Trả lời bạn đọc về bệnh vàng lá và chết dần trên dừa

Câu hỏi:
Em tên Võ Trương Tấn Thành, hiện nhà em có trồng một vườn dừa nhưng bị bệnh chết dần. Mong được sự tư vấn từ Sở để có cách chữa bệnh cho cây. Vườn dừa em khoảng 100 cây, trồng đã được 3,5 tháng, có tưới phân đậm hai lần và phun thuốc (phân và thuốc do nhà em mua em không biết rõ tên) nhưng có hiện tượng bị vàng lá như hình rồi chết dần. Không biết cây bị bệnh gì hay do phân thuốc nhiều, rất mong được sự tư vấn từ Sở ....


Em chân thành cảm ơn!
siulochom@gmail.com

Trả lời:
Chào bạn!

Vườn dừa của bạn bị bệnh thối rễ, đây là bệnh khá nguy hiểm vì nếu không phát hiện sớm và phòng trị kịp thời sẽ làm chết cây. Bệnh phổ biến trên các vườn dừa mới trồng đến 5-7 năm tuổi. Bệnh do một số nấm hiện diện trong đất gây hại như nấm Fusarium sp, Phytophthora sp,… Bệnh gây hại trên dừa con sẽ biểu hiện lá bị vàng, cây kém phát triển, nhổ lên sẽ thấy trái dừa và bộ rễ bị thối hư. Nếu bệnh gây hại trên dừa đã có lóng, triệu chứng đầu tiên là những lá non ở đọt và những lá kế bị vàng từ ngoài chót sau đó lan dần vào bên trong, trong khi các lá phía dưới vẫn xanh. Những lá vàng rất dễ bị gãy bẹ, kéo nhẹ cũng rời khỏi thân. Sau đó, cả củ hủ (đọt dừa và các lá chưa mở) cũng sẽ khô thối và có mùi hôi rất khó chịu. Nếu nấm không xâm nhập đến củ hủ thì sau khi phòng trị cây có thể phục hồi sau đó, nhưng trên ngọn các tàu lá sẽ méo mó và những lá chét chồng chất lên nhau, nhỏ hẵn đi. Vì thế, nông dân cần nhận biết triệu chứng ngay giai đoạn đầu để phòng trừ kịp thời mới cứu được cây dừa. Nấm thường gây hại vào mùa mưa, ẩm độ cao, những vườn dừa thoát nước kém bệnh càng trầm trọng.

Biện pháp phòng trừ:
Nên phát hiện sớm khi lá chớm vàng, nếu phát hiện trễ khi rễ đã bị thối nặng thì việc phòng trừ không mang lại hiệu quả.
- Tránh trồng nơi ẩm thấp, vườn trồng dừa phải cao ráo, thoát nước tốt. Không trồng quá dày, thiếu ánh sáng.
- Thường xuyên vệ sinh vườn dừa, phá hết lùm bụi, làm cỏ để tạo thông thoáng vườn dừa.
- Tránh gây vết thương nhất là những lá non, tích cực tiêu diệt các tác nhân gây vết thương như kiến vương, chuột,… để hạn chế con đường xâm nhập của bào tử nấm vào cây.
- Phát hiện trong vườn dừa có cây bệnh nặng (không thể cứu được) thì nên đốn bỏ ngay và tiêu hủy để mầm bệnh không phát tán sang những cây khác.
- Tăng cường bón phân hữu cơ cho dừa.
- Thăm vườn thường xuyên, phát hiện sớm khi cây vừa chớm bệnh (những lá trên hơi vàng trong khi những lá dưới vẫn xanh) dùng  thuốc hóa học phun kỹ ở giữa đọt lá và nách lá. Sử dụng một trong những loại thuốc sau: Aliette 80WP, Ridomil – MZ 72 WP, Mataxyl 500WP,… phun 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày.

Chúc bạn thành công.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Sở KH&CN Bến Tre có cho đăng ký thực hiện các đề tài khoa học hay không?
• Tình hình ứng dụng công nghệ vi sinh vật để xử lý môi trường nước ở Bến Tre như thế nào
• Cho biết đậu móng chim tên khoa học là gì, hay còn gọi tên gì?
• Cây bưởi có dấu hiệu xuất hiện các đốm vàng trên lá là bệnh gì?
• Mô hình ủ phân vi sinh (từ nguồn phân bò, dê...) theo phương pháp mới
• Dừa bên em lá và đọt bị quẹo ngang nguyên nhân là bị gì ạ
• Hỏi về viết sáng kiến
• Tư vấn chọn giống dừa
• Trồng chanh chùm bông tím xen bưởi được không?
• Trả lời bạn đọc về đăng ký bảo hộ độc quyền một nhãn hiệu cho một sản phẩm mới
• Bệnh thối đọt trên dừa
• Trả lời bạn đọc - Bệnh trên bưởi da xanh
• Trả lời bạn đọc về mô hình trồng dừa trên đất cát
• Trả lời bạn đọc về xịt thuốc hoặc đặt thuốc trên dừa
• Kích thích ra bông vạn thọ