Sử dụng cây lục bình làm cơ chất trong trồng nấm Bào ngư

Nghề trồng nấm đang được phát triển nhanh chóng với giá thành đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong các giống nấm ăn, nấm bào ngư và nấm rơm đã được nhiều hộ dân và một số cơ sở sản xuất nấm với số lượng lớn, đạt chất lượng cũng như tai nấm đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Thông thường nguyên liệu trồng nấm thường tận dụng từ các nguyên liệu phụ phẩm nông nghiệp rẻ tiền như mùn cưa cao su, rơm rạ, tro trấu, bã mía, mụn dừa, lục bình, thân gỗ mục. Trong đó, lục bình là một loài thực vật thủy sinh thường mọc dày đặc, trôi lơ lửng trên các sông rạch ở nước ta đặc biệt là ở các tỉnh miền Đông (Đồng Nai, Bình Dương, Tp.HCM) và các tỉnh miền Tây (Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long,..) dễ gây cản trở cho giao thông đường thủy. Vì vậy, việc tận dụng nguồn nguyên liệu lục bình dồi dào, dễ tìm để sản xuất nấm vừa giúp tăng thu nhập cho người dân vừa giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường.

Cây lục bình (Eichhornia crassipes Solms) là thực vật thân thảo, sống trôi nổi theo dòng nước. Lục bình xuất xứ từ Nam Mỹ, du nhập vào Việt Nam khoảng năm 1905. Lục bình có lá dạng hình tròn, màu xanh lục, láng và nhẵn mặt. Lá cuốn vào nhau như những cánh hoa. Cuống lá nở phình ra như bong bóng xốp ruột giúp cây lục bình nổi trên mặt nước. Hoa lục bình có màu tím nhạt. Rễ trông như lông vũ sắc đen buông rủ xuống nước, dài đến 1m. Cây lục bình sinh sản rất nhanh, một cây lục bình mẹ có thể phát triển làm tăng gấp đôi số lượng sau mỗi 2 tuần; nên dễ làm tắc nghẽn các ao hồ, kênh rạch, sông ngòi gây cản trở cho các phương tiện giao thông đường thủy, làm cho nhiều loài cá không thể sống được ở những ao hồ dày đặc lục bình.

 

 Cây lục bình

 

Hiện nay, các bụi lục bình có thân to, khỏe được thu về phơi khô và được chế biến để dùng bện thành dây, dệt thành chiếu, làm hàng thủ công mỹ nghệ, bàn ghế xuất khẩu. Người ta cũng sử dụng lục bình làm thức ăn cho gia súc, làm phân chuồng. Đây cũng là nguyên liệu rẻ tiền và dồi dào để trồng các loại nấm ăn. Sử dụng cây lục bình để trồng nấm có nhiều ưu điểm khác như: rễ lục bình chứa nhiều dưỡng chất, lục bình khô giữ độ ẩm rất tốt nên làm giảm công tưới khi nuôi trồng nấm. Ngoài ra, bã lục bình sau khi nuôi trồng nấm có thể chế biến thành phân hữu cơ dùng để bón cho các loại cây trồng, giúp giảm lượng phân hóa học trong trồng trọt và còn có tác dụng làm tơi xốp đất.

 

 Người dân thu gom lục bình (ảnh minh họa)

 

+ Chuẩn bị nguyên liệu trồng nấm bào ngư
Cây lục bình được thu về, cắt nhỏ thành những đoạn dài từ 4 – 5 cm và phơi khô ngoài nắng trong một tuần. Lục bình khô được xử lý với nước vôi 2% trong 48 giờ, rồi phơi cho ráo nước. Ủ với nấm Trichoderma trong 5 ngày.

+ Chuẩn bị bịch phôi nấm
Lục bình sau khi ủ được trộn với mùn cưa cao su với tỷ lệ 30% lục bình:70% mùn cưa bổ sung 5% cám gạo, 5% cám bắp, 1% bột nhẹ trên 100% tổng cơ chất chính. Bổ sung nước vào nguyên liệu lục bình đến khi đạt độ ẩm khoảng 50%. Bước này rất quan trọng vì cơ chất có chứa lục bình độ ẩm khá cao, vì vậy phối trộn và điểu khiển ẩm độ cơ chất tốt sẽ không ảnh hưởng đến túi phôi hoàn chỉnh.

Trộn đều tất cả các thành phần trên với nhau, đóng vào các túi nylon với trọng lượng 1,1 – 1,2kg/túi phôi. Sau đó, làm nút bông đầu các túi phôi, buộc báo kỹ và đem đi hấp khử trùng bằng hơi nước ở 121oC, áp suất đạt 1 atm trong 12 – 14 giờ. Túi phôi được cấy meo giống nấm bào ngư và ủ trong một tuần tại phòng ủ giống hoặc nhà trồng (độ ẩm 60 – 70%, nhiệt độ 25 – 27oC).

+ Trồng và chăm sóc nấm bào ngư
Sau khi sợi nấm bào ngư mọc kín bịch phôi nấm, mở nút bông và rạch bịch phôi nấm. Sau đó, đặt bịch phôi nấm ở nơi thoáng mát, ít gió và trong điều kiện ánh sáng nhẹ. Có thể treo các bịch phôi nấm bằng dây nylon hoặc xếp các bịch trên kệ. Dùng lưới bao xung quanh các bịch phôi để tránh sự tiếp xúc của côn trùng. Tiến hành tưới nước xung quanh các bịch phôi nấm để nâng cao độ ẩm không khí lên khoảng 70% – 90%, có thể tưới nước 3 – 4 lần/ngày nếu trời nắng nóng, khô tạo điều kiện cho quả thể nấm phát triển. Sau 7 ngày thì quả thể nấm bắt đầu hình thành. Lúc đầu, quả thể có dạng chùm. Sau đó, quả thể tiếp tục phát triển thành các hình dạng khác như dạng phễu, dạng lá tròn.

+ Thu hoạch
Quả thể nấm bào ngư có thể thu hoạch 2 – 3 đợt. Dùng dao cắt tai nấm hoặc dùng tay thu hết chùm quả thể. Vệ sinh miệng túi phôi thật sạch sau mỗi lần thu hoạch. Trọng lượng nấm trung bình đạt được trên mỗi bịch phôi là 200 – 300g/túi phôi 1,2 kg.

 

 Quả thể nấm bào ngư xám trồng trên cơ chất lục bình

 

Cây lục bình không có tính độc và thường mọc rất nhiều trên các ao, hồ, sông, rạch cung cấp nguồn nguyên liệu rẻ tiền và dồi dào để trồng nấm bào ngư. Bên cạnh đó, sử dụng lục bình giúp giảm giá thành sản xuất đồng thời còn giúp bảo vệ môi trường, nhất là hệ thống đường thủy được lưu thông sẽ dàng, bảo đảm nguồn nước thuận lợi cho cho các phương tiện giao thông.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Lân Dũng (2009), Công nghệ nuôi trồng nấm, NXB Nông Nghiệp.
2. Phạm Thị Lan Thanh (2014), Nghiên cứu trồng nấm bào ngư trắng (Pleurotus florida) trên nguyên liệu  bình. Viện Công nghệ Sinh học Môi trường – Đại học Lạc Hồng.
3. Ngô Thị Kim Phúc (2015), Nghiên cứu trồng nấm bào ngư xám trên cơ chất lục bình. Khóa luận tốt nghiệp, Đại học Công nghệ thực phẩm Tp.HCM.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”
• Công bố quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Khác biệt chưa biết về chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài Tứ Quý
• Phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng xăng dầu
• Bến Tre: Tập huấn về cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF và hướng dẫn nghiệm thu công trình khí sinh học trong chăn nuôi cho cán bộ kiểm tra chất lượng và thợ xây, thợ lắp đặt tại địa phương
• Hội thảo “Giải pháp khai thác hiệu quả các bãi bồi, cồn nổi ven sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Sản phẩm gạo “Thạnh Phú” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý