Chăm sóc vườn cây có múi trong mùa mưa lũ

Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, nhất là trong mùa mưa dầm liên tục nhiều ngày kết hợp triều cường dễ làm suy kiệt hệ thống rễ cây, đặc biệt nhóm cây có múi có bộ rễ rất “nhát nước” nên thường bị ảnh hưởng nặng nề. Vì thế, nông dân cần biết cách chăm sóc vườn cây có múi đúng kỹ thuật để bảo vệ năng suất và tuổi thọ của cây.

Trong mùa mưa lũ, các vườn cây ăn trái nói chung, cây có múi nói riêng rất thường bị ngập nước. Khi đất bị ngập đưa đến tình trạng đất thiếu oxy cung cấp cho rễ hô hấp nên số lượng rễ nhỏ của cây giảm nhanh. Đất thiếu oxy thì hệ sinh vật yếm khí hoạt động mạnh càng làm cho sự thiếu ôxy thêm trầm trọng và thải ra nhiều chất độc hại cho cây làm rễ bị thối. Hậu quả là các loài nấm bệnh trong đất rất dễ tấn công gây hại cho cây trong và sau mùa ngập lũ. Hiện tượng nghẹt rễ cũng đồng thời làm cây bị “stress”, tổng hợp ethylene bên trong gây ngộ độc, làm lá bị vàng rụng sau khi nước rút. Khí khổng ở lá bị đóng lại, giảm khả năng hút nước, lá bị rủ héo. Vì thế, nông dân trồng cây có múi nên lưu ý một số vấn đề sau:

 Mực nước trong mương cao sẽ ảnh hưởng bộ rễ.


Rễ cây có múi thuộc loại rễ cọc. Thời gian đầu cắm sâu xuống đất nhưng bộ rễ cám hút dinh dưỡng chủ yếu, phát triển trên đất mặt từ độ sâu 50cm trở lên. Do đó phải xới nông, một đặc điểm nữa là rễ chỉ phát triển nếu đất tơi xốp đủ oxy, rễ không thể mọc tốt nếu mực nước ngầm quá cao. Mặc dù cây có múi có nhu cầu về nước rất lớn, nhất là trong thời kỳ cây ra hoa và phát triển trái nhưng chúng rất mẫn cảm với điều kiện ngập nước. Cho nên, cần thiết nhất là vườn phải có hệ thống thoát nước, chống úng bằng cách đắp bờ bao sao cho khi triều cường, nước không tràn vườn và nước mưa phải được thoát ngay xuống các mương liếp. Xẻ rãnh thoát nước tốt tránh vườn bị ngập úng cục bộ trong mùa mưa. Tốt nhất mực nước trong mương vườn cách mặt bờ khoảng 80cm. Nếu không được bảo vệ bờ bao khi mưa lớn nên để nước chảy tự nhiên trên mặt liếp vườn. Dòng chảy thoáng sẽ cung cấp một phần oxy giúp rễ dễ dàng hô hấp.  

Nếu vườn bị ngập nước nên cắt bỏ bớt cành lá hoặc cây đang ra hoa, mang trái phải cắt bỏ bớt hoa, trái, đừng để cây mang nhiều quá. Trường hợp cây đâm tược non thì nên phun dung dịch Phosphat Kali ( 4/5) + Urea ( 1/5) (nồng độ 1-1.5%) hoặc hỗn hợp phân DAP ( 2/3) + KCl ( 1/3) ở nồng độ 1-2%. Nên xử lý lúc chiều mát. Phun 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày đến khi cây ngưng ra đọt. Việc xử lý này nhằm làm lá mau già, cây chậm phát triển và đi vào giai đoạn ngủ nghỉ, ít tiêu hao năng lượng vì rễ cây không đủ khả năng cung cấp dinh dưỡng. Phun hoạt chất có chứa Cytokynin (Agrispon, Sincosin,…) giúp ngăn cản quá trình tổng hợp Ethylene và sự oxyt hóa diệp lục tố, giúp cây tăng cường khả năng chống chịu ngập úng.

Trong vườn nên để cỏ hợp lý vì cỏ là những “máy bơm sinh học” làm tầng đất sâu mau khô ráo. Cỏ dại giúp giữ ẩm đất trong mùa nắng nhất là trong điều kiện nước mặn xâm nhập thiếu nguồn nước tưới đồng thời chống rửa trôi dinh dưỡng, xói mòn đất vào mùa mưa. Trong quá trình sinh trưởng và phát triển bộ rễ cỏ còn làm cho đất tơi xốp, thoáng khí giúp rễ cây trồng hô hấp và hấp thu dinh dưỡng tốt, phát triển đa dạng sinh học trong hệ sinh thái vườn. Do đó, không nên diệt sạch mà chỉ cắt thấp khi cỏ vườn phát triển quá cao. Tuy nhiên, chọn loại cỏ thích hợp để trồng trong vườn là vấn đề hết sức cần thiết. Các loại cỏ được khuyến cáo nên để trong vườn như đậu phộng dại, sài đất, rau trai, màng màng tím, rau sam,... Trong đó, đậu phộng dại là cây cỏ họ đậu có nhiều ưu điểm vì khả năng cộng sinh với vi khuẩn cố định đạm từ ni tơ có trong không khí, chúng phát triển thân, lá nhanh, giữ ẩm và làm giàu mùn cho đất.

 Quản lý cỏ hợp lý trong vườn cây có múi


Cần tiến hành tỉa cành hàng năm, không cho cây giao tán, loại bỏ những cành vô hiệu, giúp cành phân bố hợp lý, nhận đầy đủ ánh sáng. Bón phân N-P-K đầy đủ nuôi trái. Do đặc điểm của cây có múi là sản phẩm chứa một hàm lượng kali rất cao nên cần chú ý trong việc bón phân để bù đắp lại lượng mất đi này. Bổ sung phân hữu cơ cải tạo đất giúp rễ cây phát triển tốt. Cây có múi cần rất nhiều phân hữu cơ, ngoài việc cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cây phân hữu cơ còn có tác dụng rất tốt trong việc cải tạo đất, làm đất tơi xốp. Khi sử dụng phân hữu cơ phải dùng loại phân đã ủ hoai mục, kết hợp sử dụng nấm đối kháng Trichoderma tăng cường hoạt động vi sinh vật có lợi trong đất giúp cân bằng hệ sinh vật đất, hạn chế nấm gây bệnh.

 

 

 Triệu chứng cây bị vàng lá, rễ thối do ngập úng.


Trong thời tiết mưa nhiều, ngập úng là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật gây hại phát triển và tấn công rễ cây trồng. Một số bệnh hại phổ biến như bệnh vàng lá thối rễ, tuyến trùng làm cây vàng lá, kém sinh trưởng và có thể chết cây. Thối rễ do nhiều loại nấm như Fusarium sp, Phytophthora sp., Pythium sp., Rhizoctonia sp.,… Riêng nấm Fusarium sp. luôn hiện diện trong đất nhưng không xâm nhập trực tiếp vào rễ. Nấm xâm nhập chủ yếu qua các mảng thối ở rễ non khi rễ bị oi nước trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, vết thương cơ giới, do tuyến trùng và côn trùng tạo ra cũng là cửa ngõ để nấm xâm nhập và gây hại. Nấm bệnh hại rễ tồn tại trong đất qua một thời gian dài khi không có ký chủ và nguồn bệnh trong đất tăng dần qua nhiều năm. Chúng có thể lan truyền theo nước tưới, đất do động vật và người mang, giống bị nhiễm bệnh. Ngoài nấm gây hại rễ, tuyến trùng là dịch hại nguy hiểm cho rễ cây có múi vì khi tuyến trùng xâm hại cây không thể hút được nước và dinh dưỡng nuôi cây dẫn đến cây chết hàng loạt gây ra hậu quả nghiêm trọng. Có nhiều loài tuyến trùng gây hại rễ cây có múi nhưng phổ biến nhất là tuyến trùng Meloidogyne spp. Tuyến trùng xuất hiện và xâm hại sẽ khiến rễ cây bị biến dạng chuyển sang màu nâu, rễ bị thối và bắt đầu xuất hiện những nốt sưng, cây phát triển chậm dần còi cọc, cây thấp. Tuyến trùng thường tấn công vào những rễ đã trưởng thành, những vết chích hút tạo điều kiện cho nấm xâm nhập và gây hại trên cây. Chúng di chuyển mọi hướng trong đất hoặc rễ thông qua đất ướt để tìm rễ ký chủ. Vào mùa khô, chúng thường di chuyển sâu hơn xuống dưới đất. Tuyến trùng di chuyển theo nước nên khả năng lây lan rất nhanh. Vì thế, những hoạt động như đào, xới gây tổn thương ở rễ cây tạo điều kiện cho tuyến trùng lây lan và phát triển. Bệnh biểu hiện nặng vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa. Tuyến trùng có thể tồn tại ở trạng thái ngủ nghỉ khi không có ký chủ.

 
 
 Cúc vạn thọ và muồng sục sạc có khả năng xua đuổi tuyến trùng.


Vùng có nhiều tuyến trùng có thể trồng cây cúc vạn thọ hoặc muồng sục sạc trong vườn để hạn chế mật số của tuyến trùng. Nấm Paecilomyces sp. được xem là một trong những loài nấm diệt tuyến trùng hiệu quả cao nhất. Hạn chế việc đào xới đối với những vườn cây từng bị bệnh tuyến trùng. Vườn cây đã xuất hiện một vài cây bị bệnh không nên áp dụng biện pháp tưới tràn vì như vậy mầm bệnh sẽ lây lan khắp nơi.

Sau thời gian bị ngập, nước rút nên nhanh chóng khai rãnh để tháo nước. Xới mặt đất bằng cào răng để phá váng giúp mặt đất thông thoáng. Hạn chế tối đa việc đi lại trong vườn làm đất dẻ chặt. Dùng rơm khô hay cỏ khô che phủ mặt đất (che xa gốc khoảng 20cm). Tăng cường bón phân lân kích thích ra rễ mới.

Để vườn cây có múi đạt năng suất cao, tuổi thọ kéo dài đòi hỏi nông dân phải chăm sóc tốt, áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật một cách hài hoà, hợp lý nhất là trong mùa mưa lũ, giảm thiểu mức độ thiệt hại do ngập úng.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Một số điểm đặc trưng trong quá trình sinh trưởng, phát triển cây mít ruột đỏ lá bầu
• Tỉa cành, tạo tán đối với cây ăn trái có thật sự cần thiết?
• Trồng ớt trong mùa mưa – những điều cần lưu ý để đạt năng suất và chất lượng
• Những vấn đề cần lưu ý trong chăm sóc vườn cây ăn trái đầu mùa mưa
• Kỹ thuật trồng chanh dây theo hướng an toàn
• Phòng trừ sâu bệnh hại xoài trong mùa nắng
• Kỹ thuật trồng na Thái đạt năng suất và chất lượng
• Một số vấn đề cần lưu ý để có vườn đu đủ năng suất cao
• Lưu ý sâu bệnh gây hại cây bòn bon Thái vào đầu mùa mưa
• Một số giải pháp canh tác cây có múi trong điều kiện hạn mặn
• Một số ghi nhận từ việc xử lý ra hoa bòn bon
• Kỹ thuật ghép mãng cầu xiêm trên gốc cây bình bát và phòng trừ một số sâu hại trên mãng cầu xiêm
• Một số sâu hại phổ biến trên cây Sapô trong mùa nắng nóng
• Quản lý một số bệnh thường gặp trên đu đủ
• Phòng trừ rầy phấn trắng và bọ xít muỗi gây hại trên cây ổi