Giống nhãn Idor cho hiệu quả kinh tế cao

Toàn huyện Bình Đại có hơn 1.810 ha trồng nhãn, gồm tiêu quế, xuồng  cơm vàng và Idor, chiếm 75% diện tích cây ăn trái toàn huyện. Tập trung tại các xã: Tam Hiệp, Long Hòa, Long Định, Châu Hưng, Vang Quới Đông.

Những năm gần đây, cứ vào mùa thu hoạch nhãn, nhiều nông dân trồng chuyên canh nhãn tiêu quế của huyện cứ luôn lao đao vì giá nhãn bấp bênh, thì tại xã Long Hòa, địa phương có hơn 310 ha diện tích trồng nhãn, đã có 12 hộ dân, ở ấp Long Thạnh, thu lợi nhuận cao nhờ trồng giống nhãn Idor.

Ông Trương Văn Út, là một trong những người tiên phong đưa giống nhãn Idor về trồng trên vùng đất xã Long Hòa từ năm 2012. Ông Út cho biết, trước đây với 7.000m2 đất ông trồng nhãn tiêu quế nhưng luôn gặp điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa, hiệu quả kinh tế thấp. Qua tìm tòi, học hỏi, ông nhận thấy giống nhãn Idor có giá bán khá cao, năng suất vượt trội lại ít bị bệnh chổi rồng, nên ông đã đầu tư mua giống về trồng thử trên 3.000m2.

 Ông Trương Văn Út (xã Long Hòa) chăm sóc vườn

nhãn Idor trong giai đoạn ra hoa.


Nhờ học hỏi kỹ thuật chăm sóc, cùng với sự chăm chỉ, cần mẫn, nên cây nhãn Idor của gia đình phát triển tốt. Dịp tết Nguyên Đán 2015, ông Út thu hoạch vụ nhãn Idor đầu tiên, sản lượng thu về 7,5 tấn trái, cao gấp hơn 30%, so với nhãn tiêu quế, giá bán dao động từ 30.000-40.000 đồng/1kg, bình quân 1 cây nhãn Idor cho từ 30-40 kg trái, trừ chi phí ông lãi trên 70 triệu đồng.

Để cây nhãn Idor khỏe, phát triển tốt, ông Út chia sẻ: trước khi trồng đắp mô cao khoảng 6 tấc, trộn phân chuồng hoai mục kết hợp với cát và mụn dừa bón lót cho cây, khi cây được 1 tháng tuổi tiến hành tưới phân kết hợp phun thuốc trừ sâu nửa tháng 1 lần. Khi cây phát triển 2 năm tuổi, bắt đầu ra cơi, cách 3 tuần tưới KClO3 1 lần và tưới trong 2 lần, rồi phun thuốc tạo mầm hoa 2-3 lần, mỗi lần cách 5-7 ngày và khi cây bắt đầu ra hoa thì thường xuyên bón phân hữu cơ tạo rễ mới,  1 tuần bón phân NPK 1 lần và tưới NPK 1 lần/tháng cho đến lúc thu hoạch. Sau khi thu hoạch tiến hành tỉa cành, bỏ những cành già, tạo tán cho cây. Điều quan trọng là người trồng nên đầu tư chăm sóc, bón phân hữu cơ và phun thuốc bảo vệ thực vật đúng kỹ thuật, liều lượng và thời gian.

Hay ông Võ Văn A, cũng thành công trong chuyển đổi từ 1.000m2 đất trồng nhãn tiêu quế kém hiệu quả sang trồng nhãn Idor vào năm 2012. Năm 2015, nếu như các vườn nhãn tiêu quế của nông dân trên địa bàn huyện bị chổi rồng tấn công, thì vườn nhãn Idor của gia đình ông A vẫn cho trái vụ đầu tiên vào dịp tết Nguyên Đán ổn định, sản lượng thu hoạch đạt 2,5 tấn, giá bán 30.000 đồng/1 kg, sau khi trừ chi phí, ông có lãi trên 30 triệu đồng. Thấy cây nhãn Idor phát triển mạnh, thích nghi tốt trên vùng đất Long Hoà, ông A quyết định mở rộng diện tích tăng hơn 4.000m2.

Theo ông A thì: cây nhãn Idor sau 2 năm trồng bắt đầu cho trái, giá cao hơn nhãn tiêu quế từ 2-3 lần, nhãn Idor được người tiêu dùng ưa chuộng nên đầu ra ổn định. Đặc biệt, nhãn Idor có nhiều ưu điểm nổi trội là dễ trồng, kháng được bệnh chổi rồng, thu hoạch với năng suất cao, tỷ lệ hao hụt thấp, đặc biệt loại nhãn này có thể xử lý ra hoa, cho trái theo ý muốn, trái có hạt nhỏ, cơm dày, thơm và ngọt dịu.

Thấy trồng nhãn có hiệu quả, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã đến học hỏi kinh nghiệm. Đến nay, toàn xã đã có hơn 12 ha trồng nhãn Idor, trong đó có 5 ha cho trái chiến. Các diện tích còn lại được 1-2 năm tuổi.

Thời điểm này, đa số các diện tích trồng nhãn tiêu quế của huyện đều bị tái nhiễm bệnh chổi rồng, với tỷ lệ thiệt hại từ 10%-20%, nhưng các diện tích trồng nhãn Idor của xã vẫn phát triển tốt, ra hoa đều hứa hẹn một vụ thu hoạch bội thu.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi