Quy trình kỹ thuật nhân giống vườn cây đầu dòng cây bưởi da xanh

Giống cây trồng là một trong những nhân tố đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng trái cây đáp ứng nhu cầu thị trường, là yêu cầu hết sức quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế vườn. Do đó, để có một cây giống tốt thì trong quá trình nhân giống đòi hỏi nguồn vật liệu ghép (cành, mắt ghép) phải đảm bảo đúng giống có nguồn gốc rõ ràng là hết sức cần thiết, vì vậy Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách chủ trì thực hiện đề tài “Khảo sát, chọn lọc và xây dựng vườn cây đầu dòng cây ăn trái đặc sản phục vụ sản xuất” trên địa bàn tỉnh Bến Tre và đã đưa ra quy trình xây dựng vườn cây đầu dòng hoàn chỉnh trên một số loại cây ăn trái đặc sản của tỉnh như: sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh,…. Sau đây xin giới thiệu quy trình kỹ thuật nhân giống vườn cây đầu dòng cây bưởi da xanh.

I. Một số tiêu chí vườn cây đầu dòng:

- Phải có sơ đồ, bảng hiệu vườn cây đầu dòng; có ghi rõ mã số cây đầu dòng được chứng nhận;
- Cây con giống trong vườn cây đầu dòng phải được nhân giống từ cây đầu dòng có mã số nguồn giống;
- Được lập sổ theo dõi tình hình cung cấp vật liệu nhân giống;
- Hằng năm báo cáo kết quả khai thác, tình hình sinh trưởng, phát triển của nguồn giống và những thay đổi liên quan đến việc chuyển nhượng quyền sở hữu nguồn giống (nếu có) về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Chọn cây tốt trong vườn để chăm sóc, nuôi dưỡng nhằm theo dõi đặc tính di truyền của cây đầu dòng. Đồng thời làm cơ sở bình tuyển cây đầu dòng cho thế hệ sau;
- Vườn cây đầu dòng vẫn có thể trồng xen hợp lý nhưng phải đảm bảo 100% ánh sáng cho cây sản xuất vật liệu nhân giống;
- Thời gian khai thác vật liệu nhân giống không quá 05 năm (kể từ ngày khai thác đầu tiên), sau thời gian này cần phải trẻ hóa hoặc trồng mới lại vườn cây đầu dòng; Số lượng mỗi lần khai thác không quá 2/3 sản lượng hiện có trong vườn;
- Không để nhiễm các loại sâu bệnh chính, như sâu đục thân, trái; bệnh thối gốc.
Riêng đối với cây bưởi, cần:
- Phải có nhà lưới 2 cửa và sơ đồ vườn cây đầu dòng;
- Những cây S1 được giám định bệnh thường kỳ 3 tháng/lần. Những cây dương tính tiếp tục được loại bỏ. Cây S1 sẽ được lấy mắt ghép để nhân giống trong 3 năm, sau đó phải thay đợt cây S1 mới. Không để nhiễm các loại bệnh chính, như bệnh chảy mủ, vàng lá thúi rễ, ghẻ loét.

II. Kỹ thuật xây dựng vườn cây đầu dòng cây bưởi da xanh

1. Thiết kế vườn cây đầu dòng
- Chọn đất xây dựng vườn: Đất có thành phần cơ giới nhẹ, tầng canh tác dày, thoát nước tốt, không nhiễm mặn, mực thủy cấp tối thiểu cách mặt đất 0,6m, thông thoáng. Cách xa vùng sản xuất cây có múi.
- Xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới: Xây dựng nhà lưới cấp 2 với dạng nhà lưới kín hoặc nhà lưới kiểu mới; Xây dựng hệ thống tưới béc phun hoặc nhỏ giọt theo từng cây.
- Thiết kế vườn trồng cây: Theo luống, bồn xi măng hoặc mô, chậu… có rãnh thoát nước tốt, lối đi thuận tiện.
- Khoảng cách trồng 1,5m x 2m.
- Mô, luống trồng Chiều cao 0,3-0,4m, rộng 0,5-0,8m.
- Thời vụ trồng: Quanh năm, tốt nhất vào đầu mùa mưa.
- Đặt cây con: Thẳng hàng, cành ghép quay về hướng gió chính.

2. Chăm sóc cây con
- Tỉa cành tạo tán: Cần thường xuyên tỉa cành tạo tán để cây ra nhiều cành, mắt ghép hơn, nên tỉa bỏ các cành sát gốc, kéo cành cho phân bố đều theo 4 hướng.
- Tủ gốc, bồi mô luống: Hàng năm cần bổ sung đất, phân hữu cơ cho mô, luống trồng.
- Tưới tiêu: Cần tưới đầy đủ nước cho cây con phát triển trong mùa nắng và tiêu thoát nước kịp thời trong mùa mưa.
- Bón phân: Hằng năm cần bón vôi 0,5-1kg/cây. Giai đoạn tạo cành ghép cần bón nhiều phân hữu cơ kết hợp tưới phân vô cơ với N và P cao. Giai đoạn khai thác cành, mắt ghép cần bón nhiều P và K trước khi lấy cành, mắt ghép từ 15-20 ngày.

3. Kỹ thuật xử lý và khai thác cành mắt ghép
- Trước khi lấy cành, mắt ghép cần thường xuyên tỉa bỏ đọt non (nếu có) đồng thời cung cấp nước đầy đủ trong thời gian 15-20 ngày để cành tập trung dinh dưỡng cho mắt ghép.
- Cành, mắt ghép chỉ sử dụng trong ngày sau khi rời khỏi cây mẹ. Trong điều kiện cần vận chuyển đi xa, nên bảo quản ở điều kiện đủ ẩm, tránh nhiệt độ cao.

4. Phòng trị sâu bệnh chính: Chủ yếu là rệp sáp, nhện, bệnh vàng lá thối rễ, bệnh thối gốc chảy nhựa, bệnh loét,…
- Rệp sáp: Dùng thuốc gốc Lân hữu cơ kết hợp với dầu khoáng DC-Tronc Plus 0,5%.
- Nhện: Dùng các thuốc nhóm Sulfur (Sulox 80WP), Fenpyroximate (Ortus 5SC); Ematine 1.9EC, Abafax 1.8EC, dầu khoáng, ...
- Bệnh vàng lá thối rễ: Cây mới chớm bệnh tưới thuốc nhóm Benomyl, nhóm Metalaxyl (Ridomil 72 WP) nhóm Carbendazim (Carbenzim 500FL, Derosal 50 SC). Tăng cường phân chuồng hoai mục có Tricôderma.
- Bệnh thối gốc chảy nhựa: Dùng thuốc gốc đồng (như Champion 77WP, Copper Zinc, Curzate M8 80WP), nhóm Mancozeb (Manzate 80WP), nhóm Metalaxyl (Ridomil 72WP), nhóm Fosetyl Aluminium (Aliette 80WP). Vết bệnh ở gốc, có thể dùng các loại thuốc trên pha đặc, rửa sạch vết bệnh và phết thuốc vào.
- Bệnh loét: Phun trị bệnh bằng các loại thuốc nhóm Kasugamycin (Kasumin, Kasuran 50WP, New Kasuran 16,6WP) hoặc các loại thuốc gốc đồng.

Trích Báo cáo tổng kết đề tài “Khảo sát, chọn lọc và xây dựng vườn cây đầu dòng cây ăn trái đặc sản phục vụ sản xuất”.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”
• Công bố quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Khác biệt chưa biết về chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài Tứ Quý
• Phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng xăng dầu
• Bến Tre: Tập huấn về cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF và hướng dẫn nghiệm thu công trình khí sinh học trong chăn nuôi cho cán bộ kiểm tra chất lượng và thợ xây, thợ lắp đặt tại địa phương
• Hội thảo “Giải pháp khai thác hiệu quả các bãi bồi, cồn nổi ven sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Sản phẩm gạo “Thạnh Phú” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý