Dừa in chữ

Bến Tre có diện tích dừa lớn nhất nước với trên 68.000 ha, sản lượng trên 562 triệu trái, chiếm 40% tổng sản lượng dừa cả nước. Riêng tại huyện Châu Thành, có trên 7.000 ha vườn dừa, và được trồng phân bổ khắp trên 22 xã, thị trấn. Từ lâu, cây dừa đã góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh nói riêng, huyện Châu Thành nói chung. Trong đó, không thể không kể đến người thanh niên sáng tạo nên “trái dừa biết nói” với những lời chúc phúc rất độc đáo đang ngày càng thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng. Đó chính là anh Huỳnh Thanh Tâm, ấp Phú Nhơn, thị trấn Châu Thành đã tạo hình thành công trên trái dừa xiêm.

 “Dừa biết nói”  và cách làm của anh Huỳnh Thanh Tâm.


Để có được những trái dừa in chữ nghệ thuật độc đáo này, anh Huỳnh Thanh Tâm không biết đã trải qua bao nhiều lần thất bại vì tỷ lệ thành công chỉ đạt khoảng 40%. Điều này có nghĩa là trong một buồng dừa, anh chỉ có thể chọn từ 3-4 trái dừa đẹp để ráp khuôn. Riêng đối với dừa hồ lô thì tỷ lệ này còn thấp hơn. Không nản chí, tiếp tục rút kinh nghiệm từ chính những trái không đạt theo yêu cầu. Đến năm 2015, những trái dừa đầu tiên xuất hiện trên thị trường với chữ “Tài Lộc” và được khách hàng đón nhận. Những trái dừa được anh Huỳnh Thanh Tâm chọn để tạo hình là những trái có da láng đẹp, không vết sẹo và phải tính toán chính xác sao cho dừa từ trái non đến thành hình chỉ đạt khoảng nửa ký mỗi trái thì mới được thị trường chấp nhận.

Trao đổi với chúng tôi, anh Huỳnh Thanh Tâm cho biết: Từ lúc ngồi trên ghế nhà trường, Tâm đã rất tâm đắc việc người Nhật tạo được trái dưa tròn thành dưa vuông. Lúc đầu, Tâm thử nghiệm bằng lon sữa bò, lồng chữ bằng dây đồng úp vào trái dừa non, một tháng sau, trái dừa lớn phình ra, trên da trái có chữ nhưng chữ không nổi, nét bị cong. Qua nhiều lần điều chỉnh khuôn in, đến nay, tôi đã thực hiện thành công việc in chữ nghệ thuật trên trái dừa”.

Những vòng thép do anh Huỳnh Thanh Tâm tự nghiên cứu, mài mò để tạo hình cho trái dừa khi trái khoảng 2 tháng-4,5 tháng tuổi. Theo anh Tâm, so với trái bưởi, dưa hấu thì việc in chữ nghệ thuật cho trái dừa cũng lắm nỗi khó khăn do trái dừa có xơ, vỏ cứng. Ngoài ra, đặc điểm trái dừa không tròn đều mà có đến 3 cạnh, vỏ lại trơn, láng nên muốn đặt khuôn ép đúng vị trí rất phức tạp, người phải thật am hiểu về sự phát triển của loại cây này mới làm được. Vì vậy, vòng thép được anh thiết kế có tính chịu lực cao nhằm chịu nổi độ bung của trái dừa trong quá trình phát triển, vòng tròn cũng có tăng đơ để siết giảm và mở ra khi cần.

Với cách làm như trên, tính đến thời điểm này, anh Huỳnh Thanh Tâm đã nghiên cứu cho ra 3 sản phẩm tạo hình từ dừa gồm: dừa hồ lô, dừa đòn bánh tét, dừa in chữ nghệ thuật gồm các chữ như: Vạn sự như ý, phước, tài lộc, thọ, tên riêng… Những nét chữ in chìm này khá sắc nét và màu sắc trái dừa không bị biến màu sau thời gian ép khuôn. Giá mỗi trái dừa in chữ như vậy được anh Tâm bán ra với mức giá 600.000 đồng/trái, và trở thành niềm mơ ước của không ít nhà vườn địa phương.

Từ những trái dừa xiêm bình thường, giờ đây qua sự sáng tạo, bàn tay khéo léo và óc tỉ mỉ của anh Huỳnh Thanh Tâm đã tạo ra những món quà ý nghĩa với dừa tạo hình, in chữ chìm nghệ thuật độc đáo, và trở thành những “món quà biết nói” thay những thông điệp ý nghĩa của người trao và người nhận, được khách hàng trong và ngoài nước săn lùng. Anh Trần Châu Sa, xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến vườn dừa của anh Tâm, tôi rất ngạc nhiên vì vẻ đẹp của trái dừa in chữ. Qua đó, trái dừa Bến Tre được nâng cao giá trị hơn”. Còn ông Thanh Lý Hữu Hùng quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Năm ngoái, tôi có bán một số dừa Tài-Lộc của anh Tâm, năm nay tôi thấy lượng khách đặt hàng nhiều. Tôi đã đặt 500 cặp dừa nhưng anh Tâm không đủ lượng hàng cung cấp nên chỉ ưu ái cho tôi được 200 cặp. Đây là sản phẩm tôi thấy có ý nghĩa. Hy vọng anh Tâm sẽ tiếp tục ngày càng tạo ra nhiều sản phẩm hơn cung cấp cho bà con”.

Không chỉ làm giàu cho riêng mình, thời gian qua, nhằm chia sẻ kỹ thuật cho nông dân cùng làm giàu. Anh Huỳnh Thanh Tâm đã hợp tác với nhà vườn trong và ngoài tỉnh như: Bình Định, Bình Thuận, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cà Mau… cùng sản xuất dừa in chữ chìm nghệ thuật. Bên cạnh đó, anh cũng hợp tác và hướng dẫn kỹ thuật cho thanh niên nông thôn để có nguồn lao động đáp ứng với nhu cầu với khách hàng. Anh Đỗ Hữu Triệu ấp Phú Thạnh, xã Phú Túc phấn khởi nói: “Sau khi được anh Tâm hướng dẫn kỹ thuật tạo hình trên trái dừa, tôi đã áp dụng lên vườn nhà mình và mang lại hiệu quả. Với những kỹ thuật mà anh Tâm hướng dẫn, tôi hoàn toàn làm được. Nếu chúng ta làm đúng kỹ thuật, và chọn nguyên liệu phù hợp thì tỷ lệ thành công sẽ cao. Trong quá trình hướng dẫn, tôi thấy anh rất nhiệt tình, không chỉ về phương pháp ép khuôn mà còn về kỹ thuật chăm sóc vườn dừa. Ngoài việc bán sản phẩm ra thị trường, anh Tâm còn sẵn sàng bao tiêu sản phẩm cho tôi”.

Đến đầu năm 2016, dừa in chữ chìm nghệ thuật của anh Huỳnh Thanh Tâm được đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Đồng thời, anh Tâm tham gia chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp” do Tỉnh đoàn Bến Tre phát động với dự án “Dừa phú quý Bến Tre”. Theo đó, anh được hỗ trợ 50 triệu đồng để làm vốn với lãi suất bằng không, từ “Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp-lập nghiệp thanh niên”. Với dự án này, anh có nguồn vốn để chuẩn bị nguyên liệu cho ra 2.000 trái trong nước trong dịp Tết nguyên đán Đinh Dậu 2017. Anh Huỳnh Thanh Tâm cho biết: “Năm 2017, tôi dự định sản xuất khoảng 50 ngàn trái dừa in chữ phục vụ trong nước. Năm 2016, tôi chỉ sản xuất 20 ngàn trái không đủ cung cấp khách hàng. Vừa qua, tôi đã hủy đơn hàng xuất khẩu với lý do là chưa có nông hộ để hợp tác sản xuất. Vì vậy, nếu các bạn nào có nhu cầu hợp tác thì liên hệ với tôi. Tôi sẽ hướng dẫn tận tình và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm”.

Trên thị trường hiện nay, trái cây tạo hình không phải là sản phẩm mới nhưng ý tưởng sáng tạo làm nên sự khác biệt trên trái dừa xiêm Bến Tre là một việc làm ý nghĩa, trở thành niềm tự hào của người dân Đồng Khởi. Bởi sản phẩm dừa tạo hình và dừa in chữ chìm nghệ thuật của anh Huỳnh Thanh Tâm không chỉ mang đến những lời chúc một năm mới đầy sung túc, phát tài, một năm chuyển biến với nhiều may mắn, thuận lợi, đột phá vượt bậc mà còn là cách biểu thị sự tinh tế, cách chọn quà khéo léo của người tặng. “Một ngày sung túc, cả năm an nhàn”. Hy vọng, trong tương lai, Dừa Phú Quý Bến Tre sẽ là biểu tượng của sự phú quý, giàu sang, an lành, may mắn,  một niềm tin cho một năm phát tài, hạnh phúc.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc