Thị trường xuất khẩu trái chôm chôm và yêu cầu đối với người sản xuất

Chợ Lách có hơn 10 ngàn héc ta đất sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích trồng cây ăn trái hơn 8 ngàn héc ta, với nhiều chủng loại cây trồng phong phú đa dạng nên luôn được giới truyền thông tôn vinh là vương quốc trái cây Nam bộ. Nhiều loại cây trồng chính đã tạo nên thương hiệu “Trái cây Cái Mơn” như chôm chôm, sầu riêng, bòn bon, măng cụt và đương nhiên chúng cũng trở thành những cây trồng đặc sản của quê hương Chợ Lách.

 Tọa đàm liên kết sản xuất và tiêu thụ chôm chôm tại Sơn Định.


Với sản lượng hàng năm trên 110.000 tấn, giá trị sản xuất bình quân đạt trên 300 triệu đồng/héc ta. Cây chôm chôm được xem là chủ lực với diện tích hơn 3.400 héc ta chiến hơn 41% diện tích trồng cây ăn trái. Đặc biệt, trong những năm gần đây, năng suất, chất lượng lại không ngừng tăng lên nhờ việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng cường đầu tư thâm canh, sản xuất theo qui trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), việc rải vụ để giảm áp lực sản lượng tập trung cũng được người dân thực hiện khá thành công góp phần nâng cao giá trị trái chôm chôm.

Tuy nhiên, hoạt động tiêu thụ trái cây còn nhiều bất cập, biết rằng sản phẩm làm ra đều được tiêu thụ hết nhưng giá trị lại chưa tương xứng. Nguyên nhân là do liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn lỏng lẻo, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau khi gặp biến động thị trường. Nhiều hợp đồng liên kết chưa ổn định, chưa hình thành hợp đồng dài hạn, chủ yếu là thỏa thuận miệng nên tính pháp lý còn thấp.

Điều đó chứng tỏ rằng tổ chức sản xuất chưa thật sự bền vững; mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ hình thành chưa vững chắc; doanh nghiệp chưa tham gia vào quá trình sản xuất, chưa đầu tư, khuyến khích nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn mà thị trường yêu cầu, chưa đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, chưa hướng dẫn sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Thông qua buổi tọa đàm tại 02 xã Sơn Định và Vĩnh Bình, cuộc gặp gỡ và đối thoại trực tiếp giữa nông dân và doanh nghiệp do Phòng Nông nghiệp và PTNT tổ chức đã bước đầu tạo dựng được lòng tin cho sản xuất và tiêu thụ trái chôm chôm. Theo doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Thanh Việt địa chỉ ấp Hưng Nhơn, xã Hòa Nghĩa cho biết thị trường xuất khẩu chính của trái chôm chôm tập trung ở Mỹ, Du Bai và các nước thuộc liên minh châu Âu. Thời điểm xuất khẩu có giá trị cao từ tháng 9 đến tháng 4 âm lịch và giống chủ lực là chôm chôm Thái kế đến là Java, trọng lượng trái trong khoảng 30 trái/kg, màu sắc đồng đều, không vết tích sâu bệnh hại và đặc biệt là không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Theo cơ sở thu mua Thành Đạt, trụ sở ấp Tân Phú, xã Sơn Định, ngoài thị trường cao cấp, trái chôm chôm còn được xuất sang thị trường Trung Quốc, Campuchia với giống chính là chôm chôm Java, thời điểm có giá cao cũng từ tháng 8 đến tháng 3 âm lịch.

Qua thông tin trên cho thấy trái chôm chôm Chợ Lách còn rất nhiều tiềm năng cho xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập đáng kể cho người làm vườn. Để làm được điều đó đòi hỏi người sản xuất phải điều chỉnh hợp lý lại cách thức sản xuất cho phù hợp, đáp ứng tối đa yêu cầu của thị trường. Cụ thể một số vấn đề cần tập trung như sau:   
                                                                                                                                                                                         
Thứ nhất, về giống chôm chôm. Chôm chôm Thái (rong riêng) vẫn là ưu tiên số một cho các thị trường Mỹ, Dubai, châu Âu. Riêng chôm chôm Java do đặc tính râu mềm và nhiều nước nên thời gian bảo quản từ thu hoạch đến tay người tiêu dùng hơn 5 ngày không đảm bảo được màu sắc nên đây sẽ là trở ngại lớn trong sản xuất cũng như xuất khẩu, còn giống chôm chôm đường do lượng đường cao thu hút nhiều sâu bệnh hại nên khả năng dư lượng hóa chất là rất lớn. Do đó, trong điều kiện thuận lợi nông dân nên từng bước chuyển đổi giống cho phù hợp.

Thứ hai, về tiêu chuẩn chất lượng. Với trọng lượng khoảng 30 trái/kg, màu sắc tươi, đồng đều là yêu cầu không cao đối với khả năng sản xuất của nhà vườn. Riêng dư lượng hóa chất, vết tích sâu bệnh hại lưu tồn trong trái là điều đặc biệt được quan tâm nhất là thị trường Mỹ, còn châu Âu cần phải đạt được tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GlobalGAP). Do đó, để tham gia xuất khẩu đòi hỏi nhà vườn phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định của thị trường.

Thứ ba, về mùa vụ tập trung từ tháng 8 đến tháng 4 âm lịch nhưng sản lượng cần rải đều trong các tháng. Đây là thời điểm mà vùng trồng chôm chôm ở miền Đông Nam Bộ và các nước xuất khẩu như Thái Lan, Malaysia… đều hết vụ, nên vụ nghịch là thế mạnh của trái chôm chôm Chợ Lách. Tuy nhiên, làm trong vụ nghịch cần phải chấp nhận rủi ro do thời tiết, nhất là tác động xấu của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, thời gian sản xuất của một mùa vụ phải mất 13 tháng nên việc lập lại vụ thuận là khá nhanh. Do đó, đòi hỏi nhà vườn phải áp dụng tốt các tiến bộ khoa học công nghệ, có đầy đủ hệ thống tưới tiêu, điều chỉnh lại lịch thời vụ và tổ chức tốt khâu rải vụ.

Thứ tư, cần liên kết lại trong sản xuất để đảm bảo tính đồng nhất về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn GAP và chia đều sản lượng cho các tháng trong thời điểm xuất khẩu có giá trị cao.

Đáp ứng được nhu cầu của thị trường là yêu cầu tất yếu của sản xuất nông nghiệp bền vững, giá trị sản xuất ngày một được nâng lên thông qua việc phân tích và nâng cấp chuỗi giá trị. Qua đó sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng chôm chôm. Trước mắt, để tham gia thị trường xuất khẩu, người trồng chôm chôm nên thực hiện tốt các lưu ý trên.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022