trì độ mặn 10-15%0. Độ pH từ 7,8 đến 8,2 và dao động trong ngày không vượt quá 0,5. Người nuôi cần lựa chọn loại thức ăn có chất lượng cao. Bên cạnh đó, cách cho ăn phải khoa học, hợp lý, phù hợp từng giai đoạn phát triển của tôm. Cho tôm ăn 4-5 lần trong ngày, lượng cho ăn tùy theo giai đoạn phát triển.


image 
Tôm ương nuôi trong ao khoảng 28 ngày tuổi, khi tôm đạt kích cỡ 1,5-2g được thả ra ao lớn để tiếp tục nuôi thương phẩm. Giải pháp trên có nhiều ưu điểm như hạn chế thiệt hại và chi phí. Đối với các ao nuôi khi chưa áp dụng biện pháp trước khi dịch bệnh xảy ra thì thiệt hại khoảng 250 triệu đồng/ha. Nhưng sau khi áp dụng (nuôi giai đoạn 2) giảm 100 triệu đồng/ha khi có dịch bệnh.

 

Trong năm 2013, nhiều cơ sở nuôi tôm chân trắng thâm canh áp dụng tốt giải pháp ương tôm giống trước khi thả nuôi, thực hiện tốt các nội dung khuyến cáo của ngành nên kết quả vụ nuôi tôm biển năm 2013 đạt khả quan. Diện tích thiệt hại giảm 12% so với năm 2012 và tương đương với giá trị 960 tỷ đồng.


Theo ông Nguyễn Văn Buội, giải pháp này áp dụng cho tất cả các cơ sở nuôi tôm chân trắng thâm canh trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, giải pháp có thể được áp dụng cho các hộ nuôi tôm sú.

Cẩm Trúc
Báo Đồng Khởi

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi