Biện pháp sinh học và lý học quản lý nhóm côn trùng hại dừa

Trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, cây dừa là loại cây trồng có nhiều ưu điểm so với các loại cây trồng khác. Từ lâu, nông dân luôn cho rằng dừa là loại cây “trời cho” dễ trồng, ít chăm sóc và đặc biệt là ít sâu bệnh. Tuy nhiên, trong điều kiện thâm canh như hiện nay, dừa cũng bị nhiều loại sâu hại tấn công làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và sản lượng dừa. Việc quản lý dịch hại cho dừa gặp nhiều khó khăn như cây dừa cao khó phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và gây ô nhiễm môi trường rất lớn,…. Vì thế, áp dụng biện pháp sinh học và lý học để phòng trừ dịch hại trên cây dừa sẽ khả thi hơn phun thuốc BVTV.

Các loài côn trùng gây hại phổ biến trên cây dừa hiện nay là sâu đục trái, bọ xít nâu, bọ cánh cứng hại dừa và bọ vòi voi,….
+ Sâu đục trái có tên khoa học Tirathaba sp thuộc họ Pyralidae (Ngài sáng), bộ Lepidoptera (Cánh vẩy). Thành trùng là một loài bướm có chiều dài khoảng 15mm, màu xám tro. Ấu trùng tuổi nhỏ có màu nâu nhạt, tuổi càng lớn càng chuyển màu nâu đậm. Sâu có đầu màu đen bóng. Ấu trùng đẩy sức dài khoảng 20 - 22mm, màu nâu sậm, trên mỗi đốt lưng có chấm đen nhỏ và những sợi lông thưa. Nhộng dài khoảng 15mm, được bao bọc bởi kén màu trắng ngà.

 Ấu trùng sâu đục trái dừa.   
 
 
 Thành trùng sâu đục trái dừa.    
 

 

 

 Triệu chứng gây hại của sâu đục trái dừa   
 

 

 Vị trí treo tinh dầu sả


Ấu trùng đục vào trong trái dừa khi dừa còn rất nhỏ (trái dừa dài khoảng 2cm) đến trái dừa lớn (dài khoảng 10cm trở lại). Vết đục thường ngay trên mầu dừa (phần non nhất của trái), ấu trùng chui sâu vào trong trái ăn xơ và gáo dừa làm rụng trái hàng loạt, đôi khi trên quày chỉ còn một vài trái. Dễ dàng nhận biết sự xuất hiện của sâu vì ngay vết đục có đùn phân ra ngoài. Sâu non nhả tơ kết dính phân thành đám ngay vết đục, sâu di chuyển từ trái này sang trái trái khác. Trong một trái dừa có thể có một đến hai con sâu gây hại. Khi đẩy sức sâu chui ra ngoài trái làm nhộng gần đám phân đã thải ra và kết những hoa dừa khô bao phủ nhộng. Đối với sâu đục trái bà con có thể treo tinh dầu sả trên buồng hoa có tác dụng xua đuổi thành trùng lại đẻ trứng.

+ Bọ xít nâu có tên khoa học là Pseudotheraptus wayi, thuộc họ Coreidae, bộ Hemiptera (Cánh nữa cứng), ký chủ chính của loài bọ xít này là cây dừa. Trưởng thành bọ xít có màu ánh đỏ ở phần lưng, bụng màu xanh lục, dài khoảng 12mm đến 14mm. Chúng đẻ trứng rãi rác trên bông và trái non. Ấu trùng có màu đỏ nâu đến màu xanh lá cây.

 

 Bọ xít gây hại dừa.


Bọ xít thường ẩn trú ở các nách của bẹ dừa. Cả thành trùng và ấu trùng chích hút bông và trái non, làm bông bị hư và trái non rụng sớm. Ấu trùng mới nở thường bu quanh những hoa đực để ăn phấn hoa, ấu trùng tuổi lớn và trưởng thành chích hút mạnh và có xu hường phá hại nhiều trên hoa cái và trái non. Chính nước bọt độc hại của bọ xít tiết ra gây hoại tử ngay vết chích, tạo thành những sẹo và vết nứt. Nếu bọ xít tấn công lúc trái còn nhỏ sẽ làm trái rụng sớm, nếu chích hút trái khoảng 3 tháng tuổi trở lên thì trái không rụng nhưng trái méo mó, kém phát triển, có những vết sẹo và vết nứt chảy mủ, làm giảm năng suất và giá trị thương phẩm của trái dừa. Kiến vàng là thiên địch quan trọng của bọ xít dừa. Những vườn dừa có nhiều kiến vàng thường ít bị bọ xít gây hại.

Đối với loài bọ xít này, áp dụng bẩy chua ngọt có hiệu quả cao (dùng khóm (hư) hoặc cam và một ít thuốc trừ sâu (Regent 800WG) cho vào gáo dừa, đặt trong vườn, bọ xít bị dẫn dụ bởi mùi chua ngọt). Ngoài ra, nuôi kiến vàng trong vườn dừa là biện pháp hạn chế sự gây hại của bọ xít.

+ Bọ cánh cứng hại dừa: đây là đối tượng quan tâm không nhỏ của người trồng dừa. Thành trùng sống nơi kẹt tối, có thể tìm thấy cả ấu trùng, thành trùng và nhộng trên cùng vị trí.

  Triệu chứng bọ dừa gây hại.
 
 
 Thành trùng bọ dừa.

    
Thành trùng và ấu trùng bọ dừa đều tấn công lá của đọt non khi chưa bung ra. Chúng cạp diệp lục lá trên bề mặt tạo ra những sọc điển hình song song với mép lá. Chúng ăn lớp biểu bì làm lá bị héo khô. Khi tàu lá đọt nở bung ra thì thành trùng di chuyển xuống gốc lá (đêm tối bò lên kiếm ăn) hoặc di chuyển sang lá non mới để tấn công. Chúng gây hại làm cây dừa sinh trưởng kém, giảm số trái trên cây. Hiện nay phổ biến nhất là sử dụng ong ký sinh phòng trừ bọ cánh cứng. Có 2 loài ong ký sinh được nuôi thả thành công là loài ong Asecodes hispinarum và loài ong Tetrastichus brontispae. Ong Asecodes hispinarum là loài ký sinh chuyên tính, ký sinh trên ấu trùng bọ dừa, ong  Tetrastichus  brontispae ký sinh nhộng bọ dừa.

 

 Thành trùng ong ký sinh Asecodes hispinarum.


Loài thiên địch này đã thích nghi với khí hậu Việt nam. Ong ký sinh màu đen, có kích thước rất nhỏ. Ong có thể ký sinh trên ấu trùng bọ dừa tuổi 2, 3 và 4 nhưng chúng thích ký sinh ấu trùng tuổi 4, khả năng vủ hóa ra ong trưởng thành cao. Ngoài ra, bọ đuôi kiềm, kiến vàng là loài thiên địch ăn mồi, khi có chúng trên vườn dừa làm giảm mật số bọ dừa. Nông dân có thể nhân nuôi 2 loài ong này và bọ đuôi kiềm để phóng thích ra vườn dừa dễ dàng, kế hợp bảo tồn kiến vàng.

+ Bọ vòi voi rất phổ biến trên các vườn dừa. Bọ vòi voi gây hại chủ yếu trên trái, còn trên rễ và cuống hoa ít được phát hiện. Triệu chứng gây hại cơ bản là chảy nhựa ở cả rễ, thân, bẹ lá, cuống hoa và trái. Ấu trùng bọ vòi voi mới nở đục vào mô cây nơi trứng được đẻ gây ra hiện tượng chảy nhựa.

  Triệu chứng bọ vòi voi gây hại trên trái.   
 
 
 Triệu chứng bọ vòi voi gây hại trên cuống hoa.
 
 
Ấu trùng của bọ vòi voi.

        
Trên thân và bẹ lá, bọ vòi voi gây hại chủ yếu ở phần thân phía trên của cây dừa và nơi tiếp giáp của thân và bẹ lá. Triệu chứng ban đầu có thể là những vết chảy nhựa sau khô lại và rơi ra để lộ những lổ đục nhỏ hình tròn màu nâu đen, có thể tìm thấy ấu trùng bọ vòi voi ngay dưới những vết chảy nhựa này.

Trên trái, bọ vòi voi gây hại ở cả trái non lẫn trái già nhưng chủ yếu tập trung trên trái non. Trái dừa bị hại thường có 3-5 con bọ vòi voi trưởng thành, ấu trùng rất ít. Trái bị hại có nhiều vết nhựa chảy ra từ vết đục, tập trung quanh cuống trái. Nhựa màu trong suốt sau đó chuyển sang màu vàng, vàng nâu và khô cứng. Ấu trùng gây hại bằng cách đục vào vỏ trái, chúng có thể đục vào tới gáo dừa (giai đoạn trái non). Chúng tấn công khi trái dừa còn non (khoảng 3 tháng sau khi đậu trái, đường kính trái 7-10cm). Nếu tấn công trái dừa non sẽ làm trái bị rụng sớm. Nếu tấn công khi trái lớn (trên 3 tháng tuổi) sẽ làm trái méo mó, kích thước nhỏ. Ngoài gây hại trên trái, bọ vòi voi còn gây hại rễ dừa và thân dừa. Trên thân dừa, triệu chứng đầu tiên để nhận biết là trên thân dừa có đốm màu nâu sậm, chảy mủ màu vàng nâu, kẹo giống như “mủ trôm”, bên trong có nhiều đường hầm nhỏ, chúng sống trong đó đủ mọi giai đoạn (ấu trùng, thành trùng, nhộng), chúng nằm sâu bên trong, gần sát phần gổ, ăn khoét phần gổ dừa. Nơi gây hại ở thường ở gốc khoảng 1m. Chúng còn gây hại rễ dừa, khó phát hiện sớm nhưng khi thấy những tàu lá dưới chuyển màu vàng, dần dần những tàu lá trên cũng vàng (diễn biến xảy ra chậm từ 3-5 tháng), cây dừa kém phát triển, chậm ra lá, trái rụng nhiều đó là những triệu chứng báo hiệu sự xuất hiện và gây hại của bọ vòi voi vùng rễ. Nên thường xuyên thăm vườn dừa để phát hiện sớm sự gây hại của bọ vòi voi, đặc biệt vào mùa nắng là thời điểm mà sự gây hại của bọ vòi voi tăng cao.

 
 
 Bọ vòi voi bị nấm xanh ký sinh chết.


Phòng trừ bọ vòi voi bằng cách phun chế phẩm Nấm xanh (Metarhizium anisopliae) 2 - 3 tuần/lần. Nên phun nấm lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Ngoài ra, nhà vườn cần chú ý thỉnh thoảng nên vệ sinh vườn dừa và vệ sinh cây dừa bằng cách loại bỏ các cuống buồng dừa khô, bẹ lá dừa khô để tạo thông thoáng. Loại bỏ bẹ lá bị nhiễm, trái bị nhiễm bọ vòi voi; trong quá trình vệ sinh vườn hạn chế tạo vết thương trên tàu dừa, thân dừa và rễ dừa để tránh gây ra mùi hương dẫn dụ bọ vòi voi đến gây hại cây.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Vị thế cây dừa Việt Nam
• Khắc phục dừa bị trăng ăn
• Biện pháp quản lý tạm thời sâu đầu đen hại dừa trên địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc
• Biện pháp quản lý tạm thời sâu đầu đen hại dừa Opisina arenosella Walker
• Dừa Bến Tre – cây cho nhiều sản phẩm nhất Việt Nam
• Sâu ăn lá – côn trùng mới gây hại trên cây dừa
• Dừa Bến Tre-cây cho năng lượng sinh khối sạch và hấp thụ khí nhà kính
• Một số giải pháp hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của hạn mặn trên cây dừa
• Anh Huỳnh Thanh Tâm - Người không ngừng nâng cao giá trị cây dừa
• Một số vấn đề cần quan tâm trong canh tác dừa uống nước
• Cảnh báo mối hiểm họa của việc nuôi đuông dừa
• Sâu đục trái dừa-sâu hại mới đang phát triển trên vườn dừa
• Phương pháp thu mật và cách chế biến đường từ mật hoa dừa
• Bọ vòi voi trên cây dừa
• Bọ vòi voi-loài côn trùng mới gây hại trên cây dừa