Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia

Đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN) là đầu tư cho tương lai, là điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và hội nhập - cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế tri thức toàn cầu hoá. Cùng với quá trình đổi mới, Nhà nước ta đã từng bước ban hành nhiều chính sách nhằm đổi mới cơ chế quản lý KH&CN, tạo ra những chuyển biến quan trọng trong hoạt động khoa học, thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ. Sự ra đời của Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia một mặt đa dạng hóa nguồn đầu tư cho KH&CN; mặt khác, là một phương thức mới trong quản lý KH&CN ở nước ta hiện nay.

Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của hơn 20 năm đổi mới đã tạo ra những tiền đề mới cho sự phát triển KH&CN của nước ta trong thời gian tới. Nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, liên tục trong thời gian qua là điều kiện thuận lợi để tăng đầu tư cho phát triển KH&CN, thúc đẩy đổi mới công nghệ và ứng dụng thành tựu của KH&CN vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để nâng cao chất lượng, tính đa dạng và hiệu quả ứng dụng của các kết quả nghiên cứu, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia ra đời sẽ đáp ứng yêu cầu tất yếu trên cả 2 phương diện lý luận và thực tiễn.

Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia được đưa vào hoạt động, tức là đưa một phương thức mới vào quản lý KH&CN, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, xu thế chung của tất cả các nước trên thế giới. Đây là một việc mới, cần có thời gian chuẩn bị nghiêm túc, kể cả việc cử các đoàn cán bộ đi học tập, tìm hiểu cụ thể tại các Quỹ ở nước ngoài nhằm mục tiêu là khi đưa Quỹ vào hoạt động phải tạo ra chuyển biến thật sự trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng các nhà khoa học phụng sự đất nước.

Vài nét về Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia

Quỹ có tên giao dịch quốc tế là National Foundation for Science and Technology Development, viết tắt là NAFOSTED, được thành lập theo Nghị định số 122/2003/NĐ-CP ngày 22.10.2003 của Chính phủ. Quỹ trực thuộc Bộ KH&CN, có nhiệm vụ tài trợ, cho vay thực hiện các nhiệm vụ KH&CN do các tổ chức và cá nhân đề xuất.

Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng trong và ngoài nước. Vốn được cấp khi thành lập là 200 tỷ đồng từ ngân sách sự nghiệp khoa học và được bổ sung hàng năm để đảm bảo vốn hoạt động của Quỹ ít nhất bằng 200 tỷ đồng, đồng thời huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách khác như: Các khoản đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước…

Phương thức, phạm vi tài trợ và cho vay: Quỹ tài trợ không hoàn lại toàn phần hoặc một phần cho việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN do các tổ chức, cá nhân đề xuất, bao gồm: Nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực khoa học, nhiệm vụ KH&CN đột xuất mới phát sinh có ý nghĩa quan trọng về khoa học và thực tiễn, nhiệm vụ KH&CN có triển vọng nhưng có tính rủi ro, xuất bản công trình KH&CN. Tài trợ cho các dự án sản xuất thử nghiệm không nằm trong kế hoạch phát triển KH&CN Nhà nước. Tài trợ không thu hồi không quá 30% kinh phí cho doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ KH&CN thuộc hướng KH&CN ưu tiên của Nhà nước. Cho vay không lấy lãi đối với các dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra trong nước. Cho vay với mức lãi suất thấp đối với các dự án đổi mới công nghệ, chú trọng đến công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao.

Tổ chức bộ máy của Quỹ: Bộ máy quản lý và điều hành của Quỹ gồm Hội đồng quản lý Quỹ, Cơ quan điều hành Quỹ và Ban kiểm soát Quỹ.

Hội đồng quản lý Quỹ gồm các thành viên là nhà khoa học, nhà quản lý hoạt động kiêm nhiệm theo nhiệm kỳ 5 năm. Chủ tịch Quỹ là Thứ trưởng Bộ KH&CN.

Cơ quan điều hành Quỹ gồm có Giám đốc Quỹ, các Phó Giám đốc Quỹ, các đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ và các văn phòng đại diện. Giám đốc Quỹ là đại diện pháp nhân của Quỹ do Bộ trưởng Bộ KH&CN quyết định bổ nhiệm.

Ban kiểm soát Quỹ gồm Trưởng ban và các thành viên do Hội đồng quản lý Quỹ bổ nhiệm, miễn nhiệm.

Xét chọn, đánh giá đề tài, dự án: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kế hoạch của Quỹ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Quỹ thông báo công khai phương hướng, các lĩnh vực ưu tiên và các quy định về việc tài trợ, cho vay của Quỹ. Tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN, doanh nghiệp Việt Nam muốn được tài trợ, được vay phải nộp đơn xin tài trợ, vay theo các quy định của Quỹ. Hội đồng KH&CN (do Quỹ quyết định thành lập) thực hiện đánh giá, xét chọn nhiệm vụ KH&CN để Quỹ tài trợ, cho vay. Quy chế xét chọn nhiệm vụ KH&CN được ban hành trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc: Nhiệm vụ KH&CN được chọn phải phù hợp với đối tượng được tài trợ, cho vay của Quỹ theo quy định tại Điều 3 của Nghị định số 122/2003/NĐ-CP của Chính phủ; đề cương nghiên cứu phải đảm bảo các tiêu chí về khoa học và tính khả thi; người đề nghị nhiệm vụ KH&CN phải đủ phẩm chất, năng lực để thực hiện nhiệm vụ.

Quỹ Phát triển KH&CN - Bước tiến mới trong đầu tư và quản lý các hoạt động KH&CN

Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia ra đời đánh dấu một bước tiến mới trong quản lý và đầu tư cho các hoạt động KH&CN nhằm mục đích thúc đẩy phát triển KH&CN, tạo lập môi trường cho phát triển thị trường công nghệ; đổi mới quản lý và tổ chức hoạt động KH&CN gắn với lợi ích của người sáng tạo và các thành phần kinh tế.

Quỹ tài trợ cho công tác nghiên cứu trên hầu hết các lĩnh vực thuộc khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học công nghệ, khoa học giáo dục…; các nhiệm vụ KH&CN đột xuất, mới phát sinh có ý nghĩa quan trọng về khoa học và thực tiễn, các nhiệm vụ KH&CN có triển vọng nhưng có tính rủi ro cao, các dự án sản xuất thử nghiệm; nhiệm vụ KH&CN ưu tiên của Nhà nước do doanh nghiệp thực hiện. Nhiệm vụ KH&CN do tổ chức, cá nhân đề xuất xin tài trợ, vay vốn của Quỹ được xét chọn công khai, dân chủ, bình đẳng thông qua Hội đồng KH&CN do Quỹ thành lập. Các nhiệm vụ KH&CN xin tài trợ được Quỹ tổ chức đánh giá bằng phương pháp chuyên gia. Ngân hàng chuyên gia đánh giá gồm những nhà khoa học, nhà công nghệ tiêu biểu phản ánh được những bức xúc và hơi thở của cuộc sống, được lựa chọn từ những lĩnh vực KH&CN tương ứng thuộc các viện nghiên cứu, trường đại học trên toàn quốc.

Việc thực hiện phương thức quản lý hoạt động KH&CN thông qua Quỹ giúp nâng cao hiệu quả nghiên cứu vì nó trực tiếp hỗ trợ cho các nhà khoa học có năng lực nhất; nâng cao chất lượng và tính trách nhiệm của công trình nghiên cứu; giảm nhẹ thủ tục quản lý hành chính, tránh được các ảnh hưởng của cách quản lý theo kế hoạch hàng năm; tập trung các hoạt động nghiên cứu theo các hướng ưu tiên của quốc gia; tăng cường hệ thống nghiên cứu có định hướng, mục tiêu; tăng cường mối liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu và ứng dụng, tăng cường phạm vi hợp tác giữa các tổ chức trong cả khu vực công và khu vực tư nhân; tăng cường vai trò của các trường đại học trong hoạt động nghiên cứu; quá trình thẩm định dự án được thực hiện thông qua sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia, do đó làm tăng chất lượng của dự án; làm thay đổi văn hoá nghiên cứu khoa học.

Quản lý và đầu tư cho hoạt động KH&CN theo hình thức Quỹ sẽ tạo ra cơ chế quản lý khoa học, linh hoạt, không bị ràng buộc bởi thời gian năm tài chính, sử dụng kinh phí có hiệu quả; tách một phần điều hành cụ thể ra khỏi quản lý vĩ mô, tránh tình trạng hành chính hóa trong hoạt động KH&CN.

Quỹ ra đời còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự tăng cường hợp tác nghiên cứu trong khoa học thông qua việc tài trợ cho các nhà khoa học tham gia vào các hội nghị, hội thảo khoa học và các chương trình hợp tác giữa các quỹ khoa học của các nước trong khu vực và trên thế giới; góp phần hình thành các nhóm, trường phái nghiên cứu.

Trong hệ thống quản lý hoạt động KH&CN, có sự phân cấp rất rõ ràng về chức năng, trách nhiệm và nhiệm vụ (giữa Quỹ, nhà khoa học và cơ quan chủ trì đề tài) và đều tuân thủ nghiêm ngặt một hệ thống quy chế rất chi tiết và cụ thể.

Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia có chức năng, nhiệm vụ, mục đích rõ ràng và được tổ chức theo một hệ thống chặt chẽ với một kế hoạch làm việc rất cụ thể. Dựa trên Nghị định số 122/2003/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ KH&CN ban hành, Quỹ xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm; xây dựng quy chế quản lý (đảm bảo tính khách quan, trung thực nhất trong quá trình xác định ưu tiên, tuyển chọn, đánh giá... các đề tài nghiên cứu). Đây là điểm mấu chốt nhất đem đến hiệu quả cao trong hoạt động KH&CN, đúng với tinh thần và những lợi ích mà Quỹ sẽ đem lại. Các nhà khoa học hình thành các nhóm nghiên cứu theo các hướng ưu tiên, tổ chức xây dựng thuyết minh đề tài, dự án, tổ chức thực hiện đề tài, dự án trong sự kết hợp với đào tạo và phục vụ thực tế, công bố các kết quả nghiên cứu... Cơ quan chủ trì đề tài, dự án thực hiện hỗ trợ cho các nhà khoa học chuẩn bị thuyết minh đề tài, dự án; xác nhận và cam kết với cơ quan tài trợ việc hỗ trợ (cơ sở vật chất, trang thiết bị...) cho các nhà khoa học thực hiện đề tài, dự án, nhất là chi tiêu tài chính (đúng hợp đồng và đúng quy định). Bộ ba này về mặt quyền lợi và nghĩa vụ hoàn toàn không có mâu thuẫn mà là một quan hệ hợp tác hỗ trợ lẫn nhau, tạo thành một thể hoàn chỉnh để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN theo một chiến lược tổng thể thông qua các hợp đồng, kế hoạch hàng năm, trung hạn và dài hạn.

Với sự ra đời của mình, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia góp phần làm đa dạng hoá các nguồn kinh phí cho hoạt động KH&CN, tạo các ưu đãi tín dụng cho các tổ chức, cá nhân, giúp họ có thể vay vốn với lãi suất thấp để thực hiện việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống; góp phần tạo ra môi trường liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà khoa học, nhằm đáp ứng đòi hỏi của quá trình hội nhập. Từng bước loại bỏ rào cản đối với tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN trong quá trình thương mại hoá các sản phẩm KH&CN; nâng cao kỹ năng cung cấp tài chính cho những hoạt động này. Cụ thể là tính kịp thời về tài chính, sự tiếp cận thuận tiện, việc giải ngân giai đoạn đầu cho nghiên cứu và phát triển, giai đoạn “nảy mầm”, giai đoạn sản xuất thử nghiệm... Với những ưu điểm nêu trên, chúng ta hy vọng Quỹ đi vào hoạt động sẽ tạo ra một bước tiến mới trong hoạt động KH&CN, đóng góp có hiệu quả cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Theo Tạp chí hoạt động khoa học

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”
• Công bố quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Khác biệt chưa biết về chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài Tứ Quý
• Phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng xăng dầu
• Bến Tre: Tập huấn về cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF và hướng dẫn nghiệm thu công trình khí sinh học trong chăn nuôi cho cán bộ kiểm tra chất lượng và thợ xây, thợ lắp đặt tại địa phương
• Hội thảo “Giải pháp khai thác hiệu quả các bãi bồi, cồn nổi ven sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Sản phẩm gạo “Thạnh Phú” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý