Mô hình trồng nhãn Idor cho hiệu quả kinh tế cao
Nhãn được trồng nhiều nhất ở huyện Bình Đại với 1.691 ha, trong đó 1.648 ha cho trái với sản lượng 20.975 tấn (năm 2017). Đây là một trong bốn loại trái cây có diện tích lớn của tỉnh với hơn 4.400 ha, giống chủ lực là nhãn tiêu da bò. Trong những năm vừa qua, vùng chuyên canh nhãn tiêu da bò phải đối mặt với dịch nhện lông nhung gây bệnh chổi rồng và giá cả bấp bênh, thị trường tiêu thụ không ổn định đã làm cho người trồng nhãn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thu nhập bị giảm sút.
Vì vậy, việc chuyển đổi sang giống nhãn ít nhiễm bệnh chổi rồng, có năng suất cao, chất lượng tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao là nhu cầu cấp thiết phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Trong đó, giống nhãn Idor có tính chống chịu cao với nhện lông nhung nên có tỉ lệ bệnh chổi rồng thấp; khả năng sinh trưởng, phát triển tốt; có năng suất và chất lượng cao phù hợp với điều kiện canh tác ở địa phương; sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường tiêu thụ.
Vào cuối năm 2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre xây dựng mô hình “Chuyển đổi giống nhãn tiêu da bò sang giống nhãn Idor để tăng hiệu quả trong sản xuất” với diện tích 10 ha, 30 hộ nông dân tham gia ở các xã Long Hòa, Châu Hưng, Thới Lai (huyện Bình Đại). Tổng đầu tư 548.566.000 đồng, với 120.000.000 đồng vốn nhà nước hỗ trợ, còn lại là vốn đối ứng của nông dân.
Sau hơn 2 năm thực hiện, có hơn 9 ha cho thu hoạch vụ đầu tiên với năng suất bình quân 9 tấn/ha với hơn 80% trái đạt loại 1, giá bán bình quân 27 triệu đồng/tấn, lợi nhuận thu được hơn 190 triệu đồng/ha/vụ. Trong đó, một số hộ như ông Nguyễn Hữu Thanh đạt năng suất 9,5 tấn/ha (diện tích 0,3ha), ông Trần Hữu Đức đạt 9,2 tấn/ha (diện tích 0,5 ha), ông Bùi Xuân Thuận đạt 10 tấn/ha (diện tích 1 ha). Nếu so với nhãn tiêu da bò cùng độ tuổi năng suất chỉ đạt khoảng 6 tấn/ha và chỉ thu được lợi nhuận khoảng 22 triệu đồng, ít hơn 8,6 lần so với nhãn Idor.
Nhãn Idor trong giai đoạn thu hoạch. |
Hiện nay, toàn bộ 10 ha nhãn Idor đang sinh trưởng, phát triển tốt, tỉ lệ nhiễm chổi rồng dưới 3% và đang cho trái vụ 2, ước tính năng suất có thể đạt 15-18 tấn/ha, với giá bán tương đương năm 2017, lợi nhuận thu được sẽ khoảng 320-380 triệu đồng/ha. Đây là khoản thu nhập rất đáng kể trên vùng đất còn bị ảnh hưởng mặn hàng năm.
Điều đó, cho thấy việc trồng nhãn Idor thay thế giống nhãn tiêu da bò là hướng chuyển đổi đúng, bởi vùng đất ven sông Ba Lai thích hợp cho nhãn Idor sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt; ít nhiễm sâu bệnh nguy hiểm như nhện lông nhung và sâu đục trái; ít bị rụng trái trong quá trình thu hoạch, vận chuyển và phân phối nên luôn được thị trường ưa chuộng.
Việc phát triển mở rộng diện tích nhãn Idor trong vùng, sẽ duy trì và phát triển vùng nhãn hàng hóa, giảm rủi ro và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Nhãn Idor thu hoạch tại hộ ông Trần Xuân Thuận xã Thới Lai (3/2018). |
Một số hộ trong mô hình đã đẩy mạnh chuyển đổi những diện tích còn lại sang nhãn Idor như hộ ông Nguyễn Hữu Thanh đã mở rộng 5,5 ha, hộ ông Tần Văn Lâm 2,5 ha, hộ ông Bùi Bá Tòng 2 ha, hộ ông Trần Hữu Đức 1,5 ha, hộ ông Ngô Văn Cầu 1,5 ha, hộ ông Võ Văn A 0,6 ha,… Các hộ này hiện đang chăm sóc tốt nên các vườn nhãn đều sinh trưởng, phát triển tốt; cho năng suất và chất lượng cao; giá bán trung bình trong niên vụ 2018-2019 đạt 27.000 đ/kg, nên đạt hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, việc trồng nhân rộng giống nhãn Idor cũng gặp những khó khăn nhất định như canh tác nhãn Idor cần vốn và công lao động nhiều hơn so với một số cây trồng khác. Trong khi, đa số các gia đình nông dân hiện nay khá neo đơn, công lao động nông nghiệp tại địa phương cũng đang thiếu hụt. Vì vậy, để mở rộng được diện tích nhãn Idor, cần có sự ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật như hệ thống tưới kết hợp bón phân thông qua bộ điều khiển từ xa, hoặc máy phun thuốc BVTV dạng khói mù, sử dụng phân chuyên dùng phù hợp cho từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây và các tiến bộ khoa học kỹ thuật khác nhằm giảm bớt sử dụng công lao động trong sản xuất.
Ngoài ra, mỗi Tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp cần có tổ dịch vụ chăm sóc vườn nhằm hỗ trợ các hộ nông dân trong vùng có đủ tiềm lực về tài chính và kỹ thuật mạnh dạn chuyển đổi sang trồng nhãn Idor để nâng cao thu nhập cho người trồng, vừa giải quyết việc làm cho nông dân có tay nghề và nâng cao giá trị hàng hóa của địa phương.