Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Bến Tre: Tăng cường liên kết, thúc đẩy hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ

Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ (gọi tắt là Trung tâm), là đơn vị sự nghiệp công lập của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bến Tre. Chức năng chính của Trung tâm là tổ chức nghiên cứu khoa học phục vụ các dịch vụ công ích của Nhà nước, thực hiện chức năng nghiên cứu, ứng dụng, triển khai, chuyển giao công nghệ, tư vấn, dịch vụ khoa học và công nghệ phục vụ quản lý nhà nước của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong thời gian qua, Trung tâm đã tăng cường liên kết, thúc đẩy hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ với các Viện – Trường Đại học, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp KH&CN.

 Chuyển giao công nghệ sản xuất trichoderma (a), compost maker (b); mô hình ứng dụng ủ phân dê tại hộ dân (c); phân hữu cơ được đóng bao thành phẩm (d).


1. Hiệu quả hoạt động liên kết với các Viện- Trường, chuyên gia trong công tác chuyển giao KH&CN tại tỉnh Bến Tre trong thời gian qua

Trung tâm đã phối hợp với Khu Ứng dụng Nông nghiệp Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh thực hiện đề tài “Nghiên cứu quy trình sản xuất rượu Linh Chi từ rượu nền truyền thống” và dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng thử nghiệm cây cà chua Picota tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre” (2015-2017). Từ kết quả thành công của đề tài rượu Linh chi, Trung tâm đã sản xuất thành công rượu Linh chi đạt chất lượng theo tiêu chuẩn và đa thương mại thị trường, tạo thu nhập, góp phần đóng góp vào sự phát triển bền vững của Trung tâm. Năm 2016, sản phẩm đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm rượu Linh chi. Ngoài ra, nguồn nguyên liệu để sản xuất rượu Linh chi được cung cấp dồi dào từ nguồn có sẵn của Trung tâm cũng như các cơ sở, hộ dân trồng nấm Linh chi trong tỉnh và rượu truyền thống Phú Lễ được chưng cất bằng phương pháp thủ công tại huyện Ba Tri. Đây là một trong những nền tảng để thúc đẩy nghề trồng nấm nấm Linh chi cũng như tạo đầu ra ổn định cho làng nghề sản xuất rượu Phú Lễ Ba Tri, góp phần tạo công ăn việc làm, ổn định kinh tế cho người lao động nông thôn tỉnh nhà. Bên cạnh đó, việc sản phẩm rượu Linh Chi được sử dụng phổ biến sẽ hạn chế phần nào những thiệt hại về kinh tế do các loại rượu không rõ nguồn gốc đang tồn tại trên thị trường đem lại cho người tiêu dùng.

Từ kết quả dự án chuyển giao“Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng thử nghiệm cây cà chua Picota tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre” đã xây dựng thành công mô hình trồng thử nghiệm cây cà chua Picota trên giá thể với hệ thống tưới nhỏ giọt trong nhà màng nhằm nâng cao năng suất cà chua, tiết kiệm lượng nước tối đa cho quá trình sản xuất trong tình hình biến đổi khí hậu khá nhanh, hạn mặn xâm nhập. Từ thành công của dự án, quy trình đã được chuyển giao cho Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN Sóc Trăng từ tháng 11/2017 – 12/2018.

Trung tâm đã phối hợp, liên kết với trường Đại học Cần Thơ, thực hiện Dự án “Chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô cây hoa hồng môn” (2015 – 2016). Dự án đã chuyển giao thành công quy trình nhân giống, trồng cây hồng môn bằng phương pháp nuôi cấy mô (quy trình vô mẫu, tạo cụm chồi, nhân chồi, tạo cây hoàn chỉnh, quy trình chăm sóc cây hồng môn ngoài vườn trồng), tạo ra cây giống cấy mô đạt chất lượng, sạch bệnh, tỷ lệ cây ra ngôi sống đạt trên 70%, có khả năng chuyển giao ứng dụng vào thực tiễn tại tỉnh Bến Tre. Quy trình đang được ứng dụng tại Khu Ứng dụng CNSH Cái Mơn cung cấp cây giống cho làng nghể hoa kiểng Cái Mơn (Chợ Lách).

Được sự hỗ trợ chuyển giao công nghệ từ Viện Thổ Nhưỡng Nông hóa (Hà Nội), Trung tâm đã thực hiện thành công Dự án “Ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất sản phẩm và thương mại hóa các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững” (2013-2016). Dự án đã sản xuất được các chế phẩm sinh học: Compost maker, Trichoderma, vi sinh vật chức năng. Năm 2017-2018, Trung tâm đã tổ chức hơn 20 buổi hội thảo, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho người dân sử dụng ứng dụng chế phẩm sinh học vào sản xuất nông nghiệp và ứng dụng trong xử lý nguồn phế thải nông nghiệp chăn nuôi như phân bò, phân dê, phân gà, phân vịt, sản phẩm sau biogas để sản xuất phân hữu cơ vi sinh góp phần hạ giá thành sản phẩm và tăng cường sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Từ thành công của Dự án, đến nay trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã nhân rộng hơn 100 mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học góp phần sản xuất nông nghiệp bền vững.

Được sự phối hợp với Công ty TNHH MTV Thủy canh Giang Mạnh Tuấn (Bình Dương), Trung tâm đã hoàn thành Dự án:“Ứng dụng xây dựng mô hình tiến bộ kỹ thuật trồng rau an toàn bằng phương pháp thủy canh trụ đứng tại tỉnh Bến Tre” (2015-2016), Trung tâm đã sản xuất được 200 kg rau/vụ mô hình (diện tích 50 m2) cung cấp cho thị trường rau an toàn trong tỉnh Bến Tre. Mỗi năm có thể trồng từ 8 - 10 vụ. Hiệu quả kinh tế mô hình khá cao, lợi nhuận từ 1,77 - 1,99 triệu đồng/vụ (mỗi vụ từ 30 - 35 ngày, hơn 200 kg rau). Rau an toàn được công nhận đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Dự án cấp bộ “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình nhân giống bưởi da xanh, cây cam trên địa bàn tỉnh Bến Tre” (2017 – 2020) do Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN Bến Tre chủ trì phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam thực hiện tại Khu Ứng dụng CNSH Cái Mơn (Vĩnh Thành, Chợ Lách, Bến Tre). Dự án được thực hiện nhằm nâng cao chất lượng về giống và kỹ thuật canh tác và xây dựng các mô hình có hiệu quả cao sẽ có tác dụng rất tích cực trong việc chuyển đổi trồng cây có múi ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn hơn. Sản xuất giống cây có múi (Bưởi da xanh, cam sành, cam xoàn) sạch bệnh bao gồm sử dụng kỹ thuật vi ghép mô phân sinh của đỉnh sinh trưởng để làm sạch bệnh cho giống và chuẩn đoán và kiểm tra cây giống bằng các phương pháp phân tử bệnh cây như PCR và ELISA. Từ đó, tái tạo lại được cây đầu dòng sạch bệnh, mạnh khoẻ, đúng giống cung cấp cho bà con trên đại bàn tỉnh Bến Tre. Dự án đang tiếp nhận chuyển giao quy trình công nghệ từ Viện Cây ăn quả miền Nam về sản xuất cây có múi sạch bệnh bằng kỹ thuật vi ghép gồm sản xuất cây đầu dòng, trồng và chăm sóc cây đầu dòng; quản lý dịch hại tổng hợp; xây dựng mô hình nhân giống Bưởi da xanh, cam sành, cam xoàn đạt tiêu chuẩn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.

2. Các sản phẩm được thương mại hóa từ các đề tài, dự án chuyển giao

Với phương châm nghiên cứu khoa học phải được ứng dụng vào sản xuất, Trung tâm đã tạo ra sản phẩm cụ thể và thương mại hóa sản phẩm. Các sản phẩm từ kết quả nghiên cứu của đề tài, dự án được sản xuất đạt chất lượng, bao bì, nhãn hiệu, đăng ký chất lượng, thương mại hóa và ngày càng được khách hàng tin dùng như: cây hoa kiểng và chuối cấy mô, phôi nấm linh chi, bào ngư, nấm đông trùng hạ thảo, rượu linh chi, phân hữu cơ sinh học, chế phẩm sinh học EM, chế phẩm trichoderma, compost marker, phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, đất sạch, dung dịch thủy canh,...

Ngoài ra, Trung tâm tiếp tục nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN đã được chuyển giao thành công từ các Viện-Trường, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Trung tâm tổ chức ứng dụng và nhân rộng cho người dân qua các lớp tập huấn phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về việc cần thiết phải ứng dụng KH&CN trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường đặc biệt là trong điều kiện bất lợi của thời tiết (hạn, mặn, dịch bệnh,...), góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững, phục vụ có hiệu quả cho đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Bến Tre, xây dựng nông thôn mới, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022