Mô hình trồng chanh xen vườn dừa cho hiệu quả kinh tế cao

Anh Huỳnh Văn Hiếu, ở ấp Giồng Hổ, xã Thới Lai, huyện Bình Đại, là người đi đầu rất thành công với mô hình trồng chanh xen vườn dừa đã và đang đem lại nguồn thu nhập rất cao, có đầu ra luôn ổn định và giải quyết tốt việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn tại địa phương.

Anh Hiếu cho biết: Trước năm 2008, trong thời gian đi đốn mía thuê ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An, tiền công mỗi ngày chỉ vỏn vẹn 100.000 đồng. Một hôm sau khi làm xong, anh cùng với người bạn ra Cầu Rạch Nổ chơi, tình cờ thấy chiếc nghe chở đầy chanh chạy ngang qua. Sau tìm hiểu, anh nhận thấy chanh là cây dễ trồng, ít sâu bệnh và cho trái quanh năm, giá lúc bấy giờ bán ra 25.000 đồng/1kg. Đến khoảng năm 2012, sau khi tích góp được số vốn, anh xin gia đình 5.000m2 đất trồng dừa để trồng xen cây chanh, mục đích chính là tăng năng suất cho vườn dừa. Khi có đất, anh bắt đầu cải tạo và đầu tư mua 1.000 cây chanh giống ở huyện Giồng Trôm về trồng thử xen trong vườn dừa.

 
 Anh Hiếu bên vườn chanh xen dừa của gia đình.

 

Sau 18 tháng chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vườn chanh xen dừa của anh Hiếu nảy chồi phát triển xanh tốt và bắt đầu cho trái chiến với năng suất cao hơn năng suất dừa. Với 1.000 gốc chanh, năm 2013 anh Hiếu thu hoạch được 4 tấn, bán với giá 16.000 đồng/1 kg, anh có thu nhập gần 60 triệu đồng. Qua thời gian cần mẫn chăm bón cho vườn chanh xen dừa, anh Hiếu đã có vốn mua thêm 9.000m2 đất dừa, với tổng trị giá 990 triệu đồng, để nhân rộng mô hình. Thời gian càng lâu năm, cây chanh cho tàng càng lớn, trái càng nhiều. Đến nay, anh đã sở hữu vườn chanh 3.000 gốc trồng xen trong 14.000m2 đất dừa và đang cho trái ổn định. Cứ cách 1 tuần anh Hiếu thu hoạch chanh 1 lần, mỗi lần thu hoạch từ 300-500kg trái, giá bán dao động từ 10.000 đồng-29.000 đồng/1kg, có khi hút hàng giá lên tới  35.000 đ/kg.

Thời điểm năm 2015, anh Hiếu thu hoạch được 15 tấn chanh thương phẩm, anh bán với giá trung bình 15.000 đồng/1kg, sau khi trừ chi phí anh thu về 200 triệu đồng. Hiện tại, bình quân mỗi tháng anh Hiếu hái được khoảng 1,2 tấn chanh, cộng với tiền bán dừa đã đem về cho anh nguồn thu trên 15 triệu đồng.

Ngoài ra, anh Hiếu còn đứng ra làm đầu mối thu mua chanh của các nhà vườn khác. Hiện anh Hiếu đã bán ra hơn 6.000 nhánh chanh giống trả chậm cho 30 hộ khó khăn, với giá 13.000 đồng/nhánh và hướng dẫn kỹ thuật trồng chanh mang lại hiệu quả. Đồng thời, từ vườn chanh xen dừa 14.000m2, anh đã giải quyết cho 3 lao động thường xuyên tại chỗ, với mức thu nhập 3,6 triệu đồng/1 người/1 tháng.

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng chanh, anh Hiếu cho biết: “Trồng xen chanh với dừa không những tiết kiệm đất, cho thu nhập kép trên cùng 1 đơn vị diện tích, mà tán lá dừa còn giúp chanh phát triển tốt hơn là khi trồng chanh nơi có ánh sáng trực xạ. Chanh tuy tán dày, cành có gai nhưng cũng không khó để chăm sóc và đòi hỏi kỹ thuật quá phức tạp mà chỉ thường xuyên kiểm tra, tăng cường phun thuốc trừ sâu là vườn chanh sẽ được an toàn và cho năng suất cao, nhất là lưu ý phun thuốc trừ sâu vào gốc chanh để tránh sâu và côn trùng đục rễ cây, khi cây ra cơi tiếp tục phun thuốc trừ sâu kết hợp với phân bón lá, mỗi ngày tưới hai lần nước và sau 20 ngày bón phân NPK và phân Urê. Đến lúc cây ra bông mỗi tháng phun thuốc ngừa rụng bông và thuốc dưỡng trái một lần cho đến lúc thu hoạch để tránh trường hợp nấm tấn công da chanh giúp trái chanh bóng đẹp”.
 
Có đến thăm vườn chanh của anh Huỳnh Văn Hiếu mới thấy hết được sự quyết tâm, cần cù lao động trên chính mảnh đất của người trồng chanh và sự lao động miệt mài ấy đã được đền bù xứng đáng. Từ hộ khó khăn trước đây, nhờ nắm bắt kịp thời thị trường và làm kinh tế giỏi, anh Hiếu đã vươn lên làm giàu, xây được nhà khang trang, trị giá trên 200 triệu đồng, mua sắm nhiều vật dụng có giá trị và được công nhận là nông dân sản xuất, kinh tế giỏi cấp cơ sở năm 2016.

Thời gian tới, anh Hiếu tiếp tục đầu tư nuôi dê, bò, với mục đích tạo nguồn phân bón hữu cơ để bón cho cây chanh, cây dừa, giúp cho cây trồng ngày càng phát triển và anh mở rộng quy mô thu mua chanh của bà con nông dân trong huyện, nhằm tạo đầu ra ổn định giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Hiện nay, trên địa bàn xã Thới Lai đã có hơn 100 hộ trồng chanh xen vườn dừa, với tổng diện tích 50ha, tập trung ở ấp Giồng Hổ và ấp Giồng Bông và đã cho hiệu quả kinh tế cao. Hướng tới, Hội Nông dân xã tiếp tục tuyên truyền đến các ấp còn lại về hiệu quả của mô hình trồng cây chanh xen trong vườn dừa để bà con nông dân áp dụng mở rộng thêm diện tích, đồng thời phối hợp mở các lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật và vận động thành lập tổ hợp tác theo Nghị định 151 của Chính Phủ, nhằm ổn định giá đầu ra cho nông dân”.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc