Liên kết sản xuất-gắn kết thành công

Khi nền kinh tế thị trường phát triển, tính cạnh tranh ngày càng gay gắt thì nhu cầu liên kết, hợp tác của những người nông dân trở nên cấp thiết hơn. Tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) được xem là hình thức kinh tế tập thể năng động, hiệu quả và bền vững. Đó là lý do xã Sơn Định, huyện Chợ Lách chọn theo hướng đi này, bên cạnh đây còn là mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển của địa phương, hoạt động đem lại lợi ích cả về kinh tế lẫn xã hội.

Xã Sơn Định có hơn 2.100 hộ tham gia sản xuất nông nghiệp, canh tác trên diện tích 840 ha, trong đó hơn một nửa trồng cây chôm chôm. Tính bình quân mỗi người chỉ có gần 650m2 đất để trồng trọt. Đất hẹp người đông là vậy nhưng nhờ bản tính cần cù, sáng tạo trong lao động, người nông dân nơi đây đã biết cách làm cho đất đơm hoa kết trái theo ý của riêng mình. Trong đó phương pháp xử lý cây chôm chôm cho trái nghịch vụ để tránh tình trạng “đụng hàng dội chợ” là công việc mà hầu như nhà vườn nào trong xã cũng am tường. Giá bán có thể cao gấp 2-3 lần mùa thuận nhưng một vấn đề đặt ra là quy mô sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, canh tác không theo một quy trình nào cả, mạnh ai nấy trồng và tự tìm tòi chăm sóc, đến mùa thu hoạch có người trúng người thất, hiệu quả kinh tế chưa bền vững. Chính vì vậy, Hội Nông dân Sơn Định đã tuyên truyền, vận động, tập hợp nông dân trong xã thành lập tổ hợp tác sản xuất chôm chôm theo tiêu chuẩn VietGAP, đi tiên phong trong mô hình sản xuất này là ấp Tân Thới.

Từ Tổ hợp tác VietGAP…

 
Khi mới đi vào hoạt động tổ hợp tác sản xuất chôm chôm VietGAP ấp Tân Thới có 20 thành viên. Thấy có hiệu quả, nhiều nhà vườn cũng tình nguyện đăng ký tham gia, đến nay tăng lên 26 thành viên với diện tích 13,5 ha. Tham gia tổ hợp tác, các tổ viên được các nhà khoa học hướng dẫn quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt. Những cách làm hay, kinh nghiệm thực tế trong chăm sóc vườn cây được các tổ viên tích cực trao đổi chia sẻ trong những lần sinh hoạt lệ kỳ hàng tháng. Từ đó các thành viên trong tổ nhận thấy hiệu quả và tự giác tuân thủ thực hiện đúng các qui trình từ khâu chăm sóc đến khâu thu hoạch sản phẩm, chú trọng hơn việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời tăng cường sử dụng phân hữu cơ, giảm phân hóa học để tái tạo đất. Bên cạnh đó vấn đề  bảo vệ môi trường được bà con ý thức giữ gìn rất tốt, hộ nào cũng có nhà vệ sinh tự hoại, điểm pha thuốc, có hố xử lý rác sinh hoạt, việc vứt bỏ các phế phẩm thuốc bảo vệ thực vật không còn nữa, các hộ trong mô hình đều có điểm thu gom, xử lý vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật theo qui định.

Ông Hồ Văn Lai-Tổ viên tổ hợp tác sản xuất chôm chôm VietGAP ấp Tân Thới cho biết: “Từ khi tham gia tổ hợp tác, tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm hay của những tổ viên khác, những phương thức sản xuất tiến bộ từ các nhà khoa học như: sản xuất có sổ theo dõi rõ ràng, có sơ đồ quản lý vườn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, thời gian cách ly đảm bảo không tồn động dư lượng thuốc bảo vệ thực vật sau thu hoạch. Áp dụng vào quá trình sản xuất tôi thấy được nhiều hữu ích, vườn cây vừa cho năng suất cao hơn, chất lượng trái tốt hơn, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh, an toàn cho người sản xuất, đặc biệt là an toàn cho người tiêu dùng”.

Qua khảo sát, đánh giá, các cơ quan chức năng đã chứng nhận tổ hợp tác sản xuất chôm chôm ấp Tân Thới đạt chuẩn VietGAP vào tháng 12/2014. Minh chứng hiệu quả sản xuất ngày càng được nâng lên rõ rệt, cả về số lượng lẫn chất lượng, đồng thời giảm được chi phí đầu tư, tăng thu nhập, ổn định đời sống bà con nông dân. Sản lượng chôm chôm của tổ cung ứng ra thị trường hàng năm ước tính 400 tấn trái, năng suất trung bình 30 tấn/ha, mỗi hộ thu về lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng.

Không những quan tâm xây dựng tổ hợp tác hoạt động vững mạnh mà các tổ viên còn tích cực tham gia phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nâng chất xã nông thôn mới, đơn cử đã đóng góp hơn 2.000m2 đất, trên 300 ngày công lao động và 30 triệu đồng để mở rộng, nâng cấp tuyến đường nối liền 2 ấp Sơn Long và Tân Thới rộng 3m, dài 950m, để thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của bà con trên địa bàn.

....đến Hợp tác xã kiểu mới

 
Ông Trần Văn Lợt-Tổ trưởng tổ hợp tác chôm chôm VietGAP ấp Tân Thới cho biết, việc thành lập HTX là đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của tổ viên. Tất cả 26 tổ viên đều tự nguyện đăng ký góp vốn, góp sức với mục tiêu phát huy sức mạnh tập thể của từng xã viên, giúp nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Tuy ban đầu, tâm lý của một số thành viên còn e ngại nhưng sau khi được tuyên truyền, vận động và tìm hiểu Luật Hợp tác xã năm 2012, họ đã vững tin hơn vào con đường kinh tế tập thể khi nhận thấy mô hình HTX kiểu mới có những đặc trưng và ưu thế nổi bậc so với HTX trước đổi mới. Khác với HTX kiểu cũ là xã viên góp vốn vào hợp tác xã, lúc đó chỉ có quan hệ giữa HTX và xã viên, không còn tồn tại kinh tế hộ, tất cả các thành viên trong HTX đều cùng hưởng, chia sẻ lợi ích như nhau. HTX kiểu mới chỉ là những tổ chức trên cơ sở liên kết của cá nhân, hộ gia đình, cung cấp các dịch vụ đầu vào và dịch vụ đầu ra, các khâu của quá trình sản xuất, do đó không làm mất đi kinh tế hộ, tài sản, vốn liếng, đất đai vẫn là thuộc về thành viên. Hoạt động tuân thủ theo phương châm: mọi dịch vụ luôn hướng về thành viên, ưu tiên phục vụ cho thành viên, đảm bảo quyền lợi của thành viên, bảo đảm tính dân chủ, công bằng, mỗi quyết định đều phải có sự thống nhất của tất cả thành viên, không phân biệt góp vốn nhiều hay ít.

Ông Lợt cho rằng HTX là cấp cao hơn của tổ hợp tác, do đó tổ hợp tác là nền tảng của HTX, từ tổ hợp tác lên HTX cũng có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc lập kế hoạch, phương án sản xuất của HTX trên cơ sở một tập thể đoàn kết, gắn bó, tương thân, tương ái, sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ những khó khăn trong sản xuất và đời sống.

Hiện tại thì HTX trái cây Sơn Định đã hoàn tất các thủ tục thành lập và chuẩn bị tổ chức Đại hội thành viên vào đầu tháng 11 năm nay. Đại hội thành lập HTX sẽ biểu quyết Điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh của Hợp tác xã, bầu ra Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát-là những người có trình độ, năng lực quản lý, sáng tạo, nhạy bén trong chiến lược kinh doanh Hợp tác xã, thích nghi kịp thời giai đoạn phát triển mới.

Mở ra những cơ hội
Nhiều tổ viên tổ hợp tác nhận định, lợi ích trước mắt có thể thấy là khi tiến lên HTX kiểu mới sẽ được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ và ưu đãi của Nhà nước trong quá trình hoạt động của HTX. Nhất là về vốn và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, có đầy đủ tư cách pháp nhân để đại diện ký kết hợp đồng mua bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp với các đại lý cấp 1 với giá sỉ rồi phân phối lại cho thành viên có nhu cầu, vừa tiết kiệm chi phí, lại không lo mua nhầm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng. Hơn nữa, sẽ có tiếng nói mạnh hơn trong thỏa thuận ký kết các hợp đồng có giá trị lớn với các cơ sở thu mua trái cây trong va ngoài tỉnh.

Theo dự thảo phương án sản xuất, HTX sẽ xây dựng quy trình thu gom, giám sát, quản lý chất lượng các sản phẩm do thành viên cung cấp; nhận trách nhiệm cung ứng dịch vụ đầu vào; huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng, khu thu mua nguyên liệu, nhà kho mát để sơ chế nông sản, đầu tư mua thêm các trang thiết bị phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tìm đầu ra bền vững; xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Đặc biệt là thành lập các tổ dịch vụ chăm sóc cây trồng và thu hái chôm chôm phục vụ cho HTX và cho các hộ nhà vườn bên ngoài có nhu cầu. Đối với phương thức phân phối thu nhập, sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật, thu nhập của HTX được trích 30% để lập Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ dự phòng tài chính, Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi. Phần còn lại 70% được chia cho thành viên theo mức vốn góp, mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Dự kiến sau khi đi vào hoạt động ổn định, HTX sẽ tiếp tục mời gọi những hộ nông dân có tâm huyết và chủ các cơ sở thu mua trái cây trên địa bàn đăng ký làm thành viên để tăng sức mạnh hoạt động của đơn vị.

“Việc thành lập Hợp tác xã trái cây Sơn Định sẽ đánh dấu bước phát triển mới của nền nông nghiệp địa phương, tận dụng các nguồn lực sẵn có làm động lực thúc đẩy sản xuất trên địa bàn phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đồng thời tạo tiền đề để sản phẩm trái chôm chôm có điều kiện hướng tới thị trường khó tính. Về mặt xã hội, Hợp tác xã trái cây Sơn Định sẽ là mô hình điển hình về sự tương trợ, giúp nhau cùng vượt khó, giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất cho xã viên, từ đó có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho phúc lợi xã hội”, ông Nguyễn Trường Giang-Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Định khẳng định.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022
• Thạnh Phú phát động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2022