Huyện Châu thành nghiên cứu khoa học thúc đẩy gắn kết bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trong quá trình phát triển du lịch

Ngày 20/5/2019, Phòng Văn hóa Thông tin, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Châu Thành và đại diện UBND xã Tam Phước, đơn vị liên quan cùng nhóm nghiên cứu đề tài “Nâng cao chất lượng dịch vụ phát triển du lịch huyện Châu Thành”, Ban liên lạc dòng họ Hồ tỉnh Bến Tre đã phối hợp tổ chức đợt khảo sát qui mô và toàn diện đến khu mộ cổ họ Hồ thuộc ấp Phước Thành, xã Tam Phước.

 
 Ông Hồ Vĩnh Sang (giữa), Trưởng Ban liên lạc dòng họ Hồ tỉnh Bến Tre trả lời phỏng vấn. (Ảnh LT).


Theo ông Hồ Vĩnh Sang, Trưởng Ban liên lạc dòng họ Hồ tỉnh Bến Tre, người trực tiếp tham gia đoàn khảo sát; khu mộ cổ họ Hồ là phần mộ của ông bà huyện Minh, ông huyện Minh người Nghệ An là một trong những người được triều Nguyễn phái cử vào Nam và về Bến Tre giữ chức tri huyện, ông là một trong những người thuộc lớp tiền nhân mở cõi của vùng đất Bến Tre xưa. Chính vì vậy khi mất đi ông bà được an táng và xây cất lăng mộ rất kiên cố, công phu. Khu mộ của ông-bà huyện Minh được gia đình họ Hồ xây dựng vào năm 1918 bằng chất liệu đá granit và cẩm thạch trắng. Đây là một công trình kiến trúc rất độc đáo về nghệ thuật điêu khắc đá với những họa tiết, hoa văn như: mâm ngũ quả, long lân quy phụng, cá hoa long, vân mây, hoa lá… Trên bia mộ có khắc thơ văn, câu đối bằng cả hai thứ chữ Quốc ngữ và Hán tự đây là điểm khác biệt của Mộ cổ họ Hồ với các Mộ cổ khác ở Bến Tre. Tuy trãi qua 101 năm với những cuộc kháng chiến ác liệt của dân tộc nhưng cho đến nay, khu mộ cổ họ Hồ vẫn giữ được tổng thể công trình và được bảo tồn tương đối nguyên vẹn phần mộ. Thời kháng chiến chống Mỹ bộ đội ta đã dựa và địa thế mộ cổ họ Hồ để xây dựng trận địa pháo tấn công khu sân bay của địch ở Sơn Đông.

 Phù điêu Cá hóa Rồng, nét kiến trúc độc đáo của

khu Mộ cổ họ Hồ (Ảnh LT).


Được biết với những nét độc đáo của mộ cổ họ Hồ, từ năm 2016 qua quá trình khảo sát, thu thập tư liệu của các chuyên gia, các cán bộ bảo tàng, Ban Quản lý Di tích tỉnh Bến Tre UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Quyết định số 59/QĐ-UBND ngày 11/01/2016 đưa khu Mộ cổ họ Hồ vào danh mục bảo tồn theo qui định tại khoản 14, điều 1 Luật Di sản Văn hóa sửa đổi năm 2009 cùng với 3 Mộ khác ở huyện Mỏ Cày Nam và Chợ Lách. Trong đợt khảo sát lần này nhóm nghiên cứu đã chụp hình các câu đối liễn, văn tự ở mộ bia để chuyển ngữ, tìm hiểu sâu về các góc độ khoa học, lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, thành phần chất liệu thành mộ...  để hợp tác với Ban Liên lạc dòng họ Hồ Bến Tre, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương xây dựng hồ sơ tư liệu mộ cổ họ Hồ tiến tới xây dựng 1 điểm đến cho du khách tham quan, tìm hiểu về kiến trúc nghệ thuật độc đáo của mộ cổ họ Hồ và là một địa chỉ giáo dục lòng tri ân bậc tiền nhân đi trước có công khai hoang mở đất tạo dựng cơ nghiệp cho con cháu ngày nay. Phát biểu tại cuộc khảo sát, ông Hồ Vĩnh Sang, Trưởng Ban liên lạc dòng họ Hồ tỉnh Bến Tre đã ghi nhận và đánh giá cao việc huyện Châu Thành đã có nhiều nỗ lực tìm về cội nguồn di sản văn hóa để khai thác thành tài nguyên phát triển du lịch, huyện đã quan tâm đầu tư và được Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre phê duyệt cho thực hiện đề tài “Nâng cao chất lượng dịch vụ phát triển du lịch huyện Châu Thành”. 

Theo ThS. Phạm Văn Luân, phó trưởng phòng Nghiên cứu khoa học-Quan hệ Quốc tế, trường Cao đẳng Bến Tre, thành viên nhóm Nghiên cứu: vấn đề mồ mả rất nhạy cảm, lâu nay ít được quan tâm nhiều do có quan điểm cho rằng đó là chuyện riêng của gia đình, dòng họ...  điều đó cho thấy, khi đưa được câu chuyện mộ cổ vào quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học là cơ hội tốt nhất để đi sâu tìm hiểu và có những đề xuất khoa học và thực tiễn giúp các ngành chức năng, gia đình, chính quyền địa phương có cơ sở cùng nhau quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các khu mộ cổ trong cuộc sống đương đại. Có như vậy mới tìm ra giải pháp điều hòa sự cân bằng giữa bảo tồn, hiện đại hóa và phát triển, đồng thời đóng góp vào quá trình xây dựng chiến lược hợp nhất văn hóa và sự phát triển bền vững. Vấn đề đặt ra đối với khu mộ cổ họ Hồ là song song với việc nâng cao ý thức cộng đồng cũng như năng lực của cán bộ quản lý văn hóa, cần xem xét và điều chỉnh những phương pháp tiếp cận và thực hành nhằm đảm bảo các giá trị của di sản văn hóa từ khu mộ cổ họ Hồ, huy động sự tham gia của dòng họ Hồ thông qua Ban liên lạc ở Bến Tre để đưa ra mô hình mới trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, có những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội và giúp di sản văn hóa được giữ gìn bền vững cho các thế hệ tương lai. 

Cũng theo ThS Luân, nhóm Nghiên cứu sẽ dựa trên quan điểm “thẳng thắn nhận diện và thừa nhận các nguyên nhân” để chỉ ra những vấn đề đã và đang tồn tại trong quá trình bảo tồn các di sản văn hóa, cả vật thể và phi vật thể, từ việc bảo lưu, tu sửa, tôn tạo, quản lý, kiểm định, lập gia phả các khu Mộ cổ… tạo tiền đề xây dựng du lịch cho huyện cửa ngõ của Bến Tre có đặc trưng của một vùng cây trái sinh thái sông nước miệt vườn và dấu ấn của di tích lịch sử văn hóa với những giá trị khác biệt từ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của khu mộ cổ họ Hồ... đáp ứng nhu cầu du khách vào mọi thời điểm; đưa du lịch chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội huyện Châu Thành, góp phần thực hiện thành công Đề án phát triển du lịch huyện Châu Thành giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi