Triệu chứng nứt trái trên cây có múi – Biện pháp phòng trừ

Qua mùa khô 2015-2016, các vườn cây ăn trái bị ảnh hưởng mặn, sinh trưởng kém, trong đó đáng quan tâm nhất là triệu chứng nứt trái trên cây có múi nhưng phổ biến trên bưởi Da xanh làm trái bị nứt, rụng sớm, đưa đến giảm năng suất và chất lượng trái nghiêm trọng. Để phòng ngừa hiện tượng nứt trái, nông dân cần nhận biết triệu chứng nứt, xác định nguyên nhân, từ đó mới có biện pháp phòng trừ hợp lý.

Có hai trường hợp gây nứt trái:

Trường hợp thứ nhất: do thiếu Canxi. Triệu chứng nhận biết là trái bị nứt từ dưới đít trái, lúc đầu chỉ là một vết nứt nhỏ dài khoảng 2 -3 cm, sau đó vết nứt dài ra, trên vết nứt không có những đốm nâu vàng. Thịt trái bên trong bị khô, đôi khi tép thịt bị thối rữa (nếu có ruồi đục trái tấn công ngay vết nứt sẽ làm trái thối nhanh hơn). Trái có thể bị nứt khi đường kính trái khoảng 15-20cm trở lên.

 

 



Những vườn bị nhiễm mặn, thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu Canxi (do thiếu chăm sóc hoặc cây già cỗi, rễ yếu, hấp thu dinh dưỡng kém) hoặc mất cân đối về dinh dưỡng thường bị nứt trái. Đối với những vườn bưởi bị thiếu Canxi nên bón vôi cho cây với liều lượng từ 1,0 – 1,5 kg/cây, nếu vườn trước đó bị nhiễm mặn thì nên tích cực rửa mặn, tăng cường bón phân hữu cơ để cây nhanh chóng hồi phục bộ rễ. Giải pháp trước mắt, có thể phun các sản phẩm phân bón lá có chứa Canxi như CaSi, Star-CAB, Calcium-Boron Dynamic,…

Trường hợp thứ hai: bệnh loét gây hại trên trái. Vết bệnh lúc đầu nhỏ, sũng ướt, màu xanh tối, sau đó biến thành màu nâu nhạt, mọc nhô lên trên vỏ trái. Kích thước vết bệnh thay đổi tuỳ theo loại cây, từ 1-2mm trên quít, 3-5mm trên cam mật và hơn 10mm trên cam sành, bưởi. Chung quanh vết bệnh có quầng màu vàng nhạt, bề mặt vết bệnh sần sùi. Bệnh nặng các vết bệnh liên kết lại với nhau thành từ mãng lớn và làm múi trái bị chai, trong điều kiện ẩm độ cao, trái bệnh bị nứt chảy nhựa vàng trong (vết nứt có thể ở bất cứ vị trí nào của trái)  cuối cùng trái vàng và rụng đi. Nứt trái do vi khuẩn gây hại có thể xảy ra khi trái còn nhỏ. Cành non cũng thường bị nhiễm nặng, các đốm sần sùi đóng dày đặc làm khô chết cành.

Bệnh do vi khuẩn Xanthomonas axonopodis pv.citri ( tên củ là Xanthomonas campestris pv.citri) gây hại. Vi khuẩn có thể xâm nhiễm qua vết thương hay khí khổng ở các bộ phận của cây. Các vườn trồng dầy, thiếu chăm sóc, bón nhiều phân đạm là điều kiện tốt cho bệnh phát triển.

 

 

* Biện pháp phòng trừ nứt trái do vi khuẩn
- Trồng cây với mật độ vừa phải.
- Bón phân cân đối N-P-K, tránh bón thừa đạm.
- Tăng cường thêm lượng phân Kali cho vườn cây bị bệnh.
- Cắt bỏ và tiêu huỷ các bộ phận bị bệnh để hạn chế mầm bệnh lây lan, tạo thông thoáng vườn cây.
- Khi trong vườn có bệnh xuất hiện, không nên tưới nước thẳng lên tán cây sẽ làm cho mầm bệnh lây lan mạnh, chỉ tưới vào gốc cây và không nên tưới thừa nước.
- Phun ngừa bằng các loại thuốc gốc đồng như NorShield 86.2WG, Coc 85 WP hoặc khi bệnh chớm xuất hiện phun một trong các loại thuốc như New Kasuran 16,6 WP, Kasumin 2L, Starner 20 WP./.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi