Lương Qưới, cây chanh phủ xanh vườn dừa

Với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, hiện mô hình chuyển đổi sang trồng cây có múi ở xã Lương Qưới (huyện Giồng Trôm) đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, trong đó có cây truyền thống của xã là cây chanh đang được bà con nông dân trồng xen trong vườn dừa với diện tích hàng trăm héc-ta.

 

Từ lâu, xã Lương Qưới được mệnh danh là vùng trồng chanh nhiều nhất ở tỉnh Bến Tre. Và thương hiệu chanh Lương Qưới cũng nổi tiếng trên thị trường và được xuất đi khắp các tỉnh thành trong cả nước. Với đặc thù là một xã nông nghiệp xuất phát  từ cây lúa kém hiệu quả, dần dần người dân nơi đây chuyển đổi sang trồng chanh và không ít hộ đã rất thành công, nhanh chóng làm giàu từ cây chanh giấy.

 
 Cây chanh hiện đã phủ kín vườn dừa của nhiều hộ nông dân

 

Ông Phạm Văn Bé-Chủ tịch Hội nông dân xã Lương Qưới cho biết, cây chanh đã có mặt trên vùng đất xã Lương Qưới này hơn 40 năm về trước. Từ đó đến nay, diện tích trồng chanh dần được mở rộng.  Toàn xã hiện có hơn gần 1.000 hộ nông nghiệp thì có hơn 600 hộ đầu tư trồng chanh với hơn 120ha. Một số hộ trồng chuyên canh, một số hộ trồng xen canh cây chanh trong vườn dừa để tăng hiệu quả kinh tế. Không phải tốn thời gian lâu, rất nhiều hộ nông dân sau vài vụ chanh đã đủ làm giàu.

 

Một điển hình trồng chanh thành công làm giàu là ông Nguyễn Văn Em ở ấp Lương Thuận, xã Lương Qưới. Ông Em cho biết, nhiều năm trước làm ruộng không hiệu quả, ông chuyển đổi 3,7 công đất ruộng sang đầu tư trồng dừa rồi trồng xen thêm cây chanh với mục đích để lấy ngắn nuôi dài. Nhưng khoảng độ gần 2 năm sau kể từ lúc trồng,  thấy cây chanh bén rể nhanh cho năng suất vượt trội hơn hẳn dừa. Chanh thu hoạch bán được giá cao nên gia đình ông Em rất phấn khởi. Đặc biệt, cây chanh nếu xử lý cho trái nghịch vụ bán vào những tháng mùa nắng sẽ làm mang lại nguồn thu nhập rất cao cho nông dân. Với 3,7 công chanh xen trong vườn dừa đang vào vụ thu hoạch cứ cách 10-15 ngày, ông Em hái hàng trăm kí chanh, giá bán tại vườn hiện nay vào mùa nghịch nông dân bán với giá 22.000-25.000 đồng/kg. Với hiệu quả từ cây chanh xen trong vườn dừa đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình ông Em.

 

Với kinh nghiệm trồng chanh lâu năm, ông Em cho biết, cách chăm sóc cây chanh không khó bởi cây chanh là cây dễ trồng và dễ chăm sóc ít sợ rủi ro, đầu ra lại ổn định. Cứ cách 2-3 tháng ông Em mới bón phân cho vườn chanh một lần chủ yếu là phân NPK (16-16-8), phân DAP và phân Urê trộn thành hỗn hợp với liều lượng phù hợp tùy theo độ tuổi và tình trạng sinh trường của cây chanh.  Đối với cây chanh đang cho trái, ông Em bón với liều lượng 300gram hỗn hợp phân trên cho mỗi gốc chanh cho mỗi lần bón. Ngoài bón phân hóa học, hàng năm, để tăng thêm nguồn dinh dưỡng cho cây chanh phát triển tốt, ông Em còn bón thêm một lần bón phân hữu cơ (phân chuồng) vừa cung cấp dinh dưỡng vừa làm cho đất tơi xốp để cho cây xanh tốt. Việc bón phân hữu cơ này thường bắt đầu vào mùa mưa. Sau đó tiến hành tưới nước đều đặn và thường xuyên để cây chanh dễ hấp thụ phân. Qua nhiều năm kinh nghiệm trồng chanh, ông Em cho biết, để vườn chanh không bị sâu rầy tấn công, ông luôn thực hiện việc tưới phun trên đọt cây vào mỗi lần tưới. Vì theo ông Em, cách tưới phun này rất tiện lợi bởi rửa được sâu rầy, trứng sâu bám trên lá và đuổi được thiên địch gây hại đi nên hạn chế bị sâu bệnh tấn công. Cứ cách 4-5 ngày ông tiến hành tưới một lần.

 

Thấy việc trồng chanh giấy ở địa phương rất có hiệu quả, nhiều người dân trong xã học hỏi và làm theo kinh nghiệm trồng của những hộ đi trước. Gia đình anh Nguyễn Văn Bảnh ở ấp Lương Thuận, xã Lương Qưới có 6 công đất ruộng nhưng sau nhiều năm trồng lúa chỉ toàn thấy thua lỗ. Thấy mô hình trồng chanh của bà con ở địa phương phát triển mạnh, anh Bảnh chịu khó học hỏi kinh nghiệm rồi làm theo. Vào đầu năm 2013, anh Bảnh đã mạnh dạn chuyển đổi 3 công đất ruộng lên trồng dừa xen gần 500 gốc chanh giấy.  Tuy là người đi sau, nhưng nhờ chịu khó học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, vụ mùa đầu tiên mới đây anh Bảnh thu hoạch đạt hơn 3 tấn chanh thu lãi hơn 50 triệu đồng. Từ  hiệu quả kinh tế này, anh Bảnh tỏ ra rất phấn khởi. Anh Bảnh nói: “Đây là số tiền mà nếu tôi làm ruộng như trước đây thì không bao giờ có được, nhưng mới trồng chanh giấy, chỉ thu hoạch mỗi một vụ mà đã đem về nguồn thu nhập phấn khởi rồi. Trong tương lai tôi còn 3 công đất nữa mới lên mương trồng dừa và tôi đang có dự định mở rộng thêm diện tích cây chanh cũng xen trong vườn dừa như hiện nay”.

 
 Thương hiệu chanh Lương  Qưới từ lâu đã nổi tiếng khắp nơi

 

 Chanh thường đắt giá vào mùa nghịch là những tháng mùa nắng giá bán được rất cao có khi lên đến 38.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vào  mùa thuận giá chanh dao động từ 3.000-5.000 đồng/kg, nông dân vẫn có lãi. Mô hình trồng cây chanh xen trong vườn dừa ở xã Lương Qưới hiện nay được đánh giá  là mô hình đầy sáng tạo của nông dân với phương châm lấy ngắn nuôi dài. Tuy nhiên, chanh thường mất sức sau mỗi kỳ thu hoạch cho nên khi thu hoạch xong, nhà vườn chịu khó cắt tỉa cành, chăm tưới thường xuyên để cây khỏe mạnh trở lại. Đồng thời nên tửu gốc bằng lá cây khô hay rơm rạ giữ ẩm cho cây vào mùa nắng nóng, khô hạn.

 

Ông Phạm Văn Bé-Chủ tịch Hội nông dân xã Lương Qưới còn cho biết thêm: “Từ khi nhiều hộ dân trong xã quyết định chuyển đổi cây lúa để trồng chanh, nhiều bà con đã vươn lên làm giàu có cuộc sống ổn định.  Cũng bắt nguồn từ đây, không riêng gì xã Lương Qưới hiện cây chanh đang trở thành cây chủ lực của rất nhiều hộ nông dân ở các xã lân cận như: Bình Hòa, Châu Hòa, Châu Bình, Phong Nẫm,… Tuy chanh là trái có vị chua nhưng nhiều năm qua cây chanh đã mang lại vị ngọt bùi cho người dân sau  mỗi vụ thu hoạch”.

 

Ngoài cây chanh, với đặc thù thổ nhưỡng thích hợp trồng cây có múi, hiện bà con nông dân ở xã Lương Qưới còn phát triển thêm nhiều loại cây có múi có giá trị kinh tế khác như: cam sành, bưởi da xanh, quýt đường,… xen trong vườn dừa hoặc chuyên canh nhằm từng bước góp phần nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Đây còn là mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững cây trồng  có hiệu quả kinh tế cao.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi