Phòng trừ dòi đục lá gây hại hoa cúc

imageHoa kiểng là loại cây trồng không thể thiếu trong những dịp Tết cổ truyền, chúng góp phần tô điểm cho mùa xuân thêm nhiều hương sắc. Bên cạnh hoa vạn thọ, hoa mai thì hoa cúc vàng cũng được nhiều người ưa chuộng vì vẻ đẹp kiêu sa của chúng mà lại rất dễ trồng. Song để có những chậu cúc vàng rực rỡ người trồng hoa phải bỏ nhiều công sức để chăm sóc từ giai đoạn cây con đến giai đoạn đơm bông. Trong những năm gần đây, các vùng trồng hoa ở Đà Lạt, Thành phố HCM và vùng chuyên trồng hoa kiểng ở huyện Chợ Lách, dòi đục lá đã trở thành đối tượng đáng quan tâm trên cây hoa họ cúc, chúng đã làm giảm giá trị thương phẩm của hoa rất nhiều.

Dòi đục lá (Liriomyza  sp) thuộc họ Agromyzidae bộ Diptera là một loài dịch hại địa phương ở Bắc Mỹ và các vùng cận nhiệt đới như Nam Mexico, Đông Ấn Độ. Nhưng từ những năm 1970 đến nay Liriomyza  sp đã được lây lan theo nhiều con đường khác nhau và đã trở thành một loài dịch hại phân bố rộng khắp thế giới. Sâu non (dòi) đục lá ăn nhu mô lá để lại biểu bì trên tạo thành những đường đục ngoằn ngoèo ở trên lá (giống như triệu chứng sâu vẽ bùa trên cam quít ). Sâu gây hại đến đâu thải phân đến đó theo đường đục. Sâu gây hại suốt từ giai đoạn cây con đến giai đoạn ra hoa. Nếu bị hại nặng các đường đục liên kết với nhau, sau đó sẽ bị thâm nâu và khô cháy làm bề mặt lá co rúm lại, diện tích quang hợp của lá bị giảm sút, cây kém phát triển, hoa nhỏ (bị chai đi) và sắc vàng kém rực rỡ. Nếu giai đoạn cây con bị hại nặng có thể chết cây. Nguy hiểm hơn là trưởng thành của dòi đục lá là môi giới lây truyền bệnh Pseudomonas cichorii ( bệnh đốm lá vi khuẩn ) trên cây hoa cúc.

Dòi đục lá là một loài sâu ăn tạp có thể tấn công khoảng 25 họ cây trồng. Trưởng thành là một loài ruồi rất nhỏ. Ruồi cái có cơ thể dài khoảng 1,5-1,8mm. Trứng của dòi đục lá rất nhỏ, hình ôvan, mới đẻ có màu trắng trong, sắp nở có màu trắng đục. Sâu non dạng dòi dài 2-2,2mm. Nhộng dạng bộc hình bầu dục màu vàng. Trưởng thành chỉ ăn hoặc đẻ trứng trên lá bánh tẻ, không đẻ ở lá non. Trưởng thành cái bay đến từng lá , dùng máng đẻ trứng chọc qua biểu bì để ăn dịch lá hoặc đẻ trứng trong lá. Trưởng thành (ruồi) rất ưa thích màu vàng , vì thế những mảnh giấy hoặc dãi dây màu vàng rất có lợi cho việc thu hút trưởng thành ở khu vực trồng hoa. Các vết ăn của ruồi cái trên lá cây thường để lại những chấm trắng nhỏ li ti, nếu nhìn bằng mắt thường rất khó phân biệt với vết đẻ trứng của chúng. Dòi tuổi 01 khi mới nở ra, đục ăn ngay mô lá và sống trong đường đục đến đẩy sức mới bò ra ngoài tìm chổ đất xốp hoặc kẽ nứt của đất hóa nhộng. Đất quá khô hoặc quá ướt đều làm giảm khả năng vũ hóa của nhộng.

Biện pháp phòng trừ:
Để phòng trừ dòi đục lá cần phối hợp nhiều biện pháp :
- Sâu non và nhộng của dòi đục lá thường bị một số loài ong trong họ Eulophidae, Braconidae và Cynipidae,…ký sinh.
- Hạn chế tưới quá nhiều phân đạm cho hoa.
- Nhổ sạch cỏ dại trên những luống hoa cũng là biện pháp hạn chế dòi đục lá.
- Dùng bẫy màu vàng có chất dính để thu bắt và tiêu diệt trưởng thành, đặt bẫy cách mặt đất 25- 50cm và với khoảng cách 15 –20 m2 / bẩy).
- Sử dụng một trong các loại thuốc như: Eska 250EC, Vimatrine 0.6L; Trigard 100SL... để phun xịt. Ruồi đục lá có vòng đời ngắn, sinh sản rất nhiều nên chúng rất nhanh quen thuốc, vì thế nên sử dụng thuốc luân phiên để hạn chế kháng thuốc./.

Nguyễn Thị Nguyệt
Chi cục Bảo vệ Thực vật

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi