7 sự kiện Y tế - Khoa học 2006

Sau đây là 7 sự kiện ghi nhớ của năm qua, theo đánh giá của VnExpress.

1. Ca ghép mặt đầu tiên trên thế giới

Bị chó cắn nát quá nửa gương mặt, cô Isabelle Dinoire, 38 tuổi, người Pháp, mất hẳn môi, mũi và cằm. Cô không chỉ bị cướp đi đời sống xã hội mà còn có nguy cơ mất vĩnh viên khả năng nhai và nói. Ghép mặt là cách duy nhất có thể giúp cô hồi phục.

Và ca ghép mặt đầu tiên trên thế giới đã được thực hiện tại Pháp ngày 28/11/2005. Trong ca mổ kéo dài 15 tiếng, các bác sĩ đã bù đắp cho Dinoire phần mặt dưới được lấy từ một người chết não. Trong lần lộ diện đầu tiên hai tháng sau đó, giọng nói còn khó khăn vì chưa thể khép kín miệng, cô rưng rưng cho biết đã cảm thấy tổ chức ghép là một phần cơ thể mình. Đến tháng 7/2006, thành công của ca ghép được khẳng định. Nụ cười đã hồi sinh trên gương mặt mới của Dinoire, mọi cảm giác đã trở lại.

Ca ghép mặt là một bước ngoặt đem lại hy vọng lớn cho những người bị hủy hoại dung nhan, nhất là khi ca tiếp theo đã được thực hiện ở Trung Quốc và chuẩn bị tiến hành ở nhiều nước khác.

2. Bùng phát trẻ dị tật do xơ hóa cơ delta

Đầu năm 2006, không chỉ ở Hà Tĩnh, hội chứng teo cơ tay và vai, bả vai nhô cao, biến dạng lồng ngực với tên gọi dân gian "chim sệ cánh" được liên tiếp tìm thấy ở Hà Tây, Phú Thọ, Thanh Hóa và nhiều nơi khác, với số bệnh nhân lên tới gần 10.000 người.

Bộ Y tế nhảy vào cuộc nghiên cứu và định danh căn bệnh là "xơ hóa cơ delta". Tiêm chủng là nguyên nhân đầu tiên được nghĩ đến nhưng nhanh chóng bị loại trừ, vì cả những cụ già chưa từng tiêm chủng cũng mắc bệnh. Hiện các chuyên gia nghĩ nhiều đến khả năng tiêm kháng sinh nhiều lần vào bắp tay.

Dù nguyên nhân chưa được khẳng định, Bộ Y tế vẫn ban hành phác đồ điều trị với giải pháp chính là phẫu thuật, được cho là rất dễ làm, ngay cả ở tuyến huyện. "Cơn sốt" mổ cơ delta bùng lên. Có bác sĩ lôi kéo bệnh nhân về phòng khám tư để phẫu thuật, nhiều trẻ bị mổ sai, khiến Bộ phải ra phác đồ mới, siết chặt hơn tiêu chuẩn phẫu thuật.

Dù chưa có đánh giá cuối cùng, còn nhiều tranh cãi về khả năng xác định sai tên bệnh, sự cần thiết của phẫu thuật, nhưng đến nay đã có 70-80% số trẻ xơ hóa cơ delta được mổ.

3. Ca tử vong hy hữu do tiêm chủng

Ngày 10/5, một ngày sau khi tiêm văcxin Priorix phòng quai bị - sởi - rubella tại Trạm y tế phường 9, quận 5, TP HCM, cháu Nguyễn Thiên Bảo, 13 tháng tuổi, đã tử vong. Hai bé khác cũng tiêm cùng loại văcxin, cùng trong một ngày ở trạm, lâm vào tình trạng nguy kịch. Chuyện chưa từng có trong lịch sử tiêm chủng Việt Nam và cực kỳ hiếm hoi trên thế giới này đã gây bàng hoàng, sợ hãi cho những ai có con nhỏ.

Nghi ngờ chất lượng văcxin, tay nghề, sự cẩn thận của nhân viên y tế, nhiều phụ huynh sau đó quyết định không đưa con đi tiêm phòng. Số trẻ tham gia tiêm chủng mở rộng giảm đến 30-50%. Câu trả lời của Bộ Y tế sau gần 2 tháng điều tra cũng không làm các bà mẹ yên tâm. Nguyên nhân được cho là sốc độc tố vi khuẩn tụ cầu trùng vàng lây từ tay nhân viên y tế - một tai nạn nghề nghiệp ngẫu nhiên, bất khả kháng. Mặc dù chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới cũng xác nhận điều tương tự từng xảy ra ở một số nước, gia đình bé Thiên Bảo vẫn khiếu nại bởi cho rằng nhân viên tiêm phòng phải chịu trách nhiệm.

Tuy không quy lỗi cho ai nhưng sau vụ việc trên, Bộ Y tế vẫn rà soát lại công tác tiêm chủng, từ khâu nhập, bảo quản văcxin đến kỹ thuật tiêm, nhất là vấn đề vệ sinh, chống nhiễm khuẩn.

4. Ý tưởng khoa học lên sàn giao dịch

Các sáng tạo khoa học đã trở thành hàng hóa ngay từ giai đoạn "phôi thai", khi sàn giao dịch ý tưởng chính thức ra mắt từ tháng 11 tại TP HCM theo sáng kiến của Trung tâm Vietbooks. Tại các phiên giao dịch, tác giả trực tiếp giới thiệu "món hàng" của mình trước các nhà đầu tư và nếu được đánh giá cao, sáng kiến đó sẽ được hỗ trợ vốn và phương tiện để biến thành hiện thực.

Trong 2 phiên giao dịch đầu tiên, các "mặt hàng" được quan tâm đều liên quan thiết thân đến đời sống và sản xuất. Như dụng cụ cấy lúa thẳng lưng của Nguyễn Thạch Lam giúp nông dân không chỉ thoát cảnh "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" mà còn cấy nhanh 30% so với phương pháp thủ công, giá chỉ hơn 100.000 đồng. Thiết bị làm mát ôtô trong 1 giây, khử mùi, giúp vệ sinh và cả chữa cháy của Lê Hoài Việt với chi phí chỉ khoảng 15 triệu đồng...

Theo đánh giá chung sàn giao dịch ý tưởng đã kích thích đam mê sáng tạo, mở ra cánh cửa cho các ý tưởng khoa học đến với đời sống, biến chúng thành "cơm áo gạo tiền" và chấm dứt tình trạng bế tắc "đầu ra" của các cuộc thi giải pháp sáng tạo hiện nay.

5. Cuộc phẫu thuật không trọng lượng đầu tiên

Lần đầu tiên trong lịch sử, ca phẫu thuật không trọng lượng trên người đã diễn ra thành công dưới bàn tay tài nghệ của các bác sĩ người Pháp. Khối u lành đã được loại khỏi cánh tay của một tình nguyện viên, trong khi chiếc máy bay nhào lộn theo hình parabol để tạo ra môi trường không có trọng lượng.

Ca mổ diễn ra chưa đầy 11 phút, với 31 khoảng thời gian có trọng lực bằng không, mỗi lần kéo dài 22 giây. Để thực hiện ca mổ, các phẫu thuật viên và bệnh nhân được cột vào một cái lều nhựa. Những dụng cụ y tế đặc biệt được gắn với nam châm để nằm vững trên chiếc bàn mổ bằng kim loại.

Thành công quan trọng này sẽ mở đường cho khả năng thực hiện phẫu thuật cho con người trong những chuyến bay vũ trụ dài ngày, hay sử dụng robot trên tàu không gian thông qua hướng dẫn của các bác sĩ từ mặt đất.

6. Sao Diêm Vương mất ngôi hành tinh thuộc hệ mặt trời

Ngày 7/9 đã trở thành một bước ngoặt trong lịch sử thiên văn học: Sao Diêm Vương bị rút khỏi danh sách những hành tinh thuộc hệ mặt trời sau 70 năm ngự trị tại đây, và trở về với đúng vị trí của nó là một tiểu hành tinh. Cái tên ấn tượng Diêm Vương cũng bị thay bởi một con số lạnh lùng 134340.

Địa vị của sao Diêm Vương đã gây tranh cãi trong nhiều năm qua, bởi nó có kích cỡ nhỏ và vị trí quá xa so với 8 hành tinh "truyền thống" khác của thái dương hệ. Thậm chí, nó còn bé hơn cả một số vệ tinh của các hành tinh kia trong hệ mặt trời. Chưa hết, gần đây nhất, người ta đã tìm thấy những thiên thể còn lớn hơn trong vùng ngoài cùng của hệ mặt trời là vành đai Kuiper.

Để định đoạt số phận cho Diêm Vương, gần 2.500 nhà khoa học đã phải nhóm họp để xác định lại những tiêu chuẩn chính xác của một hành tinh. Quyết định trên của Hiệp hội thiên văn quốc tế (IAU) cũng có nghĩa là các sách giáo khoa giờ đây sẽ phải viết lại về hệ mặt trời chỉ với 8 hành tinh.

7. Mối nguy từ các nguồn phóng xạ bị mất

Ngày 26/5, Viện Công nghệ Xạ hiếm (thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam) phát hiện bị mất một hộp sắt chứa phóng xạ trong khi dọn kho chứa đồ. Hai tháng sau, ngày 16/8, một vụ mất nguồn phóng xạ khác lại được phát hiện tại Công ty cổ phần ximăng Sông Đà (Hòa Bình).

Hai vụ mất nguồn phóng xạ liên tiếp trong vòng 3 tháng đã làm dấy lên mối quan tâm lo lắng không chỉ của Chính phủ mà cả những người dân vốn từ lâu không ý thức về mối nguy tiềm ẩn xung quanh mình. Việc đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ tại các cơ sở đang có vấn đề. Theo thống kê, trong số hơn 1.000 nguồn phóng xạ trên cả nước, hiện có tới một nửa không còn sử dụng và đang tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho con người.

Chính phủ đã phải yêu cầu tổng kiểm tra trên toàn quốc hiện trạng các nguồn phóng xạ. Cục Kiểm soát an toàn bức xạ và hạt nhân cũng đề xuất phương án xây dựng một kho lưu giữ quốc gia các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.

Theo VnExpress

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”
• Công bố quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Khác biệt chưa biết về chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài Tứ Quý
• Phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng xăng dầu
• Bến Tre: Tập huấn về cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF và hướng dẫn nghiệm thu công trình khí sinh học trong chăn nuôi cho cán bộ kiểm tra chất lượng và thợ xây, thợ lắp đặt tại địa phương
• Hội thảo “Giải pháp khai thác hiệu quả các bãi bồi, cồn nổi ven sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Sản phẩm gạo “Thạnh Phú” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý