Mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học cải thiện mùi hôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Huyện Giồng Trôm có phong trào chăn nuôi heo phát triển. Hiện nay, tổng đàn heo toàn huyện gần 100 ngàn con. Chăn nuôi heo mang lại thu nhập khá cao cho người dân, góp phần nâng cao đời sống và phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển đàn heo không bền vững đem lại một hệ lụy là vấn đề ô nhiễm môi trường sống xung quanh, gây bức xúc trong dư luận xã hội và nhân dân. Trước thực trạng trên, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Bến Tre phối hợp với Trạm Khuyến nông-Khuyến ngư huyện Giồng Trôm đã thực hiện mô hình “Ứng dụng quy trình nuôi theo trên đệm lót sinh học trong điều kiện ở Bến Tre” nhằm định hướng cho người dân phát triển kinh tế theo hướng an toàn, bền vững, hiệu quả lâu dài, đặc biệt là giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

 
 Quang cảnh buổi tổng kết mô hình nuôi heo tại huyện Giồng Trôm

 

Mô hình trên được hiện từ tháng 5/2015 tại 3 xã Tân Thanh, Tân Hào, Hưng Nhượng với quy mô 100 con heo. Có 5 hộ dân tham gia gồm: ông Nguyễn Văn Long, Nguyễn Văn Tùng (Tân Hào); ông Nguyễn Văn Bình, Nghiêm Ngọc Phương (Tân Thanh) và ông Đặng Văn Hết ở xã Hưng Nhượng.

Tham gia mô hình, các hộ chăn nuôi được cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư, Trạm Khuyến nông-Khuyến ngư huyện hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng điểm trình diễn để học hỏi kinh nghiệm. Các hộ được hướng dẫn sử dụng các biện pháp như: ứng dụng chế phẩm BalasaN01 làm đệm lót với nguyên liệu là trấu, mụn dừa hoặc mụn cưa làm giá thể cho hệ sinh vật lên men phân hủy chất thải trong chăn nuôi; heo con chuẩn bị cai sữa được tiêm phòng vắc xin đầy đủ và bồi dưỡng vitamin tổng hợp trước khi thả vào nuôi trên đệm lót; xây dựng chuồng nuôi phù hợp;…

 
Mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học của hộ ông
Nguyễn Văn Bình-ấp Tân Lợi, xã Tân Thanh

 

Hộ ông Nguyễn Văn Tùng, ấp 12 xã Tân Hào nuôi tham gia mô hình với quy mô 20 con heo phấn khởi nói:

Vừa qua được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Giồng Trôm đã phổ biến để chúng tôi mạnh dạn đăng ký thực hiện mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học. Hiệu quả mô hình cho thấy tăng trọng của đàn heo nhanh; thể hình heo nở mông, nở đùi; đặc biệt là không lên mỡ. Mô hình tiết điệm điện úm heo cai sữa, điện dội chuồng hằng ngày ít hơn nuôi bằng nền xi măng, không gây mùi hôi, hạn chế ô nhiễm môi trường xung quanh và nguồn nước. Đặc biệt là ấm heo trong điều kiện không khí lạnh như hiện nay..

Để thực hiện tốt mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học, các hộ dân cần tuân theo quy trình hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Theo ông Võ Hữu Bá Đạt - Phó Trưởng Trạm Khuyến nông-Khuyến ngư huyện cho biết:

Đầu tiên chúng ta chuẩn bị về chuồng trại phù hợp về diện tích, mật độ nuôi. Nếu như chúng ta nuôi 10 con heo thì diện tích trên 20m2. Nếu chuồng trại có sẵn bà con chỉ cần khoang nền có độ thoát nước tốt và nâng chiều cao của vách chuồng lên rồi đổ đệm lót theo quy trình hướng dẫn là từ 50 đến 60cm. Bỏ heo vào chuồng theo đúng mật độ, trước khi bỏ heo vào phải chuẩn bị khâu sát trùng, tiêu độc chuồng trại, thực hiện công tác tiêm phòng chặt chẽ để phòng, tránh các bệnh truyền nhiễm. Trong quá trình nuôi phải thường xuyên theo dõi đệm lót xem độ dày đệm lót có đảm bảo đúng theo yêu cầu không, nếu độ dày thấp cần bổ sung thêm đệm lót, bổ sung thêm men vào cho đủ lượng nhằm tăng khả năng phân hủy của vi sinh vật. Mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học này phù hợp với những đối tượng nuôi theo quy mô vừa và nhỏ từ 10 đến 20 con. Bà con làm tốt mô hình này sẽ khắc phục được ô nhiễm môi trường, cải thiện mùi hôi trong chăn nuôi, heo nuôi tăng trọng nhanh, giảm chi phí điện nước và công lao động, hạn chế bệnh truyền nhiễm xảy ra, đặc biệt là bệnh tiêu chảy và viêm phổi trên heo.

Tuy nhiên, với mô hình này, heo nuôi trong giai đoạn từ cai sữa đến khoảng 55kg sinh trưởng, phát triển tốt, nhưng đến giai đoạn sau heo tăng trọng chậm hơn do nhiệt độ trên đệm lót tăng. Vì vậy, trong giai đoạn này, hộ chăn nuôi cần tách bầy hoặc giảm mật mật độ nuôi để heo phát triển.

Mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học mang nhiều ý nghĩa thiết thực, tạo cho người chăn nuôi ý thức trong việc phòng, chống dịch bệnh, hiểu rõ nguồn bệnh và các đường xâm nhập của chúng để có cách cắt đứt những con đường lây truyền hạn chế khả năng gây bệnh cho đàn heo. Đây là một mô hình cần được nhân rộng nhằm giúp cho người chăn nuôi trên địa bàn huyện phát triển kinh tế một cách bền vững, tăng thu nhập; đồng thời nâng cao ý thức của người chăn nuôi về bảo vệ môi trường./.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc