Chiều sâu từ hoạt động nghiên cứu khoa học ở một đề tài khoa học cấp Quốc gia lần đầu tiên triển khai tại Bến Tre
Từ ngày 29/7 đến ngày 1/8/2019, Viện Tâm lý học thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã tổ chức triển khai đợt khảo sát khoa học phục vụ đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia “Bản sắc con người Tây Nam Bộ trong bối cảnh phát triển mới” do PGS.TS. Lã Thị Thu Thủy, viện trưởng Viện Tâm lý học làm chủ nhiệm và trực tiếp phụ trách đợt khảo sát tại Bến Tre.
PGS.TS. Lã Thị Thu Thủy (đứng) chủ nhiệm đề tài trao đổi với các chuyên gia về kế hoạch khảo sát tại Bến Tre. Ảnh TL. |
Đây là đề tài khoa học có tầm quan trọng và ý nghĩa hết sức đặc biệt trong quá trình cả nước và Bến Tre đang tiến hành hoạch định đường lối chính sách phát triển cho giai đoạn 2020-2030 và nhiệm kỳ Đại hội đảng các cấp 2020 – 2025. Với việc được chọn là địa bàn triển khai khảo sát mang tính đại diện cho cả vùng Tây Nam Bộ, những đặc trưng văn hóa của mảnh đất con người Bến Tre từ góc nhìn lịch sử, dân tộc học, văn hóa học và đặc biệt là tâm lý học… Bến Tre đã được khẳng định là địa bàn góp phần quan trọng giúp nhóm thành viên đề tài thực hiện tốt phương pháp nghiên cứu, cách tiếp cận phù hợp với một đề tài nghiên cứu qui mô cấp quốc gia về bản sắc con người Tây Nam Bộ trong bối cảnh phát triển mới.
Sinh viên trường Cao đẳng Bến Tre (phải) phỏng vấn sâu người dân ở UBND xã Quới Thành. Ảnh TL. |
Tham gia hỗ trợ nhóm 5 thành viên đề tài đến từ Hà Nội là những chuyên gia tâm lý đầu ngành của Viện Tâm lý học còn có nhóm sinh viên trường Cao đẳng Bến Tre, nhóm nghiên cứu và cộng tác viên đã tiến hành 1 đợt khảo sát điểm có quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở Bến Tre. 10 thành viên nhóm nghiên cứu và cộng tác viên đã đến từng hộ dân ở 2 xã Quới Thành và Tân Phú của huyện Châu Thành trong 4 ngày từ 29/7 đến 1/8/2019. Theo PGS.TS. Lã Thị Thu Thủy, chủ nhiệm đề tài sau khi kết thúc đợt khảo sát: để đề tài triển khai đảm bảo chất lượng khoa học cao nhất dưới góc độ dân tộc học, đảm bảo sự cân bằng giữa bản sắc chung và đặc trưng của các cộng đồng dân cư, công tác khảo sát, điều tra xã hội học, phỏng vấn sâu được nhóm nghiên cứu hết sức coi trọng và quan tâm đầu tư, chuẩn bị chu đáo ngay từ khi hội thảo triển khai ở Hà Nội. Ở Bến Tre, nhóm nghiên cứu đã được tạo nhiều điều kiện hết sức thuận lợi từ tỉnh đến huyện, xã, ấp, hộ dân... nên kết quả khảo sát thu được rất khả quan. Dưới góc độ văn hóa, bản sắc là những gợi ý rất mới, bản sắc không phải là cái tĩnh tại mà luôn vận động trong bối cảnh mới với các trụ cột phát triển bền vững cụ thể. Do đó nhóm nghiên cứu đã rất tỷ mỹ trong thiết kế 2 bộ mẫu phiếu khảo sát 12 trang A4, tổ chức khảo sát mẫu và tập huấn cho cộng tác viên tham gia khảo sát. Kết quả khảo sát ở Bến Tre cũng như 7 tỉnh, thành khác ở Tây Nam bộ sẽ được xử lý, đúc kết trên cơ sở các chuẩn mực, quy định, hương ước làng Tây Nam Bộ để so sánh với hương ước của Bắc Bộ và từ đó có những góp ý cho chính sách của khu vực và quốc gia…
PGS.TS. Lã Thị Thu Thủy (trái) và ThS. Phạm Văn Luân trong buổi làm việc kết thúc chuyến khảo sát tại Bến Tre. Ảnh TL. |
Theo ThS. Phạm Văn Luân, phó trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Quan hệ Quốc tế, Trường CĐ Bến Tre, đây là 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia lần đầu tiên được triển khai nghiên cứu ở Bến Tre với cách tiếp cận ở góc độ liên ngành, không chỉ định lượng mà còn định tính…do đó hoạt động khảo sát, điều tra xã hội học ở Bến Tre là rất quan trọng. Việc triển khai hoạt động khảo sát của đề tài không đơn thuần là để thực hiện theo đúng mục tiêu, tiến độ đề tài, việc tiếp cận, tham gia đề tài với vai trò cộng tác viên của sinh viên nhà trường đã giúp các em sinh viên có cơ hội trải nghiệm sâu sắc hoạt động nghiên cứu khoa học ở cộng đồng với nhiều bài học bổ ích mà sách vở, thầy cô không thể trang bị được.
Được biết, sau đợt khảo sát thực tiễn này Viện Tâm lý học sẽ tổ chức một số hội thảo chuyên đề tại tỉnh Trà Vinh và Tp Hồ Chí Minh để trưng cầu ý kiến các nhà khoa học và cộng đồng địa phương để phác thảo được “Bản sắc con người Tây Nam Bộ trong bối cảnh phát triển mới”.