Quy trình kỹ thuật canh tác lúa trên vùng đất nhiễm mặn

Trên các vùng đất ven biển, sản xuất lúa thường chịu ảnh hưởng của mặn, khô hạn, nắng nóng,… làm lúa kém phát triển, năng suất thấp thậm chí có khi chết sớm. Sau đây xin giới thiệu quy trình kỹ thuật canh tác lúa trên vùng đất nhiễm mặn để tham khảo.

I. Chọn giống
- Sử dụng hạt giống đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương cấp xác nhận (theo qui định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

- Sử dụng giống đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, gạo ngon được thị trường chấp nhận, chống chịu tốt với một số sâu bệnh chính, năng suất cao, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng canh tác.

- Các giống lúa chịu mặn có thể đưa vào sản xuất là: OM 10636, OM 9577-1; OM 9584-4, OM 9916, OM 9921, OM 9915, MTL 580, MTL 689.

 

 Ruộng khảo nghiệm bộ giống chịu mặn (44 giống) vụ Thu đông 2011 tại xã An Thạnh-huyện Thạnh Phú.


II. Chuẩn bị đất

- Đất phải được xới, trục và làm bằng phẳng, diệt sạch cỏ dại, ốc bươu vàng trước khi gieo, cấy.
Chú ý: làm rãnh thoát nước, tháo phèn: làm rãnh bao ngoài và một số rãnh giữa; tùy địa phương có thể làm rãnh rộng 20-30 cm; khoảng cách 2 rãnh từ 5-10 m.

1. Vụ Đông Xuân và Thu Đông
- Vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa Thu Đông và Hè Thu ít nhất từ 1-2 tuần trước khi gieo sạ.
- Bừa, trục và san bằng mặt ruộng. Với những chân đất thấp, đất mềm có thể chỉ cần xới nhẹ hoặc sạ chay.
Chú ý: các vùng luân canh lúa tôm, sau vụ tôm có thể chỉ cần vệ sinh bề mặt ruộng trước khi gieo sạ.

2. Vụ Hè Thu
- Xới phơi đất ít nhất từ 2-3 tuần sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân. Thực hiện phương pháp nhữ cỏ và trục nhận để làm giảm mật độ cỏ dại và lúa nền.

III. Kỹ thuật gieo sạ

1. Chuẩn bị hạt giống
- Nên xác định sức sống hạt giống trước khi ngâm ủ 5-7 ngày để ước lượng hạt giống cần gieo sạ (tỉ lệ nẩy mẩm phải cao hơn 80%).
- Ngâm ủ lúa giống:
             + Miên trạng: Nếu hạt còn trong giai đoạn miên trạng, áp dụng biện pháp phá miên trạng.
+ Làm sạch hạt: ngâm hạt trong nước muối 15% khoảng 5-10 phút.
+ Loại bỏ hạt lép lửng và lẫn tạp, sau đó ngâm lúa trong nước sạch khoảng 30 giờ.
+ Rửa bằng nước sạch, để ráo nước, ủ trong 24 giờ đảm bảo hạt vừa nhú mầm.
     + Xử lý hạt giống trước khi gieo: Trộn hạt giống với thuốc Regent, hoặc ngâm hạt trong dung dịch thuốc trừ nấm (Carban 3%).
* Chú ý: Trước khi gieo sạ 6 giờ, không nên tưới nước cho hạt giống để dễ gieo sạ.

2. Biện pháp gieo sạ
a. Kỹ thuật cấy
- Lượng giống: 5-7 kg/1.000 m2.
- Chăm sóc mạ:
+ Bón phân: Lần 1: lúc 7-10 ngày sau khi gieo, liều lượng: 5kg Urea + 5kg DAP/1.000m2 mạ. Lần 2: lúc 20 ngày sau khi gieo, liều lượng: 3kg urê/1.000m2. Cung cấp nước cho mạ sau khi gieo 3 ngày và giữ mức nước ngập thích hợp từng tuổi mạ (khoảng 2-3cm).
- Tuổi mạ: mạ lúc 25-30 ngày là thích để hợp nhổ cấy. Chọn những cây mạ khoẻ, đều để cấy, loại bỏ cây mạ yếu. Khoảng cách cấy 15cm x 15cm hoặc 20cm x 15cm (tuỳ theo đất và mùa vụ có thể điều chỉnh mật độ).
- Số tép/buội: cấy 1-3 tép/buội.

b. Kỹ thuật sạ
- Sạ lan: Lượng giống: 12-15 kg/1.000 m2
- Sạ hàng: Gieo bằng công cụ sạ hàng kéo tay; Lượng giống: 7-10 kg/1.000 m2; Khoảng cách gieo: hàng cách hàng 20 cm.
Chú ý: Lượng hạt giống cho vào trống của công cụ sạ hàng chỉ bằng 2/3 thể tích trống và tránh làm ướt bên trong trống để hạt ra đều.

IV. Chăm sóc
1. Bón phân cho lúa
- Ở giai đoạn để nhánh (22-25 NSS) và làm đòng (42-45 NSS), sử dụng bảng so màu lá để điều chỉnh lượng phân đạm cần bón.
- Loại phân sử dụng và lượng phân bón từng loại cho từng giai đoạn sinh trưởng của lúa được khuyến cáo như trong bảng dưới đây.

 

 Loại phân, liều lượng và thời gian bón phân cho lúa (tính cho 1.000 m2).
Ghi chú:  NTG: ngày trước gieo; NSG: ngày sau gieo; *: chỉ bón khi cần thiết.

 

2. Quản lý nước
- Giai đoạn 0-7 NSG: rút cạn nước trước khi sạ và giữ khô mặt ruộng trong vòng 3 ngày sau khi sạ, ngày thứ 4 cho nước láng mặt ruộng 1 ngày sau đó rút cạn để đảm bảo đủ ẩm bề mặt ruộng.
- Giai đoạn 7-45 NSG: Sau khi sạ được 7-10 ngày, bắt đầu cho nước từ từ vào ruộng và giữ nước trên mặt ruộng ở mức 5-7 cm. Trong giai đoạn này, thay nước trong ruộng lúa từ 2-3 lần, sau mỗi lần thay nước giữ cạn trong 2-3 ngày.
- Giai đoạn 45-65 NSG: Giữ nước trong ruộng ở mức 3-5 cm.
- Giai đoạn 65-95 NSG: Giữ nước trong ruộng ở mức 2-3 cm cho đến giai đoạn chín vàng (7-10 ngày trước khi thu hoạch) tháo cạn nước trong ruộng.

3. Phòng trừ cỏ dại
- Sử dụng nguồn giống tốt, đúng tiêu chuẩn về chất lượng (không lẫn hạt cỏ và lúa cỏ). Áp dụng biện pháp nhử cỏ để diệt cỏ và lúa cỏ trước khi gieo cấy. Ruộng phải bằng phẳng, đồng đều để giữ nước khống chế cỏ. Có thể nhổ cỏ bằng tay giai đoạn lúa 50-65 NSG.
- Ngoài việc áp dụng đồng bộ các biện pháp trên, có thể luân phiên sử dụng hóa chất diệt cỏ như: Sofit 300EC, Meco 60EC, Sirius 10WP, Ronstar 25EC.


4. Phòng trừ sâu hại: Thường gặp là sâu cuốn lá nhỏ, nhện gié,…
a. Quản lý sâu cuốn lá nhỏ (Leaf roller: Cnaphalocrosis medinalis)
+ Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ bờ. Sạ cấy đồng loạt. Mật độ sạ, cấy vừa phải. Bón cân đối hợp lý, không bón thừa đạm, bón đạm muộn.
+ Khi có khoảng 20% số buội bị gây hại thì sử dụng thuốc phòng trừ.
+ Phun sớm khi sâu còn tuổi nhỏ. Nên luân phiên thuốc vì sâu cuốn lá hình thành tính kháng thuốc tương đối nhanh.
+ Các loại thuốc có thể dùng trị sâu cuốn lá phổ biến: Regent 800 WG, Padan 95 SP, Karate 2,5 EC.
b. Quản lý nhện gié (Oligonycus oryzae)
- Ngay từ đầu vụ nên cày lật gốc rạ, diệt lúa chét giữa các vụ để hạn chế nguồn nhện lan truyền.
- Phát hiện sớm khi một số tép lúa có triệu chứng bị hại. Phun một trong các thuốc trừ nhện sau: Comite 73EC, Nissorun 5EC, Pegasus 500SC, hoặc thuốc gốc lưu huỳnh như Kumulus 80DF, Sulox 80DF,… Nên sử dụng thuốc luân phiên nhằm hạn chế sự kháng thuốc của nhện. Khi phun thuốc nên phun kỹ phần bẹ lúa là nơi cư trú của nhện.


5. Quản lý bệnh hại: Bệnh hại thường gặp là bệnh đạo ôn, bệnh đốm vằn, bệnh vàng lùn,…
a. Bệnh đạo ôn (Cháy lá): do nấm Pyricularia oryzae Cavara gây ra.
* Biện pháp phòng trị:
+ Vệ sinh đông ruộng, sử dụng giống kháng. Mật độ sạ vừa phải. Bón phân cân đối N,P,K; tránh bón dư đạm (N). Đảm bảo ruộng luôn đủ nước. Dùng chất kích kháng xử lý hạt và phun xịt.
+ Sử dụng thuốc hóa học: Beam 75 WP, Fuan 40 EC, Kasai 16 SC, Racide 20 SC, Fuzione 40 ND.


b. Bệnh đốm vằn: do nấm Rhizoctonia solani gây ra.
* Biện pháp phòng trị:
+ Vệ sinh đồng ruộng và tàn dư thực vật. Sử dụng giống kháng. Sạ với mật độ vừa phải. Bón phân cân đối N, P, K
+ Sử dụng nấm đối kháng: Tricoderma. Sử dụng thuốc: Validacin 3SC, Anvil 5SC.


c. Bệnh vàng lùn: Do virus gây ra.
* Biện pháp phòng trị: Vệ sinh đồng ruộng, nhổ bỏ và tiêu hủy cây bệnh (nếu tỷ lệ nhiễm từ 20-25%). Sử dụng giống kháng rầy nâu kết hợp phòng trị rầy nâu gây hại. Gieo sạ mật độ vừa phải. Bón phân cân đối. Quản lý nước tốt để hạn chế sự gây hại của rầy. Phun thuốc diệt rầy nâu: Bascide 50EC, Bassa 50EC, Applaud 10WP, Admire 50EC.


6. Quản lý chuột
* Nguyên tắc: sớm-thường xuyên, liên tục-đồng loạt trên diện rộng.
* Phòng ngừa: Xác định thời vụ thích hợp, nên gieo trồng và thu hoạch đồng loạt. Không nên trồng nhiều loại cây trồng gối vụ trên đồng hoặc trồng giống quá ngắn ngày sẽ tạo nguồn thức ăn liên tục và nơi cư trú cho chuột. Vệ sinh đồng ruộng. Bảo tồn thiên địch của chuột.
* Trị: Có nhiều biện pháp như dùng bẫy lồng bắt chuột, tổ chức săn đuổi, dùng thuốc diệt chuột: Killrat 0.005%, Forwarat 0.005%;...


V. Thu hoạch, chế biến và bảo quản
1. Thu hoạch
- Thời điểm thu hoạch: lúc lúa chín 85-90%, nghĩa là khoảng 10-15% số hạt gần cổ bông của các bông đã chuyển sang vàng.
- Chuẩn bị thu hoạch: Trước khi thu hoạch 7-10 ngày, tháo cạn nước giúp cho ruộng lúa chín nhanh và tạo điều kiện thuận lợi cho thu hoạch.
- Nên thu hoạch lúa giống lúc trời nắng.
- Sau khi cắt tiến hành suốt ngay, không nên phơi mớ trên ruộng làm tăng tỷ lệ hao hụt.


2. Chế biến và bảo quản
a. Phơi, sấy
Trong vụ Đông Xuân, sau khi thu hoạch có thể phơi thóc trên sân gạch, xi măng hoặc sân đất. Nên sử dụng lưới nilon lót dưới trong quá trình phơi. Thời gian phơi từ 2-3 ngày.
Trong vụ Hè Thu, thời tiết không thuận lợi, thời gian phơi có thể kéo dài hơn khoảng 3-4 ngày. Nếu có điều kiện và không thể phơi thì có thể sấy lúa. Nhiệt độ sấy từ 39-45oC.

b. Bảo quản
Sau khi làm khô, quạt sạch và sử dụng bao để đựng. Bảo quản lúa ở những nơi khô ráo và thoáng. Nếu bảo quản trong thời gian dưới 3 tháng, độ ẩm thóc đạt 13-14%. Nếu thời gian bảo quản trên 3 tháng, độ ẩm phải dưới 13%.

 

Trích từ kết quả đề tài “Tuyển chọn giống lúa chịu mặn thích nghi vùng canh tác lúa chịu ảnh hưởng mặn ven biển tỉnh Bến Tre”.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”
• Công bố quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Khác biệt chưa biết về chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài Tứ Quý
• Phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng xăng dầu
• Bến Tre: Tập huấn về cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF và hướng dẫn nghiệm thu công trình khí sinh học trong chăn nuôi cho cán bộ kiểm tra chất lượng và thợ xây, thợ lắp đặt tại địa phương
• Hội thảo “Giải pháp khai thác hiệu quả các bãi bồi, cồn nổi ven sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Sản phẩm gạo “Thạnh Phú” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý