Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực đạt hiệu quả

 

Dự án AMD (Adaptation to climate change in the Mekong Delta) hay còn gọi là dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL với mục tiêu giúp cộng đồng và các tổ chức thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, giảm rủi ro, cải thiện chất lượng cuộc sống và tăng thu nhập thông qua các hoạt động kinh tế. Trong năm 2015, từ nguồn vốn tài trợ của dự án AMD, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực bán thâm canh tại 04 xã An Ngãi Tây, An Hiệp, An Đức, huyện Ba Tri; và xã Thạnh Trị thuộc huyện Bình Đại với diện tích mỗi hộ 3.000 m2 .

Ở từng huyện, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cùng Ủy ban nhân dân các xã tiến hành khảo sát chọn hộ thực hiện mô hình sau khi tổ chức tham vấn cộng đồng, lấy ý kiến của người dân và chính quyền địa phương về tính khả thi của dự án sắp triển khai với điều kiện kinh tế xã hội trong vùng. Các nông hộ được chọn tham gia thực hiện mô hình đáp ứng các tiêu chuẩn sau: có tinh thần tự nguyện, hợp tác, có khả năng tự làm ao nuôi, có vốn đối ứng, có công lao động và có khả năng tiếp thu, truyền đạt lại cho bà con có nhu cầu nuôi đối tượng này. Mỗi hộ dân tham gia được hỗ trợ 29.175.000 đồng, bao gồm 24.000 con tôm giống và 172,5 kg thức ăn đồng thời được cán bộ kỹ thuật theo dõi hướng dẫn thực hiện mô hình. Cán bộ kỹ thuật thuộc Trung tâm Khuyến nông chịu trách nhiệm tập huấn quy trình kỹ thuật nuôi tôm từ chuẩn bị ao, chọn thả giống, cho ăn và quản lý môi trường nước ao đến ghi chép số liệu vào sổ nhật ký… Hàng tuần, cán bộ kỹ thuật đến thăm ao nuôi và hướng dẫn xử lý mọi tình huống xảy ra trong suốt quá trình nuôi.

Kết quả thu được sau 6 tháng nuôi, cả 04 ao nuôi theo hình thức bán thâm canh ở Ba Tri và Bình Đại đều đạt các tiêu chí kỹ thuật đề ra ban đầu: cỡ tôm thu hoạch bình quân ≥30g/con; năng suất 1,5 đến 1,7 tấn/ha; tỷ lệ sống ≥50% và hệ số chuyển đổi thức ăn FCR 1,6. Đồng thời mô hình đạt hiệu quả kinh tế khá cao, tất cả đều có lãi, hộ thấp nhất là 18 triệu đồng. Đặc biệt, hộ ông Lê Văn Tùng ở xã An Hiệp, huyện Ba Tri đạt năng suất, sản lượng cao nhất và thu lãi trên 30 triệu đồng với tỷ suất lợi nhuận là 54%. Mô hình thành công góp phần tạo sinh kế cho người dân trong vùng chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu có điều kiện tăng thu nhập, giảm nghèo vươn lên giàu có.

 Một góc ao nuôi ở xã Thạnh Trị huyện Bình Đại.


Đạt được kết quả như trên là nhờ áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, cụ thể:
- Đưa giống tôm càng xanh toàn đực vào nuôi thực tế khắc phục hiện tượng giao phối tự nhiên tạo ra kích cỡ tôm thu hoạch lớn hơn nên tăng giá bán và tăng sản lượng.
- Đưa mật độ lên cao hơn nuôi truyền thống từ 2 con/m2 lên 10 con/m2, góp phần gia tăng sản lượng.
- Áp dụng kỹ thuật bẻ càng, từ đó tăng tỷ lệ sống, lớn nhanh và khắc phục hiện tượng càng sào nên hiệu quả kinh tế được nâng lên.
- Sử dụng thức ăn công nghiệp thay thức ăn tươi sống giúp tôm lớn nhanh và đồng đều kích cỡ lúc thu hoạch, giúp cải thiện môi trường đồng thời cho kết quả tốt cho đàn tôm nuôi.

Thành công này mở ra nhiều triển vọng cho nghề nuôi trồng thủy sản ở Bến Tre và các tỉnh duyên hải vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là mô hình cần tiếp tục được nhân rộng và rất phù hợp trong vùng ngọt hóa của tỉnh, vùng nuôi tôm biển kém hiệu quả do dịch bệnh và vùng ruộng lúa một vụ nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước.

Với sự phát triển này cần có sự quan tâm và phối hợp hơn nữa từ các cấp các ngành để từ đó xây dựng và phát triển việc sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực tại tỉnh nhà giúp chủ động về số lượng và đảm bảo chất lượng. Mặt khác cần kết nối thị trường tiêu thụ ổn định lâu dài.

Tuy vậy, do thả giống vào tháng 11 nên tôm nuôi bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn vào cuối giai đoạn nuôi. Năm nay hạn hán, độ mặn tăng cao và xâm nhập sâu bất thường phần nào làm ảnh hưởng đến tốc độ lớn của tôm khi độ mặn ao nuôi tăng trên 20%o. Biện pháp khắc phục khi nuôi tôm càng xanh ở Bến Tre để thích ứng xâm nhập mặn-biến đổi khí hậu là nên xây dựng ao chứa nước ngọt để cấp thêm nước cho ao nuôi và thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường nhất là độ mặn khi cấp thay nước. Đặc biệt, cần chọn thời vụ thả nuôi thích hợp trong thời gian tới là từ tháng 5 đến tháng 7 và thu hoạch vào tháng 12 là phù hợp, không nên thả giống trễ nhằm tránh hiện tượng xâm nhập mặn đang diễn biến ngày càng phức tạp gây ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến Bến Tre nói riêng và ĐBSCL nói chung.  

Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực do Trung tâm Khuyến nông thực hiện từ nguồn vốn dự án AMD tài trợ đã đạt được thành công về kỹ thuật: các chỉ tiêu kỹ thuật đều đạt và vượt so với kế hoạch ban đầu. Qua đó đã xây dựng hoàn thiện quy trình kỹ thuật “Nuôi tôm càng xanh với giống tôm càng xanh toàn đực bán thâm canh” tại Bến Tre. Đồng thời khẳng định tôm càng xanh hoàn toàn có thể phát triển trở thành đối tượng nuôi chủ lực bên cạnh con tôm biển và rất được nông dân quan tâm.

Do khả năng chịu mặn tốt (sinh trưởng bình thường ở độ mặn từ 0-15‰)  nên tôm càng xanh là đối tượng thủy sản nuôi rất thích hợp ở những vùng chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Ban điều phối dự án AMD cần tiếp tục hỗ trợ kinh phí để nhân rộng mô hình trên cả ba vùng mặn, lợ, ngọt nhằm giúp người dân nơi đây hình thành phương thức canh tác thích ứng với vấn đề xâm nhập mặn-biến đổi khí hậu để nâng cao thu nhập, và cũng là phương cách giúp người dân xóa đói giảm nghèo bền vững.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi