Thanh long ruột đỏ cây trồng tiềm năng

Thanh long ruột đỏ hiện được xem là cây trồng có nhiều tiềm năng, cây không chỉ cho năng suất, chất lượng mà hiệu quả kinh tế lại cao. Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Tâm, chị Bùi Thị Thanh Thủy, ấp Lộc Hiệp xã Vĩnh Bình có 2,5 công đất trồng cây thanh long ruột đỏ, mùa vụ 2014 vừa qua gia đình anh có thu nhập hơn 300 triệu đồng.

Anh Tâm cho biết, gia đình đến với mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ đến nay được 03 năm, tình cờ đọc báo và lên mạng anh phát hiện có nhiều nông dân khấm khá từ mô hình trồng cây thanh long nên quyết tâm theo đuổi. Anh Tâm chia sẻ: “Trước khi trồng thanh long, vườn  tôi trồng chôm chôm thái và xen bưởi da xanh, cây đang chuẩn bị cho trái, nghe và thấy được mô hình trồng cây thanh long hiệu quả của bà con ở tỉnh Tiền Giang nên tôi đã đốn bỏ vườn chôm chôm trồng trụ xi măng để trồng cây thanh long. Ngày đó những người trong gia đình, biết tôi có ý định trồng thanh long họ đều cản, sợ thị trường tiêu thụ không ổn định hơn nữa thanh long là loại cây mới mẻ vấn đề kỹ thuật sẽ khó chăm sóc. Còn riêng những nông dân ở quanh xóm cho rằng tôi bị điên,vườn chôm chôm chuẩn bị có trái không để, đi trồng trụ đá....và hôm nay nhìn vườn thanh long cho trái họ cho rằng quyết định của tôi là đúng. Vụ này chuẩn bị thu hoạch ước hơn 03 tấn, giá bán hiện tại 60 ngàn đồng/kg thanh long loại I, sau khi trừ chi phí gia đình tôi sẽ có lợi nhuận hơn 150 triệu đồng”.          

 
Vườn thanh long anh Tâm chuẩn bị
 thu hoạch ước khoảng 3 tấn trái

 

Giống thanh long ruột đỏ được anh Tâm trồng là loại H14, được anh mua của người quen ở tỉnh Vĩnh Long. Cách nay 03 năm, giống thanh long ruột đỏ có giá khá cao, trung bình 01 nhánh 15 ngàn đồng. Một trụ xi măng được trồng 04 nhánh, với diện tích 2,5 công đất vườn anh trồng 300 trụ xi măng, vốn ban đầu bỏ ra khoảng 200 triệu đồng. Tuy nhiên cái thuận lợi lớn nhất của cây thanh long ruột đỏ là thời gian cho trái rất nhanh, từ khi trồng đến cho trái khoảng 10 tháng. Thời gian đầu cây cho trái ít nhưng ổn định và đạt năng suất cao, bắt đầu năm thứ ba trở đi. Trọng lượng mỗi trái thanh long đạt từ 600-800 gam, nhưng nếu chăm sóc tốt có trái đạt 900g đến 01kg.  So với các loại cây ăn trái khác, thanh long ruột đỏ đang chiếm ưu thế về năng suất và giá trị kinh tế mà nó mang lại.

Riêng về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh long theo anh Tâm cho biết, thanh long vốn thuộc họ xương rồng, không kén chọn đất đai hay thổ nhưỡng. Kỹ thuật chăm sóc ở cây trưởng thành không khó nhưng khi cây còn nhỏ thì việc chăm sóc không hề đơn giản. Anh Tâm còn cho biết thêm để cây thanh long phát triển tốt và cho trái đạt hiệu quả cao đòi hỏi cây thanh long phải được trồng trên trụ. Trụ trồng thanh long thích hợp nhất là trụ bằng xi-măng, dài khoảng 2- 2,2 mét, ngang 01 tấc, chôn trụ xuống khoảng 50 cm, trụ còn lại cao từ 1,5-1,7 mét, khoảng cách này giúp cho người trồng xịt thuốc, bón phân và thu hoạch trái. Mỗi trụ xi măng trồng 04 hom thanh long xung quanh, trụ cách trụ 2,7 mét. Sau khi trồng thanh long nên tưới nước định kỳ 02 đến 04 ngày 01 lần, do thanh long là loại cây không cần nhiều nước nên chú ý tưới trên thân cây, hạn chế tưới vào gốc vì sẽ làm úng gốc.

Bên cạnh những yếu tố nói trên, cây thanh long ruột đỏ còn có nhiều ưu điểm kích thích nông dân như: Thời gian thu hoạch nhanh, mỗi đợt trái từ lúc ra hoa cho đến khi thu hoạch là 32 ngày. Cây thanh long cho trái liên tục trong năm, vụ thuận từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch, riêng các tháng còn lại xử lý cho cây ra trái vụ nghịch. Tuy nhiên vào thời điểm thu hoạch vụ thuận giá thanh long thường không cao, từ đó nông dân  học hỏi kỹ thuật xử lý cho cây ra trái nghịch vụ nhằm tránh điệp khúc đụng hàng rớt giá và anh Tâm cũng không ngoại lệ.

Buổi đầu khi đến với mô hình trồng thanh long ruột đỏ, cũng như nhiều nông dân khác anh Tâm còn bỡ ngỡ do chưa am hiểu về kỹ thuật, những mùa đầu anh chỉ thu hoạch thanh long vào vụ thuận. Sau thời gian nghiên cứu trên sách, báo, truy cập thông tin từ internet và thực tiễn của bản thân anh Tâm đã ứng dụng thành công mô hình xử lý cho cây thanh long ruột đỏ ra hoa vụ nghịch bằng biện pháp xông đèn. Tỷ lệ cây ra hoa đạt khoảng 90%. Anh Tâm cho biết : “Trước và sau khi xử lý cho cây ra hoa vụ nghịch, cần phải bón thêm phân hóa học kết hợp phân hữu cơ để cây khỏe mạnh, nuôi trái tốt. Về kinh nghiệm xông đèn, theo tôi thời gian thích hợp để xông đèn từ 8 giờ tối hôm nay đến 6 giờ sáng hôm sau, thời gian thực hiện xông đèn khoảng 15 đêm là cây ra hoa”. Anh Tâm còn lưu ý thêm để cây thanh long không mất dinh dưỡng, tuổi thọ cao và chất lượng trái đáp ứng yêu cầu khách hàng, tránh trường hợp để quá nhiều trái trên cây. Khi trái chín không neo trái, phải thu hoạch đúng ngày, nếu để trái quá chín rất dễ bị nứt và quan trọng trái chín nhưng tay phải còn xanh. Ngoài ra, trong qua trình chăm sóc cây thanh long,  người trồng cần thường xuyên cắt tỉa bỏ những nhánh thanh long già, không còn khả năng cho trái để tập trung nuôi dưỡng các nhánh khỏe mạnh. Cây thanh long ruột đỏ thường mắc bệnh thán thư vào mùa mưa, do đó cần theo dõi thường xuyên để phun thuốc phòng ngừa.

Kinh nghiệm thực tiễn cùng với quá trình nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật đã giúp gia đình anh Tâm thành công đối với mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại vùng vương quốc cây giống, hoa kiểng. Anh Tâm nhẫm tính: “Kể từ tháng 04/2014 đến nay, 2,5 công đất trồng thanh long ruột đỏ của gia đình anh cho lợi nhuận 300 triệu đồng. Riêng mùa này chuẩn bị thu hoạch ước khoảng 3 tấn trái, hiện tại thương lái thu mua có giá khoảng 60 ngàn đồng/kg. So ra trồng thanh long ruột đỏ hiệu quả hơn nhiều so các loại cây trồng khác". Thanh long ruột đỏ hiện được xem là cây trồng tiềm năng, có nhiều nông dân hướng tới./.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi