Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào ương nuôi nghêu giống ở Bến Tre

Bến Tre là một trong những tỉnh Nam bộ có nguồn nghêu giống phân bố và sản lượng thu hoạch nghêu thương phẩm thuộc hàng cao nhất, đây là đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của tỉnh trong thời gian qua với thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước. Nghề nuôi nghêu thương phẩm phụ thuộc chủ yếu vào nguồn giống tự nhiên. Những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiệt độ tăng cao đã làm nghêu chết hàng loạt dẫn đến hệ quả lượng nghêu giống ngoài tự nhiên cũng giảm dần. Điều này đã làm ảnh hưởng đến sản lượng khai thác hàng năm và khả năng tái tạo quần đàn tự nhiên. Nhằm khắc phục tình trạng này và gia tăng tỷ lệ sống ngoài bãi nuôi cần thực hiện giai đoạn ương từ nghêu giống cấp I lên nghêu giống cấp II trước khi đưa ra bãi nuôi thương phẩm. Việc ương nuôi này cần áp dụng một số biện pháp sau:  

 Tập huấn kỹ thuật ương nghêu giống.


1. Mùa vụ ương: mùa vụ chính bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 4 hàng năm.

2. Lựa chọn địa điểm: có thể ương nghêu trong ao hoặc ngoài bãi triều sao cho vị trí ao hoặc bãi ương nằm ở vùng trung triều có thể thay nước thường xuyên, đáy là cát bùn với tỷ lệ cát chiếm 80%, độ mặn tốt nhất 15-25‰. Ngoài ra, ao hoặc bãi ương có giao thông thuận lợi, gần các cơ sở cung cấp giống, thức ăn, trang thiết bị... và tránh vùng ô nhiễm nông nghiệp và công nghiệp.

3. Thiết kế xây dựng ao, bãi ương: tốt nhất nên có hình chữ nhật, có diện tích 0,1-1 ha.

- Đối với ao ương: có hệ thống cống cấp và thoát nước riêng biệt, có dạng cánh phai để dễ dàng thao tác. Bờ ao cao 1-1,5 m và cao hơn mức triều cường ít nhất từ 0,5-1m; được phủ bạt để tránh sạt lở và rò rỉ nước. Ao có độ sâu 0,8-1,2 m và đáy dốc về cống thoát nước.

- Đối với bãi ương: rất quan trọng, để bãi không bị cuốn trôi và nghêu không bị thất thoát, bãi được quây lưới đóng cọc tre. Lưới quây cùng cọc tre làm khung giữ lưới, cọc có chiều cao 1,2 m; mỗi cọc cách nhau 1,2m và được cắm sâu 0,5 – 0,7m. Phía chân lưới có giềng đáy, giềng đáy có cọc ghim dài 0,6m được chôn sâu 0,4m. Lưới được chôn sâu 0,3m có chiều cao lưới 0,5 m từ đáy lên và kích thước mắt lưới phải nhỏ hơn kích cỡ giống thả.

4. Cải tạo ao, bãi ương:

- Đối với ao ương: thời gian phơi ao trước khi thả giống là 1 tháng nhằm diệt sinh vật tạp và khoáng hóa đáy ao. Sau đó phun chất đáy là cát bùn (cát 80%) đạt độ dày khoảng 15-20 cm và san bằng mặt ao, chú ý tạo độ nghiêng đáy ao về phía cống thoát để thuận tiện việc thay nước. Tiếp theo là cắm lưới vây có mắt lưới nhỏ hơn 0,5mm và cách bờ khoảng 1m. Chọn thời điểm đỉnh triều cường tiến hành bơm cấp nước vào ao ương và cấp từ từ đến khi đạt mức 0,8-1,2m.

- Đối với bãi ương: dọn sạch vỏ nhuyễn thể, lắp chổ trũng, san bằng bãi và thêm lượng cát nhất định sao cho đạt độ dày 10-15cm với tỷ lệ cát là 80% và bùn là 20%.

 Ao ương nghêu giống.


5. Chọn giống và thả giống: chọn nghêu giống thả ương là nghêu giống cấp I có kích cỡ trung bình 0,5mm/con, phải đồng cỡ, vỏ sáng bóng không bị giập vỏ và không bị dị hình.

Chọn thời điểm thả giống thích hợp nhất là vào sáng sớm hoặc chiều mát với mật độ ban đầu là: 50.000 con/m2. Cần chú ý các yếu tố môi trường ở nơi nguồn giống (nghêu cấp I) và ở các bãi thả ương cần phải tương đồng nhằm tránh nghêu giống bị sốc môi trường khi thả nuôi.

Để đảm bảo mật độ nghêu không quá dày, cung cấp đủ thức ăn giúp tăng tỷ lệ sống và chất lượng nghêu giống; khi nghêu đạt kích cỡ 1-2 mm/con thì tiến hành san thưa sang các ao khác để mật độ giảm còn 50% (khoảng 25.000 con/ m2). Sau đó, khi nghêu đạt kích cỡ 4-5mm/con lại tiếp tục san thưa lần nữa để mật độ còn 12.500 con/m2. Từ đây có thể tiếp tục ương đến khi thu hoạch hoặc san thưa khi mật độ nghêu dày và có hiện tượng chậm lớn.

6. Ao nuôi giữ tảo: để chủ động cung cấp tảo cho ao ương. Nước cấp vào ao được lọc kỹ, độ mặn 25-30‰. Sử dụng phân gà hoặc phân hữu cơ đã hoai bón vào ao 3 ngày trước khi nuôi cấy tảo với liều lượng 500kg/ha ao, giữ độ sâu mức nước là 1m. Các loại tảo dùng gây nuôi là Isochrysis galbana, Nanocholoropsis oculata, Chaetoceros sp

 Ao nuôi giữ tảo.


7. Quản lý và chăm sóc:

Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ và độ mặn của nước ao ương để có biện pháp khắc phục kịp thời khi vượt quá giới hạn.

Thay nước thường xuyên theo con nước. Vào kỳ nước kém, cần có phương án lấy nước vào khu ao dự trữ để có thể thay nước 2 – 4 ngày/lần. Trước khi thay cần kiểm tra các yếu tố môi trường, khi đạt tiêu chuẩn mới tiến hành thay nước.

Định kỳ cung cấp tảo cho ao ương bằng cách bơm nước tảo từ ao nuôi giữ tảo sang ao ương nghêu giống.

Định kỳ kiểm tra sự phát triển, tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ sống của nghêu con để có biện pháp xử lý kịp thời.

8. Thu hoạch:

Sau 4-6 tháng ương, nghêu đạt cỡ 8-10mm/con hoặc 1.500-2.000 con/kg thì thu hoạch chuyển sang nuôi thương phẩm. Dụng cụ thu hoạch nghêu là dùng cào thu các con giống thành đống, thu cuốn chiếu sau đó cho nghêu giống vào túi cước hoặc túi nylon. Dùng vòi phun rửa sạch bùn rồi chuyển lên phương tiện vận chuyển.

Lưu ý các thao tác phải hết sức nhẹ nhàng, đúng kỹ thuật nhằm tránh làm nghêu bị dập vỏ ảnh hưởng đến tỷ lệ sống khi thả nuôi. Khi bảo quản và vận chuyển nghêu đến vùng nuôi, không để trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời và thời gian vận chuyển càng ngắn càng tốt phải ≤ 10 giờ.

9. Một số nguyên nhân làm nghêu chết và cách xử lý:

- Độ mặn thay đổi đột ngột: khi độ mặn thay đổi đột ngột từ 5-10‰ trong một ngày đêm sẽ làm nghêu bị sốc có thể gây chết hoặc làm nghêu di chuyển chổ ở. Cần xử lý kịp thời bằng cách dùng dây cắt nhớt hoặc dùng lưới che phủ giữ không cho nghêu trôi dạt. Khi nghêu dạt vào chân vây cần rải lại nghêu ra bãi.

- Nhiệt độ tăng cao: do thời gian phơi bãi vào ban ngày dài thường từ 8-10 tiếng nên khi nước biển dâng lên thì nước ở bãi bị nóng lên đột ngột cũng là nguyên nhân làm nghêu chết. Cách khắc phục là san bằng mặt bãi để không bị đọng nước đồng thời san thưa và di chuyển nghêu từ vùng cao sang vùng trũng.

- Địch hại: Ốc chụp là địch hại chủ yếu của nghêu, biệp pháp xử lý là bắt thủ công để loại bỏ.

Việc ương nghêu giống từ cấp I lên cấp II mang lại ý nghĩa to lớn, góp phần gia tăng tỷ lệ sống trong nuôi nghêu thương phẩm. Mặt khác giúp người nuôi bước đầu chủ động giống nuôi kích cỡ lớn, đảm bảo chất lượng. Nắm vững qui trình kỹ thuật ương là cơ sở bước đầu cho việc sinh sản nghêu giống sau này-một nghề sản xuất giống thủy sản đầy tiềm năng và triển vọng cho Bến Tre trong tương lai.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi