Bến Tre lần đầu tiên công bố nghiên cứu ứng dụng thành công và đưa vào thương mại hoá sản phẩm xử lý môi trường nước trong nuôi thuỷ sản - KBM

Ngày 27/9/2019, tại Khu Forever Green Resort, ấp Phú Khương, xã Phú Túc, huyện Châu Thành, Công ty TNHH Một thành viên Vĩnh Thanh Bến Tre (EverGreen) đã phối hợp với Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học (IMBT) trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo giới thiệu sản phẩm men vi sinh KBM xử lý môi trường nuôi thủy sản. Tham dự Hội thảo có ông Lê Quanh Vịnh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Châu Thành, TS Đặng Hoàng Vinh, Phó Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học và gần 100 đại biểu đến từ các trường ĐH, CĐ, Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp từ Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Trà Vinh, Kiên Giang, đại diện các trang trại, bà con nuôi tôm, nhóm sáng tạo khởi nghiệp trong tỉnh Bến Tre…

 

image
Bà Trương Thị Nhi, Giám đốc EverGreen (thứ 2 từ trái) phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Anh Đức).

 

Tại Hội thảo, bà Trương Thị Nhi, Giám đốc EverGreen đã xúc động công bố câu chuyện trăn trở của bà về môi trường nước ô nhiễm do chăn nuôi sau 32 năm sống ở nước ngoài về Việt Nam gặp phải… bức xúc từ vấn nạn này đã giúp bà nảy sinh ý tưởng làm một điều gì đó để cải thiện tình hình ô nhiễm môi trường nước cách nay 10 năm. Nung nấu sau 3 năm thực hiện dự án nghiên cứu ứng dụng, kiên trì “Việt hóa” men vi sinh KBM do 1 người bạn tâm huyết với Việt Nam từ Hàn Quốc chia sẻ, được sự phối hợp về chuyên môn của các nhà khoa học đến từ Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học, về trang trại thực nghiệm với diện tích 35 ha của anh Võ Thành Công-Cty Quốc Trung, xã Phú Long, huyện Bình Đại và sự chung tay của nhiều cộng sự, đến hôm nay thành quả lao động khoa học đã cho ra đời một chế phẩm sinh học lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam: KBM với 200 nhóm vi sinh có lợi theo tiêu chuẩn công bố: TCCS 01:2019/EVG, Mã số đăng ký: 02001196 TCTS đã được Tổng cục Thủy sản cấp phép lưu hành.

 

Tại Hội thảo, bà Trần Thị Thu Nga – Chuyên gia của dự án trong tham luận “Chế phẩm sinh học đối với thủy sản nuôi” đã cho biết, là người trực tiếp tham gia dự án này 3 năm qua theo sát diễn trình nghiên cứu của các nhà khoa học đầu ngành thuộc các lĩnh vực khác nhau trong ngành Công nghệ sinh học của cả nước, bà khẳng định chế phẩm KBM là chất phân hủy sinh học có nguồn gốc tự nhiên gồm 2 thành phần chính là:

 

- Bacillus subtilis là nhóm vi khuẩn có thể tạo ra nhiều nhóm ezyme ngoại bào, đóng góp rất lớn vào quá trình phân giải và hấp thu thức ăn trong đường ruột. 

 

- Lactobacillus plantarum là nhóm vi khuẩn lactic có khả năng tạo ra các chất ức chế vi sinh vật không cơ lợi như acid lactic, các kháng sinh gốc peptide.

 

KBM có đặc tính vượt trội trong xử lý chất lơ lửng và chất bẩn trong nước và trong đáy ao, làm tăng cường quá trình khoáng hóa chất hữu cơ và loại bỏ những tạp chất thải trong nước. KBM còn xử lý nước tuần hoàn theo chu kỳ, giúp người nuôi tiết kiệm nguồn nước cấp và giảm chi phí xử lý môi trường.

 

Không chỉ đạt chuẩn trên giấy phép hay kết quả kiểm nghiệm mà trong thực tế sử dụng của người nuôi tôm ở Bình Đại trong 3 năm qua đã khẳng định tính ưu việt của KBM, ông Võ Thành Công người trực tiếp sử dụng KBM cho biết, về cảm quan cá, tôm nuôi trong môi trường nước có xử lý KBM đã cải thiện tối đa tình trạng dễ bị nhiễm bệnh do các loài vi khuẩn xâm nhập, cá tôm bơi lội năng động hơn, tăng trưởng nhanh hơn, màu sắc sáng đẹp, thịt săn chắc, không có mùi hôi như cá tôm nuôi trong các loại ao nuôi khác. Điểm đặc biệt mà người nông dân quan tâm nhất là giá thành, KBM thấp hơn các chế phẩm sinh học khác hiện có trên thị trường từ 10 – 20 % và bà Trương Thị Nhi, Giám đốc EverGreen đã khẳng định trước sau như một, Công ty của bà thực hiện sản phẩm này là không vì lợi nhuận mà vì môi trường và cuộc sống của nông dân.

 

Trong tham luận trình bày tại Hội thảo có nhan đề “Sản phẩm KBM dưới góc độ khoa học và kinh tế”, TS Đặng Hoàng Vinh, Phó viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học cho biết thực hiện dự án nghiên cứu này không đơn thuần là hoạt động chuyên môn mà còn là tình cảm của Viện dành cho Bến Tre và nhất là để đáp lại tấm lòng chăm lo, bảo vệ môi trường, bảo vệ con tôm, con cá Việt Nam của bà Trương Thị Nhi, Giám đốc EverGreen  nên thời gian nghiên cứu có kéo dài do phải đưa vi sinh ra nước ngoài nghiên cứu… Viện vẫn quyết tâm thực hiện cho bằng được và có được sản phẩm KBM ở Bến Tre là một thành công rất đáng khích lệ của Viện khi thực hiện một dự án hợp tác nghiên cứu với doanh nghiệp đầu tiên ở Bến Tre. TS cũng tin tưởng rằng với KBM, không chỉ có bà con nuôi tôm, cá, mà cả bà con chăn nuôi heo và hộ dân ở đô thị bị ô nhiễm nước cũng được hưởng lợi khi dùng chế phẩm mới này để xử lý nước thải.

 

image

ThS Phạm Văn Luân (bìa trái) trao đổi tài liệu với Bà Trương Thị Nhi, Giám đốc EverGreen

tại Hội thảo. (Ảnh: LT).

 

Theo ThS Phạm Văn Luân, Phó Trưởng phòng NCKH-QHQT, Trường CĐ Bến Tre, qua trao đổi ở Hội thảo, chia sẻ với các chuyên gia, cách tiếp cận và quy trình xử lý môi trường nước trong nuôi tôm, cá từ KBM tương tự cách làm của các chuyên gia Nhật Bản làm sạch sông Tô Lịch ở Hà Nội nên việc phát triển KBM có dư địa rất lớn, không chỉ trong chăn nuôi mà cả trong bảo vệ môi trường ở nông thôn và thành thị.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi