Thực trạng và giải pháp xây dựng chuỗi giá trị dừa

Sau gần hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 03/NQ-TU của Tỉnh ủy, Kế hoạch 330/KH-UBND của UBND tỉnh về việc xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025, và kế hoạch 196/KH-SNN của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị dừa giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025, đến nay đã đạt được một số kết quả khả quan, được nông dân và các doanh nghiệp quan tâm hưởng ứng, cụ thể như sau:

 Hoạt động sơ chế dừa tại điểm sơ chế Phong Nẫm huyện Giồng Trôm.


Về hoạt động hình thành các tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với các địa phương, các doanh nghiệp thành lập 10 TLK, 29 THT, 7 HTX với 2.113 hộ quy mô 1.516,75 ha. Trong đó, dừa công nghiệp thành lập 10 TLK, 23 THT, 7 HTX  với 1.973 thành viên với quy mô 1.445,27 ha, hiện có 3 doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ là Cty TNHH Chế Biến Dừa Lương Quới, Cty CP XNK Bến Tre (Betrimex), Cty CP Chế Biến Dừa Á Châu. Tính từ năm 2017 đến nay ba doanh nghiệp đã thu mua 9.923.902 trái và 130,5 tấn cơm dừa (tương đương 391.500 trái); dừa uống nước thành lập 6 THT với 140 hộ  quy mô 71,48 ha, hiện có công ty XNK trái cây Mekong liên kết tiêu thụ, tính từ năm 2017 đến nay Cty đã thu mua 251.781 trái, ngoài ra hai doanh nghiệp Quý Gia Phúc và Toàn Cầu đã liên kết với THT, nông dân trồng dừa thực hiện chứng nhận GobalGAP trên dừa, sau khi đạt chứng nhận Cty sẽ bắt đầu thu mua.

Về hoạt động sơ chế dừa công nghiệp, để tạo giá trị tăng thêm từ trái dừa tại địa phương và giải quyết điều kiện khó khăn của doanh nghiệp khi sơ chế dừa tại doanh nghiệp (thiếu nhân công và mặt bằng), Cty TNHH Chế Biến Dừa Lương Quới đã hỗ trợ địa phương xây dựng 2 điểm sơ chế tại xã An Định huyện Mỏ Cày Nam và xã Phong Nẫm huyện Giồng Trôm, công suất sơ chế 20.000 trái/ngày tương đương 7 tấn cơm dừa tươi/cơ sở. Hiện tại hai cơ sở sơ chế hoạt động 80-90% công suất. Bên cạnh đó, công ty cũng đã hỗ trợ HTX Nông nghiệp Định Thủy huyện Mỏ Cày Nam và HTX Phú Nông xã Phú Khánh, huyện Thạnh Phú tổ chức sơ chế công suất trung bình 1,5-2 tấn cơm dừa/ngày. Ngoài ra, HTX Nông Nghiệp Châu Bình có kế hoạch xây dựng khu sơ chế dừa vào đầu năm 2019.

Về hoạt động huấn luyện đào tạo-chuyển giao kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng các tài liệu kỹ thuật như “Kỹ thuật thâm canh dừa, Kỹ thuật canh tác dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ, Kỹ thuật canh tác dừa thích nghi với hạn mặn”; xây dựng và in 1.500 tờ rơi tuyên truyền hoạt động xây dựng chuỗi giá trị dừa; đã tổ chức 32 lớp tập huấn có 1.066 nông dân tham dự với các chuyên đề: “kỹ thuật canh tác dừa thích nghi với hạn mặn, kỹ thuật canh tác dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ” cho các thành viên TLK, THT, HTX dừa trên địa bàn các huyện Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, Châu Thành; tổ chức 1 lớp tập huấn cho 26 cán bộ Khuyến nông và nhân viên Khuyến nông về “Nhận thức về tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ, Nhật và EU”.

Về thông tin truyền thông, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức ba chuyến tham quan cho 90 thành viên các THT, HTX tham quan hai cơ sở sơ chế dừa tại xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam và xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, tham quan Cty TNHH Chế Biến Dừa Lương Quới và đại diện các THT, HTX ký hợp đồng thỏa thuận bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp; tổ chức 1 cuộc hội thảo “Liên kết sản xuất trong xây dựng chuỗi giá trị dừa” có 50 đại biểu tham dự; viết 4 bài viết về kỹ thuật canh tác dừa và xây dựng chuỗi giá trị dừa đăng trên trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa khoa học và Công nghệ.

Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với các doanh nghiệp; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Hội nông dân các cấp, Phòng Nông nghiệp các huyện… thực hiện các hoạt động hỗ trợ năng lực cho TLK, THT, HTX  hỗ trợ nông dân, Xây dựng 40 vườn dừa mẫu sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ với tổng diện tích 20 ha tại các xã An Thới, An Định, Tân Trung, Hương Mỹ huyện Mỏ Cày Nam, Phong nẫm huyện Giồng Trôm; Cty Lương Quới xây dựng phòng nhân nuôi ong ký sinh, trung bình mỗi tháng phóng thích 200-250 mummy (năm 2017) trên vườn dừa hữu cơ địa bàn huyện Mỏ Cày Nam; thả hơn 200 bọ đuôi kìm lên vườn dừa mẫu trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam...

Trong quá trình xây dựng chuỗi giá trị dừa đã có các thuận lợi như: có chủ trương và sự quan tâm chỉ đạo chặc chẽ, kịp thời của các cấp trong quá trình xây dựng chuỗi giá trị; có sự đồng thuận của doanh nghiệp và người dân trong việc xây dựng liên kết sản xuất; có sự phối hợp khá tốt của chính quyền đoàn thể tại các địa phương; được sự quan tâm, phối hợp, hỗ trợ thực hiện của các đơn vị, tổ chức thông qua các chương trình và dự án phù hợp; trước mắt đã hình thành một số mô hình liên kết tạo chuỗi khá phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh, làm cơ sở để nghiên cứu nhân rộng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cũng gặp một số khó khăn hạn chế như: địa phương thiếu nguồn nhân lực có năng lực làm lãnh đạo THT, HTX; chất lượng tổ chức điều hành THT chưa cao; tổ chức quản lý ở một số nơi còn nặng hình thức; ban quản lý tổ thiếu kinh nghiệm trong việc quản lý cũng như xây dựng kế hoạch hoạt động của tổ; hoạt động của tổ-nhóm đôi khi còn rời rạc, không liên tục; đặc biệt khả năng tổ chức sản xuất và sơ chế tại cơ sở; việc tổ chức tập huấn, nhân nuôi ong ký sinh… cũng còn hạn chế so với yêu cầu; một số HTX chưa có mặt bằng cụ thể cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất; công tác tuyên truyền vận động ở một số địa phương còn hạn chế, nên nhận thức về chuỗi giá trị một số nơi chưa được đầy đủ, chưa sâu sắc; một số doanh nghiệp tham gia ban đầu hoạt động chưa ổn định, thiếu chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu dài hạn, chưa có chính sách hợp tác liên kết rõ ràng, ổn định.

 

 Doanh nghiệp gặp gỡ đại diện các THT trao đổi

về hoạt động liên kết tiêu thụ.


Những kết quả bước đầu trên còn hạn chế so với yêu cầu sản xuất, tuy nhiên nó cũng là một trong những nền tảng quan trọng trong việc định hướng xây dựng chuỗi giá trị dừa trong thời gian tới.

Dựa trên kế hoạch, kết quả thực hiện trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông đề ra giải pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tới như sau:
- Trung tâm Khuyến nông sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, các đơn vị có liên quan tiếp tục vận động xây dựng liên kết sản xuất tại địa phương (các xã mà doanh nghiệp chọn xây dựng vùng nguyên liệu), Trung tâm Khuyến nông trực tiếp đến làm việc với các xã còn chậm triển khai, đề ra và thống nhất các kế hoạch vận động thành lập các THT dừa trên địa bàn xã trong thời gian tới.
- Tiếp tục đẩy mạnh việc tập huấn nâng cao năng lực tổ chức sản xuất cho các THT, HTX, tổ chức tham quan-học tập kỹ thuật sơ chế dừa nhằm mở rộng hệ thống sơ chế tại THT, HTX để nâng cao giá trị của chuỗi. Ngoài huấn luyện đào tạo thông qua các lớp tập huấn, cán bộ kỹ thuật sẽ tư vấn kỹ thuật canh tác dừa tại hiện trường chủ yếu trên các vườn dừa mẫu.
- Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận địa bàn, xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết tiêu thụ với nông dân.
- Tăng cường công tác thông tin truyền thông về hoạt động xây dựng chuỗi giá trị để nâng cao nhận thức và sự đồng thuận khi triển khai thực hiện; tăng cường công tác thông tin thị trường để người trồng dừa nói riêng và nông dân trong tỉnh nói chung hiểu rõ tình hình và an tâm đầu tư vào sản xuất.
- Các cơ quan chức năng, các địa phương cần quan tâm hỗ trợ chuỗi đặc biệt trong giai đoạn mới hình thành.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc