Chợ Lách, Nông dân Vĩnh Thành chuẩn bị mùa hoa tết

Không chỉ nổi tiếng với nhiều loại trái cây ngon, huyện Chợ Lách - tỉnh Bến Tre còn được biết đến là nơi cung cấp cây giống - hoa kiểng lớn nhất nhì trong cả nước. Những ngày này đi đến đâu cũng đều bắt gặp sự tất bật của người dân. Họ đang chăm chút trong từng công việc của mình, với mong muốn góp thêm hương sắc cho một mùa xuân mới.

Nổi tiếng với nghề hoa kiểng phải kể đến vùng đất Cái Mơn, xã Vĩnh Thành. Nơi đây có hơn 3 ngàn hộ dân chuyên sản xuất cây giống và hoa kiểng, mỗi năm cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước hơn 3 triệu sản phẩm. Trong đó đình đám nhất phải kể đến sự góp mặt của mai vàng, kiểng tắc, kiểng lá và hoa nở...

Theo ông Trần Văn Đủ chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thành cho biết : "So với tết Ất Mùi 2015 sản phẩm hoa kiểng ở Vĩnh Thành tăng hơn 500 ngàn sản phẩm. Trong đó phần lớn ở nhóm kiểng lá, hoa treo, hoa nở (cúc, vạn thọ...). Nguyên nhân do tết 2015 nông dân sản xuất hoa nở và kiểng lá đều thắng lớn, nông dân có lãi từ đó họ phát huy sở trường năm nay sản xuất nhiều hơn. Riêng về mai vàng - sản phẩm truyền thống của địa phương ổn định, không dao động, khoảng 500 ngàn sản phẩm".

 
 Theo nhận định của người làm mai vàng, thời tiết
        đến nay thuận lợi hy vọng mai trổ bông đều

 

Đối với sản phẩm hoa treo, tập trung nhiều nhất tại ấp Tây Lộc, Bình Tây, hoa treo có mặt nơi đây khoảng 10 năm nhưng phát triển mạnh trong khoảng thời gian 04 năm trở lại. Hiện tại sản phẩm hoa treo ở xã Vĩnh Thành hầu như có mặt ở khắp nơi trong cả nước. Trước kia khách hàng mua hoa thường chỉ tập trung vào thời điểm cận tết vì thế người sản xuất canh thời điểm còn vài ba tháng mới bắt tay vào sản xuất, từ đó số lượng xuất ra thị trường không nhiều. Tuy nhiên ngày nay có sự thay đổi khách hàng mua hoa quanh năm, từ đó các hộ chuyên sản xuất hoa treo cũng ra đời ngày càng nhiều. Thành công trong lĩnh vực này phải kể đến hộ chị Nguyễn Thị Nga ấp Bình Tây, chị tham gia sản xuất hoa treo - kiểng lá đến nay khoảng 10 năm, từ hộ khó khăn nay vươn lên giàu có. Mỗi năm gia đình chị xuất bán ra thị trường hàng trăm ngàn sản phẩm, doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm.

Riêng chị Đỗ Ngọc Ánh Thư, ấp Tây Lộc, bắt tay vào sản xuất hoa treo chủ yếu là hoa dừa và hoa Dạ Yên Thảo cách nay 4 năm, ban đầu sản xuất nhỏ lẻ khoảng 3 ngàn sản phẩm/năm. Tuy nhiên sau 2 năm trở lại kể từ tết 2014 đến nay, nhờ có nhiều kinh nghiệm cây xanh tốt, tàn xum xuê, hoa trổ bông đều nên được khách hàng ưu chuộng đặt hàng sản xuất quanh năm. Định kỳ sau 3 tháng   (từ khi ươm hột đến thành phẩm cây trổ hoa) chị Thư xuất hàng để bán, trung bình khoảng 3 ngàn sản phẩm/đợt. Riêng vào thời điểm cận tết gia đình chị tập trung sản xuất nhiều hơn khoảng 7 ngàn sản phẩm. Trung bình một năm với hai loại hoa chủ yếu là Dạ Yên Thảo và hoa dừa chị Thư xuất bán ra thị trường hơn 20 ngàn sản phẩm với giá bán dao động 25-30 ngàn đồng/chậu, sau khi trừ chi phí gia đình chị có lãi 150 triệu đồng.

 
 Chị Đỗ Ngọc Ánh Thư - chăm sóc chậu hoa dừa, phấn khởi mùa hoa tết

 

Chị Thư cho biết : "So với các loại hoa kiểng khác, hoa dừa rất dễ trồng và dễ chăm sóc, chỉ cần tưới nước bón phân hợp lí là cây trổ hoa đẹp. Theo kinh nghiệm của tôi để cây hoa dừa trổ bông đều, màu sắc đẹp, không bị sâu bệnh định kỳ một tuần tôi tưới phân 01 lần vào lúc xế chiều và sử dụng thuốc Antracol để xịt ngừa phòng bệnh thối thân, thối rễ...riêng nước tưới, tưới mỗi ngày."

Bên cạnh dòng sản phẩm hoa treo, kiểng lá, mai vàng vốn là sản phẩm truyền thống của địa phương, những năm gần đây do thời tiết bất ổn mai trổ hoa không đều hoặc nở trước tết...  nhưng nông dân xã Vĩnh Thành vẫn gắn bó. Tết Bính Thân năm 2016 toàn xã có hơn 500 ngàn sản phẩm mai vàng cung cấp ra thị trường. Hiện tại nông dân sản xuất mai vàng tại làng mai Vĩnh Phú, Phú Hội, Vĩnh Chính...đang tất  bật hoàn thành các công đoạn thêm phân, thay chậu, tưới nước bón phân ... để chuẩn bị cho cây trổ hoa vào dịp tết.

Anh Nguyễn Văn Đông - hộ nghèo ở ấp Bình Tây xã Vĩnh Thành, gắn bó với nghề sản xuất mai vàng đến nay được 6 năm, do chữ nghĩa ít, kinh nghiệm không nhiều và khó khăn về nguồn vốn mỗi năm anh chỉ sản xuất khoảng 300 chậu mai nhỏ, đăng ký lô ở tận Cà Mau để bán. Dịp tết 2015 do thời tiết không thuận lợi, vườn mai nhà anh không trổ bông, mọi chi phí về thuê mướn nhân công và tiền lô bãi đặt trước anh Đông mất hết 20 triệu đồng.

Anh Đông cho biết "Vườn mai không trổ bông năm trước khoảng 300 cây, hiện tại tôi đang tiếp tục chăm sóc, cây có tàn lá đẹp, nước tưới đầy đủ, dự kiến đăng lô ở Cà Mau để bán tết. Tôi hy vọng thời tiết năm nay thuận lợi cây mai trổ hoa đúng tết để gia đình có thu nhập ổn định và trả nợ ngân hàng".

Có thể thấy rằng, đối với người làm hoa kiểng, kinh nghiệm, thị trường tiêu thụ xong vẫn là những yếu tố cần nhưng chưa đủ, vấn đề quan trọng mà người làm hoa kiểng luôn phập phòng lo âu là thời tiết, họ hy vọng thời tiết năm nay được trời thương mùa hoa tết này nông dân sẽ khấm khá./.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022