Tình hình sâu bệnh gây hại trên cây ca cao ở tỉnh Bến Tre

1. GIỚI THIỆU
Sâu bệnh là một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm năng suất ca cao, đây cũng là chỉ tiêu quan trọng để chọn ra những giống ít mẫn cảm với sâu bệnh có khả năng cho năng suất cao trong những điều kiện sinh thái khác nhau trong tỉnh Bến Tre. Đề tài được thực hiện nhằm bước đầu đánh giá mức độ mẫn cảm với các loại sâu bệnh gây hại trên các giống ca cao đang trồng phổ biến tại tỉnh Bến Tre để chọn ra những giống ít mẫn cảm hay chống chịu tốt với sâu bệnh, có khả năng cho năng suất cao. Tình hình sâu bệnh gây hại trên ca cao được điều tra trên bảy huyện và thành phố thuộc tỉnh Bến Tre từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2013. Nội dung điều tra có hai phần là điều tra hộ nông dân trồng ca cao và cán bộ kỹ thuật có hoạt động liên quan đến cây ca cao như cán bộ khuyến nông, bảo vệ thực vật, phòng nông nghiệp. Tổng cộng đã điều tra 210 hộ nông dân trồng ca cao và 35 cán bộ kỹ thuật ở các huyện, thành phố trong tỉnh Bến Tre.

 

2. TÌNH HÌNH SÂU BỆNH GÂY HẠI
2.1. Côn trùng và động vật gây hại
Có tổng cộng bảy loại côn trùng và một loại động vật gây hại trên cây ca cao được nông dân ghi nhận ở Bến Tre (Bảng 1), trong đó bọ xít muỗi là loại côn trùng gây hại quan trọng xuất hiện và gây hại ở tất cả các huyện và thành phố trong tỉnh Bến Tre. Bọ xít muỗi gây hại từ 40-70% số vườn với mức độ thiệt hại từ 16,7% (Mỏ Cày Nam) đến 34,7% (huyện Châu Thành). Bọ xít muỗi gây hại trên trái (Hình 1) nhưng cũng gây hại trên thân, cành và chồi non nhưng ít được nhà vườn chú ý. Loại côn trùng thứ hai là rệp sáp gây hại ca cao ở tất cả các vườn trồng ca cao trong tỉnh nhưng mức gây hại tương đối thấp, từ 8,9% (huyện Châu Thành) đến 15,0% (huyện Giồng Trôm). Các loại côn trùng như sâu đục trái, đục thân, bọ cánh cứng, rầy, nhện xuất hiện rải rác ở một số huyện trong tỉnh nhưng mức độ gây hại thấp. Động vật gây hại duy nhất là sóc gây hại ở huyện Châu Thành, Mỏ Cày Bắc và Bình Đại với mức gây hại từ 5,0-15%. Nhìn chung, bọ xít muỗi là côn trùng gây hại quan trong cho cây ca cao ở Bến Tre.

 

 

   
 Trái ca cao bị bọ xít muỗi gây hại Tỉ lệ trái ca cao bị bọ xít muỗi gây hại khá cao ghi nhận khi thu hoạch 

Hình 1: Bọ xít muỗi hại ca cao ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre

 

2.2. Bệnh hại
Bệnh gây hại ca cao chủ yếu là bệnh thối trái xuất hiện ở tất cả các vùng trồng ca cao trong tỉnh với mức độ gây hại từ 6,4% (huyện Bình Đại) đến 17,1% (huyện Châu Thành (Bảng 2). Theo mô tả của nông dân, bệnh xì mủ thân, loét thân cũng xuất hiện khá phổ biến trong tỉnh, bệnh cháy lá xuất hiện ở một số địa phương với tỉ lệ gây hại từ 11,0% (huyện Mỏ Cày Bắc) đến 12,5% (Thành phố Bến Tre). Theo Hồ Văn Chiến và Lê Quốc Cường, 2013) thì nấm Phytophthora spp. gây hại tất cả các bộ phận trên cây ca cao như rễ, thân, hoa, trái và lá, tùy theo bộ phận bị hại mà có tên gọi khác nhau như thối trái, loét thân, xì mủ thân, cháy lá,..Nhìn chung, các bệnh gây hại cho ca cao theo mô tả của nông dân chủ yếu do nấm Phytophthora spp. gây ra, ngoại trừ bệnh cháy lá có thể do hiện tượng sinh lý thiếu kali hay nấm gây hại.

 



3. MỨC ĐỘ NHIỄM SÂU BỆNH HẠI CỦA CÁC GIÔNG CA CAO THEO ĐÁNH GIÁ CỦA NÔNG DÂN
Kết quả đánh giá mức độ mẫn cảm với sâu bệnh của các giống ca cao trồng phổ biến ở Bến Tre (Bảng 3) theo ý kiến của nông dân thì có bốn giống (TD1, TD8, TD9 và TD10) mẫn cảm với bọ xít muỗi, năm giống còn lại là TD3, TD5, TD6, TD7 và TD11 ít mẫn cảm. Phạm Hồng Đức Phước cũng khuyến cáo giống TD1 và TD12 là hai giống rất mẫn cảm và giống TD5 khá mẫn cảm với sự gây hại của bọ xít muỗi.

 

Mức độ nhiễm đối với bệnh thối trái có hai giống là TD1 và TD5, các giống còn lại được đánh giá hơi nhiễm hay ít nhiễm. Mô tả đặc điểm của các giống ca cao đang trồng phổ biến hiện nay, Phạm Hồng Đức Phước cũng cho biết giống TD1 và TD9 là hai giống rất mẫn cảm với sự gây hại của bọ xít muỗi, giống TD1 nhiễm bệnh thối trái do nấm Phytophthora spp. gây hại. Đối với giống TD5 tác giả cũng khuyến cáo đây là giống mẫn cảm với bệnh và không nên trồng quá 20% trong vườn có bệnh thối trái và loét thân nhiều.

 

 

4. BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ CỦA NÔNG DÂN
4.1. Côn trùng
Mặc dù tỉ lệ gây hại của bọ xít muỗi khá cao nhưng tỉ lệ số hộ không áp dụng biện pháp phòng trị khá cao, biến động từ 38,1% (huyện Giồng Trôm) đến 66,7% (huyện Mỏ Cày Nam (Bảng 4). Nông dân chủ yếu áp dụng biện pháp nuôi kiến vàng để phòng trừ bọ xít muỗi (13,3-55,6%), một số ít dùng thuốc hóa học. Phạm Hồng Đức Phước khuyến cáo nuôi kiến đen (Delichoderus thoracicus) để phòng trừ bọ xít muỗi. Mặc dù kiến đen sống cộng sinh rất chặc chẻ với với rệp sáp (Cataenococcus hispidus), ăn thức ăn từ mật tiết ra từ rệp sáp và được rệp sáp bảo vệ nhưng có điều lý thú là khi có kiến đen thì mật số rệp sáp không cao và rệp sáp không thể trở thành dịch hại. Mức độ dùng thuốc hóa học thấp có thể để giảm chi phí vì giá bán ca cao trong thời gian qua giảm khá thấp, đầu tư cho cây ca cao hiệu quả không cao. Lý do khác là hiện nay có nhiều dự án trồng ca cao theo tiêu chuẩn UTZ và ca cao hữu cơ nên nông dân có xu hướng giảm sử dụng chất trên ca cao.

 

 

 

4.2. Phòng trừ bệnh
Đối với bệnh thối trái, tỉ lệ hộ nông dân không áp dụng biện pháp phòng trị còn nhiều hơn so với bọ xít muỗi, biến động từ 58,4% (huyện Mỏ Cày Nam) đến 100% (huyện Mỏ Cày Bắc). Để phòng trị bệnh thối trái nhà vườn áp dụng biện pháp hóa học, một số hộ áp dụng biện pháp ít cắt bỏ trái và chỉ có huyện Mỏ Cày Nam áp dụng biện pháp tỉa cành để phòng ngừa. Trong khi đó, cây ca cao không được tỉa cành, tạo tán thích hợp, làm gia tăng ẩm độ trong cây sẽ là điều kiện tốt cho nấm Phytophthora  spp. phát triển gây hại trái ca cao nên biện pháp tỉa cành là một kỹ thuật quan trọng để quản lý tổng hợp bệnh hại ca cao (Hình 2). Bệnh hại trên cây ca cao chủ yếu là nấm Phytophthora spp., đây là nấm sống trong đất nhưng nhiều hộ không có biện pháp xử lý vỏ trái ca cao bị bệnh, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm phát tán nguồn bệnh (Hình 3).

 

Nhìn chung, tỉ lệ hộ nông dân không áp dụng các biện pháp phòng trừ bọ xít muỗi và bệnh thối trái có thể do giá ca cao giảm trong năm qua đã làm nản lòng nông dân vì đầu tư không có lợi. Mặc khác, hiện nay ở Bến Tre có nhiều hộ sản xuất ca cao theo tiêu chuẩn UTZ và tiêu chuẩn ca cao hữu cơ, do đó để hạn chế sử dụng thuốc hóa học nhà vườn áp dụng biện pháp nuôi kiến để phòng trừ bọ xít muỗi hay kỹ thuật canh tác để phòng trừ bệnh thối trái.

 

 

   
 Cây ca cao không tỉa cành vượt và cành giao nhau  Cây cây ca cao được tỉa cành thông thoáng

Hình 2: Tỉa cành cho cây ca cao ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre

 

 
 Hình 3: Vỏ trái ca cao không được xử lý, đổ trong vườn ca cao là nguy cơ phát tán bệnh thối trái

 

5. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ
- Bọ xít muỗi và bệnh thối trái do nấm Phytophthora spp. gây hại là hai đối tượng gây hại chủ yếu trên cây ca cao ở tỉnh Bến Tre.
- Mức độ mẫn cảm với sâu bệnh khác nhau tùy theo giống, do đó cần tuyển chọn và phổ biến những giống tương đối kháng hay ít nhiễm sâu bệnh để giảm mức độ thiệt hại cho nông dân.
- Cần chú ý áp dụng một số biện pháp canh tác như tỉa cành, tạo tán để hạn chế sự phát triển của bệnh thối trái, xử lý vỏ trái sau khi tách hột, nhất là trái bị bệnh để hạn chế sự lây lan mầm bệnh.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi