Mặn xâm nhập sâu ảnh hưởng đến đời sống người dân Chợ Lách

Chợ Lách vốn được mệnh danh là vùng vương quốc cây giống - hoa kiểng, nơi đây được thiên nhiên ưu đãi, phù sa bồi đắp nước ngọt quanh năm thuận lợi cho trồng cây ăn trái đặc sản. Tuy nhiên thời gian qua do ảnh hưởng biến đổi khí hậu (nước mặn xâm nhập) làm cho đời sống người dân vùng cây ăn trái Chợ Lách gặp nhiều khó khăn.

 

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chợ Lách, hiện nay 9/11 xã, thị trấn của huyện đã bị nhiễm mặn. Đây là năm có hạn mặn xâm nhập sâu và nồng độ cao nhất trong hơn 20 năm qua. Độ mặn có nơi đo được 6,2‰ (vào ngày 29/3/2016 tại Vàm Mơn xã Phú Sơn). Xâm nhập mặn đã gây ảnh hưởng rất lớn đến diện tích cây ăn quả, cây giống và hoa kiểng của huyện.

 Cây giống các loại đang bị cháy lá hàng loạt

 

Kết quả khảo sát bước đầu 8.000 héc ta diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã bị nhiễm mặn. Trong đó  nhiễm mặn 1,5‰ là 4.000 héc ta, tập trung tại các xã: Phú Sơn, Vĩnh hòa, Vĩnh Thành, Hưng Khánh Trung B và một phần xã Long Thới. Hiện tại có 35 ngàn người dân (chiếm 32% dân số toàn huyện) bị ảnh hưởng do thiếu nước và ô nhiễm kênh rạch do khô hạn. Về sản xuất: có hơn 330 ngàn cây con giống các loại bị chết, cháy lá, giảm sinh trưởng; 100 ngàn sản phẩm hoa kiểng giảm sinh trưởng; cây ăn trái giảm năng suất 2 ngàn tấn… tổng thiệt hại ước khoảng 32 tỷ đồng làm cho đời sống người dân vùng cây giống - hoa kiểng ở Chợ Lách gặp nhiều khó khăn.

 

Gia đình anh Võ Văn Nhũ - ấp An Hòa xã Long Thới có 5 công đất vườn trồng chuyên canh cây chôm chôm ja va, cây bước vào vụ thu hoạch, giá bán tại vườn có lúc 30 ngàn đồng/kg. Tổng sản lượng ước khoảng 12 tấn. Hiện tại anh đã bán được hơn 3 tấn trái và đang tiếp tục thu hoạch khi có lái đến thu mua. Vườn chôm chôm tuy trúng mùa trúng giá nhưng anh Nhũ không vui mừng mà luôn tỏ ra lo lắng bởi những ngày qua nước mặn tại các mương vườn không giảm mà nồng độ mặn diễn biến cao hơn. Anh Nhũ chia sẽ “ Hiện tại vườn chôm chôm của tôi đã bước vào vụ thu hoạch nhưng vì nước mặn khá cao tôi không dám tưới cho cây, đây là giai đoạn nuôi trái nên cây rất cần nước và phân bón. Khoảng nửa tháng nay tôi không dám tưới nước và phải cắt bỏ một cử phân, tình hình này tôi lo cây không đủ sức để nuôi trái, từ đó không chỉ giảm năng suất mà giá thành cũng giảm theo.”

 

Được biết vườn chôm chôm của gia đình anh Nhũ có tuổi thọ khá cao, cây được trồng cách nay vài chục năm, hàng năm anh Nhũ điều xử lý cho cây ra trái vụ nghịch, năng suất đạt khoảng 17 tấn/năm. Cây được chăm sóc tốt, trái đạt chất lượng nên giá bán khá cao, gia đình có cuộc sống khá. Tuy nhiên hiện nay do tình hình nước mặn xâm nhập nên gia đình anh Nhũ không yên lòng và đây cũng là tâm trạng chung của bà con ở Chợ Lách.

 Nông dân các xã kỳ vọng vào nguồn nước
giếng nhưng đa số đều bị nhiễm mặn

 

Ngoài trường hợp gia đình anh Võ Văn Nhũ, tại xã Tân Thiềng nông dân trồng cây giống - hoa kiểng đứng ngồi không yên bỡi lẽ nước mặn lấn sâu vào nội đồng, các mương vườn đều bị nhiễm mặn. Ông Nguyễn Văn Cư, ấp Phú Thới có 100 cây tắc kiểng được mua đầu năm dự định chăm sóc bán tết nhưng do ảnh hưởng nước tưới (nước mặn đợt tết)  mà 100 cây kiểng tắc của gia đình ông nay bị héo và chết dần. Bên cạnh vườn kiểng tắc bị thiệt hại nặng, ông Cư còn có hàng ngàn cây bơ giống bị cháy lá do ảnh hưởng  nước mặn xâm nhập.  

 

Tại xã Vĩnh Thành có gia đình cô Đỗ Thị Kim Liên ấp Bình Tây, những ngày qua cô đứng ngồi không yên, cho dù vườn cây giống của cô đã thành phẩm, có nhiều chủng loại nhưng khách hàng ghé đến đều bỏ đi vì hầu hết các cây giống trên mảnh vườn của cô đều bị cháy lá. Hiện tại cô đang lo lắng với tình hình nước nhiễm mặn như hiện nay thì món nợ vay từ ngân hàng sẽ khó hoàn trả được.

 

Được biết gia đình cô Đỗ Thị Kim Liên sống bằng nghề làm cây con giống đến nay 15 năm, mỗi năm bán ra thị trường hơn 10 ngàn cây giống các loại. Do ảnh hưởng con nước mặn dịp tết mà hiện tại vườn cây giống khoảng 5 ngàn cây con và cây thành phẩm của gia đình cô đều bị cháy lá. Để đối phó với tình hình mặn xâm nhập cô cùng bà con lối xóm thuê thợ đến khoan giếng cầu may hy vọng có nguồn nước ngọt tưới cho cây, tốn chi phí đào, đặt ống hơn 3 triệu đồng nhưng cũng không sử dụng được. Hàng ngày các thành viên trong gia đình của cô thay phiên chạy ra các điểm đo mẫu nước hy vọng nồng độ mặn tại các mươn vườn hạ xuống để lấy nước tưới cho cây vì cây khát nước quá nhiều.

 

Trước tình hình nước nhiễm mặn xâm nhập sâu và có khả năng còn kéo dài, lãnh đạo Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện và các ngành chuyên môn có giải pháp giúp nông dân ứng phó với hạn mặn. Riêng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp cùng Hội Nông dân tổ chức được 8 lớp tập huấn phòng chống mặn xâm nhập cho hơn 450 nông dân ở các xã tham dự;  Đồng thời tổ chức nhiều chương trình chống thiếu nước, xâm nhập mặn, tổ chức 03 điểm đo mặn và hướng dẫn trực tiếp cho người dân cụ thể từng thời điểm lấy nước và sử dụng nước sản xuất tại xã Hưng Khánh Trung B, Long Thới và tại Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện; Đài Truyền thanh huyện tăng cường thời lượng phát sóng trên đài thông tin, thông báo liên quan đến tình hình hạn mặn; Hội Nông dân huyện đề xuất giải pháp hỗ trợ nông dân nguồn nước ngọt bằng biện pháp chở nước ngọt từ các sông lớn về và khuyến khích nông dân trữ nước ngọt…

 

Ngoài những giải pháp nêu trên, huyện Chợ Lách tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn người dân nắm bắt kịp thời tình hình hạn, xâm nhập mặn; tập trung đồng bộ cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của cấp ủy, điều hành chính quyền, ứng phó kịp thời xâm nhập mặn; Thực hiện gia cố đê bao, khắc phục những tuyến đê có nguy cơ sạt lỡ, quy chế đóng, mở cống cho phù hợp ở từng khu vực; Kiểm tra và hướng dẫn người dân những vị trí đào giếng tầng nông có nước ngọt sử dụng nước và đào giếng ở những nơi giếng bị nhiễm mặn và sắt cao…/.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi