Kỹ thuật ghép mãng cầu xiêm trên gốc cây bình bát và phòng trừ một số sâu hại trên mãng cầu xiêm

Hiện nay nông dân đang phát triển diện tích trồng mãng cầu xiêm ghép trên gốc cây bình bát vì gốc cây bình bát có khả năng chịu đựng được môi trường ngập úng, mặn nhất là chịu phèn rất tốt. Mãng cầu xiêm được ghép trên gốc cây bình bát tiếp hợp sinh trưởng, kết trái rất tốt, năng suất cao mà không cần phải chăm sóc nhiều. Vì thế, đối với vùng đất nhiễm phèn, mặn có thể đây là hướng sản xuất thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Sau đây là kỹ thuật ghép mãng cầu xiêm trên gốc cây bình bát và biện pháp quản lý một số dịch hại phổ biến trong quá trình sinh trưởng và phát triển.

 

Cách ghép cây rất dễ dàng, sau khi trồng gốc bình bát được 12-18 tháng là tiến hành ghép được. Hiện nay, cách ghép mắt, ghép cửa sổ vẫn là phổ biến và dễ thực hiện nhất. Khi ghép mắt chỉ sử dụng một mắt ở cành ghép cùng với một mãnh vỏ trên có mắt, tốt nhất nên sử dụng gốc ghép và cây lấy mắt ghép đang trong giai đoạn sinh trưởng mạnh. Tuyển chọn mắt ghép kỹ (chọn nhánh lấy mắt ghép phải có đỉnh sinh trưởng đều). Tiến hành bóc một mãnh vỏ ở gốc ghép, kích thước đúng bằng mãnh vỏ mang mắt ghép (độ dài 3-4cm, chiều ngang 2 cm), lấy dao rạch hai đường dọc bằng chiều ngang mắt ghép. Cắt một nhát ngang phía dưới và nạy vỏ cắt ngắn chỉ để lại lưỡi khoảng 1cm, áp mãnh vỏ mang mắt ở cành ghép vào rồi buộc chắt. Sau khi ghép mắt, cần phải che đậy kỹ để không cho nước vào, vì tầng sinh gỗ rất dễ chết do vậy khi bóc xong phải ghép ngay không sờ tay vào và không được làm bẩn. Tốt nhất nên tiến hành ghép vào đầu mùa mưa vì cây đủ nước và dễ hút chất dinh dưỡng trong đất.

 

Khi cây mãng cầu ở thời kỳ cho trái thường bị nhiễm một số sâu hại phổ biến như sâu đục trái, rệp sáp, sâu đục thân.

 

Loài dịch hại đáng quan tâm nhất trên mãng cầu xiêm là sâu đục trái làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng. Sâu đục trái có nhiều loài nhưng phổ biến nhất là loài Conogethes punctiferalis thuộc họ Pyralidae, bộ Lepidoptera. Bướm sâu đục trái tương đối nhỏ, thân dài khoảng 12mm, có màu vàng, trên cánh có nhiều chấm đen. Trứng được đẻ rãi rác trên các trái non. Sâu non có đầu nâu, thân mình màu trắng ửng hồng. Bướm đẻ trứng trên các vết nứt của trái ngay khi trái còn rất nhỏ. Ấu trùng mới nở khi trái còn xanh, cạp trên vỏ trái và đục thành đường hầm phía trong vỏ. Sâu có thể phá hại từ khi trái còn non đến khi trái lớn, lúc trái còn non chúng ăn phần thịt gần cuống trái, làm trái biến dạng và rụng sớm. Sâu tấn công giai đoạn trái phát triển, chỉ ăn phần thịt dưới lớp vỏ trái, ít khi ăn sâu vào bên trong trái, làm trái méo mó, cong queo, giảm giá trị thương phẩm. Rất dễ phát hiện những trái bị sâu tấn công, thấy có nhiều phân màu đen, kết dính lại gần ngay vết đục. Sau khi đẫy sức, chúng làm nhộng ngay bên ngoài trái. Sâu có thể phá hại một phần hoặc cả trái. Trên những vườn bị nhiễm sâu đục trái nặng, đôi khi gần hết số trái trên cây đều bị sâu. Trên một trái có thể có một hoặc nhiều con sâu tấn công. Quản lý sâu đục trái nên áp dụng biện pháp bao trái rất hiệu quả. Thăm vườn thường xuyên nhất là giai đoạn ra trái non, phát hiện triệu chứng trên trái có những vệt đen nhỏ và phân của sâu thải ra ngoài vỏ trái thì nên loại bỏ những trái bị sâu và phun thuốc phòng trừ. Sử dụng nhóm thuốc sinh học như: Dipel 6.4WG, Vineem 1500 EC, chế phẩm Nấm xanh,… Chỉ phun thuốc những cây bị nhiễm, không phun tràn lan hết vườn để bảo vệ nguồn thiên địch.

 

image
 

 

 

Ngoài sâu đục trái, mãng cầu xiêm thường bị rệp sáp phấn gây hại. Rệp chích hút đọt non, hoa và trái non. Rệp thường sống tập trung mật số cao trong suốt giai đoạn của trái. Rệp chích hút làm đọt non bị thui chột, hoa và trái non dễ rụng hoặc bị chai không phát triển, phẩm chất trái bị giảm. Ngoài ra, mật ngọt do rệp tiết ra còn tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển tạo thành lớp màng đen bao phủ lá, trái,… làm ảnh hưởng đến sự quang hợp, cây còi cọc, kém phát triển. Để hạn chế tác hại của rệp sáp cần áp dụng nhiều biện pháp. Phun nước với áp lực mạnh xoáy vào những chổ bị rệp bám sẽ rửa trôi bớt rệp; thường xuyên dọn dẹp vệ sinh vườn; trồng chuyên hoặc trồng xen một cách hợp lý để tạo thông thoáng vườn cây; thường xuyên thăm vườn nhất là giai đoạn ra hoa, trái non để sớm phát hiện rệp sáp gây hại và có biện pháp phòng trừ. Một số thuốc hóa học có hiệu quả trên rệp sáp như: Dầu khoáng SK Enspray 99EC, Movento 150OD,…

 

image

 

 

Khi cây mãng cầu bắt đầu có trái thì thường bị sâu đục thân gây hại, nếu bị nhiễm nặng không phòng trị kịp thời có thể đưa đến chết cây. Trưởng thành sâu đục thân là một loài xén tóc thuộc họ Cerambycidae, bộ Coleoptera. Loài này gây hại trên cả thân và cành cây. Trưởng thành có thân mình cứng, màu đen, dài khoảng 25 - 30mm. Râu đầu dài và cứng. Con cái đẻ trứng rời rạc trên gốc cành và các vết nứt trên vỏ cây. Ấu trùng mới nở có màu vàng nhạt, tuổi lớn có màu vàng nâu. Khi nở ra, ấu trùng chui qua vỏ vào trong đục thành đường hầm ngay dưới vỏ cây. Khi lớn sâu đục vào trong phần gỗ của thân chính hoặc các cành lớn, làm cành bị chết khô. Trên các cành nhỏ thì sâu đục bên trong thân, còn các cành lớn sâu chỉ cạp bên ngoài vỏ, làm thành những đường hầm sát vỏ thân, đôi khi đùn phân ra ngoài. Ấu trùng gây hại từ thân cây, nhánh nhỏ đến nhánh lớn. Có thể nhận biết sự xuất hiện gây hại của sâu khi thấy trên cây có đùn phân hoặc phân rơi vãi xuống đất. Cần phát hiện sớm sẽ dễ phòng trị hơn vì khi quá trễ, ấu trùng càng chui sâu vào bên trong. Đối với sâu đục thân  áp dụng biện pháp thủ công có hiệu quả cao, dùng dao nhỏ khoét ngay lổ đục bắt sâu hoặc dùng bông gòn thấm thuốc (nên dùng các loại thuốc có tính lưu dẫn hoặc xông hơi) nhét vào lổ đục và lấy đất sét trám bít lại. Sau khi nhét thuốc vào lổ đục nên quét thuốc gốc Đồng bên ngoài để phòng nấm bệnh tấn công qua lổ đục.

 

Có thể nói mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát là cây trồng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu nhất là trên những vùng đất nhiễm phèn, mặn. Tuy nhiên, để thâm canh mãng cầu xiêm đạt năng suất mang lại hiệu quả kinh tế cao đòi hỏi nông dân phải quan tâm chăm sóc tốt từ kỹ thuật canh tác đến quản lý dịch hại.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Một số điểm đặc trưng trong quá trình sinh trưởng, phát triển cây mít ruột đỏ lá bầu
• Tỉa cành, tạo tán đối với cây ăn trái có thật sự cần thiết?
• Trồng ớt trong mùa mưa – những điều cần lưu ý để đạt năng suất và chất lượng
• Những vấn đề cần lưu ý trong chăm sóc vườn cây ăn trái đầu mùa mưa
• Kỹ thuật trồng chanh dây theo hướng an toàn
• Phòng trừ sâu bệnh hại xoài trong mùa nắng
• Kỹ thuật trồng na Thái đạt năng suất và chất lượng
• Một số vấn đề cần lưu ý để có vườn đu đủ năng suất cao
• Lưu ý sâu bệnh gây hại cây bòn bon Thái vào đầu mùa mưa
• Một số giải pháp canh tác cây có múi trong điều kiện hạn mặn
• Một số ghi nhận từ việc xử lý ra hoa bòn bon
• Một số sâu hại phổ biến trên cây Sapô trong mùa nắng nóng
• Chăm sóc vườn cây có múi trong mùa mưa lũ
• Quản lý một số bệnh thường gặp trên đu đủ
• Phòng trừ rầy phấn trắng và bọ xít muỗi gây hại trên cây ổi