Một số biện pháp thực hiện tốt vai trò của kinh tế tập thể trong xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre

Chuỗi giá trị là một loạt các hoạt động sản xuất kinh doanh có quan hệ với nhau, từ việc cung cấp đầu vào, sản xuất, thu gom, chế biến và cuối cùng là bán sản phẩm cho người tiêu dùng. Nó giúp xác định nhu cầu và yêu cầu của thị trường. Thông qua đó quản lý được sản xuất kinh doanh, xác định nhu cầu đầu tư hỗ trợ để nâng cấp chuỗi.

Để nâng cấp chuỗi giá trị thành công thì liên kết ngang và liên kết dọc phải được cũng cố và phát triển. Trong đó, liên kết ngang giữa những người sản xuất/kinh doanh riêng lẻ để hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) nhằm giảm chi phí, tăng giá bán sản phẩm. Nhằm hỗ trợ cho liên kết ngang phát triển bền vững, việc tổ chức lại sản xuất thành lập các tổ hợp tác theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP và hợp tác xã theo Luật hợp tác xã 2012 là hướng đi phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay. Các loại hình kinh tế tập thể này với vai trò cung ứng vật tư, bảo quản, sơ chế, chế biên và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân đã trở thành công cụ đắc lực và hữu hiệu cho thành viên HTX, người nông dân yên tâm sản xuất, đồng thời tạo ra vòng tròn khép kín giữa người sản xuất-HTX-thị trường. Tuy nhiên, hầu hết các HTX nông nghiệp, HTX dịch vụ nông nghiệp tuy thực hiện hoạt động cung cấp vật tư nông nghiệp, chế biến và tiêu thụ, tiếp thị sản phẩm nông sản nhưng vẫn còn rời rạc, cầm chừng nên không có sức cạnh tranh cao. Chưa làm chủ được thị trường do chưa tập trung được hang hóa lớn mang tính độc quyền dẫn đến tình trạng chung của thành viên HTX, người nông dân là “khi được mùa thì rớt giá và chịu cảnh bị tư thương ép giá”.

Thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 18 tháng 03 năm 2002, của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Đến nay việc củng cố và phát triển tổ hợp tác theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP là 653 tổ, với khoảng 11.100 tổ viên, trong đó, có 172 tổ thuộc lĩnh vực thủy sản, 287 tổ thuộc lĩnh vực trồng trọt, 173 tổ thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 3 tổ làm muối còn lại 18 tổ thuộc ngành nghề khác. Các tổ hợp tác đã và đang đáp ứng yêu cầu trợ giúp lẫn nhau trong sản xuất, đời sống của các hộ thành viên; giúp thành viên thực hiện một số dịch vụ đầu vào trong sản xuất như thủy lợi, làm đất, mua bán vật tư, cây con giống... và dịch vụ đầu ra tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao kỹ thuật.

Bên cạnh việc củng cố, thành lập mới các THT, thì ngành nông nghiệp cũng hướng dẫn hỗ trợ thành lập các hợp tác xã nông nghiệp đến nay đã thành lập và củng cố 17 HTX (7 HTX nông nghiệp và 10 HTX thủy sản) có khoảng 16.404 xã viên. Trong đó loại khá: 6 hợp tác xã, trung bình: 7 hợp tác xã, loại yếu: 04 hợp tác xã. Ngoài ra phối hợp với các huyện hỗ trợ chuyển đổi HTX theo Luật HTX 2012 được 10 hợp tác xã gồm: Giồng Trôm 2 (HTX DV trồng mía xã Châu Bình, HTX bưởi da xanh Giồng Trôm), Chợ Lách 1 (HTX cây giống hoa kiểng Cái Mơn Vĩnh Thành), Thạnh Phú 2 (HTX thủy sản Thạnh Lợi, HTX thủy sản Bình Minh), Bình Đại 2 (HTX thủy sản Rạng Đông, HTX thủy sản Đồng Tâm), Ba Tri 3 (HTX Bảo Thuận, HTX thủy sản An Thủy, HTX thủy sản Tân Thủy).

Việc liên kết hình thành chuỗi giá trị ngành hàng trong thời gian qua tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giúp: Giảm chi phí chuỗi; Có cùng tiếng nói của những người trong chuỗi; Hợp đồng bao tiêu sản phẩm được bảo vệ bởi luật pháp nhà nước; Tất cả thông tin thị trường đều được các tác nhân biết được để sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường; Niềm tin phát triển chuỗi rất cao. Trong các mô hình hoạt động hiệu quả luôn phải có các HTX, tổ hợp tác làm cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Cụ thể, Hiện có 17 tổ được chứng nhận VietGAP, 01 tổ sản xuất cây ăn quả được công nhận GlobalGAP và các tổ hợp tác cacao canh tác trong hệ thống chứng nhận UTZ hiện duy trì tốt và một số tổ rau sản xuất theo hướng an toàn. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp đã ký kết được 78 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm như: Dừa đã ký 61 hợp đồng tiêu thụ với công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre; bưởi da xanh đã ký 17 hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp Hương Miền Tây; rau đang hình thành cơ sở sơ chế đóng gói rau an toàn tại xã Sơn Đông thành phố Bến Tre và tiến hành tổ chức liên kết với các tổ rau được chứng nhận sản xuất an toàn để tiêu thụ.

Hiện nay các vùng sản xuất lớn, vai trò hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đã khá rõ ràng khi hợp tác xã đứng ra đại diện cho thành viên hợp tác xã thực hiện các dịch vụ đầu vào như: làm đất, tưới tiêu, cung ứng vật tư nông nghiệp, vốn… Nhưng quan trọng nhất, hợp tác xã phải là người “đứng mũi chịu sào” đại diện cho thành viên hợp tác xã ký các hợp đồng sản xuất bao tiêu với doanh nghiệp, tổ chức kiểm soát quy trình kỹ thuật theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp để nâng cao chất lượng nông sản.

Tuy nhiên, các HTX nông nghiệp chỉ thực hiện ở một số hay vài sản phẩm dịch vụ vào những thời điểm nhất định phụ thuộc nhu cầu của thị trường và khả năng liên kết. Thực tế cho thấy, chỉ khi nào hợp tác xã trực tiếp ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp để làm các dịch vụ cung ứng, chế biến tiêu thụ nông sản và thực hiện trọn gói hoạt động đầu vào - đầu ra thì hợp tác xã mới mang lại nhiều lợi ích cho cho thành viên hợp tác xã và nông dân.

Để nông dân hợp tác với nhau và mong đợi có được thu nhập cá nhân cao hơn từ những cải thiện trong tiếp cận thị trường đầu vào, đầu ra và các dịch vụ hỗ trợ. Việc hình thành các tổ hợp tác, HTX và liên kết sản xuất giúp người dân thứ nhất, Giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho từng thành viên của tổ/nhóm qua đó tăng lợi ích kinh tế cho từng thành viên của tổ; thứ hai, có thể đảm bảo được chất lượng và số lượng cho khách hàng; thứ ba, có thể ký hợp đồng đầu ra, sản xuất quy mô lớn; thứ tư, phát triển sản xuất, kinh doanh một cách bền vững.

Chúng ta đã thấy rõ rằng, thời gian qua, tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, rời rạc, thiếu liên kết đã dẫn tới lợi thế so sánh khó khăn, đời sống nông dân khó khăn, kinh tế-xã hội nông thôn phức tạp. Chúng ta phải đẩy mạnh liên kết vì thị trường không có ranh giới, biến đổi khí hậu không có ranh giới. Liên kết với nhiều hình thức (liên kết ngang giữa nông dân với nông dân, liên kết dọc giữa các doanh nghiệp với quản lý chuỗi là nhà nước về cơ chế, tổ chức và chính sách...) sẽ giúp nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa, hình thành vùng sản xuất lớn, nâng dần lợi thế so sánh.

Để làm được điều này, vai trò của Nhà nước rất quan trọng (quản lý chuỗi). Nhà nước phải phát huy rõ vai trò nhạc trưởng và đầu tàu trên cơ sở tạo ra các cơ chế, cách tổ chức, chính sách thông thoáng. Nhà nước phải đưa ra thể chế, tiêu chuẩn hóa hàng hóa, quy hoạch đầu tư phát triển, giải quyết môi trường. Đồng thời, cần tăng cường mối liên hệ giữa trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học với các khu vực khác để hỗ trợ khoa học công nghệ, đào tạo nghề cho nông dân.

Vai trò của đoàn thể, chính quyền địa phương quan tâm đến những hoạt động tuyên truyền, vận động, thành lập tổ hợp tác, HTX xác định đối tượng có nhu cầu tham gia hình thành. Thu thập thông tin về nhu cầu của họ và tìm thêm một số hộ có nhu cầu tương tự.

Các cơ quan chủ quản tạo ra mối liên kết chặt chẽ của 4 nhà (nhà nông, nhà kinh doanh, nhà khoa học và Nhà nước) cần thực hiện triệt để, mở rộng vùng chuyên canh.

Tuy nhiên, khả năng của các HTX còn hạn chế, chưa mang nhiều lợi ích cho thành viên. Số các HTX có hệ thống phân phối theo chuỗi liên kết còn dàn trải. Nguyên nhân chủ yếu là các HTX chưa tiếp cận và huy động được nguồn vốn, cán bộ quản lý HTX còn yếu trong hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh hay tìm kiếm thị trường để phát triển. Để phát huy vai trò của hợp tác xã nông nghiệp trong thời gian tới thực hiện các hoạt động cung ứng, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản: xây dựng và hoàn thiện mô hình theo đúng chuẩn mực và quy định của Luật HTX năm 2012. Đây là tiền đề để hợp tác xã nông nghiệp phát triển bền vững trong tương lai. Để thực hiện được điều này thì yếu tố quyết định nhất đó là nguồn nhân lực quản lý hợp tác xã phải được đào tạo và đào tạo lại theo chuẩn mực; phải khắc phục hạn chế về tiếp cận và huy động vốn; tăng cường liên doanh liên kết với các tổ chức kinh tế khác, tạo chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản; thiết lập cơ chế phối hợp thực sự có hiệu quả với các cấp, ngành ở nông thôn; tăng cường vai trò tư vấn hỗ trợ của Liên minh HTX.

Đối với ngành nông nghiệp trong thời gian tới tiếp tục nâng cao chất lượng và phát triển về số lượng các tổ hợp tác, HTX, các hình thức liên kết hoạt động có hiệu quả; phát triển mới các hợp tác xã theo từng ngành hàng với quy mô lớn như bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng, xoài, rau sạch, nuôi trồng thủy sản...

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi