Một số giải pháp thâm canh sầu riêng nghịch vụ

Vụ nghịch sầu riêng 2017-2018 sắp kết thúc với kết quả bội thu, nông dân được một năm trúng mùa lại trúng giá. Năng suất bình quân đạt hơn 30 tấn/ha, giá cũng ở mức cao 75-80 triệu đồng/tấn, có nhiều thời điểm đạt trên 100 triệu đồng/tấn, nông dân rất phấn khởi chuẩn bị cho mùa vụ mới. Tuy nhiên, do khai thác trong vụ nghịch, lại thu hoạch trái trong mùa nắng nên phần lớn các vườn sầu riêng đều suy kiệt, để hồi phục cần có nhiều giải pháp tích cực, nhất là giai đoạn sau thu hoạch. Do vậy, một số giải pháp thâm canh sau đây cần được tham khảo.

 Sầu riêng nghịch vụ.


Thứ nhất, vệ sinh vườn.

Đây là công việc hết sức quan trọng, đầu tiên là tỉa bỏ những cành không cần thiết như cành sâu bệnh, cành già cỏi… kết hợp với việc sữa lại tàn cho phù hợp. Kế tiếp là xới gốc và xử lý vôi từ 2-3kg/cây khi pH đất dưới 4,5. Cuối cùng là phun tẩy rữa vườn cây bằng thuốc diệt nấm như Mancozeb và xử lý tuyến trùng gốc bằng Map-logic, Nokap…

Thứ hai, chăm sóc cơi lá.

Sau xử lý vôi từ 7-10 ngày tiến hành bón phân hữu cơ từ 5-10kg/cây tùy loại cộng với nấm Tricoderma để cải tạo đất và tăng cường nấm đối kháng ngừa bệnh thối rễ sau này. Tiếp theo là giải độc Paclobutazol lưu tồn từ vụ trước bằng cách phun phân bón lá có hàm lượng đạm cao (như 35.5.7+8Mg) kết hợp với Gibbergilin (GA¬3) đồng thời bón thúc DAP + Urea để tạo cơi đọt.

Khi nhú đọt cần phun ngừa rầy phấn, rầy xanh hại lá kết hợp với ngừa bệnh cháy lá... và bón bổ sung NPK với hàm lượng N cao (20.10.10; 30.10.10…) để thúc đọt, đến khi đọt lụa bón thêm NPK cân đối như 15.15.15... để lá dày hơn.

Khi cơi lá thuần thục, để cho cơi tiếp theo ra đồng loạt dễ quản lý sâu bệnh có thể tạo khô hạn cục bộ từ 7-10 ngày sau đó thúc nước và bón phân tạo cơi lá tiếp theo, ở cơi lá này không cần sử dụng phân hữu cơ.

Thứ ba, xử lý ra hoa nghịch vụ.

Vụ nghịch sầu riêng được xử lý từ tháng 4-10 âm lịch để thu hoạch trái từ tháng 9 sang tháng 2 năm sau. Đây lại là thời điểm mùa mưa lũ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xử lý nhưng đây lại là cơ hội bội thu khi không phải sợ đụng hàng với miền Đông, Tây nguyên cũng như Thái Lan nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất hiện nay vào thị trường Trung Quốc.

Xử lý ra hoa nghịch vụ sầu riêng được bắt đầu từ cơi 3, đây là cơi đặc biệt quan trọng nên cần được bảo vệ tốt, nhất là sâu bệnh hại. Khi cơi 3 lên đọt khoảng 10-15 ngày (đọt non) bón phân có hàm lượng lân cao để tạo cho đọt mập, lá dày thúc đẩy tạo mầm hoa, 15 ngày kế tiếp (đọt lụa) bón phân có hàm lượng Kali cao kết hợp phun MPK+Vi lượng để giúp lá mau thuần thục, tiến hành đậy mủ, bơm nước tạo khô hạn. Tiếp theo phun chất tạo mầm 10.60.10 + 0.40.40 + Paclo và phun lần 3 các hợp chất thúc đẩy ra hoa.

 

 Nông dân chia sẻ kinh nghiệm tại vườn.


Thứ tư, nuôi hoa và xử lý đậu trái

Khi mắt cua nhú đều, đạt yêu cầu tiến hành tưới nước, bón phân 20.10.10 để thúc ra hoa và kéo đọt, lúc đọt vừa lên phun ngừa rầy hại lá kết hợp ngừa bệnh hại hoa có bổ sung vi lượng. Bón phân lần 2 sau khoảng 15 ngày loại NPK 15.15.15, phun ngừa sâu bệnh hại hoa có bổ sung Ca, B. Bón phân lần 3 giúp nở hoa, đậu trái tốt với phân có hàm lượng Kali cao.

Giai đoạn hoa nở cần giảm dần đến hơn 2/3 lượng nước tưới, cần thiết bơm cạn nước trong mương, nếu gặp mưa đêm nên dùng mủ nylon che cành mang hoa để hạn chế tác hại của mưa đêm đối với hoa sầu riêng đang nở. Kết thúc giai đoạn nở hoa từ 3-5 ngày phun bổ sung chất tăng đậu quả để hạn chế rụng trái non.

Thứ năm, chăm sóc trái

Sau đó tưới nước từ từ để bón phân gốc, khi tưới đủ lượng nước thì tiến hành bón phân NPK với lượng từ 0,8-1kg/cây và bón mỗi lần cách nhau 10-15 ngày và chia làm 4 kỳ, mỗi kỳ bón 2 lần. Kỳ 1 bón 12.12.17+3S; kỳ 2 bón 15.15.15+3S; kỳ 3 bón Nicabo hoặc 20.10.10; riêng kỳ 4 bón 1 lần phân sunphat kali. Ngoài bón phân gốc cần phun qua lá các loại phân tương tự kết hợp ngừa sâu, bệnh thối trái.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Những lưu ý quan trọng để kéo đọt sầu riêng Ri6 thành công
• Những nguyên nhân chủ yếu khiến sầu riêng mới trồng chậm phát triển
• Một số lưu ý trong quá trình canh tác sầu riêng trong điều kiện hạn mặn
• Một số biện pháp quản lý nấm bệnh thường xuất hiện trên sầu riêng trong mùa mưa
• Phòng trừ một số bệnh hại sầu riêng trong giai đoạn chuyển mùa
• Phú Đa-hàng loạt vườn sầu riêng bị cháy lá, rụng trái đã được phục hồi
• Phòng trừ rầy xanh gây hại sầu riêng một số điểm cần lưu ý
• Hiện tượng cháy lá sầu riêng trong mùa khô nguyên nhân và giải pháp
• Phục hồi vườn sầu riêng bị ảnh hưởng sau hạn mặn
• Cần lưu ý khi sử dụng paclobutazol trong xử lý ra hoa sầu riêng nghịch vụ
• Hiện tượng sầu riêng “đột tử” cần sự vào cuộc của các nhà chuyên môn
• Quản lý rầy hại đọt sầu riêng bằng hệ thống phun thuốc tự động
• Một số điểm cần lưu ý khi xử lý nghịch vụ sầu riêng
• Cần quan tâm chăm sóc vườn sầu riêng sau thu hoạch
• Bệnh hại mới trên cây sầu riêng và giải pháp khắc phục