Cơ hội khởi nghiệp từ mô hình kinh tế chia sẻ Bến Tre

Tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới là mục tiêu của Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 mà Bến Tre đang tập trung mọi nguồn lực thực hiện. Và dĩ nhiên, ở Bến Tre không thiếu cơ hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ mô hình kinh tế chia sẻ (KTCS) ngay những ngày khởi sự khởi nghiệp.


Mô hình KTCS


Có nhiều cách hiểu KTCS tồn tại với các tên gọi khác nhau như kinh tế cộng tác, kinh tế nền tảng, kinh tế truy cập, kinh tế dựa trên các ứng dụng di động,… Tuy nhiên, xét về bản chất, KTCS là một mô hình kinh doanh mới của kinh tế ngang hàng, tận dụng lợi thế của phát triển công nghệ số giúp tiết kiệm chi phí giao dịch và cách tiếp cận một số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số; từ đó tái phân phối, hạn chế dư thừa, gia tăng giá trị cho nền kinh tế; KTCS không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế riêng trong nền kinh tế và nó có thể làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, chuyển từ sở hữu sang chia sẻ sản phẩm. Các bên tham gia mô hình KTCS bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng.

 

Hiểu đơn giản đây là mô hình kinh tế mà người tiêu dùng có thể tận dụng những nguồn lực dư thừa của nhau từ việc cho thuê mướn bất cứ thứ gì mà mình đang không sử dụng như xe cộ, nhà cửa, chỗ để xe... thông qua mạng Internet và những công ty kết nối cung - cầu. Chủ sở hữu không những kiếm tiền từ những tài sản chưa tận dụng hết mà còn có ý nghĩa về môi trường. Vì nó tái phân phối tài nguyên đang không được sử dụng hiệu quả sang chỗ mà nó được dùng hiệu quả hơn, vừa để tiết kiệm tiền của người dùng và tài nguyên của xã hội.

 

Cơ sở hạ tầng internet tốc độ cao liên tục được nâng cấp, đang dần hoàn thiện và bao phủ rộng khắp cùng với tỷ lệ người dùng các thiết bị thông minh: điện tử, điện thoại, máy tính bảng ngày càng cao, phổ biến hơn là các tác nhân thúc đẩy độ phủ của các doanh nghiệp trong ngành này.

 

Việt Nam cho phép thí điểm mô hình kinh doanh ứng dụng dịch công nghệ kết nối vận tải (Uber, Grab) từ năm 2014. Tuy nhiên, đến tháng 4/2018, Uber đã rút khỏi thị trường Đông Nam Á và đổi lấy 27,5% cổ phần của Grab (Hà Thu, 2018). Sau đó các mô hình KTCS phát triển mạnh ở thị trường Việt Nam nhờ vào ứng dụng các công nghệ VATO, Gonow của Viettel, T.Net của FPT.

 

Airbnb là một mô hình kết nối người cần thuê nhà với những gia đình có phòng trống cần cho thuê thông qua ứng dụng di động tương tự như Uber, Grab. Đây là loại hình dịch vụ tương đối mới, hoạt động theo mô hình nền tảng phi tập trung, tất cả việc thanh toán chỉ sử dụng thẻ tín dụng và thông qua Airbnb. Từ  đây nhà trung gian này sẽ  thu một khoản phí đối với cả  người cần đặt phòng và chủ  nhà. Khoản phí đối với chủ nhà ở mức 3% tổng giá trị đặt phòng, phí thu khách đặt phòng ở mức 6 - 12% và mức phí này sẽ  hiển thị luôn trong quá trình khách sử dụng dịch vụ (Linkedin, 2017).

 

Dịch vụ cung cấp nền tảng đã được ứng dụng như Triip.me, Travelmob sử dụng nguồn lực của cộng đồng để thiết kế, kết nối với người dân tại địa phương tạo nên các tour du lịch trên toàn thế giới. Dịch vụ cung cấp nền tảng kết nối giữa bên cho vay và người đi vay như lendbiz.vn, tima.vn…  hay các ứng dụng giúp việc theo giờ, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa của Okiaf,…

 

Phát triển mô hình KTCS từ kinh tế truyền thống Bến Tre


Bến Tre cũng như các tỉnh khác đều được thụ hưởng thành quả của mô hình KTCS, cùng với triển vọng lạc quan về tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường thương mại điện tử cả nước đạt từ 20-25% một năm và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành, nhất là ngành khoa học và công nghệ nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình KTCS và kinh tế truyền thống; bảo vệ quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình KTCS; khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.

 

Ngày 12/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình KTCS với quan điểm là ủng hộ và thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình KTCS, không cần thiết phải có các chính sách riêng biệt cho hình thức kinh doanh theo mô hình này do KTCS không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế riêng biệt; Nhà nước khuyến khích, ưu tiên tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp cung cấp nền tảng; đặt doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo; Nhà nước sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển tạo lập các nền tảng số, hỗ trợ chuyển đổi số, số hóa ở cấp độ doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. Điểm đáng chú ý trong đề án là Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới (dạng sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình KTCS trên cơ sở phù hợp với lợi ích và trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia cũng được khuyến khích phát triển.

 

Bến Tre đã có sự hiện diện của Công ty TNHH Trung tâm Nội Dung Số thuộc Tập đoàn Yeah1; trụ sở chính đặt tại 48 Hai Bà Trưng Phường 2 thành phố Bến Tre tỉnh Bến Tre, kinh doanh lĩnh vực quảng cáo trên nền tảng kỹ thuật số, trong đó có Vườn ươm khởi nghiệp nội dung số. Đây là cơ hội tốt để cộng đồng khởi nghiệp Bến Tre ươm tạo, tăng tốc và phát triển khởi nghiệp nội dung số.

 

Hơn nữa, Bến Tre có rất nhiều mô hình kinh tế truyền thống khác biệt, sẵn có có thể chuyển đổi để phát triển thành mô hình KTCS điển hình là cho thuê vườn cây ăn trái, cho thuê hoa kiểng, cho thuê nghệ nhân chăm sóc hoa kiểng, nhân công có tay nghề cao nhân giống cây trồng, dịch vụ thiết kế - chăm sóc vườn cây ăn trái, thiết kế và trang trí sản phẩm từ lá dừa, cho thuê đất để canh tác.

 

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre đang khẩn trương xây dựng Đề án thành lập Vườn ươm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh, trong đó sẽ đề cập đến nội dung thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới (dạng sandbox) cho việc - triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình KTCS, dự kiến đề án thông qua trong quý IV năm 2019, trụ sở đặt tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Bến Tre. Sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm sẽ là nơi cung cấp không gian lý tưởng cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh nhà, đặc biệt là khởi nghiệp từ các mô hình KTCS.

 

Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre tiếp tục tranh thủ Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ địa phương thực hiện Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025: “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0” theo Quyết định 2813/QĐ-BKHCN ngày 27/9/2018 và Quyết định số 3685/QĐ-BKHCN 03/12/2018 Danh mục các công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 của Bộ Khoa học và Công nghệ, đặc biệt nghiên cứu và ứng dụng rộng khắp các công nghệ số giữ vai trò nền tảng như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, IoT để thúc đẩy sự phát triển của các mô hình KTCS.

 

Tuy mới xuất hiện, mô hình KTCS đang được kỳ vọng sẽ đem lại cho tỉnh nhà nhiều cơ hội hơn, trong khi mô hình tăng trưởng truyền thống không còn nhiều dư địa, Bến Tre sẽ tận dụng, phát huy và để trở thành nhân tố động lực mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022