Chôm chôm khó ra hoa và giải pháp khắc phục

Hơn 80% nhà vườn trồng chôm chôm đều đã có kỹ thuật và kinh nghiệm trong xử lý và điều khiển cây chôm theo ý muốn. Tuy nhiên, những năm gần đây biến đổi khí hậu đã thật sự ảnh hưởng mạnh đến cây trồng nhất là sau đợt hạn năm 2016 đến nay. Việc xử lý ra hoa chôm chôm đã có dấu hiệu bất lợi khi nhiều diện tích được xử lý chỉ ra hoa khoảng 20-30% hoặc khi thấy dấu hiệu lên ngồng hoa rồi tiến hành thúc nước thì lại ra đọt.

 Hiện tượng chôm chôm ra đọt trong quá trình xử lý ra hoa.


Nguyên nhân của hiện tượng trên có thể do nắng nóng làm nhiệt độ tăng cao vượt ngưỡng cho phép nên cây chôm chôm chưa thích nghi kịp với sự thay đổi của thời tiết. Bên cạnh đó, sự suy thoái của đất đai ngày càng nặng, nguồn nước không ổn định và phân bón kém chất lượng cũng tác động không nhỏ đến kỹ thuật canh tác của người dân. Đúng là mọi chuyện đều thay đổi nhưng người dân lại chưa thay đổi cách làm. Do đó, nếu làm theo cách xưa nay khi chôm chôm đủ cơi lá rồi tiến hành tạo khô hạn chờ ra hoa không còn phù hợp nữa.

Qua khảo sát thực trạng và ghi nhận kết quả thực hiện một số giải pháp kỹ thuật mới sau đây sẽ phần nào giúp hạn chế các hiện tượng trên.

Thứ nhất. Chú trọng cơi 3.
Một cơi lá có thời gian sinh trưởng khoảng 45 ngày và cơi 3 được xem là cơi lá quyết định sự thành bại của quy trình xử lý ra hoa. Do đó, việc đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật là hết sức quan trọng và được bắt đầu từ ngay khi cơi 2 đã già.
- Đầu tiên bón tăng cường đạm (N) để thúc đẩy ra cơi 3.
- Khi cơi 3 được 15-20 ngày tuổi, bón nhiều lân hữu hiệu (như DAP) để tạo cho cơi đọt mập khỏe, dày lá nhằm thúc đẩy mầm hoa.
- Khi cơi lá được 30-35 ngày tuổi, bón Kali kết hợp phun MKP+ Trung vi lượng giúp lá mau thuần thục.
- Khi cơi lá già (khoảng 45 ngày tuổi) phun 10.60.10 + Amino Bo và tiến hành xiết nước, đậy mủ tạo khô hạn.

Thứ hai. Xử lý nước.
Việc xử lý nước hay còn gọi là nhấp nước trong thời gian sau 40-45 ngày tạo khô hạn đóng vai trò cực kỳ quan trọng, nếu không đủ nước thì đỉnh đọt tiếp tục chai cứng, ngược lại thừa nước thì cây phát triển đọt. Nên việc quan sát đọt có ý nghĩa hết sức cần thiết cho việc quyết định xử lý nước như thế nào là an toàn. Để đảm bảo thành công cần thực hiện các bước quan sát sau:
Bước 1. Nhìn tổng quan vườn, thấy tàn lá dày với màu xanh đậm, cơi lá có biểu hiện co dúm lên;
Bước 2. Quan sát đỉnh sinh trưởng của đọt, thấy có mập hơn, ngắn, màu đen và đỉnh đầu hơi bằng.

 Ngồng hoa chôm chôm sau xử lý nước.


Đạt được 2 hiện tượng trên thì tiến hành nhấp nước nhằm kích thích bộ rễ hoạt động trở lại để thúc đẩy phát triển đỉnh sinh trưởng, nếu thừa nước sẽ phát triển mầm lá và ra đọt. Do đó, tùy theo vùng đất có thể “đánh” nước  vào đầy mương từ 1-2 tiếng đồng hồ rồi tháo cạn nước và xiết khô trở lại. Sau xử lý nước từ 3-5 ngày tiến hành quan sát một số cơi đọt ở tầng ngọn, trong đó chú ý các mầm ngủ ở nách lá. Nếu mầm ngủ có dấu hiệu tỉnh dậy nghĩa là lượng nước xử lý đã đủ, cây sẽ ra hoa. Nếu thấy đỉnh đọt (còn gọi là ngồng) phát triển mạnh và hơi cong cây sẽ ra đọt do thừa nước, khắc phục hiện tượng này cần thực hiện nhanh 1 trong 2 giải pháp sau: Dùng phân bón lá có hàm lượng lân, kali thật cao kết hợp với Boron cùng các nguyên tố vi lượng khác phun ướt đều tán lá; thứ 2 sứa gốc hoặc chặt bỏ rễ ở bờ mương. Còn trường hợp thứ 3 là nước chưa đủ cây không ra hoa thì tiến hành xử lý nước lần 2.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao hiệu quả xử lý chôm chôm ra hoa rãi vụ trong điều kiện biến đổi khí hậu
• Quy trình chăm sóc cây giống chôm chôm trong điều kiện hạn hán xâm nhập mặn
• Một số giải pháp canh tác chôm chôm, sầu riêng trong điều kiện hạn mặn
• Phòng trừ bệnh hại chôm chôm trong mùa mưa
• Phòng trừ bệnh phấn trắng gây hại chôm chôm trong mùa mưa
• Cảnh báo bệnh chổi rồng phát triển và gây hại trên cây chôm chôm
• Ruồi đục trái-dịch hại đang phát triển và gây hại trên chôm chôm
• Thu nhập cao từ vườn chôm chôm Thái Lan
• Thu lợi nhuận cao bằng cách xử lý chôm chôm ra trái nghịch vụ
• Phòng trừ bệnh thối trái chôm chôm
• Bệnh bồ hóng
• Bệnh đốm rong
• Bệnh thối trái
• Bệnh phấn trắng trên chôm chôm
• Bệnh phấn trắng trên chôm chôm