Chị Phạm Thị Thanh Lan vươn lên từ nghề hoa kiểng tết

Càng gần tết không khí lao động sản xuất của bà con vùng hoa kiểng càng trở nên nhộn nhịp và gia đình chị Phạm Thị Thanh Lan xã Long Thới, huyện Chợ Lách cũng không ngoại lệ.

Chị Lan gắn bó với nghề làm hoa kiểng đến nay cũng khá lâu, ban đầu chị  làm hoa cúc nhưng 2 năm nay chị chuyển qua trồng hoa vạn thọ. Quyết định này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chị Lan cho biết: “Thứ nhất đất trồng hoa kiểng là đất thuê mướn, vì thế tôi muốn một năm sản xuất nhiều vụ để tăng thu nhập cho gia đình. Trồng hoa cúc mất thời gian dài từ 4-6 tháng mới thu hoạch trong khi đó trồng hoa vạn thọ chỉ tốn thời gian từ 2-2,5 tháng. Thứ hai trồng hoa vạn thọ không tốn nhiều chi phí về phân bón, nhân công như trồng hoa cúc . Riêng về kỹ thuật làm bông cũng đơn giản không khó”.

 Chị Lan chăm sóc hoa vạn thọ chuẩn bị tết

 

Được biết cách nay 20 năm chị Lan sống ở ấp An Quy xã Long Thới, sau khi lập gia đình chị về sinh sống tại ấp Hòa An. Gia đình nhà chồng đông anh em, ít đất sản xuất nên cuộc sống rất khó khăn. Bản thân chị rất vất vả phải làm lụng nhiều mới đủ sống, kể từ khi địa phương phát triển nghề sản xuất cây giống- hoa kiểng chị cũng học hỏi làm theo. Buổi đầu chưa có kinh nghiệm nên thất bại cũng nhiều nhưng khi nắm được quy trình kỹ thuật chị mạnh dạng hơn trong đầu tư sản xuất.

Nhờ chịu khó học hỏi, rèn luyện kỹ thuật trong chăm sóc hoa kiểng nên sản phẩm làm ra đều được thương lái đánh giá cao, nhiều năm liền gia đình chị trúng vụ. Một năm chị làm 2 ngàn giỏ cúc các loại, trừ chi phí còn lợi nhuận hơn 40 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, với bản chất cần cù của người phụ nữ, chị tìm thuê đất để đầu tư sản xuất nhiều sản phẩm hoa kiểng khác nhau. Cách nay 2 năm chị bắt đầu nghiên cứu thị trường quyết tâm chuyển đổi từ trồng hoa cúc sang hoa vạn thọ. Bởi thời gian trồng hoa  vạn thọ khá ngắn, từ khi ươm đến bán mất khoảng 2 tháng. Tết 2015 chị trồng 2 ngàn giỏ hoa vạn thọ lớn bán cho khách hàng ở Tây Ninh, giá 25- 30 ngàn đồng/giỏ và 1 ngàn 500 giỏ hoa vạn thọ nhỏ giao cho công trình, giá bán 15 ngàn đồng/giỏ, sau khi trừ chi phí chị có lãi gần 50 triệu đồng. Nhờ chí thú làm ăn, không ngại khó, gia đình chị thoát khỏi hộ nghèo, sau đó chuyển qua cận nghèo và khi có được nguồn thu nhập ổn định chị tự nguyện xin thoát khỏi hộ cận nghèo để nhường lại cho hộ khác.

Chia sẽ kinh nghiệm về kỹ thuật trồng hoa vạn thọ tết, chị Lan nói: “Hoa vạn thọ vốn chăm sóc không khó chỉ cần tưới nước bón phân hợp lí là cây phát triển tốt. 24 tháng 10 tôi ươm hột, 12 tháng 11 xuống giống đến 25 tháng 11 khi cây phát triển được 4 cặp lá thì bắt đầu ngắt lá để cây bung tàn sau đó làm bông. Nước thì tôi tưới mỗi ngày, phân bón cách 3 ngày tôi tưới phân một lần và xịt ngừa sâu bệnh. Vạn thọ thường mắc bệnh héo xanh nên tôi dùng thuốc Antracol xịt ngừa. Khi cây chuẩn bị trổ hoa, giúp cây khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, hạn chế sâu bệnh gây hại,....tôi dùng phân bón NPK 3 màu (15-12-17+TE) để tưới cho cây. Cách làm này tôi thấy hiệu quả rất nhiều”.

Bên cạnh việc sản xuất hoa kiểng tết, chị Lan còn chịu khó học hỏi kinh nghiệm của bà con ở địa phương để phát triển thêm nghề làm cây giống và trồng rau màu. Trong đó với nghề sản xuất cây giống, chị Lan chọn cây xoài ghép để phát triển, mỗi năm trên diện tích 2 công đất của gia đình và gần 2 công đất thuê mướn chị Lan ươm cây xoài giống để bán. Trung bình một năm bán hơn 50 ngàn cây mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.

 Khổ qua cho trái sum suê

 

Riêng đối cây rau màu chị Lan chọn trồng cây khổ qua, chị trồng bán quanh năm. Đối với khổ qua từ khi trồng đến thu hoạch mất thời gian khoảng 1 tháng 20 ngày. Nhờ chịu khó chăm sóc vườn khổ qua chị Lan trồng luôn xanh tốt, định kỳ 1-3 ngày thu hoạch một lần, thu hoạch trong thời gian 2 tháng. Trung bình 1 công đất trồng khổ qua sẽ cho năng suất đạt 2 tấn trái, hiện tại khách hàng thu mua 10 ngàn đồng/kg, trừ chi phí chị còn lãi 15 triệu đồng và ngày tết đến thị trường gia tăng nhiều hơn.

Có thể thấy rằng từ nghề sản xuất cây giống- hoa kiểng đã giúp cho gia đình chị Lan vươn lên thoát khỏi hộ nghèo. Và kể từ khi gia đình chị có cuộc sống ổn định chị tiếp tục lao động để tăng nguồn thu nhập và quan tâm hơn đến đời sống chị em có hoàn cảnh khó khăn. Chị thường giúp đỡ về tiền, cây con giống để chị em khó khăn cùng phát triển vươn lên ổn định đời sống và cùng nhau đón mùa xuân mới yên vui, hạnh phúc./.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc